221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
734071
Ngôi sao màu đỏ ở giảng đường Đà Lạt
1
Article
null
Ngôi sao màu đỏ ở giảng đường Đà Lạt
,

(VietNamNet) - Dù bằng cách này, hay cách khác, ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo, tinh thần đột phá và cả sự rắn rỏi, kiêu bạc như một kẻ sĩ trong ông đã từng tỏa sáng và cháy lan trong nhiều thế hệ học trò của trường ĐH Đà Lạt. Nhiều thế hệ sinh viên Đại học Đà Lạt đã không thể quên GS Trần Thanh Minh - người hiệu trưởng đầu tiên sau giải phóng cùng ngôi sao màu đỏ lung linh trên nền trời nơi ngôi trường của họ.

Soạn: AM 624447 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cuộc hội ngộ, hè 2005, ở Đà lạt giữa GS Long (phải) và Minh (trái).

Thỉnh thoảng ông có một bài viết dưới dạng nghiên cứu khoa học về lĩnh vực vật lý hạt nhân, hoặc về một nhà khoa học nổi tiếng nào đó đăng trên các tờ báo lớn hoặc tạp chí ký nguyên tên: Trần Thanh Minh. Lại thi thoảng, người quen bắt gặp một bài chính luận - dù ẩn dưới một bút danh nào đó, thì vẫn nhận ra đó là tác phẩm của ông bởi sự kỹ lưỡng đến từng dấu phẩy, bởi sự rắn rỏi và kiêu bạc được ẩn sâu trong sự nhẹ nhàng và lịch lãm trong mỗi con chữ. Đa số những bài bình luận của ông đều có thông điệp mới đằng sau những câu chuyện có khi đã cũ; và có thể thấy trong đó ngọn lửa nhiệt huyết với cuộc đời; niềm khát khao cống hiến và sáng tạo. Những con chữ phần nào mang cá tính của ông, người thầy, nhà khoa học Trần Thanh Minh.

Dù bằng cách này, hay cách khác, ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo, tinh thần đột phá và cả sự rắn rỏi, đôi lúc kiêu bạc như một kẻ sĩ có trong ông, đã từng tỏa sáng và cháy lan trong nhiều thế hệ học trò của trường ĐH Đà Lạt  (GS Trần Thanh Minh làm Hiệu trưởng ĐH Đà lạt từ năm 1976 tới 1990). Bởi thế, mà trong hành trình đi tới tương lai của một nhiều học trò cưng, người ta luôn thấy sự hiện hữu của ông - với tư cách là một người bạn lớn, tri âm.

Nhưng không phải dễ dàng để nhận ra những phẩm chất đó trong ông.

Phải lâu, rất lâu, sau lần gặp đầu tiên - dù hàng ngày vẫn gặp gỡ làm việc cùng - thì tôi mới biết thêm một ít về con người mà mới trông qua, tưởng chừng như đó chỉ là một nhà khoa học lặng lẽ, một người già đôi khi kỹ tính, một người thầy cố giấu sự tự hào về những người trò đang có những thành công nhất định.

Chỉ là vậy thôi. Và đôi khi, tôi còn có ý nghĩ rằng: có vẻ như ông là người bảo thủ và cũ kỹ. Cuộc đời là vậy, người ta đôi khi cứ tưởng là những gì mình đang thực hiện là mới mẻ, là thử thách, là sự đột phá mà không biết rằng, mình chỉ mới bước chân vào cánh đồng mà người ta đã gieo cấy, gặt hái xong rồi. Những gì được nghe  về GS Trần Thanh Minh đã cho tôi cảm giác như vậy.

"Người tôi muốn gặp nhất mỗi lần về đây là ông Minh"

Câu chuyện của GS Phó Bá Long - người Việt Nam đầu tiên học ở Trường Kinh doanh Harvard trong chuyến thăm Việt Nam gần đây đã đem đến cho tôi nhiều điều ngạc nhiên về một con người không xa lạ gì với mình.

GS Phó Bá Long nguyên là Hiệu trưởng Trường chính trị kinh doanh của Viện Đại học Đà lạt trước giải phóng. Sau khi sang định cư tại Mỹ, GS Long đã từng nhiều lần được Giáo sư Trần Thanh Minh mời về Đà Lạt để nói chuyện với cán bộ và sinh viên về quản trị kinh doanh, về chính sách công. Cũng đã nhiều lần GS Trần Thanh Minh từng có ý định với sự tư vấn của GS Phó Bá Long mở khoa Quản trị kinh doanh tiếp cận với phương pháp giảng dạy của Trường Kinh doanh Harvard nhưng rồi không thành. (Sau này, một đồng nghiệp lớp sau của ông, TS Đào Công Tiến đã thực hiện được điều đó ở Đại học kinh tế TP.HCM).

Khó hình dung được, đằng sau sự lặng lẽ có lúc khiêm nhường, ông Minh đã từng có những ý tưởng táo bạo đến như vậy.Và  lúc đó, việc một Hiệu trưởng Đại học khu vực hẻo lánh thân cận với một GS từng tu nghiệp ở trường Đại học lớn bậc nhất nước Mỹ, từng là Hiệu trưởng của một trường “nhạy cảm” của chế độ cũ là chuyện không bình thường. Mà không bình thường thì hiển nhiên sẽ có những lời xì xào đâu đó.

"Tôi cũng có ý e ngại cho ông Minh, nhưng hỏi thì ông ấy cứ cười cười: Mình có làm gì sai đâu? Tôi muốn sinh viên và các cán bộ giảng dạy có điều kiện tiếp cận với cái mới". Ông Long kể lại.

Hội thảo quản trị kinh doanh đầu tiên của VN năm 1989 với sự tham dự của nhiều nhà khoa học quản lý, nhiều nhà quản trị tên tuổi như Nguyễn Xuân Oánh, Phó Bá Long, Trầ Bạch Đằng, Trần thanh Đạm và nhiều nhà trí thức, lãnh đạo doanh nghiệp ở Tp. Hồ chí Minh và Việt kiều với những tham luận có ý tưởng mới mẻ và tiếp cận được phương pháp và tư duy quản trị tiên tiến của quốc tế  được coi là một sự kiện đột phá vào thời đó.

"Nhưng hình như hội thảo đó cũng đem đến cho ông Minh không ít phiền toái, và theo thông tin tôi "nhặt" được thì vì "nó" mà ông Minh đã bị nhiều người không ủng hộ cho điểm xấu. Nhưng điều đặc biệt là GS Minh không bao giờ nói với tôi về những phiền toái đó..."

Tôi đem điều GS Phó Bá Long kể hỏi lại, ông Minh chỉ cười: "Mình không để ý lắm tới những phiền toái và rất may là cũng không ai nói thẳng với mình chuyện đó".

Nhiều SV ĐH Đà Lạt đã rất cảm phục ông Trần Thanh Minh qua việc ông sử dụng một cách trân trọng các giảng viên của Viện Đại học Đà Lạt trước giải phóng muốn gắn bó với trường. Thời ngay sau giải phóng, lý lịch đang là một câu chuyện nặng nề.

"Có lẽ việc làm cho tôi nể trọng nhân cách thầy Minh nhất khiến mỗi lần về, tôi đều tìm gặp ông ấy đầu tiên là ở chỗ ông đã cố hết sức để những con em có vấn đề lý lịch nhưng học rất giỏi được nhập học".

Nếu không có sự dũng cảm đó thì sau này ĐH Đà Lạt đã không có quyền tự hào về hai người  từng là thủ khoa, là sinh viên giỏi nổi tiếng ở Đà lạtảttở thành người tài ở trường, đó là Tạ Lê Lợi (nay là chủ nhiệm khoa Toán) và Lâm Nhật Anh (nay làm việc ở Hoa kỳ).

Nhớ lại tất cả những chuyện đó, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn có vẻ xúc động khi nói về người thầy của mình trong ngày 20.11: "Cho đến bây giờ, khi trải nghiệm nhiều điều của cuộc sống, tôi càng thấy xử sự của thầy Minh có tầm của một chính khách, một nhân cách lớn".

Ngôi sao màu đỏ
Soạn: AM 626880 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhà báo Trần Thanh Minh bây giờ.

 

Những năm đầu dù còn thuần về Tự nhiên với 4 ngành: Toán ứng dụng, Vật lý hạt nhân, Hóa phóng xạ, Sinh học phóng xạ; và mỗi khoá chỉ có khoảng 100 SV thì ĐH Đà Lạt như một biểu tượng của sự sang trọng đối với học sinh khu vực miền Trung thời mới sau giải phóng. Nhiều cựu sinh viên thành đạt sau này không giấu niềm tự hào, rằng mình đã từng là thành viên của ĐH Đà Lạt.

Trong ký ức của nhiều cựu sinh viên, vẫn còn mãi dấu ấn về những người thầy "rất hay" như thầy Nguyễn Hữu Bảo chơi piano hay, vẽ tranh được, giờ giải lao thường nói chuyện về Leonard da Vinci; thầy Nguyễn Quang Hiển tài hoa, lịch lãm; thầy Nguyễn An Ninh có tài sáng tác nhạc, thầy Phan Huy Thiện gốc Hà nội hào hoa...

Không biết có phải vì hay đi nước ngoài và giao du với những người như GS Phó Bá Long không mà GS Minh đã tạo ra một môi trường kiểu Ivy Leage cho ĐH Đà Lạt thời đó: Mời các nhà khoa học, các chính khách, các nhà văn hóa đến nói chuyện; và mời nhiều giáo viên có uy tín ở nhiều nơi đến thỉnh giảng. NS Trịnh Công Sơn, NS Trần Tiến, ca sĩ Ngọc Tân, NS Mạnh Đạt, GS Nguyễn Hoàng Phương, GS Đàm Trung Đồn v.v...vốn là những khách thường xuyên của trường.

Hồi đó, SV của trường có phong trào chơi guitar, nghe nhạc cổ điển. Dù là sinh viên khoa tự nhiên nhưng sau bữa ăn trưa họ thường vào thư viện; người thì đọc giáo trình, người đọc tác phẩm văn học cổ điển, đọc thơ tình và bàn luận về những điều thú vị mình vừa đọc. Những cuốn sách được đọc nhiều nhất là những tác phẩm văn học kinh điển như Đỏ và đen, Chiến tranh và hoà bình, Tội ác và Trừng phạt, Nhà thờ Đức bà Paris, Cha và con, Lão hà tiện...

Nhiều SV nói rằng, không khí văn hoá, không khí lãng mạn này được lan tỏa từ thầy Minh hiệu trưởng.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp những khóa đầu tiên của trường bây giờ là những người thành đạt, có uy tín trong xã hội. Một trong những người đó là sinh viên Toán khóa 4, vào trường năm 1980, bây giờ nhớ lại.

"Hôm khai giảng, tôi đến với tâm trạng chờ nghe bài diễn văn lê thê, cảm giác là chán. Nhưng, bài phát biểu của thầy cực kỳ ấn tượng, rất hay, có sức cuốn hút, giọng nói truyền cảm". Lúc đó thầy Minh hơn 40 tuổi.

Vào trường, anh được sinh viên khóa trước kể nhiều câu chuyện về các thầy, đại ý: các thầy trường này hay lắm, đặc biệt là thầy hiệu trưởng. Lúc đó, anh chỉ biết thầy Minh là nhà khoa học Vật lý hạt nhân, có kiến thức khoa học sâu sắc, vẫn đi giảng bài dù là hiệu trưởng.

Nhiều khi về KTX buổi tối ồn, không học được, khi còn là sinh viên năm nhất, anh thường ăn cơm chiều rồi ở lại giảng đường học luôn cho yên tĩnh... Anh thường hay đi qua nhà thầy - trong khuôn viên trường - ngó vào thấy thầy ngồi làm việc bên cửa sổ. Trên khung cửa có nhiều chậu hoa quỳnh lớn. Thỉng thoảng vẳng nghe một bản nhạc cổ điển. Quanh tầng hai nhà thầy còn có một cây ngọc lan rất nhiều hoa.

Hồi đó, anh rất thích đến để xem hoa quỳnh nhưng chỉ nhìn, thậm chí có lúc còn hái trộm hoa nhà thầy nhưng chưa bao giờ dám vào nhà.

Sau này, nhiều sinh viên gặp lại thường hay trêu thầy Minh: "Em đảm bảo hồi đó, thầy được rất nhiều sinh viên nữ ngưỡng mộ mà thầy không biết".

"Quan trọng nhất là thời đó, thầy Minh đã tạo ra được một môi trường văn hóa đặc trưng cho trường. Bản thân trường ĐHĐL cũ vốn là cơ sở đào tạo nền nếp, sang trọng, lịch sự; là nơi mà nhiều con cái các gia đình quý phái của chế độ cũ học. Là một trí thức có văn hoá, thầy Minh đã tiếp thu, tiếp quản những vị thế, những giá trị có sẵn và từ đó phát huy lên. Ở thời điểm đó, với góc nhìn ấu trĩ, không phải ai cũng có cái nhìn để tầm để xử sự được như thế. Điều này thể hiện ở rất nhiều chi tiết, mà nếu là người khác có thể sẽ ứng xử khác".

Chẳng hạn, trường cũ có một cây thánh giá cao, nhiều người khác có thể sẽ đập đi. Nhưng thầy Minh khi mới tiếp quản đã cho bọc thành ngôi sao màu đỏ (sao trí tuệ). Ngôi sao màu đỏ đó đã trở thành biểu tượng của trường. Ngôi sao đỏ lấp lánh trên nền trời ĐL, lung linh trong nắng. Nó như một logo, một landmark. Tôi đã từng ấn tượng với với ngôi sao này ngay từ khi đi thi ĐH, lần đầu tiên đến Đà Lạt...

Ở thầy Minh có chất văn hoá, đôi lúc pha chút kẻ sĩ, chất lãng mạn của một trí thức, một nhà văn hoá. Ông là người thầy lớn của nhiều thế hệ học trò. Nếu thầy Minh ở những trung tâm như HN, TP.HCM thì các bước phát triển, vị thế của thầy có thể sẽ khác hơn nhiều. Và những đột phá, những đóng góp của thầy sẽ còn nhiều hơn".

Đó không chỉ là sự ghi nhận từ một học trò cũ đã bước ra cuộc đời rộng lớn, mà còn là nhận xét khách quan của một nhà báo và nhiều thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Đà Lạt.

  • Lương Bích Ngọc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,