221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
779164
Giấc mơ của ông già 64 tuổi
1
Article
null
Giấc mơ của ông già 64 tuổi
,

(VietNamNet) - Đầu năm 2003, người dân quanh khu vực xã Tiền Phong, Mê Linh, Vĩnh Phúc rỉ tai nhau về sự ra đời của một xưởng chế tạo ô tô do một ông già đã ở độ tuổi "lục tuần" đang tự tay thiết kế, lắp đặt. Rau từ các nông trại sẽ được chở ra thành phố bán bằng xe ô tô mua với giá rất nông dân.

Ông Bùi Ngọc Huyên vừa từ Bắc Ninh trở về bằng chiếc Vinaxuki đầu tiên của Xuân Kiên, chiếc xe giờ vẫn theo ông rong ruổi khắp Bắc - Trung - Nam. Ảnh: Ngọc Lê

"Hai mươi năm trước khi còn là một anh kỹ sư ở Cục ô tô, thuộc Bộ Giao thông vận tải, hễ thấy tôi nói đến chuyện sau này Việt Nam sẽ sản xuất được xe ô tô, là ai nấy cười ngất, bảo  hão huyền".

Trước mặt chúng tôi là bãi xe ô tô mới xuất xưởng.

Ít ai biết, ước mơ tự tay làm ra một chiếc xe ô tô "made in Viet Nam" đã nhen nhóm trong lòng "cậu bé" Huyên từ những ngày học lớp 4, lớp 5. Đó là khi, lần đầu tiên "cậu" được xem những thước phim đen trắng về cảnh kéo pháo lên trận địa Điện Biên Phủ. "Lúc ấy, tôi cứ nghĩ: Chiến tranh du kích thì phải huy động sức người băng rừng lội suối nhưng sau này hòa bình nếu còn phải dùng sức người để vận chuyển thì thật lạ...", ông kể.

Về sau, do lý lịch "địa chủ" không được vào ĐH, "cậu bé" Huyên đã xung phong vào chiến trường và chọn ngồi sau vô lăng để làm anh lính lái xe Trường Sơn cũng bởi niềm yêu thích ấy.

"Đúc" viên bi thành ô tô 

Những chiếc Vinaxuki mới xuất xưởng. Ảnh: Phạm Hải

"Người ta sống phải có đam mê và quan trọng hơn là biết bền bỉ đeo đuổi ước mơ đó đến tận cùng". Lòng tự ái dân tộc, đôi khi cũng là chất "xúc tác" thổi vào ngọn lửa đam mê ấy - ông Huyên nói về những gì mình đã làm được bằng triết lý của cả một đời

Chị Bùi Thanh Xuân, Phó giám đốc Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên, trợ thủ đắc lực đồng thời là con gái đầu ông Huyên vẫn nhớ y nguyên những ngày gia đình còn sống ở khu tập thể Lý Thường Kiệt. Những ngày hơn cả khó khăn.

"Ngày đi làm (tốt nghiệp ĐH Giao thông ra, ông Huyên vào làm việc ở Cục ô tô cho tới lúc nghỉ hưu), tối về cha tôi lại xoay trần đúc khuôn những đôi săm lốp, pêđan, các loại phụ tùng xe đạp... Lúc nghỉ việc trên cơ quan là lúc ông lăn lưng ra mày mò chế tạo máy móc cơ khí, bận rộn với những đe, búa, hàn, đúc, thói quen duy trì từ thưở sinh viên".

Nhưng được bao nhiêu tiền là bố tôi dồn hết đi mua sách kỹ thuật cơ khí để nghiên cứu. Cập nhật được chi tiết kỹ thuật nào mới là ông lại áp dụng thử. "Mãi về sau, bất cứ khi nào kiếm được một khoản tiền lớn là bố tôi lại tiếp tục đổ hết vào sách", chị Xuân nhớ lại.

Đó là những năm tháng nhà nước còn "cấm ngặt" chuyện làm kinh tế tư nhân. Đầu mối tiêu thụ chính của ông Huyên là một cửa hàng thu mua ở chợ Bắc Qua. Những năm bao cấp, hàng hóa khan hiếm, làm ra đến đâu, hết veo đến đấy.

- Thế là tích tiểu thành đại, tích từ những viên bi để thành ra cái ô tô như hôm nay?

-
Không phải là "tiểu" mà là lãi cực kỳ", ông Huyên nháy mắt, cười khoái chí.

Bỏ một đồng ra mua sắt vụn, về chế tạo một chiếc máy cán thép thủ công bán cho nhà máy gang thép Thái Nguyên là đã thu về bốn đồng tiền lãi. Còn làm pêđan xe đạp? Cứ mua nguyên liệu hết 2 đồng thì bán được 20 đồng. "Chất lượng tốt như hàng Đài Loan mà giá chỉ bằng 1/2". Với những loại máy phức tạp như máy cán thép, mình ông thầu rồi đi thuê lại. Người nhận làm cuaroa, người nhận mua hộ bi, người khác thì đúc cho cái này, cái nọ...

Cứ thế, căn hộ riêng cho bốn người biến thành một xưởng cơ khí tại gia. Vợ và hai đứa con đều phải cùng ông lao động cật lực. Nhìn căn hộ bộn bề những bi, lốp, săm... Bạn bè ông ai cũng nghĩ, giấc mơ ô tô viển vông của một anh kỹ sư giao thông, rốt cuộc đã bị vùi vào những bi, trục với pêđan, săm lốp... xe đạp.

"...Ta về lập doanh nghiệp tư nhân đi mẹ nó!"

"Người ta sống phải có đam mê và quan trọng hơn là biết bền bỉ đeo đuổi ước mơ đó đến tận cùng". Ảnh: Ngọc Lê

Năm 1992, vợ con ông Huyên chưa kịp mừng với quyết định nghỉ hưu của ông thì đã tá hỏa lên khi nghe ông tuyên bố, "không làm nhà nước nữa ta về lập doanh nghiệp tư nhân".

"Những năm đất nước vừa thoát khỏi bao cấp, mà dám đứng ra hô hào làm kinh tế tư nhân là nhận được sự kỳ thị, phân biệt ghê lắm. Gọi là con nuôi cũng không phải, mà là hơn cả người dưng nước lã. Nói chung là bị hắt hủi...", ông Huyên nhíu mày nhớ lại.

Chút vốn liếng tích cóp cộng với tài xoay xở có được từ những năm ki cóp sản xuất tại gia cũng không giúp ông thuyết phục được ai cho thuê đất. "Làm doanh nghiệp mà không có tấc đất cắm dùi thì anh bán nước bọt à?", bao nhiêu năm đã qua nhưng ông Huyên vẫn không thể nào giấu nổi sự chua chát khi nhớ lại ngày đầu tiên bước vào thương trường ấy.

51 tuổi, người ta đã có thể tự cho mình cái quyền được nghỉ ngơi vui vầy với con cháu hay chí ít là bằng lòng với cái xưởng cơ khí tại gia "hái ra tiền" nhưng với ông Huyên, đây chỉ mới là chuẩn bị cho việc bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc đời.

Cạy cục, xin xỏ không được, cực chẳng đã, ông phải tính bài đi thuê lại đất của các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn thua lỗ có đất bỏ hoang. Có đất rồi, ông Huyên hăm hở bắt tay vào biến những nhà xưởng bỏ hoang, biến những lò gạch cũ cỏ dại um tùm thành xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên. Vốn liếng tích cóp từ những ngày làm bi, làm trục đã đổ vào sản xuất những mặt hàng cơ khí mới do chính ông tự học hỏi thiết kế: máy cán thép, máy công cụ, dụng cụ công nghiệp cầm tay... Có vốn giắt lưng rồi, ông tiếp tục mở rộng quy mô, sản xuất thêm các mặt hàng nội thất như bàn ghế cho gia đình và trường học, những mặt hàng khan hiếm thời bấy giờ. Những năm 90, các sản phẩm làm bằng inốc phục vụ ngành y tế đa phần đều phải nhập từ nước ngoài. Sẵn kinh nghiệm, năm 1995, ông Huyên vươn rộng ra thị trường hàng i-nốc, đồ gia dụng, nhà bếp, y tế.

"Nếu tôi mà là doanh nghiệp nhà nước thì chiếc Vinaxuki đã ra đời từ gần một thập kỷ rồi
", ông Huyên không giấu được vẻ luyến tiếc. Chưa an cư thì không lạc nghiệp. Suốt 10 năm (từ 1992 đến 2002 ông mới thuê được đất ở tỉnh Vĩnh Phúc) vừa lo mở rộng sản xuất, đón đầu những mặt hàng nhạy bén trên thị trường ông vừa tong tả đi thuê đất đai nhà xưởng để giữ cho dây chuyền sản xuất không bị ngắt ở khâu nào. Bởi, thuê được khu nhà hoang của xí nghiệp nào, vừa mới giải phóng mặt bằng, cải tạo nhà xưởng tinh tươm xong là ông bị thu hồi lại đất, hay chí ít là bị đội giá thuê lên gấp nhiều lần, không ít khi còn bị đưa ra tòa kiện cáo, xử lý..."thì người ta là nhà nước mà để xưởng bỏ hoang, đến lúc có anh tư nhân nhảy vào thì máy móc chạy ro ro, công nhân, kỹ sư ra vào tấp nập thì chẳng hóa ra anh tư nhân hơn anh nhà nước à?".

Khó khăn hơn cả là có nhứng lúc dốc hết vốn vào đi làm kỹ thuật, phải vay mượn những người bạn hưu từng đồng. "May cho tôi là có một người vợ hiền thục và rất mực kính trọng chồng, ngay cả những lúc tôi mạo hiểm, bà ấy cũng chẳng bao giờ trách móc", ông kể chuyện. Có lần, trong nhà chỉ còn vẻn vẹn một trăm ngàn đồng đong gạo cho hai đứa trẻ con và hai ông bà nhưng vì cần mua mấy cái bulông nên bà đã đưa hết tiền cho ông. Cả nhà ăn rau suốt tuần liền.

Tiếp sức...

Những công nhân của Xuân Kiên đang cùng ông Huyên hiện thực hóa giấc mơ "người Việt cần phải được đi xe ô tô Việt và mua với giá tiền Việt". Ảnh: Phạm Hải

Năm 2002, thấy ông Huyên xin được đất để an cư rồi, ai cũng ngỡ ông sẽ xây tiếp một xưởng sản xuất nữa để phát triển gần 100 mặt hàng cơ khí, thiết bị y tế, nội thất... Nhưng đầu năm 2003, người dân quanh khu vực xã Tiền Phong, Mê Linh, Vĩnh Phúc rỉ tai nhau về sự ra đời của một xưởng chế tạo ô tô do một ông già đã ở độ tuổi "lục tuần" đang tự tay thiết kế, lắp đặt. Rau từ các nông trại sẽ được chở ra thành phố bán bằng xe ô tô mua với giá rất nông dân, bởi "người Việt cần phải được đi xe ô tô Việt và mua với giá tiền Việt".

Bươn chải bao năm làm kinh tế hộ gia đình, vượt qua mọi "hắt hủi" từ những ngày đầu làm kinh tế tư nhân chính là cách để ông Huyên nuôi dưỡng ước vọng về một chiếc "Vinaxuki" (Việt Nam những mùa xuân kiên cường) thuần Việt. Ông đã "chạy" khắp sáu "cửa" trong suốt một năm trời và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi Thủ tướng Chính phủ chính thức hạ bút phê duyệt. "Nếu nhà nước cho Vinaxuki ra đời cách đây 5 năm, thì đến giờ tôi đã thu hồi được vốn và chắc chắn người Việt Nam đã được đi ô tô giá cực rẻ".

Guồng máy sản xuất mới quay được nửa năm nhưng công nhân của ông đã được tập dượt, tích lũy kinh nghiệm sẵn từ giai đoạn trước đó, bởi ô tô, thì cũng làm khuôn mẫu, cũng dập, cũng hàn, tất nhiên ở công nghệ cao hơn.

Còn ông Huyên, giày lấm lem, lúc nào cũng ở xưởng, tự thiết kế, tự thi công. Rảnh phút nào, ông lại tranh thủ đọc tài liệu, hỏi chuyện chuyên gia hay dứt việc nhà máy để sang Trung Quốc cập nhật công nghệ mới. Quà trở về từ những chuyến đi xa cho con và các cháu, cả trai lẫn gái trong nhà bao giờ cũng là những chiếc mô hình xe ô tô.

Và đó cũng là cách để ông "chuyển giao công nghệ" cho người con trai thứ hai, anh Bùi Ngọc Kiên, hiện là phó giám đốc xí nghiệp Xuân Kiên. Một buổi đến trường, một buổi xuống xưởng như công nhân, các con ông đã được dạy để "tiếp quản" đam mê của người bố với bài học: muốn lãnh đạo người khác thì phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn và thạo việc hơn người khác.

Còn với chị Xuân thì "Bố đã tập cho tôi làm quen với ô tô chứ không phải... búp bê từ những món quà như thế ngay khi tôi còn bé". Học Luật vì mê khoác chiếc áo choàng luật sư, khi tốt nghiệp lại được chọn giữ lại làm giảng viên nhưng đam mê bền bỉ của người cha đã thuyết phục chị quay về giúp việc cho Xuân Kiên. Bởi cần phải có một người am hiểu pháp lý và là "tỉnh táo viên" đứng đằng sau cha và người em trai đam mê kỹ thuật.

Giờ thì ông Huyên suốt ngày rong ruổi khi Bắc Ninh, lúc Hòa Bình, say sưa đi "thám thính" thị trường để tự mình đo lường phản ứng dư luận về Vinaxuki. Không màu mè, oai vệ như người ta vẫn hình dung về các ông giám đốc (đi xe giá vài chục ngàn đô, ăn uống ở các nhà hàng sang trọng, tiền hô hậu ủng...), ngày ngày ông vẫn tự rong ruổi trên chiếc xe Vinaxuki với giá bán lẻ 11.380 USD. Buổi trưa ông vẫn xuống nhà cùng ăn với anh em. Cái ao cá mới đào ở cổng nhà máy là nằm trong dự tính, thỉnh thoảng cho anh em có món tươi cải thiện.

Chẳng thế mà có lần tranh thủ dẫn đối tác đi ăn trưa ở một nhà hàng nọ, mới vừa ngồi xuống thì ông nghe mấy cô tiếp viên lao xao bên ngoài "Cái ông già giày dép toàn bùn với đất kia hình như hôm trước mới lên ti vi. Hình như ông ta là giám đốc xí nghiệp tư nhân. Chắc là làm ăn thua lỗ chứ giám đốc xí nghiệp xe ô tô sao lại ngồi ăn ở phòng thường như thế nhỉ?".

Ông Huyên nghe vậy chỉ cười khà, không thanh minh. Với ông, 100 tỷ để xây dựng nhà máy lắp ráp động cơ vào năm 2007 là điều cần thiết hơn bất cứ việc gì khác.

  • Lê Nhung - Phạm Thủy

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,