221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
782232
Trò chuyện với con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
1
Article
null
Trò chuyện với con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
,

(VietNamNet) - Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra khi Lê Kiên Thành vừa đọc lại khoảng 500 ý kiến phản hồi của độc giả VietNamNet sau bàn tròn trực tuyến Những kỳ vọng về Đại hội Đảng mà anh là một trong ba khách mời.

Soạn: AM 744815 gửi đến 996 để nhận ảnh này
TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Trước đó, anh cũng đã có cuộc trò chuyện trên báo An ninh thế giới về những chặng đường để anh - con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người từng nghĩ "mình hoặc là chết, hoặc thành anh hùng" trở thành một doanh nhân được coi là thành đạt; về những gì "Còn mãi về sau" mà thế hệ cha mẹ anh đã dày công vun đắp... Ngay chiều hôm đó, lại vừa có một đoàn nhà báo Cuba do báo Nhân dân giới thiệu đến thăm xưởng sản xuất của công ty và để nghe "ông chủ" Lê Kiên Thành nói chuyện về Đảng viên làm kinh tế tư nhân. Anh nói: "Một người có xuất thân như tôi trở thành một doanh nhân đã khiến mọi người chú ý..."

Quý từng đồng lẻ và sẵn sàng bỏ qua hàng núi tiền

Bình thường như bao doanh nhân khác, anh bắt đầu câu chuyện về những gói mì tôm - sản phẩm chính của công ty Thiên Minh hiện nay, về những gì mà mình đã từng có như Công ty Công nghệ vật liệu - Thiên Minh ngày nay, TechcomBank, Khách sạn Galaxy, Cát Tiên Sa...

Hiện tại, công việc kinh doanh cụ thể của anh là gì?

- Sản xuất mỳ ăn liền, kinh doanh máy văn phòng, ngoài ra còn có một công ty làm về khách sạn ở Hà Nội (Galaxy Hotel), một công ty về bất động sản ở TP.HCM. Ở các công ty đó đều có người điều hành, tôi chỉ là Chủ tịch HĐQT, riêng công ty Thiên Minh là kiêm chức luôn chức giám đốc vì sự nghiệp kinh doanh của tôi đã đi lên từ đó. Tôi cũng từng là Chủ tịch HĐQT của Techcombank nhưng đã rút hết cổ phần ra trong năm vừa rồi.

Có người nói, anh dám bỏ Nhà nước ra làm ngoài năm 1990 vì mình là con ông Duẩn?

- Không, vì lúc đó ba tôi không còn nữa. Trong công việc, tôi chưa bao giờ sử dụng một mối quan hệ nào ngoài nỗ lực của chính mình. Thời điểm đó, tôi thành lập công ty chỉ có mỗi con dấu thôi, không có gì cả.

Với cương vị là Tổng Bí thư lâu dài như vậy, ba anh hẳn phải để lại nhiều mối quan hệ tình nghĩa và trong số đó...?

-  Và ngược lại nữa chứ!

"Biết nâng niu quý trọng từng đồng tiền lẻ và sẵn sàng bỏ qua hàng núi tiền vì những giá trị cao quý -  nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn nhau ghê gớm, nhưng nếu nó qui tụ lại được ở một con người thì rất quý".

Và tôi tin rằng, những người giàu nhất VN hiện nay không phải là con cái những ông lớn. Nhiều người trong số họ thành công hơn chúng tôi không phải do họ thông minh hơn mà là do vận hội, may mắn nhiều hơn, giống như trúng xổ số vậy. Nhưng đến một lúc nào đó, nếu có sự công bằng về cơ hội, thì người giàu chắc chắn phải giỏi.

Tất nhiên, nói một cách công bằng hơn, tôi cũng được thừa hưởng ở gia đình những điều mà người khác không có được, đó là danh tiếng. Khi ba tôi gần mất, ông nói: Khi chết, có lẽ ba không để được lại một đồng xu nào, có chăng, chỉ là cái tiếng. Bước vào kinh doanh, tôi nghiệm thấy: sao ông nói chính xác như vậy. Cùng điều kiện "dự thầu" như nhau, với nhiều đối tác nước ngoài, nếu tình cờ biết xuất thân, họ sẽ chọn tôi.

Nhưng về một mặt nào đó, cũng phải nghĩ rằng, trong kinh doanh - mình chỉ ỷ vào sự thừa kế danh tiếng là điều không tốt.

Tôi đã từng làm chung quán cà phê với nhạc sĩ Phú Quang. Nhiều người nghĩ khách hàng đến đây vì danh tiếng của ông Phú Quang, nhưng thực tế rất nhiều người đến đây không vì danh nghĩa ông Phú Quang. Nếu chúng tôi làm cà phê ngon thì mới thu hút được khách, chứ nếu chỉ dùng danh tiếng ông Phú Quang để "câu" mọi người đến thì về lâu dài là sai. 

Để có được cơ ngơi như bây giờ, anh có... va chạm nhiều tệ nhũng nhiễu không?

- Hồi mới thành lập, công ty của chúng tôi có tên là Công ty Công nghệ vật liệu, nằm trong khuôn viên của Viện Khoa học Việt Nam nên chẳng liên quan gì đến thuế má. Hồi đó tôi còn chẳng hề có khái niệm là phải nộp thuế. Rất ấu trĩ.

Va chạm đầu tiên của tôi trong chuyện làm ăn là với báo chí - khoảng năm 1990, lúc đó Liên Xô chưa sụp đổ. Chúng tôi tiên liệu là sắp tới thì sẽ không có chuyện đi du học theo đường Nhà nước nữa nên tìm cách móc nối với một số trường ĐH của Nga để "kinh doanh" du học, khoảng 500 đô la/một học sinh. Sau khi quảng cáo được đăng trên báo, đến cơ quan tôi thấy số lượng người đến tìm hiểu, đăng ký đông như biểu tình. Có lẽ là vì bọn tôi lờ đi chữ "du học Liên xô" đi mà chỉ ghi là đi "du học nước ngoài" nên người ta kéo đến đông như vậy. Lập tức, một PV đến hỏi: Các anh có chức năng làm việc này không? (Vì thời điểm đó, ai có chức năng tổ chức du học chưa được đề cập đến. Bọn tôi chỉ dựa vào một văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ghi điều kiện của thành phần được đi du học mà không nói rõ những cơ quan nào được tổ chức đưa học sinh đi). Chúng tôi bị phóng viên đó "xoay" là làm trái chức năng.

Tôi "cãi": "Nếu bây giờ chúng tôi mở một quán phở ngay ngoài đường kia và cán bộ nhân viên đi bán phở thì chẳng ai hỏi chức năng cả. Chúng tôi làm một việc rất gần với nghề nghiệp của mình thì tại sao lại phải hỏi "chức năng". Cậu ấy hỏi: Tại sao anh lại tổ chức đi du học tại Liên xô? Tôi bảo: Bây giờ nếu đi du học tại Singapore, Thái Lan... là bình thường, nhưng hỏi tên của 3 nhà bác học người Sing thì tôi e là anh không nói được nhưng nếu anh hỏi tôi các nhà bác học Liên xô thì tôi có thể chỉ cho anh ngay lập tức 100 vị.

Đó gần như là va vấp đầu tiên.

Trong một cuốn sách, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn có nói rằng cơ chế của mình đã "đẻ" ra chuyện phong bì. Khi làm doanh nghiệp, anh có phải "đi đêm", phải dùng phong bì để giải quyết những mối quan hệ, để khỏa lấp những điều không thuận lợi do cơ chế?

- Bắt buộc phải dùng phong bì thôi. Bạn hỏi vì sao ư? Vì tôi không thể loại mình ra khỏi xã hội được. Vì cơ chế xã hội mình đang sai, vì bản thân những người nhận phong bì đó không thể sống bằng lương được. Cho nên, về nguyên lý, hiện nay một số người buộc phải tham nhũng để tồn tại, để nuôi nổi mình và doanh nghiệp phải coi đó là những chi phí bình thường, chi phí cho nền tảng xã hội này, khi nền tảng xã hội chưa ở mức bình thường, mà trong đó sự vô lý của đồng lương là một ví dụ điển hình.

Và bài học anh để lại cho các con mình sau một thời gian kinh doanh?

- Tôi vẫn thường dạy cho các con: Khi nào con thấy quý vô cùng một đồng tiền và đồng thời cảm nhận được rằng hàng vạn đồng tiền chẳng có ý nghĩa gì, thì lúc đó mới có thể thành công được.

"Có những cái tôi học được rõ nhất ở cha tôi thì về mặt bản chất nó không phải là tố chất người kinh doanh, mà lại dễ tôi dẫn đến thất bại - đó là lòng thương người".

Có những người khi làm ăn, được một đồng thì nâng niu, quý hóa nhưng khi có một vạn đồng tiền thì thay đổi, đánh mất bạn bè, anh em và những giá trị khác.

Nhưng có những người thì ngược lại, không biết nâng niu một đồng tiền, không biết tiết kiệm một đồng tiền vì đồng tiền đó không phải do mồ hôi nước mắt mà có. Người mà có thể đánh bạc hàng triệu đô thì không thể là người biết nâng niu, quý trọng một đồng tiền.

Biết nâng niu quý trọng từng đồng tiền lẻ và sẵn sàng bỏ qua hàng núi tiền vì những giá trị cao quý -  nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn nhau ghê gớm, nhưng nếu nó qui tụ lại được ở một con người thì rất quý.

Anh từng trải qua cảnh nghèo không?

- Tôi vẫn nhớ hồi ở bộ đội, mỗi lần được phát một bộ đồ mới thì tôi thường ngắm nghía bộ đồ cũ, đắn đo mãi xem là mình có thể mặc bộ đồ này thêm 1 năm nữa không để bán bộ đồ mới đi gửi tiền về mua sữa cho con. Hồi đó, vợ chồng tôi vẫn sống chung với với ba mẹ.

Trong những tố chất làm nên một doanh nhân, có điều gì anh học được từ cha mình một cách rõ rệt?

- Có những cái tôi học được rõ nhất ở cha tôi thì về mặt bản chất nó không phải là tố chất người kinh doanh, mà lại dễ tôi dẫn đến thất bại - đó là lòng thương người. Có lẽ tôi không thể rất giàu được cũng vì tố chất đó. Hiện nay, ở Việt Nam, thương trường rất khốc liệt, để có thể thành công trong kinh doanh, đôi khi phải chấp nhận sự tráo trở. Nếu làm được một điều gì đó mà để người khác "chết" thì mình không làm được. Như việc đi ra khỏi Techcombank trong thời điểm đang làm ăn thuận lợi nhất, nhiều người thấy khó hiểu nhưng tôi thanh thản. Cũng có thể, tôi vốn sinh ra không phải để làm kinh doanh mà là nhờ một sự ngẫu nhiên do xã hội đưa đẩy.

  • Lương Bích Ngọc - Nguyễn Thu Thuỷ (thực hiện)

Kỳ 2: Anh có hiểu được cha mình không?

(Đối thoại về vị trí của cố Tổng bí thư Lê Duẩn và sự kiện Mậu Thân năm 1968; về nỗi ám ảnh cuộc đời ông trong suốt 20 năm, về mối quan hệ giữa ông với các đồng chí lãnh đạo cao cấp cùng thời)

Ý kiến của bạn:  

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,