221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
739080
24 giờ trước thời khắc chặn dòng Đà giang
1
Article
null
24 giờ trước thời khắc chặn dòng Đà giang
,

(VietNamNet) - Sáng 2/12, dòng Đà giang cuộn chảy sẽ chính thức bị chặn lại, công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á được khởi công: Mức nước chỉ còn hơn 10m và công việc hợp long sẽ  được tiến hành. Nhiều đoạn sông Đà sẽ chìm sâu mãi mãi dưới hàng trăm mét nước. Nhưng nhà máy sẽ mọc lên, dòng điện sẽ tỏa sáng mọi nẻo miền Tây Bắc...

Toàn cảnh công trình Thuỷ điện Sơn La. Ảnh chụp 1/12/05. VinhLT

Sẵn sàng cho giờ G

Không khí hối hả, bận rộn, lo toan, khấp khởi bao trùm công trường thủy điện Sơn La trước giờ khởi công, ngày 2/12/2005. Dưới lòng sông Đà đục ngầu, những dãy dài xà lan đang dỡ hàng, trên núi, từng đoàn xe tải nặng bám đuôi nhau chạy tung bụi khắp mọi nẻo đường dẫn vào công trình. Những công đoạn cuối cùng cho ngày khởi công, ngăn sông đang được hoàn tất.

Hệ thống giao thông dẫn từ thị xã Sơn La, qua thị trấn Mường La, nối kết ngoằn nghèo, chằng chịt vào công trường đã được xây dựng từ năm 2003. Để có thể ngăn sông Đà cho ngày khởi công, mấy năm trời qua, 6.000 công nhân của các đơn vị đã phải làm việc quần quật không kể nắng mưa, bão lũ. Từng khối bê tông, từng mét vuông đất đong đầy mồ hôi, nước mắt của công nhân xây dựng thủy điện.

Soạn: AM 636495 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ảnh: VinhLT

Trưởng Ban quản lý Dự án Thủy điện Sơn La Vũ Đức Thìn cho biết, hơn một năm qua công trường triển khai đào kênh dẫn dòng thi công và hố móng cống dẫn dòng từ tháng 3/2004 đến nay. Trên 4,2 triệu m3 đất đá được đào, trên 200.000m3 bê tông kênh và cống được đổ bên dòng sông Đà.

Để chuẩn bị cho việc ngăn sông, khởi công, lòng sông Đà đoạn Pá Vinh (xã Ít Ong, huyện Mường La) đã được chẻ thành hai nhánh. Đoạn sông đang hùng vĩ, thênh thang bỗng trở thành một con kênh dẫn nước từ thượng nguồn xuống phía hạ nguồn. Kỹ sư Vũ Chí Mỹ (Công ty Sông Đà 9) cho biết, cho đến cận ngày khởi công, lực lượng thi công phải đào, đắp và lấn vào lòng sông đến hơn 62 nghìn mét khối đất đá ở đập thượng lưu và 86,4 nghìn mét khối ở đập hạ lưu.

Và, khi kênh dẫn dòng vận hành tốt trước con nước thất thường của sông Đà, Sơn La là công trình thủy điện đầu tiên ở nước ta có đầy đủ điều kiện vừa ngăn sông, vừa khởi công. Việc hoàn thành ngăn sông đúng tiến độ có ý nghĩa quyết định đối với việc rút ngắn thời gian, đưa nhà máy Thủy điện Sơn La vào vận hành sớm 2 năm, mang lợi cho nhà nước 700 triệu USD/năm. 

Tôi may mắn được gặp trên công trường tấp nập những công nhân làm công việc chặn dòng giữa lòng sông Đà. Ngày 20/9, một ngày không thể quên với những người công nhân Công ty Sông Đà 9. Đó là ngày ném viên đá đầu tiên ngăn đoạn giữa sông. Sau khi thắp hương cầu khấn thần linh, thần nước sông Đà theo tâm linh của người Việt, những khối đất đá được ủi dần, ủi dần ra giữa dòng. Hai đê quai với hơn 630 ngàn m3 đất đá cộng với sự quyết tâm của người thợ mang tên Sông Đà đã chặn đứng dòng nước hung dữ. Lòng sông đoạn Pá Vinh II chỉ còn hơn 10m dành cho ngày khởi công. Cả dòng sông ào ào như thác lũ từ thượng nguồn một nửa chảy sang kênh dẫn dòng, một nửa chỉ còn 10m, nhỏ và róc rách như bất kỳ dòng suối nào ở núi rừng Tây Bắc này.

Không khí nhộn nhịp của công trường trước giờ G cũng không xua tan được cảm giác lo lắng của người công nhân ngăn sông khi nhớ về khoảnh khắc 30/10. Đó là một cơn lũ muộn và bất thường. Chỉ trong một đêm, khi tất cả đê quai đã đắp xong, lưu lượng nước 3.100m3/s từ thượng nguồn Lai Châu bất ngờ ập về tuyến Pa Vinh. Mực nước đo được lúc cao điểm nhất lên tới gần 120m. Lũ ngập tràn hết đoạn đê quai thượng lưu và hạ lưu, tính mạng hàng nghìn con người, số phận của hàng trăm xe, máy, trang thiết bị lâm vào tình thế nguy hiểm. Toàn bộ lực lượng công nhân thi công của các nhà thầu Tổng công ty Sông Đà, Trường Sơn, Licogi... để đắp đê chống lũ.

Soạn: AM 636497 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đoạn cuối sông Đà. Ảnh: VinhLT

Nếu lũ mạnh một chút nữa, con người chủ quan chút nữa, bao nhiêu công sức hàng năm trời của hàng ngàn công nhân bị cuốn đi. Đây là một thử thách khốc liệt đối với các đơn vị thi công. Nhưng tất cả đã qua. Niềm vui ngày chặn dòng nước cuối cùng của thượng nguồn qua nơi dựng đập nước thủy điện Sơn La đang hiển hiện trong mỗi người công nhân. Sau khi đập được hoàn thành, lòng sông Đà đoạn sẽ trở thành lòng hồ với diện tích gần 245 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,26 tỷ m3, dung tích phòng chống lũ kết hợp với thuỷ điện Hoà Bình: 7 tỷ m3; mực nước dâng bình thường (MNDBT): 215m. Những con số mang điện cho miền Tây Bắc và mang niềm tin, sự an toàn cho người dân trước mỗi mùa lũ dữ. 

Một điều đặc biệt với một công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á như thủy điện Sơn La, đó là do chính bàn tay người Việt làm nên ở tất cả các công đoạn. Trước đây, cũng trên dòng sông Đà, thuỷ điện Hoà Bình phải nhờ cậy vào thợ và chuyên gia Liên Xô. Với thuỷ điện Sơn La, các hạng mục công trình đều do bàn tay, khối óc và trái tim của những người thợ mang dòng máu Việt.

Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La Vũ Đức Thìn là một người nhiều năm gắn bó với thủy điện. Ông chính là người được EVN giao nghiên cứu khảo sát để làm báo cáo trình Quốc hội và Chính phủ xây dựng công trình này. Ông nhớ lại, trước ngày khởi công, ngăn sông, ông cùng các kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật miệt mài đi bộ ngược dòng sông Đà từ Hoà Bình tới biên giới Lai Châu. Vượt qua cả biên giới, ông qua Vân Nam (Trung Quốc) khảo sát đoạn sông thượng nguồn sông Đà. Ông Thìn tiết lộ với VietNamNet, một dãy núi cao, hiểm trở nơi thượng nguồn sông Đà đã giúp đoàn khảo sát có một cái nhìn thực tế về trữ lượng nước của cả hệ thống thuỷ điện từ Sơn La đến Huội Quảng.

Trước ngày khởi công và ngăn sông thủy điện Sơn La, tôi đi nhờ xe vào nơi chỉ còn lại 10m thông dòng sông Đà. Tất cả các kỹ sư, công nhân đang quần quật làm nốt những công việc cuối cùng cho ngày khởi công đều lãng mạn khi nghĩ tới nơi mình đang đứng, sau này sẽ là đáy hồ. Dưới là dòng Đà giang cuồn cuộn, trên là những ghềnh đá, hõm đá hiểm trở sẽ chìm sâu dưới hàng trăm mét nước.

Và trong phút lãng mạn đó, nhiều kỹ sư già mòn gót giày các công trình thủy điện lặng nhớ về ngày hội ngăn sông Đà cách đây hơn 20 năm để xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Cả nước hướng về sông Đà. Tiếng Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát lệnh cuộc ngăn sông lịch sử còn được nhiều thế hệ công nhân, kỹ sư thủy điện nhớ mãi. Hơn 20 năm sau, vẫn là dòng sông Đà hùng vĩ, vẫn là nhiệt huyết mang dòng điện đi muôn phương, dòng sông Đà lại được chặn lại để nhà máy Thủy điện Sơn La mọc lên.  

Cho dòng điện sáng lên

Soạn: AM 636503 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lòng hồ sông Đà. Ảnh: VinhLT

Tất cả sẽ chìm sâu dưới hàng trăm mét nước khi nhà máy thủy điện hoàn thành. Tất cả, từ những bản làng, những địa tầng văn hóa, những kỷ niệm, những ký ức, những khốn khó cuộc sống ven sông sẽ chìm sâu. Đó là sự thực nhiều người muốn nhanh đến, nhiều người chưa muốn nó đến ở Tây Bắc lúc này. Nhưng, chỉ ngày mai, sông Đà sẽ được ngăn. Ngăn luôn những kết nối của 18.900 hộ đồng bào ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hy sinh nơi ở trong lòng hồ với những tồn tại của quá khứ.

Trước giờ ngăn sông, chúng tôi gặp ông Quàng Văn E ở bản Pá Mu, xã Mường Trai. Trong buổi chiều lộng gió sông Đà, ông kể về một ước vọng nhỏ nhoi khi công trình lớn mọc lên. Gia đình ông đã di dời nhà cửa, bản làng để lại ruộng vườn, nương bãi cho lòng hồ thuỷ điện Sơn La để đến vùng quê mới. Nhưng ông vẫn còn hy vọng một ngày nào đó trở về thăm quê cũ bằng chiếc thuyền độc mộc. Ông chỉ ước mơ được trở về nhặt củi, đánh cá trên hồ. Nơi định cư mới chỉ cách quê cũ khoảng 2-3 giờ đồng hồ đi thuyền. Gia đình ông E là một trong những gia đình cuối cùng chuyển đồ đạc khỏi lòng hồ, khu vực bị ngập nước lên xã Mường Bú.

Ngày mai ngăn sông, tôi còn được nghe kể về chuyện ông Quàng Văn Ti (xã Ít Ong). Ông và gia đình sống bằng nghề chài lưới trên sông Đà đã lâu. Các hộ sống trên bờ còn được đền bù, được chuyển đến nơi ở mới. Cảnh sông nước nay đây mai đó, lấy thuyền làm nhà, lấy lòng sông đục ngầu làm ”đất’’ càng xót xa hơn khi không biết sẽ đi đâu. Khi đoạn qua Pa Vinh bị ngăn, con thuyền rách nhà ông lại ngược lên thượng nguồn, lại tìm ‘’đất mới’’ để sinh nhai nhọc nhằn. Nhưng nhiều người còn kể, ông dong thuyền đi, rồi thỉnh thoảng ông lại dong thuyền về nơi cũ. Ông cũng tiếc, cũng buồn nhưng không thể không đi, ông quay lại chỉ vì nhớ cảnh cũ chiều chiều neo thuyền nơi bến, lên bờ uống rượu cá sông Đà nướng với mấy bạn già trong bản.

Soạn: AM 636509 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ngăn sông. Ảnh: VinhLT

Khi Thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động, cả một vùng rộng lớn dọc thượng nguồn sông Đà, từ Pa Vinh (Sơn La) lên tận Mường Lay-Nậm Na (Điện Biên) sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Khi ngăn dòng nước sông Đà, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Thái, Kháng, La Ha, Khơ Mú, Kinh... sẽ bị xoá nhoà vĩnh hằng?

Đấy là chưa kể đến những di tích nổi tiếng như khu dinh thự của ''Vua Thái'' Đèo Văn Long ở ngã ba sông Nậm Na và sông Đà, nhà tù Lai Châu do thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20 để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Và những đêm xoè uốn lượn bên đống lửa những đêm hội hè của trai gái Thái trắng, Thái đen liệu có còn cùng với những gấp gáp, lo toan, thích nghi của quá trình định cư nơi vùng đất mới? Còn nhiều giá trị văn hóa được bà con các dân tộc mang theo khi hy sinh đất đai, mồ mả ông bà cho lòng hồ vì dòng điện sáng Tây Bắc.

Trước giờ ngăn sông, tôi cũng được nghe vài nhà nghiên cứu văn hóa lên với sông Đà nói về nó. Dòng sông Đà không chỉ là dòng sông năng lượng, dòng sông thủy điện mà còn là dòng sông của những truyền thuyết, huyền thoaị, địa tầng văn hóa vật thể và phi vật thể. Sông Đà cũng là con sông của những chuyến kinh lý lịch sử của các tướng quân trấn giữ bờ ải nước Việt thuở xa xưa. Rồi tất cả cũng sẽ chìm sâu và ngủ quên vĩnh hằng dưới nước sâu thăm thẳm sau ngày ngăn sông?

Ngày 2/12, thủy điện Sơn La sẽ khởi công. Dự kiến đến năm 2012 sẽ hoàn thành. Nhiều người già ở những bản Mường Chùm, Mường Chai, bản Nôm, Mường Bú, Nà Nhụng, Liệp Tề, Phiêng Bảng… trong lòng hồ sông Đà đã bỏ đất cũ để đến nơi tái định cư mới có nhiều trăn trở, nhưng cũng nhiều hân hoan. Đã đành ra đi cho thủy điện mọc lên, nhưng trăn trở vì nơi ở mới còn nhiều lạ lẫm, nhiều khác biệt với quê hương bản quán gốc của mình quá. Trăn trở là vậy, đồng bào ngày ngày đi qua công trường cũng đứng lại ngó một chút “cái thủy điện’’ rồi đi tiếp.

Trước đây cả khu vực ven sông Đà là đồi núi rậm rạp, hiểm trở. Đường sá có hơn 40 cây đi từ thị xã Sơn La xuống mất hơn 1 ngày chưa kể qua phà Mường La. Bây giờ, đường nhựa phẳng lỳ vào tận bản, hai cây cầu nối hai bờ sông, xe khách đã vào tận bản. Ông Quàng Văn The (xã Ít Ong) đứng bên đường bụi mù xe ra vào công trường cười như được mùa ngô lớn: “Phải hy sinh nhà cửa, không sao cả. Thủy điện to thế này nhà nước dành cho con em mình sau này. Không sao cả..’’.

·        Thế Lê Vinh (Từ Sơn La)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,