221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
735843
Kỳ 2: Thầy - Trò và Cuộc đời
1
Article
null
Kỳ 2: Thầy - Trò và Cuộc đời
,

(VietNamNet) - Một nhà giáo, một nhà khoa học, một nhà báo được sống, được trải qua bao nhiêu đường đất của thế giới mênh mông này, nhận được nhiều tri âm của học trò và bè bạn, được sống như mình muốn... Hạnh phúc lớn lao ấy của ông hẳn phải nhiều người ao ước. Và hẳn đã làm dịu vợi đi nhiều cái kiêu bạc, nếu có, mỗi khi gặp những đắng đót, bất bằng trên đường đời.

GS Trần Thanh Minh và các SV Cao học Vật lý.

"Dư âm Đà Lạt" 

Thầy giáo Minh của ĐH Đà Lạt (ĐHĐL) một thời không ngờ rằng bài báo - bó hoa của một nhà báo tặng mình nhân ngày 20/11 lại nhận được nhiều sự quan tâm đến thế của bạn bè, đồng nghiệp, học trò. 

Có người nói rằng, người viết chưa viết đúng và đủ về ông - người mà họ yêu quý. 

Dù qua điện thoại, chị Hoàng Anh, sinh viên khóa 2 của ĐHĐL, hiện là Giám đốc nhà hàng Phú Xuân, Quận I, TP.HCM, người có công đem ẩm thực VN, đặc biệt là ẩm thực Huế giới thiệu ra nhiều nước trên thế giới - vẫn không giấu được niềm vui sướng của mình khi gặp lại thầy giáo cũ qua bài báo trên VietNamNet. Chị nói rằng, nhiều người bạn ở nước ngoài không ngờ rằng hồi đó, cách đây 30 năm, một ông hiệu trưởng đại học ở tỉnh nhỏ trên cao nguyên xa xôi lại có tư duy đột phá, mới mẻ, đã làm được nhiều việc cho ĐHĐL như thầy Minh. Rằng thật vui khi trên đời này còn có rất nhiều chuyện tốt đẹp mà hồi trước họ chưa được nghe kể. 

Và câu chuyện của người phụ nữ xứ Huế giỏi giang và hiền thục ấy đã gợi lại những kỷ niệm đẹp đẽ, êm dịu của trường Đại học Đà Lạt gắn với hình ảnh thầy hiệu trưởng. Và chị gọi đó là "Niềm may mắn". 

Ngôi sao màu đỏ ở giảng đường Đà Lạt

Soạn: AM 626880 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đột phá và sự rắn rỏi, kiêu bạc của kẻ sĩ trong ông đã từng tỏa sáng và cháy lan trong nhiều thế hệ học trò...

... Lần đầu tiên tôi biết đến Thầy là khi tôi còn là học sinh cấp 3 trường Đồng Khánh cũ, sau 1975 lấy tên là trường Trưng Trắc, ở Huế. Tôi nhớ lúc đó vào giờ ra chơi, chúng tôi được cô giáo hiệu trưởng thông báo có GS Trần Thanh Minh đến nói chuyện để giới thiệu và tuyển sinh cho trường ĐHĐL. 

Không biết có phải vì phong cách dễ mến, vì lời nói nồng ấm và thuyết phục của thầy không mà học sinh ở trường tôi cũng như những học sinh lớp chuyên của trường Quốc học đã đăng ký dự thi vào trường ĐHĐL rất đông, mặc dù Huế là nơi có nhiều trường đại học và nhiều ngành học nhất khu vực miền Trung. Và tôi là một trong những học sinh đó, đã đăng ký dự thi vào trường - Khoa Vật lý. 

Ngay những ngày đầu tiên sau khi nhập học, sinh viên chúng tôi đã bị mê hoặc bởi ngôi trường khang trang, toạ lạc trong khu đồi với những rừng thông và rặng anh đào nở rất đẹp vào mùa xuân. Khoa Vật lý hạt nhân - ngành mũi nhọn hồi đó của trường - nằm ở khu vực A3 là khu vực trung tâm và gần thư viện nhất. Nhưng có một điều mà có lẽ những sinh viên trường ĐHĐL chúng tôi sẽ lưu giữ mãi trong ký ức là về một người Thầy - một nhà khoa học chân chính, có cái tâm trong sáng, rộng lượng không bị chi phối bởi những quan điểm hẹp hòi ấu trĩ về tôn giáo, lý lịch... 

Chúng tôi vào trường ĐHĐL sau ngày đất nước thống nhất. Điều may mắn nhất cho sinh viên chúng tôi là được sự hướng dẫn của Thầy Trần Thanh Minh. Lớp trẻ sinh trưởng ở miền Nam trong đó có tôi cảm phục nhân cách, khả năng và tiếng tăm chuyên môn của Thầy, để yên tâm tin tưởng học tập. Chúng tôi thấy Thầy đã dám quyết định những việc mà vào thời đó có rất ít người có can đảm làm. Đó là: 

Với sinh viên Thầy luôn đánh giá qua đạo đức và sức học. Chính Thầy đã quyết định chấp nhận cho sinh viên Lâm Nhật Anh đã đạt điểm thi tuyệt đối trong kỳ thi tuyển vào học. Trong khi Nhật Anh có bố đã từng phục vụ cho quân đội của chế độ cũ trước đây, từng là giảng viên của trường Võ bị Đà Lạt, đang làm luận văn Tiến sĩ về điện tử ở Mỹ.

Vì lợi ích của sinh viên, Thầy đã linh động lưu dụng lại những người có năng lực tốt để phục vụ cho công việc. Như việc lưu dụng các nữ tu, mà họ có đời sống rất mực thước, nề nếp... được tiếp tục làm việc ở thư viện để giúp cho giáo viên và sinh viên dễ dàng tìm kiếm tài liệu để tham khảo. 

Với tư cách của một hiệu trưởng, cư xử của một trí thức, Thầy đã bảo vệ được nguyên vẹn những tài sản và cảnh quan của trường sau khi tiếp quản được. Đó là cơ sở vật chất của trường ĐH Đà Lạt, mà thời đó trường được đánh giá là một trong những ngôi trường đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Thầy cũng đã lưu dụng tất cả những nhân công bảo vệ môi trường trước đây, phần lớn là người Công giáo, họ đã rất hiểu rõ về môi trường khí hậu, thổ nhưỡng, tính nết của từng khu đồi, rừng thông, rặng hoa anh đào ở nhiệt độ nào thì nở... 

 

Vào thời điểm đó, nhiều cảnh quan và ngay cả di tích lịch sử đã bị phá bỏ, thì trường ĐHĐL vẫn đẹp nguyên vẹn, vẫn xanh rì những rặng thông, hoa quỳnh vẫn hẹn nhau nở những đêm trăng, hoa đào vẫn nở gọi nắng trong mùa xuân... 

Mặc dù học khoa Vật lý nhưng mãi đến năm thứ 3 thì tôi mới được Thầy Minh dạy môn Vật lý hạt nhân. Sinh viên chúng tôi thời đó ngoài việc hấp thụ kiến thức mới mẻ trong những buổi Seminar về những đề tài khoa học, những bài giảng về vật lý hạt nhân của Thầy, chúng tôi được học hỏi ở Thầy rất nhiều về cách giao tiếp nghiêm túc, y phục trang nhã, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, thưởng thức văn học nghệ thuật... 

Hồi đó ngành học của sinh viên ĐHĐL chúng tôi nghe rất “khô khan”, nào là Toán ứng dụng, Vật lý hạt nhân, Hoá học phóng xạ, Sinh học phóng xạ. Để chúng tôi được hiểu thêm về văn hoá hay âm nhạc, thỉnh thoảng Thầy có mời những nhà văn hoá hay nhạc sĩ đến nói chuyện cho sinh viên nghe. Trong buổi nói chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại giảng đường Thống Nhất, sinh viên chúng tôi rất thích thú và rung động với bài hát "Ru con" do chính nhạc sĩ trình bày. Sau đó chúng tôi đã trao đổi thân tình với nhạc sĩ rất nhiều về bài "Dư âm". Ông nói: “Đối với tôi, "Dư âm” là một hoài niệm đẹp mà tôi đã cho vào ngăn kéo". Chúng tôi thầm nghĩ: "Cái gì thực sự đẹp đã đi vào lòng người thì sẽ tồn tại mãi mãi!".  

Đối với chúng tôi, Thầy Minh và trường ĐHĐL cũng là một "Dư âm" 

Mặc dù học ở ĐHĐL được xem như là một sinh viên tỉnh lẻ, nhưng Thầy Minh đã khắc phục những thiệt thòi đó của chúng tôi bằng cách mời các giáo sư, nhà khoa học nổi tiếng đến trường thỉnh giảng, không phân biệt cũ mới và nguồn gốc đào tạo, như các thầy Trần Hà Anh, Vũ Hải Long, Võ Xuân Bằng... được đào tạo ở Pháp, các thầy Trần Đình Thám, Tôn Thất Côn... được đào tạo ở Mỹ, các thầy Nguyễn Hoàng Phương,  Phạm Khắc Chi, Đàm Trung Đồn, Nguyễn Khang Cường... từ Hà Nội. 

Tôi là một trong 2 nữ sinh viên hiếm hoi của lớp Vật lý. Bạn học của tôi bây giờ có nhiều người vẫn theo đuổi chuyên ngành Vật lý và làm việc tại các trung tâm nghiên cứu về hạt nhân, có nhiều bạn có học vị Tiến sĩ. Riêng tôi, sau khi tốt nghiệp, rời mái trường đại học, dần dần bước chân của tôi đã đi lạc vào... BẾP. Tôi không làm gì với ngành đã học mà lại nhảy sang một lãnh vực mới là nghiên cứu về ẩm thực! (Không biết điều này có làm cho Thầy và bạn buồn không?). 

Thế nhưng, sau những lần tôi đảm nhiệm những chương trình giới thiệu về văn hoá ẩm thực tại Pháp, Đức, Nhật và Thụy Điển được báo chí trong và ngoài nước khen ngợi, không ngờ Thầy vẫn theo dõi, quan tâm bước ngoặt mới của học trò. Thầy cũng rất mừng với những công việc tôi đã làm và Thầy luôn luôn động viên rằng: "Cuộc sống nhiều khi đưa đẩy chúng ta đến với nhiều công việc mới mẻ, nhờ vậy giúp chúng ta phát huy được khả năng tiềm ẩn để tồn tại và vươn lên với đời. Tuy nhiên dù ở lĩnh vực nào chúng ta cũng phải giữ cái tâm cho trong sáng, trung thực, ứng dụng tư duy vật lý trong cuộc sống đời thường để đạt được hạnh phúc, thành công". 

Tình bạn và thầy trò 

Thầy là người bạn lớn... Ảnh: Phạm Tuấn

Ngoài những việc có vẻ... "ồn ào" như tiếp khách; từ những vị khách danh tiếng trong và ngoài nước đến những đồng nghiệp trẻ tuổi ở trường... tổ chức các hội thảo, thăm chỗ ở sinh viên và nhiều bận rộn không tên khác của một người quản lý, GS Minh vẫn dành cho mình những khoảnh khắc lặng lẽ làm những việc mà một người không bao giờ muốn tách khỏi cái nghiệp nghiên cứu và giảng dạy phải làm - nhưng không phải ai cũng làm, đó là viết giáo trình. Vì có ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và Nga, lại không lúc nào cũng phải gắn bó với công việc nghiên cứu về vật lý hạt nhân, nên những giáo trình ông viết (Vật lý hạt nhân, Cấu trúc mẫu hạt nhân, các phương pháp thực nghiệm trong vật lý hạt nhân v.v...) được cập nhật thông tin mới nhất trên thế giới khiến những cuốn sách đó được sử dụng rất lâu, thậm chí cho tới bây giờ.  

"Mình vẫn có những khoảng lặng riêng để làm những việc mình thích", ở tuổi 40 - 50, trong sự bề bộn công việc hành chính, nếu không có sự đam mê thì không thể vẫn có đề tài nghiên cứu khoa học, có những tập bài giảng cho sinh viên trường mình và cả trường khác sử dụng, GS Minh nhớ lại. 

Nói vậy thôi, niềm đam mê đó vẫn đeo đẳng đến tận bây giờ, giúp ông vượt qua tuổi tác và sự cách biệt về đặc trưng nghề nghiệp để tiếp tục chia sẻ với người học trò cũ, đồng nghiệp mới thân thiết của mình trên hành trình xây dựng và phát triển báo điện tử VietNamNet. 

"Viết phần mềm sau này sống được đấy" - Một học trò, người đã thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhớ lại lời khuyên của thầy Minh dành cho mình. Đó là vào năm 1986, khi máy tính, tin học bắt đầu vào Việt Nam. Lời khuyên đó như lời khuyên của một người cha với một người con và anh đã nghe theo và lựa chọn con đường đi cho mình. 

Sau này, khi nhìn lại con đường mình đã đi qua, anh không bao giờ quên câu nói đó cùng với chiếc máy tính đầu tiên trong đời. Vì thế, sau đó, khi được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất năm 1996 với những công trình ứng dụng công nghệ thông tin, anh đã trả lời phỏng vấn truyền hình: "GS Minh là một người quan trọng dẫn tôi đến với tin học". 

Riêng ông, chỉ xem việc làm của mình là cú "hích" nhỏ đầu tiên, môi trường đào tạo của ĐH Đà Lạt là nền tảng định hình ban đầu, còn con đường rộng lớn mà người học trò đang đi, những thành công... là do tài năng, tố chất và sự nỗ lực không mệt mỏi của anh.

Tuy vậy, hướng phát triển Công nghệ Thông tin trong đào tạo và ứng dụng ở ĐH Đà Lạt đã được thầy Minh đặt ra, thúc đẩy hình thành rất sớm. Cũng như vậy, các hướng đào tạo liên quan khoa học và kỹ thuật hạt nhân do thầy khai phá, phát triển đã có tác dụng đào tạo cho ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam một lượng cán bộ lớn, trên 50%. Chính thầy phối hợp tốt với các đồng nghiệp của mình tạo nên một mô hình kết hợp thành công giữa Trường đại học và Viện nghiên cứu ở Đà Lạt, vừa giúp phát triển trường vừa phát triển các trung tâm nghiên cứu hạt nhân mà nhiều nơi khác không làm được

Tư duy luôn đổi mới, tìm hướng đột phá, không cam chịu với hoàn cảnh, trọng người tài, tạo môi trường văn hoá cho phát triển... là những bài học lớn của GS Minh mà sau này những người được gọi là học trò của thầy đã "gieo" lại trên những mảnh đất dụng võ của mình. Thầy trò Đà Lạt còn nhớ chuyện di chuyển cả một ngành sư phạm của Đại học Tây Nguyên về Đại học Đà Lạt năm 1982. Thầy Minh cho biết: chủ đích lúc đó chỉ là tạo cớ mở thêm các khoa về khoa học xã hội mà trước đó cơ quan chủ quản nhiều năm cản trở. Nếu không lách kiểu đó thì không biết đến bao giờ Đại học Đà Lạt mới vượt qua cảnh què quặt trong mô hình đào tạo. 

Hoặc chuyện mở những ngành nghề mới về kinh tế và kỹ thuật cũng có số phận tương tự. Chưa được chính thức cho mở các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, nông lâm nghiệp v.v.., ông Minh và lãnh đạo ĐH Đà Lạt xin đi vòng qua con đường “liên kiết đào tạo” với các trường bạn, với các địa phương. Tiền đề đó đã được những vị hiệu trưởng kế nhiệm, TS Nguyễn An Ninh, GS Nguyễn Hữu Đức, tiếp tục triển khai và cho ra đời đàng hoàng những khoa mới tương thích. 

Chuyện xây dựng “làng Đại học” bây giờ, với những biệt thự khang trang của các thành viên nhà trường, ngay sau khi ông Minh đi rồi, người ta cũng bảo rằng: bắt đầu từ quyết định táo bạo của Ban lãnh đạo thời thầy Minh. 

- Bây giờ, khi các học trò của mình đã có những cương vị mới, có bao giờ ông can thiệp sâu vào công việc của họ không? Hoặc có việc gì lẽ ra phải nói, bởi điều đó, ngoài GS ra thì không ai tiện nói, nhưng ông lại im lặng? 

- Tôi đã đến lúc càng nên biết mình đang ở đâu, các chức danh hiệu trưởng, viện trưởng nhà nước giao cho, các danh xưng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ được người ta gọi, nhắc đến đã thuộc về quá khứ. Nay còn được sinh viên cũ gọi thầy là thấy ấm áp rồi. Vì vậy, nếu điều cần nói có lợi cho cái chung mà không ảnh hưởng đến ai thì mình sẽ nói. Nhưng học trò mình đã lớn rồi, nói ít hiểu nhiều. Có khi, lúc đối diện, mình im lặng thì trò cũng hiểu là thái độ của thầy về việc ấy như thế nào. Cũng có những việc không đừng được thì mình vẫn phải nói. Ví dụ, một học trò cũ đã có cương vị xã hội nhưng thỉnh thoảng vẫn hơi... quá đà, mình vẫn nhắc: "Theo mình, nên bớt bớt đi". 

Nhiều học trò của ông sau này khi đã tương đối thành đạt trong đời đã nói rằng họ được ảnh hưởng từ thầy chất văn hóa, niềm đam mê và cả lãng mạn, cách sử xự và quý trọng người tài, người tốt, sử dụng đúng người khi ở cương vị đứng đầu một cơ quan, niềm khát khao đổi mới và tư duy đột phá. Bài học lớn nhất từ thầy mà họ có được là cách sống biết tiến, biết điểm dừng, không bao giờ đạt được điều gì bằng mọi giá. Bằng lòng và hạnh phúc với những gì mình có là một cách đem đến cho mình sự thanh thản. Có học trò cũ của ông nhận xét: Hình như thầy là người "lười", không có nhiều tham vọng, không hề vận động cho mình điều gì cả. Riêng ông thú nhận: Mình đã được đào tạo về nghề vật lý hạt nhân thì sẽ đi suốt đời với nó. Với một thầy giáo hay một nhà khoa học, làm Hiệu trưởng hay Viện trưởng là hạnh phúc lớn lắm rồi, là cơ hội tốt nhất để thực hiện ước mơ, còn đòi gì nữa. 

Trong họ, thầy là người bạn lớn. Khi cảm thấy cô đơn hoặc không thể nào vượt qua khó khăn, họ lại tìm đến bên thầy. Đôi khi họ lại ngồi bên nhau im lặng. Hoặc chỉ để nghe một bản nhạc... 

Sự hiểu nhau không lời như vậy không phải TÌNH BẠN THẦY TRÒ nào cũng có được. 

"Khi anh Tứ mất đi, tôi thấy trống vắng thật sự" 

GS. Trần Thanh Minh ở ĐH Havard.

Ông là một trong số ít những cán bộ khoa học trẻ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1966, được chọn cử sang Viện Đúp-na, một trong những trung tâm khoa học hạt nhân lớn nhất thế giới thời đó, tham gia nghiên cứu với tư cách là cộng tác viên khoa học. GS Nguyễn Đình Tứ là người trực tiếp làm trưởng đoàn trong chuyến đi đó. Và 10 năm sau, cũng chính GS Tứ là người cùng ông Minh trong đoàn cán bộ khoa học vào Đà Lạt, lần đầu tiên thăm lò phản ứng hạt nhân duy nhất của VN. Cũng ở đó, họ ngầm hẹn nhau sớm hội tụ về Đà Lạt để tiếp tục con đường nghiên cứu về vật lý nguyên tử, cùng với các đồng nghiệp khác làm phận sự của những người được đào tạo, hun đúc về chuyên môn ở Hà Nội, ở nước ngoài. Nhưng rồi, không bao lâu sau, GS Nguyễn Đình Tứ nhận quyết định điều về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm thứ trưởng, sau đó là Bộ trưởng, tiếp nối sự nghiệp của GS Tạ Quang Bửu. 

Thế là, những dự định cũ bị thay đổi một chút, GS Tứ ở lại Hà Nội, nhưng nhiều nhà khoa học khác lần lượt vào Đà Lạt. Riêng với ông Minh, Bộ trưởng Tứ nói: "Thôi, về xây dựng trường mới đi, Minh là người thích hợp cho việc kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu của Trường Đại học và Viện hạt nhân sẽ hình thành". Thế là thầy Minh vào ngay để thành lập Trường Đại học Đà Lạt thay vì chờ để sau đó về xây dựng Viện Hạt nhân Đà Lạt. 

Phải 14 năm sau ông Minh mới trở lại với cái nghiệp nghiên cứu mà ông rất đam mê. Lần này trong tư cách Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, nhưng không phải ở Đà Lạt. Ông trở lại Hà Nội sau gần 14 năm và gắn bó với nơi này cho đến nay. GS Tứ lại nói hóm hỉnh: "Anh Minh đi một vòng quanh thế giới hơn 10 năm rồi trở về nơi xuất phát - Hà Nội". Ý ông muốn nói đến việc ông không khi nào rời xa nghiên cứu khoa học, vẫn có nhiều chuyến đi trao đổi khoa học ở nước ngoài ngay trong lúc đang giảng dạy và lãnh đạo ĐH Đà lạt.  

Khi rời Đà Lạt về Hà Nội, ông Minh lại tiếp tục có cơ hội làm việc dưới quyền của người bạn vong niên, người đồng nghiệp lớn Nguyễn Đình Tứ. Đặc biệt trong thời gian ông Minh là thành viên của Hội đồng lãnh đạo Viện năng lượng Nguyên tử Quốc gia và là Phó chủ nhiệm thường trực Chương trình nghiên cứu nhà nước KC.09, còn GS Tứ là Chủ tịch Hội đồng và Chủ nhiệm của chương trình nói trên. 

Có lẽ không muốn gây ra những lấn cấn của người đời, và có thể do thói quen giữ ý đến mức cực đoan của mình, ông Minh lúc này lại ít đến nhà GS Tứ hơn, không nhiều dịp gần gũi để bộc bạch về những khó khăn hay cản ngại trong công việc. Dù rằng, tình nghĩa giữa họ vẫn luôn sâu đậm.  

Có một ngày, điều GS Minh không bao giờ nghĩ tới đã đến. Người lãnh đạo, người bạn lớn tuổi, người đồng nghiệp mà ông quý trọng nhất trong đời đó đã ra đi đột ngột. Người đàn ông trầm lặng và kín đáo ấy đã khóc nghẹn trong điện thoại khi nghe đồng nghiệp gọi báo tin dữ. Không lâu sau, người ta thấy xuất hiện nhiều bài báo ký tên Trần Thanh Minh viết về nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ, những công trình nghiên cứu về vật lý vi mô có tiếng vang trên thế giới và là cơ sở cho Giải thưởng Hồ Chí Minh, tài năng và nhân cách của nhà khoa học lớn, vai trò hàng đầu của ông với ngành Năng lượng nguyên tử VN, trên nhiều tờ báo và tạp chí.  

"Bộc lộ tình cảm với một đồng nghiệp, đặc biệt là cấp trên, hoặc người có vị trí cao trong xã hội là việc tôi không dễ dàng làm. Nhưng khi anh Tứ mất rồi, tôi hiểu rằng mình không phải kìm nén sự kính trọng và thương tiếc đối với một nhà khoa học như vậy. Một sự trống trải không dễ gì bù đắp nổi đối với giới vật lý nguyên tử chúng tôi, nhất là trong thời kỳ chuẩn bị đi vào điện nguyên tử với bao khó khăn ở phía trước".  

Bao nhiêu năm trôi qua rồi mà ông vẫn không giấu được nỗi xúc động ghê gớm khi nhắc lại điều đó. 

* * *

Xứ Huế, Đà Lạt, Hà Nội, những chiếc nôi. Nhiều năm tháng ở trung tâm khoa học lớn Đúp-na và những mùa thu vàng nước Nga, những hành trình học hỏi tích tụ tri thức và văn hoá của Ấn Độ bí ẩn và huyền thoại, của nước Áo với các phòng thí nghiệm và các diễn đàn Hội nghị IAEA và thành Viên của Strauss và dòng Đanuyp, ở Mỹ và Pháp với nền văn minh hiện đại... Và những tình bạn lớn trong cuộc đời. Tất cả đã làm nên phần lớn nhân cách, tâm hồn và hạnh phúc của cuộc đời GS Minh. Tất cả đã cho ông cũng như nhiều người thuộc thế hệ ông một vốn liếng quý và có ảnh hưởng sâu xa đến cách sống, cách xử sự, cách giải quyết khi thực thi một trọng trách lớn nhỏ nào đó mà họ được giao. Trong câu chuyện, ông cũng cảm nhận được cái ân huệ đó của cuộc đời và tỏ ra ân hận chưa làm được nhiều để trả nghĩa những mảnh đất lành, những công lao dưỡng dạy, những tấm lòng ân nhân và bạn hữu, nay thì đã không có nhiều sức lực nữa.  

Một nhà giáo, một nhà khoa học, một nhà báo được sống, được trải qua bao nhiêu đường đất của thế giới rộng rinh này, nhận được nhiều tri âm của học trò và bè bạn, được sống như mình muốn. Hạnh phúc lớn lao ấy của ông hẳn phải nhiều người ao ước. Và hẳn đã làm dịu vợi đi nhiều cái kiêu bạc, nếu có, mỗi khi gặp những đắng đót, bất bằng trong cuộc sống và trên đường đời. 

  • Lương Thị Bích Ngọc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,