(VietNamNet) - Mặt đường bê tông được đào lên, có chỗ thành ao sâu hoắm dài mấy chục mét, cá bơi lội tung tăng, đàn ngan hơn hai chục con ung dung rỉa lông rỉa cánh...
Vỉa hè thành đường, đường thành ao... Ảnh: H.Vinh |
Trồng rau, câu cá, thả ngan... trên đường Bê tông
Trên đường Khuất Duy Tiến (trước đây gọi là đường Bê tông) từ Trung Hoà đi Quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi) đang rộng thênh thang bỗng khựng lại. Đoạn từ phố Lê Văn Lương tới phố Hồng Liên, ở ngay giữa đường, một cái lều cũ kỹ, lụp xụp, cheo leo trên đống đất cao dường như đã ngự ở đó từ lâu lắm. Đất đá được đào lên và cả ở đâu đổ về chất cao như núi. Cây cỏ mọc lùm xùm. Mặt đường bê tông trước đây, giờ nhiều chỗ được đào lên. Mấy hôm trước, có nơi đã thành ao sâu hoắm, có đoạn dài tới mấy chục mét, cá bơi lội tung tăng. Một đàn ngan hơn 2 chục con nhẩn nha tắm táp, ung dung rỉa lông rỉa cánh...
Bài liên quan: Bài 2: Vòng vo quanh việc mở đường
Nơi trước đây vốn là vỉa hè, cộng với một phần hiên của các hộ, bất đắc dĩ trở thành đường, tạm bợ. Ngày ngày nó phải gồng mình đón hàng trăm lượt xe máy, xe đạp, người đi bộ “trèo” qua. Người dân ở hai khu tập thể Trung học Cảnh sát nhân dân 1 và Cơ khí điện tử 8 tháng nay sống trong bức xúc và bụi bặm.
Bài 1: Con đường ùn tắc 3 năm
Trẻ em không dám đi một mình trên đoạn đường này bởi nhiều đoạn không có hàng rào che chắn. Cháu Hoàng, 7 tuổi, TT Cơ khí điện tử mặc dù được nhà trường cho ô tô đưa đón cách nhà chỉ hơn trăm mét nhưng từ khi con đường được đào xới lên thì hàng ngày, người giúp việc phải bế đứa em 2 tuổi của Hoàng dắt cậu bé đi - về từ nhà ra chỗ đỗ xe và ngược lại. Trẻ em trong khu đi qua đoạn đường này hầu hết đều phải có người đưa đón như vậy. Nhiều người dân ở đây cho biết, không ít người đã ngã ở đoạn đường này, nhất là những hôm trời mưa, đường trơn trượt. Cũng may đường khấp khểnh, lưu thông chậm nên chưa có ai bị thương nặng.
Những ngày trời mưa, nước dâng cao trên những hố đào, rác thải nổi lềnh bềnh. Những ngày nắng, bụi dày đặc. Hàng trăm cửa hàng “chết” theo con phố. Những hàng ăn trước đây khách ra vào tấp nập giờ đóng cửa im ỉm. Trong các quán giải khát, những lon Coca, những chai bia, hộp đựng kẹo phủ bụi dày như mấy tháng không có ai sờ đến chúng. Mà cũng phải, ông Nguyễn Sĩ Tiến than: Bán cho ai được mà bán. Chẳng qua vì đây là nhà ở luôn nên chúng tôi cố gắng bán để có việc mà vào ra cho đỡ buồn, chứ ngày trước được mười phần thì bây giờ chỉ được 2. Xem ra, ở con đường đầy bụi bặm này, chỉ còn những hiệu gội đầu là còn thịnh vượng hơn cả.
Gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh quê gốc Hưng Yên. Căn nhà mặt tiền sáu chục m2 ở khu tập thể Cảnh sát nhân dân 1 của anh vừa là chỗ ở, vừa là cửa hàng buôn bán tạp phẩm. Đó là nguồn thu nhập chính của họ, cuộc sống cũng tạm ổn. Kể từ khi đoạn đường Khuất Duy Tiến này bị chặn lại, xắt ra từng mảnh để nâng cấp, nới rộng thì cửa hàng nhà anh, cũng như hầu hết cửa hàng của đoạn phố này hoặc đóng cửa, hoặc chuyển thành quán cóc với lèo tèo vài chai nước ngọt, ấm trà, thanh kẹo lạc cho những người trong ngõ. Cuộc sống khó khăn bội phần. Nhưng khi thấy đoạn phố trước mặt bỗng thành ao, vợ chồng anh mua chục ngan Pháp về thả. Anh khoe: “Lứa ngan Pháp đầu tiên nuôi thử nghiệm ở đây coi như thành công rồi. Nuôi tự nhiên nên ngan cho thịt chắc và thơm lắm. Với lại, cả phố mỗi tôi nuôi ngan nên cũng… thoải mái”. Nói đoạn, anh chỉ cho tôi xem chuồng nuôi ngan dựng ngay dưới bờ "kênh". Cách đó không xa, đàn ngan hơn hai chục con của anh đang tung tăng rỉa cánh dưới dòng kênh - nơi trước đây chính là mặt đường bê tông.
Những vạt rau mà những “nông dân” của phố đã trồng cũng đang lên tươi tốt. Vợ chồng chị Lý, anh Minh hồn nhiên kể: Lúc đầu, chỉ mua rau về, nhặt phần ngọn ăn, phần gốc mang ra bờ ao đổ. Ít lâu sau, lứa rau đầu tiên đã lên xanh tốt, thế là trồng thêm. Bây giờ, vạt rau giúp chị tiết kiệm ít tiền đi chợ. Thi thoảng còn có đem biếu cả hàng xóm.
Chiều chiều, những người rỗi việc lại kéo nhau ra mặt đường Bê tông câu cá, những con cá rô béo mẫm. Thậm chí có người còn kéo thẳng đường dây điện 220v từ nhà xuống để đánh bắt cá!
"Đào lên, đổ xuống..."
Đã suýt soát 5 năm, từ ngày Chính phủ phê duyệt dự án nâng cấp đường Khuất Duy Tiến (trong lộ trình xây dựng đường vành đai 3), nhưng con đường này vẫn đang là một công trường ngổn ngang. Cả ngày lẫn đêm đầy bụi, xe trọng tải lớn nối đuôi nhau, tiếng động cơ gầm rú suốt ngày đêm.
Mới đây, chỉ khoảng một phần ba con đường, từ ngã tư Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Láng Hoà Lạc đến ngã ba giao với đường Lê văn Lương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (được biết đây là công trình trọng điểm đón chào Hội nghị thượng đỉnh APEC). Một phần ba đầu con đường, phía tiếp giáp với đường Nguyễn Trãi mới hoàn tất khâu… giải phóng mặt bằng.
Còn một phần ba ở giữa, đoạn từ ngã ba giao với Lê Văn Lương đến ngã ba giao với đường Hồng Liên, con đường bị cắt thành từng mảnh. Một bên đã được đổ nhựa, một bên là liên tiếp những ao, hố do đơn vị thi công đào để lắp đặt hệ thống dẫn nước và đỗ cát làm nền đường, chỏng chơ những ống bi, ống dẫn nước.
Đào xới, đất từ khu vực này được chuyển đi đâu đó, thời gian sau, đất "từ đâu đó" lại được chuyển về. Rồi công trường lại im ắng, nguyên vật liệu phơi sương phơi nắng, rỉ sét, chỏng chơ. Điều đáng nói là vào lúc thời tiết đang ủng hộ thi công thuận lợi nhất để thì máy móc, nhân công phải nằm chờ.
Thỉnh thoảng lại thấy vài chiếc xe chạy đến đổ đất, san đất. Thỉnh thoảng lại có vài người mặc đồ công nhân cầm cuốc xẻng loay hoay làm gì đó. Những người dân ở đây đã quen với cảnh đất đổ cao lên thành ụ. Rồi lại lại vét sâu xuống, để một thời gian lâu cho ngập nước rồi lại hút nước. Cứ thế... Không biết bao nhiêu công đào đất, xúc đất đó sẽ được đưa vào quyết toán như thế nào?
Phường, quận: không biết!
Điều đáng nói là đoạn đường này nằm cách UBND quận Thanh Xuân không xa, chỉ chừng hơn trăm mét, nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề thì cả phường và quận đều trả lời không biết. Chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời chung chung là, phường quận chỉ lo phần giải phóng mặt bằng, còn lại là thuộc kỹ thuật thi công do đơn vị thi công quản lý, phường, quận không nắm được. Ông Nguyễn Văn Túy, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc: "Chúng tôi chỉ nhận được những kiến nghị của dân về phương án bồi thường. Trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi cũng thường có ý kiến để con đường sớm hoàn thành".
Ông Phạm Văn Quynh: "Chỉ có những thông báo là nhiều, nhiều đến mức mỗi lần chuyển cho các hộ là tôi phát ngại". Ảnh: H.Vinh |
Hỏi thăm một số người dân, được biết, vấn đề giải phóng mặt bằng là rất thuận lợi, lấy khi nào họ sẵn sàng giao khi ấy. Nhưng, ông Phạm Văn Quynh, tổ trưởng dân phố Tập thể Cơ khí Điện tử thì cho biết, việc giải phóng mặt bằng cũng không mấy suôn sẻ, mới đây, mức đền bù lại thấp hơn một chút nên người dân lại kiến nghị. Đường thì mãi chưa thấy làm tiếp. "Chỉ có những thông báo là nhiều, nhiều đến mức mỗi lần chuyển cho các hộ là tôi phát ngại" - ông Quynh bức xúc. Còn người dân thì: "Chúng tôi chỉ thiếu mỗi mang gạo lên phường, quận và các đơn vị liên quan nấu cơm cho họ ăn để họ làm cho ổn đoạn đường này cho mà thôi".
Các hộ có liên quan tới mặt bằng thì đã đành, những hộ phía trong càng bức xúc khi thấy con đường bị đào xới ngổn ngang rồi để đó ngày này qua tháng khác, đi lại khó khăn, bụi bặm khổ sở. Những nguy cơ tiềm ẩn trên đoạn đường đó cho các hộ dân xung quanh và hành khách có liên hệ là không nhỏ, nhất là những buổi tối trời, những đêm mưa gió. Một mặt khác nữa là những đình trệ trong việc kinh doanh, ổn định cuộc sống của một số không ít các hộ dân cư bên đường... là điều cần thiết phải quan tâm của các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm với đoạn đường "trồng rau, nuôi ngan" này.
Nhà thầu: Vướng trên, vướng dưới!
Dự án đường vành đai 3 với hơn 10km đường kéo dài từ Mai Dịch đến Linh Đàm. Giai đoạn 1 được khởi công cuối năm 2001 và đã hoàn thành được 4,3km từ Mai Dịch đến Trung Hòa. Do công tác giải phóng mặt bằng chậm nên được chuyển từ phương thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) sang nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ngày 4/3/2006 chủ đầu tư mới ký lại hợp đồng với nhà thầu tiến hành tổ chức thi công lại đoạn tuyến này.
Trả lời về việc "đào lên rồi để đó", ông Hưng, trưởng phòng Kỹ thuật Ban điều hành dự án đường vành đai 3 thuộc Công ty liên danh Công trình 18, nhà thầu thi công cho biết, sự đào xới là do bắt đầu giai đoạn thi công mới sau khi ký lại hợp đồng. Trước 30/9/2006, phải hoàn thành đoạn tuyến từ Trung Hòa đến Lê Văn Lương để đón chào APEC nên phải tập trung dồn xe, máy, nhân công cho đoạn này. Vì thế, đoạn tuyến từ Lê Văn Lương - Hồng Liên đành bỏ dở, đợi xong đoạn từ Trung Hòa - Lê Văn Lương.
Trả lời câu hỏi khi nào đoạn đường này tiếp tục được thi công, ông Hưng cho biết phải đợi tới khi xong Hội nghị APEC vì thời gian này cho đến khi Hội nghị kết thúc, không thể di chuyển được đất đá cũng như vật liệu xây dựng.
Đàn ngan nhẩn nha tắm táp... Ảnh: H.Vinh |
Ngoài ra, đoạn đường này còn vướng rất nhiều thứ: mặt bằng do phải cắt xén các ngôi nhà để làm hè từ 3,5 - 4m chưa được đền bù giải tỏa xong, đường cáp quang (Công ty điện thoại HN), đường ống cấp nước sinh hoạt (Công ty nước sạch HN), cột điện chiếu sáng (Công ty chiếu sáng đô thị)... Cả phần nổi lẫn phần chìm đều rất phức tạp. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, những tưởng đoạn tuyến Trung Hòa - Lê Văn Lương không hoàn thành kịp tiến độ cũng bởi 6 cột điện án ngữ.
Chúng tôi không thể có đủ thời gian và điều kiện để có thể xác định chính xác được hết những lý do, những vướng mắc của các đơn vị, tổ chức có các quyền lợi và các công trình liên quan đối với một đoạn đường nhỏ này mà các nhà thầu đã đưa ra. Nhưng một câu hỏi được đặt ra mà khó tìm câu trả lời: Khi lập và thực hiện dự án, sự kết hợp giữa các đơn vị chức năng có liên quan để tiến hành đồng bộ các công việc thi công công trình được đặt ra như thế nào? Liệu những khó khăn đó có được đặt ra trước khi chi tiền và động thổ công trình hay không?
Nói gì thì nói: Cái dễ nhận thấy nhất của đoạn đường này không được thi công đúng tiến độ, đảm bảo tiến độ và thời gian đã phản ánh tình trạng không đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, các cơ quan và đơn vị liên quan đến đoạn đường này.
Ngoài ra, nó tạo nên những tiền lệ xấu cho việc các dự án, các công trình, dù là trọng điểm, dù là pháp lệnh đặt ra cũng không được nghiêm chỉnh thực hiện, tạo nên một não trạng coi thường việc nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp trong xã hội. Ở đó, cơ chế đổ lỗi, vịn vào những vướng mắc vốn đã và đang quá nhiều để không hoàn thành nhiệm vụ, và không ai chịu trách nhiệm có cơ hội phát triển.
-
Minh Thư - H. Vinh