221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
829584
Gặp người đòi đền oan sai 452 tỷ đồng
1
Article
null
Gặp người đòi đền oan sai 452 tỷ đồng
,

(VietNamNet) - Đã có trên năm chục bài báo viết về "Kỳ án xuyên thế kỷ ở Cần Thơ" mà nhân vật trung tâm là kỹ sư Nguyễn Đình Chiến chủ hai doanh nghiệp ở Hải Phòng trong vòng một năm. Chúng tôi chỉ hi vọng người đọc tìm được điều gì đó cho riêng mình đằng sau những con chữ kể về một phần cuộc đời doanh nhân này.

Phiên tòa phúc thẩm đình chỉ xét xử ông Chiến vì đại diện VKSND tối cao rút kháng nghị, án sơ thẩm tuyên ông Chiến vô tội có hiệu lực từ ngày 10/7/2006. (Ảnh:TPO)

Sống chung với… lao lý

Tôi gặp ông Nguyễn Đình Chiến tại Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bắc Hà - một ngày sau khi ông "phát" đơn yêu cầu Viện kiểm sát Cần thơ bồi thường oan sai 452 tỷ đồng; 22 ngày sau khi Tòa án Nhân dân Thành phố Cần thơ tuyên "Nguyễn Đình Chiến vô tội…".

Kỳ án xuyên thế kỷ

Sáng ngày 10.7.2006, tại Cần Thơ, tòa phúc thẩm tòa án Nhân dân tối cao TP.HCM mở phiên phúc thẩm xử ông Nguyễn Đình Chiến lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản theo kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân Cần Thơ. Thẩm phán Nguyễn Cửu Thị Hương Chi làm chủ tọa. Tại phiên tòa này, ông Chiến được xử vô tội.

Xin tóm tắt lại quá trình gần 10 năm hầu tòa Cần Thơ của ông Chiến có xuất xứ như sau: Ông Chiến đại diện cho doanh nghiệp ở Hải phòng ký hợp đồng mua đường của MEKONIMEX Cần Thơ và bán cho một doanh nghiệp ở Sóc Trăng, nhưng gặp kẻ lừa đảo, lại bị ngân hàng Sóc Trăng bội tín nên nợ tiền của MEKONIMEX Cần Thơ. Các cơ quan tố tụng ở Cần Thơ liền  bắt tạm giam ông Chiến, khép ông vào tội hình sự.

Qua nhiều giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, ngày 3.3.2006, tòa án Nhân dân Cần Thơ xét sơ thẩm xử ông Chiến vô tội. VKSND Cần Thơ kháng nghị án sơ thẩm cho rằng ông Chiến có tội. Tại phiên phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao khẳng định: Các hợp đồng kinh tế ông Chiến ký cũng như quá trình thực hiện là rõ ràng, nợ xảy ra là quan hệ dân sự nên việc truy tố ông tội hình sự là không đúng.

Tính ra, từ ngày bị khởi tối đến ngày 10.7.2006 ông Chiến có gần 10 năm bị truy tố oan, trong đó có 28 tháng bị tạm giam.

Khó hình dung đó là người đàn ông đã từng gần 10 năm gắn với lao lý, tụng đình; đã qua 5 bản kết luận điều tra và nhiều lần điều tra bổ sung, 2 lần thay đổi tội danh, 4 bản cáo trạng, 2 bản kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP. Cần Thơ, 2 lần tòa trả hồ sơ, 5 lần xét xử, 28 tháng tạm giam… Người đang ghi kỷ lục đòi bồi thường oan sai với số tiền lớn nhất từ trước tới nay sau khi có Nghị quyết 388 của UBTVQH.

Ông cười tủm tỉm: "Nhiều người cũng ngạc nhiên như thế...".

Cảm giác đầu tiên và bao trùm của tôi về ông là người rất có bản lĩnh; đủ để bình thản đối phó trước tai họa và không sung sướng "ngất trời" khi niềm vui đến…

Ông nói, trong suốt gần 10 năm nay, lúc nào cũng chờ đợi cái giây phút đòi lại sự công bằng. Và ông đã nỗ lực một cách khoa học để cái ngày đó phải đến. "Kể cả 28 tháng ngồi trong nhà giam, khi nào tôi cũng nghĩ rằng ngày mai mình sẽ ra tù vì tôi biết mình không làm gì sai và tin rằng: trong các cơ quan tố tụng vẫn còn Bao Công".

Nhưng khi điều từng chờ đợi nhất và khó khăn để có được đã đến, ông lại nghĩ đến từng việc phải làm: 'Tôi vừa phải đòi tiền oan sai, vừa kinh doanh để tiếp tục trả nợ; tôi cũng đã đệ đơn đòi lại quyền chủ tịch Hội đồng quản trị và con dấu của doanh nghiệp mà tôi đại diện sở hữu 92% cổ phần nhưng khi dính vào lao lý người ta đã cướp mất. Sau đó lần lượt, phải giải quyết những vụ tranh chấp tài sản, đất đai đã xảy ra trong suốt gần 10 năm qua. Nói chung, đó đều là hậu quả của vụ án Cần Thơ. Khi một giám đốc doanh nghiệp như tôi vào tù, không những nợ không trả được mà còn để lại bao nhiêu hậu quả vì những dự án đang dang dở, những quan hệ làm ăn chằng chịt..."

Ông nói chậm rãi, đều đặn, không to, không nhỏ quá; cách dùng từ chính xác, không thừa, không thiếu; và nụ cười trên môi khi cần thiết phải có là theo đúng kiểu cách của một giám đốc doanh nghiệp mà những "giáo trình" căn bản về đào tạo giám đốc thường viết.

Điện thoại reo liên tục. Ông nói rằng đó là điện thoại của các luật sư và bạn hàng. Dưới tầng một của căn nhà cũ kỹ của Văn phòng công ty, có 5-7 nhà báo đợi gặp. Chốc chốc nhân viên lại cầm lên cho ông một xấp báo.

Tôi hỏi đến chi tiết nào của vụ án, ông mở tủ lấy một tập tài liệu photo được sắp xếp theo thứ tự ngày tháng.

"Có hai luật sư nhưng nhiều lần tôi đã phải tự bào chữa cho mình tại tòa. Trong 28 tháng ngồi trong trại giam Cần Thơ, tôi đã đọc kỹ rất nhiều luật có liên quan tới vụ việc của mình".

Tính ra Nguyễn Đình Chiến đã tốn cả 500 triệu bay vào ra nhiều lần theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng Cần Thơ, đó là chưa kể tiền thuê luật sư mỗi tháng 2 triệu đồng, trong gần 10 năm. Và trong thời gian ấy ông còn trả được 20 tỷ ngân hàng để giải chấp tài sản.

"Làm sao để có chừng ấy tiền? Nhiều người cũng hỏi tôi như thế. Chừng ấy năm bạn bè, bạn hàng vẫn ở bên tôi. Nhiều cấp dưới của tôi hồi đó đã thành giám đốc doanh nghiệp giàu có, họ giúp đỡ. Nhưng thú thật, doanh nghiệp Bắc Hà này là "chiến khu Việt Bắc", tôi thành lập vào năm 2001, sau khi  tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TP.HCM tuyên vô tội và chưa nhận được phán quyết của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan tố tụng Cần Thơ phục hồi điều tra vụ án..."

Ông đưa một tập báo photocopy được đóng lại thành quyển, bên ngoài là bìa xanh kiểu vở học trò, có ghi dòng chữ: "Kỳ án tại Cần Thơ, được đăng tải trên các báo". Chính xác hơn, đây là những bài báo đứng về doanh nhân Nguyễn Đình Chiến được đăng từ năm 2005 - 2006, sau khi có ý kiến của Ban nội chính Trung ương đề nghị xem lại thực hư của vụ án hình sự hóa kinh tế này. Trước đó, đa số các bài báo khép tội cho ông Chiến theo nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Cần Thơ.

Nguyễn Đình Chiến nói rằng, cho đến năm 2004, ông mới hiểu được báo chí có vai trò quan trọng như thế nào trong việc giúp mình đòi lại công lý (trước đó, những bài báo về vụ án này chỉ viết theo kết luận điều tra và cáo trạng của VKSND tỉnh Cần Thơ). Nếu ông không có cách nói cho các nhà báo pháp đình hiểu thì sẵn vốn ấn tượng về việc các giám đốc doanh nghiệp tư nhân "lừa tiền nhà nước", họ sẽ vô tình trở thành đồng minh của các cơ quan tố tụng ở Cần Thơ trong việc khép tội oan sai.

Ông Nguyễn Đình Chiến (bìa trái) sau khi tòa tuyên vô tội và ông Vũ Tiến Công - Phó giám đốc một doanh nghiệp của ông Chiến - đã khóc nức nở khi nhìn thấy ánh sáng của công lý. (Ảnh:TPO)

Người lấn biển mở đất ở Cái Rồng

Trong hơn 40 bài báo được đóng thành quyển đó, tôi thực sự ấn tượng bởi ký sự mang tên: "Một vụ án tranh cãi xuyên thế kỷ: Một doanh nhân bị truy bức đến cùng" của Sáu Nghệ đăng trên Tiền phong Chủ nhật ngày 24.7.2005 và "Viết tiếp vụ án tranh cãi xuyên thế kỷ" ngày 31.7.2005 cũng trên báo này. Câu chuyện về người kỹ sư thủy lợi bỏ Nhà nước ra làm doanh nhân, lấn biển mở đất, xây cảng lập phố ở Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh) khi mới trên 30 tuổi.

Tác giả Sáu Nghệ viết: "PV ra khu Trung tâm thương mại - Du lịch Cái Rồng ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh của ông Chiến mà cơ quan kiểm toán định giá 53 tỷ đồng. Đó là hai dãy phố kéo dài hơn một cây số nối đảo Cái Bầu với Hòn Rồng rồi vòng theo chân Hòn Rồng. Trước đây hoang vắng, ông Chiến đã kè đá lấn biển làm nên khu phố với một cảng cá sầm uất. Diện tích lấn biển khoảng 80.000m2. Giá đất ở đây, tỉnh Quảng Ninh quy định 3,5 triệu đồng m2. Đây là giai đoạn 1, còn cả dự án tới 420.000 m2 sẽ có khu dân cư lớn với công viên, hồ nước hình thành khu du lịch thương mại hiện đại giữa biển..."

…Cửa biển đẹp giờ đã bị nhiều người chiếm và lấn biển làm cho nham nhở, phá vỡ quy hoạch, dự án táo bạo của ông Chiến ngày nào bây giờ giá trị dĩ nhiên không còn được như dự tính do ông Chiến bị bắt…

Doanh nhân Nguyễn Xuân Đan ở Cái Rồng: "Chúng tôi đang nói với nhau là cần đúc tượng đồng ông Chiến đặt ở đây để ghi công người mở đất".

Tôi đọc lại Luận chứng kinh tế kỹ thuật Cái Rồng hơn chục năm trước. Khoảng gần ba chục trang đánh máy bằng giấy trắng khá đẹp. Bản vẽ không cầu kỳ nhưng mạch lạc. Nửa sau là bản dịch tiếng Anh.

Cái Rồng chỉ là một trong gần chục dự án lớn theo kiểu "mở đất" lập phố của doanh nhân Nguyễn Đình Chiến trước khi vướng vào vòng lao lý.

Năm 1969, Nguyễn Đình Chiến đang học dở Đại học Thủy lợi thì vào bộ đội. Đến năm 1976, về trường học tiếp, năm 1981 ra trường và thành cán bộ của Sở Thủy lợi Hà Bắc. Nhưng việc cần tiền nuôi ba đứa con trai còn nhỏ và máu mê kinh doanh đã xui kỹ sư Nguyễn Đình Chiến bỏ biên chế để trở thành giám đốc.

Ông Chiến kể rằng mình gần như đã lãi gần gấp đôi trong dự án Cái Rồng nhờ việc áp dụng kiến thức đã học từ trường Đại học Thủy lợi. Học thêm một bằng về kinh tế, ông cũng là người khá kỹ càng trong việc làm sạch bảng biểu, sổ sách nhưng vẫn cứ gặp họa…

Nguyễn Đình Chiến nói rằng "giám đốc là một nghề…". Nhưng ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi, đây là một nghề nhiều cơ hội kiếm tiền lớn và tỷ lệ rủi ro cũng quá cao...

  • Lương Bích Ngọc - Thu Thủy

Theo dòng sự kiện

Ông Nguyễn Đình Chiến vô tội

“Vụ án tranh cãi xuyên thế kỷ”: Rút kháng nghị của VKSND Cần Thơ

Cần Thơ : Bị truy tố oan sai, đòi bồi thường hơn 452 tỷ đồng

Kỳ sau: Chứng thư bảo lãnh "chết người" và những thiên lệch…

 Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,