221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
823970
Chiến sự ở Lebanon: Người ở nhà cũng ''nóng''!
1
Article
null
Chiến sự ở Lebanon: Người ở nhà cũng ''nóng''!
,

(VietNamNet) - Làng La Mai một tuần nay xôn xao về những thông tin chiến sự ở Lebanon. Làng có 7 phụ nữ đang làm giúp việc ở vùng đất nóng bỏng Trung Đông. 7 ông chồng, những đứa trẻ, những ông bố bà mẹ đang mất ăn mất ngủ mong ngóng về một nơi xa xôi...

''Cô ấy nói dối để chồng con yên tâm...!''

Anh Bùi Duy Khương: ''Tôi cảm nhận được sự lo lắng từ vợ tôi...''

Người thứ 14, người cuối cùng trong làng La Mai tạm bỏ làng quê, chồng con lại sau lưng đi kiếm tiền là chị Đặng Thị Dung, vợ anh Bùi Duy Khương. Từ ngày nổ ra chiến sự Lebanon và tình cảnh của người Việt ở đây, hỏi thăm những thân nhân của họ ở La Mai không khó. 10h sáng, thời điểm lam lũ nhất trong ngày của người dân La Mai thì anh thợ mộc làng Bùi Duy Khương đang nằm bẹp trong buồng. Hai từ ''Li băng'' từ miệng phóng viên lọt qua khe cửa ọp ẹp, đến tai anh. Anh Khương trở dậy. Gương mặt nhầu nhĩ, tâm trạng âu lo.

Chỉ một lát, người thân và hàng xóm kéo đến chật nhà. Anh từ từ kể... Chị Dung đi Lebanon từ cuối năm 2002 theo một người quen trong làng giới thiệu. 22 triệu là khoản tiền phải trả cho chuyến sang vùng đất Trung Đông xa xôi. Bản tính chịu khó của nông dân được chị và những người làng La Mai khác mang theo tận sang Lebanon. Làm tốt trong vào trò giúp việc trong một gia đình người Lebanon ngay tại thủ đô, năm 2005 chị được chủ cho nghỉ phép về Việt Nam ăn Tết. Lương chỉ 150 USD/tháng, tích cóp mất đúng một năm đầu chị mới gửi tiền về cho chồng trả hết nợ. Sau đó, mỗi năm gửi về một ít cho con ăn học. Nửa năm nay, chị chưa gửi tiền về, định để đến khi nào về sẽ mang về luôn.

Từ hôm xảy ra chiến sự ở Lebanon, chị Dung chưa điện về lần nào. Chủ yếu, anh Khương nóng ruột nên điện sang liên tục, vài ngày một lần. Gọi sang, chị nói ở nhà yên tâm, khu vực chị ở vẫn bình thường, chưa xảy ra chiến tranh. Bây giờ, chỉ còn chờ đợi để di tản khỏi Lebanon thôi. ''Nghe giọng nói, tôi cảm nhận được sự lo lắng từ vợ mình. Nhưng cô ấy vẫn nói dối để chồng con yên tâm...'' - Anh Khương lặng đi. 

Soạn: AM 851575 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Gia đình anh Khương lúc nào cũng mong ngóng tin tức chị ĐInh Thị Dung bên Lebannon

Mẹ chồng chị Dung đã 73 tuổi lúc nào cũng mong con dâu được trở về an toàn. Bà chẳng biết Lebanon là nước như thế nào, ở châu lục nào. Bà chỉ biết đó là một nơi rất xa, đang có chiến tranh và tính mạng của con dâu đang rất mong manh. Trong lúc mong ngóng con dâu về, bà nhớ về ký ức của mình, trong đó có hai từ ''chiến tranh''.

Bà nhớ đã trải qua nỗi khiếp sợ chiến tranh, những trận càn, trận bom, nhưng đợt sơ tán và những cái chết đau thương từ giặc Nhật, giặc Pháp, giặc Mỹ. "Chiến tranh vẫn đáng sợ. Kiếm tiền là quan trọng, nhưng tôi mong con tôi trở về với gia đình an toàn, no đói có nhau...'' - Bà nói.

''Con mong mẹ trở về!''.

Anh Khương dẫn chúng tôi đến từng nhà có người thân đang ở Lebanon. Nhà chị chị Tống Thị Thoa chỉ có mấy đứa trẻ ở nhà. Anh Nguyễn Văn Thuỵ chồng chị đang đạp xe đi tìm hiểu thêm thông tin về vợ ở bên đó. Cháu Nguyễn Thị Phương Dung bảo từ hôm biết tin, bố lo cho mẹ ốm một tuần, phải truyền hết 6 chai nước. Vừa khỏi ốm, bố Thuỵ đã suốt ngày đạp xe đi. Tối về lại nằm thượt, và lo lắng.

''Con mong mẹ về!''

''Cách đây 3 hôm, mẹ cháu có gọi điện về và bảo bên đó vẫn an toàn. Ngôi nhà này là một phần của tiền mẹ gửi về đấy. Mẹ đi từ tháng 7/2001, tháng 2/2006 vừa rồi mẹ có về phép ăn Tết rồi lại đi'' - cháu Dung sụt sùi khóc.

Học lớp 6, cháu vẫn chưa thể quen với khung cảnh vắng mẹ nhưng đã biết sợ hãi khi nghe những thông tin về chiến tranh ở nơi mẹ đang làm việc.

''Cháu mong mẹ về càng sớm càng tốt. Cháu sợ mẹ cháu làm sao lắm...!'' - Cháu Dung chạy theo ra cửa, đưa cho chúng tôi xem phong bì thư mẹ gửi về từ Lebanon mấy tháng trước để chuyển địa chỉ của mẹ cháu tới những nơi cần trước khi di tản khỏi vùng chiến sự.

Bên cạnh nhà chị Tống Thị Thoa là nhà chị Đinh Thị Bình. Chị Bình làm giúp việc cho một gia đình người Pháp ở Lebanon. Từ hôm xảy ra chiến sự ở Lebanon, đã hai lần anh Bùi Văn Hùng điện sang cho vợ nhưng không gặp được. Chị đang phải lánh nạn trên núi cùng một đứa con của chủ nhà.

Ngày 25/7, chị Bình mua thẻ điện thoại công cộng gọi về nhà. Chị phải di chuyển từ trên núi xuống 10 cây số mới có thể gọi điện. Khu vực chị Bình đang ở cách thủ đô Beirut khoảng 30 cây. Nơi này chưa bị đánh bom nhưng mọi người rất sợ hãi, ra đường rất nguy hiểm. Anh Hùng bảo rằng vợ đã gọi về cho chồng con yên tâm

 

Chồng mong vợ, con mong mẹ...

Khác với những người cùng làng làm giúp việc bên Lebanon, chị Đinh Thị Bình gặp phải một chủ nhà khó tính. Vì chị mới gia hạn hợp đồng nên tiền lương mấy tháng đang bị chủ giữ lại. Anh Hùng bảo với vợ, chủ không trả cũng phải về, tính mạng con người là trên hết, phải chấp nhận, còn người là còn của, còn tiền. Anh Hùng nói: ''Mấy hôm nay, tối nào cả bên nội bên ngoại nhà tôi cũng tập trung tại đây xem tin tức về Li băng. Tôi mong các cơ quan chức năng giúp đỡ cho vợ tôi về nước an toàn...''.

Chúng tôi sang xã Ninh Khang bên cạnh. Ở đây cũng có 3 người đang làm giúp việc tại Lebanon. Thôn La Phù có 2 chị em dâu đều đang bên đó. Hai căn nhà tranh tuềnh toàng, ẩm thấp đang chứa đựng thêm sự lo lắng, bồn chồn của người thân chị Tống Thị Chuyên và Vũ Thị Thuỷ.

Chị Chuyên đi từ năm 2001. Lương cũng chỉ có 150 USSD/tháng. Còm cõi chắt chiu gửi về trả nợ tiền vay đi và cho hai đứa con ăn học, người chồng ốm yếu và mẹ chồng già nua. Từ hôm có chiến sự Lebanon đến nay, chị đã gọi về cho gia đình 4 lần. Cả 4 lần chị đều nói với chồng con chỗ mình ở không việc gì nhưng đang nóng lòng muốn trở về quê hương.

Như những người chồng khác có vợ đang bên Lebanon, anh Đinh Xuân Dương cứ liên tục đạp xe đến các gia đình đồng cảnh khắp làng, xã để hỏi thêm tin tức. Anh bị bệnh, đau ốm liên miên thiếu bàn tay săn sóc của vợ đã mấy năm nay. Đứa con gái đến tuổi lấy chồng thiếu sự chỉ dạy của mẹ.

Tối nào, cả nhà anh Đinh Xuân Dương cũng chăm chú vào màn hình ti vi xem thông tin về Lebanon.

''Tôi chỉ biết chút ít thông tin qua truyền hình nhưng rất sợ tính mạng của vợ mình bên đó. Mong muốn lớn nhất của gia đình chúng tôi là nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Việt Nam và quốc tế đưa vợ tôi về nước càng sớm càng tốt'' - Anh Dương nói.

Làng La Mai có chuyện... Li băng

Với người dân lam lũ làng La Mai (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), cụm từ ''Li băng'' (Lebanon) trở nên quen thuộc từ gần chục năm lại đây, từ khi người đầu tiên trong làng sang Lebanon làm nghề giúp việc.

Làng quê thuần nông La Mai  không thể không xôn xao. Từ cổng làng đã có những đám tụm năm tụm ba bàn tán sau khi nghe xong một bản tin về chiến sự tại Lebanon.

La Mai có 14 người sang Lebanon làm việc, hiện nay đã về 7, chỉ còn 7 và 100% là phụ nữ. Sự đồng ý cho vợ sang nước ngoài làm việc cứ tăng dần khi người thứ nhất, thứ hai, thứ ba... cứ tăng dần lên trong các ông chồng khi những người đi trước gửi tiền về, dù ít hơn so với nhiều thị trường lao động khác. Trước khi cho vợ đi, ông chồng nào cũng đều biết thu nhập chỉ vẻn vẹn lương cứng 150-200 USD/tháng.

Chị Lâm Thị Thơm: ''Tôi may mắn hơn nhiều người...''

Thông tin nhiều nhất về nghề giúp việc ở Lebanon chỉ là nơi đó, gia đình chủ không có chuyện ngược đãi người làm công. Và họ không quan tâm đến tình hình chính trị, mâu thuẫn của Lebanon và Israel hay vùng nóng Trung Đông.

Nhưng mấy ngày gần đây làng La Mai đang nóng dần lên về những câu chuyện ở Lebanon. Nhà chị Lâm Thị Thơm, chị Nguyễn Thị Dung... nằm giữa những nhà đang có thân nhân ở Lebanon. Chị cũng đi năm 2001 và về năm 2005. Mấy năm chắt chiu bên xứ người, chị mang tiền về xây nhà, mở quán và sống cuộc sống yên bình bên chồng con. Vài ngày trở lại đây, sau khi ti vi đưa tin về Lebanon, người làng bàn tán xôn xao ở quán bia ''cỏ'' nhà chị. Rất nhiều ông chồng ra đây hỏi chị về thông tin bên đó.

Nhưng chị Thơm cũng không biết nhiều. Mấy năm làm giúp việc, mặc dù ở thủ đô nhưng chị không được đi nhiều, chỉ quanh quẩn trong nhà chủ nên cũng không biết nhiều để trả lời người làng. Chị chỉ nói: ''Xem tivi mới thấy mình may mắn hơn nhiều người khác...''

Từ hôm có tin, các gia đình thường tụ lại bên nhau. Họ chỉ biết theo dõi thông tin qua ti vi và radio. Tối nào các gia đình cũng tập trung xem. Xem xong, các ông chồng lại tụ tập lại tại một nhà để bàn luận và động viên nhau. Nhưng cũng không có cách nào gỡ rối cả...

Ngày nào, các ông chồng cũng tụ tập động viên nhau và hỏi tin tức về vợ mình.

Chỉ là tình cảnh với nhau, chính quyền hầu như không quan tâm gì, không đến động viên, thăm hỏi gì.

Anh Bùi Duy Khương, chồng chị Đinh Thị Dung bảo, qua ti vi cũng biết đầu tuần sau công dân Việt Nam sẽ được cơ quan chức năng Việt Nam và quốc tế đưa ra khỏi Lebanon và đưa về nước nhưng vẫn lo. Lo là trong đó có các chị em thôn La Mai và vợ mình không.

Mấy hôm nay, anh không dám đi làm... "Nghề làm mộc, chỉ lơ đãng một chút là dễ bị đau". Một vài ông chồng khác cũng bỏ bê công việc đồng áng, suốt ngày đến nhà nhau ''hỏi thăm tin tức'', dù thông tin ai nhận được cũng như nhau.

Và họ đều có chung một khát khao. Khát khao từ những làng quê bình yên gửi sang cho người thân đang sống trong vùng chiến sự Lebanon xa xôi: ''Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm đưa những công dân ở bên đó về nước một cách an toàn''.

  • Bài: Thế Lê Vinh

  • Ảnh: Lê Anh Dũng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,