(VietNamNet) - Câu chuyện với "Cô Tần" - bà Hồ Thể Tần con gái cụ Hồ Đắc Điềm, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thời hoà bình mới lập lại - một chứng nhân từng sống trong những căn biệt thự cũ, đã được nhìn thấy những cảnh đời và người ở thị trấn Tam Đảo trước khi nó bị triệt phá đến tận gốc.
Tam Đảo vào thời kỳ hoàng kim của những năm 1935-1944 là nơi gặp gỡ của rất nhiều gia đình các quan lại, công chức cao cấp và các doanh nhân vừa giàu có vừa sang trọng, cả người Pháp và cả người Việt Nam. Họ lên đây không phải để làm việc mà nghỉ ngơi, dưỡng sức, để tâm tình và đàm đạo chính sự.
Một góc Tam Đảo hôm nay. Ảnh: Hoàng Đại Dương |
Nếu bằng cách nào mà ai đó có thể mô tả lại được khi ấy các nhân vật này đã sống một cuộc sống thường nhật ra sao, mỗi người đã suy nghĩ và lựa chọn con đường riêng của mình như thế nào trước cơn bão lớn của thời cuộc, trước bước ngoặt của dân tộc và thế giới thì có thể sẽ để lại cho hậu thế nhiều bài học thực tiễn vô cùng đa dạng, các tấm gương nhãn tiền đầy thuyết phục, các cá tính đầy hấp dẫn như kiểu mà Tolstoi đã để lại trong bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và Hoà bình". Chỉ e rằng, rồi tất cả sẽ tan vào quên lãng và không sao tìm lại được.
Theo lời hẹn trước qua điện thoại, 9 giờ sáng một ngày Chủ nhật, tôi đến thăm "Cô Tần" - con gái của cụ Hồ Đắc Điềm, chủ nhân một biệt thự nổi tiếng ở Tam Đảo.
Bây giờ thì người phụ nữ ấy, bà Hồ Thể Tần, đã là một bà cụ ở tuổi trên 70, với mái tóc bạc trắng nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và khoẻ mạnh.
Nghe hỏi về các kỷ niệm ngày bé thơ trên Tam Đảo, sau chưa đầy một phút chìm vào suy tư, bà tươi tỉnh hẳn lên và đôi mắt long lanh sáng như sống lại với những năm tháng xa xưa....
..."Cái ngôi biệt thự trên Tam Đảo ấy là ông cụ tôi mua lại của một viên tướng người Pháp, hình như tên là Alexandrie. Phải rồi, Général Alexandrie. Đó là ngôi nhà nằm cao nhất Tam Đảo, có cái tên rất hay là Villa de Belle Vue, có nghĩa là ngôi biệt thự có tầm nhìn tuyệt đẹp. Đúng là như thế, nhà chúng tôi nằm áp vào sườn núi, nhìn xuống hai bên là các biệt thự nhấp nhô, bên dưới là khu công viên rất rộng, nơi mọi người thường dạo chơi và tít xa nữa là nhìn thẳng xuống chân núi, vào ngày trời trong có thể nhìn rõ cả các con sông, cánh đồng và phố xá của Vĩnh Yên. Bố tôi đã mua ngôi nhà này vào khoảng 1936 hay 1937.
Ngày ấy mua nhà buồn cười lắm, người ta bán tất tật nguyên xi mọi thứ có thể, cả đồ đạc, sa lông, giường tủ, cả tủ sách rất to, cả rèm cửa, chậu hoa. Ngôi biệt thự nằm trên một tầng hầm bằng đá tảng rất rộng dùng làm garage, có hai con đường lát đá thành bậc đi vòng hai bên. Tôi không biết cụ mua hết bao nhiêu tiền, ngày ấy tôi mới có tám chín tuổi. Thường thì bắt đầu nghỉ hè chúng tôi lên đây chừng một tháng, hết nóng thì đi Sầm Sơn, rồi vào Bạch Mã, Đà Lạt. Toàn ở trong các biệt thự riêng của gia đình".
Nền nhà cũ của cụ Hồ Đắc Điềm. Ảnh: Hoàng Đại Dương |
Tôi đã biết cái nền hầm này trên Tam Đảo, bây giờ vẫn còn nguyên xi các bờ đá xếp cao gấp bốn đầu người như một khúc tường pháo đài, vẫn còn hai cánh cổng sắt to lớn kín mít với dòng chữ GARAGE khắc bên trên. Hiện nay hầu hết những người dân gốc Tam Đảo ở độ tuổi trên 50 đều biết đó là nền biệt thự cũ của cụ Hồ Đắc Điềm, một người mà bố mẹ họ mỗi khi nhắc đến đều tỏ rõ một thái độ tôn kính, còn họ thì chẳng bao giờ được thấy vì khi ấy còn chưa ra đời.
"Trên cái hầm ấy có hai tầng nhà. Chúng tôi ở tầng trên, có ba phòng ngủ, một phòng ăn, tất cả quây quanh một phòng khách rất rộng. Đây là nơi chúng tôi thích nhất, phía trước phòng nhô ra hình bầu dục, lát kính vừa cao vừa rộng, ngồi đó có thể nhìn được khắp nơi. Tôi nhớ là có các biệt thự của ông Thẩm Hoàng Tín, dược sĩ học ở Pháp về, sau này làm chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, có nhà ông Hoàng Thuỵ Ba là bác sĩ nổi tiếng, còn có anh em nhà ông Trịnh Văn Bô, Trịnh Văn Bính là các gia đình đã bí mật nuôi bao nhiêu là cán bộ, đã biếu Cách mạng hàng ngàn cây vàng. Căn nhà ở phố Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô chính là nơi Cụ Hồ đã ở và viết Tuyên Ngôn Độc Lập khi bí mật về Hà Nội lãnh đạo Cách Mạng Tháng Tám 1945. Xa hơn chút nữa có nhà Cự Chung, Cự Đạt là các nhà tư sản dệt nổi tiếng đã cạnh tranh cả với tư bản người Hoa người Ấn. Đâu hình như còn cả biệt thự nhà ông Hương Ky có cửa hiệu ảnh rất to ở Hàng Bông thì phải. Góc bên kia là nhà ông Thân Trọng Hậu, con cụ Thân Trọng Huề thượng thư Bộ Học, là anh ruột vợ Trần Văn Chương bố đẻ của bà Lệ Xuân vợ ông Ngô Đình Nhu.
Dưới ngay đầu dốc là cửa hàng tạp hoá có bán đủ thứ từ len sợi cho các bà các cô đan áo, cho đến đồ chơi, dụng cụ gia đình, đồ hộp, rượu bia. Đây là chi nhánh của nhà tạp hoá Chaffangeons sang trọng nhất Hà Nội, to như một siêu thị ở góc phố Tràng Tiền, nay là cửa hàng sách quốc văn. Chính giữa là một khách sạn có lẽ là duy nhất ở đây, hình như tên là Grand Hotel. Khách sạn này rất đẹp nhưng bọn tây không cho người ta vào. Cũng vì thế mà cánh nhà giàu Hà Nội rủ nhau lên đây mua biệt thự riêng".
Người Tam Đảo bây giờ vẫn gọi cái nền hầm khổng lồ nằm ở đầu con đường đi vào trung tâm ấy là "đồi khách sạn", hiện vẫn còn có các khoang hầm bê tông nham nhở rêu phong, mặt phủ đầy cỏ và làm bãi đỗ xe tạm thời đối diện với một khu khách sạn lớn có tên là Nhà khách tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều đoàn học sinh lên đây hay mua gỗ ván thùng ra nóc hầm này đốt lửa trại, ca hát. Còn về các biệt thự của gia đình nói trên nay chẳng còn ai biết đến tên các chủ nhân này và cũng chẳng thể biết nền móng cũ của chúng là ở chỗ nào. Không biết trong hồ sơ địa chính có còn chút dấu tích nào hay không.
"Bọn Tây ở Tam Đảo đông lắm, các biệt thự tây đều nằm ở phía bên kia con suối Bạc. Cạnh dòng suối có một cái bể bơi rất đẹp và một công viên rộng, nhiều hoa, có cả những chiếc ghế xích đu. Tít xa bên mỏm bên kia là khu lâu đài của toàn quyền Paul Bert. Nhưng nằm đâu thì nằm, các mặt nhà đều quay về phía thung lũng trung tâm. Trên cao bên trái này có các bể nước rất rộng, không biết bây giờ có còn hay không. Đã mấy chục năm rồi cô không lên Tam Đảo. Khi nào thuận tiện cô cháu mình lên lại xem sao nhé".
Mỏm đồi toàn quyền là một địa danh nổi tiếng ở Tam Đảo vì đây là một nền nhà mênh mông, nằm bên trên ba bề vực thẳm, có tầm nhìn rất khoáng đạt. Chỉ còn lại mấy dãy lan can đổ nát và mấy đường bậc thang dẫn xuống phía vực sâu nhưng cũng đủ cho thấy khi xưa khu lâu đài này rất đồ sộ và oai nghiêm. Bây giờ trên nền đất hoang có mấy dàn su su và các luống rau cỏ. Lác đác có mấy chiếc hố sâu là nơi ủ phân nhưng cũng có lời đồn đó là dấu vết của các cuộc kiếm tìm kho báu bí mật, mặc dù không ai tin là có thật. Còn mấy bể nước chính là khu lọc nước suối trên núi cao để đưa vào mạng lưới cấp nước sạch cho toàn thị trấn được xây từ năm 1925 cho đến nay vẫn hoạt động rất tốt. Cái bể bơi cũng vậy, vẫn sạch đẹp, được dẫn nước từ suối Bạc chảy vào nhưng đang được chuyển giao cho ai đó để kinh doanh vì thế năm nay để khô cạn không cho khách vào bơi. Chếch ngay gần đấy có một khối nhà cao vỡ nát, nham nhở tường đá ôm lấy các cột bê tông đen mốc sần sùi vươn mình trên sườn núi dốc. Có lẽ đây là ngôi nhà đổ duy nhất còn lại ở Tam Đảo mà không biết vì sao vẫn chưa bị đập vụn đến tận nền móng như hàng trăm chiếc khác.
Một ngôi nhà đổ còn sót lại. Ảnh: Hoàng Đại Dương |
"Ở Tam Đảo thì buồn. Mấy năm ấy, các cụ thường rủ thêm gia đình ông bà Bùi Huy Đức, tiến sĩ luật và văn chương, cũng làm quan ở Hà Đông đưa con cái lên đây. Trẻ con ở một buồng, mỗi đôi các cụ ở một buồng. Nhà có hai cái xe Renault và Citroel, chỉ hơn hai tiếng là lên đến nơi. Trước khi đi, cho anh bếp lên trước cùng với anh gác nhà ở suốt năm trên ấy cùng lau dọn, giặt giũ phơi phóng tinh tươm, mua đủ đồ ăn thức uống chờ các cụ lên. Đến mấy năm sau thì tầng dưới cho gia đình một sĩ quan Pháp thuê. Đấy đã là các năm đầu Thế chiến thứ hai, bọn tây sợ bom đạn đưa gia đình sơ tán lên Tam Đảo nhiều lắm. Nghe đâu năm 1944 viên sĩ quan này bị Nhật bắt. Tầng dưới nhà này cũng rất đẹp và đầy đủ tiện nghi. Gia đình ấy sống rất lịch sự, êm ả nhưng trẻ con nhà này cũng không thích chơi.
Ngày ấy Tây nó khinh người ta lắm. Một hôm vú em dẫn bọn trẻ nhà này đi dạo qua bể bơi, đứa em cô mới ba bốn tuổi trông thấy một cô đầm lai nằm phơi nắng, nó chạy lại ôm lấy đùi cô gái mà khen là mát và đẹp quá. Hình như cô này tên là Simone, là bồ nhí của một viên tướng Pháp, cô ta thấy thế thích lắm nhưng lập tức một lão cẩm tức là cảnh sát chạy lại và đuổi bọn trẻ chúng tôi. Nó bảo ở đây cấm người Annam.
Ông cụ nhà này nghe chuyện tức lắm. Hôm sau ông gặp lão chánh cẩm và hỏi các ông có quyền gì mà cấm người Việt Nam đi trên mảnh đất của người Việt Nam. Tôi sẽ gọi điện cho ông Toàn quyền để hỏi chuyện này. Hay là ông muốn cắm biển "Cấm người Annam và chó" treo ở đây như bên tô giới Thượng Hải. Biết cụ là quan to, lại nói tiếng Pháp hay hơn cả sĩ quan tây. Viên cảnh sát già cúi gập người xin lỗi và từ đó tụi trẻ nhà này tha hồ chạy chơi khắp nơi.
Tụi này đều học trường tây, nói giỏi tiếng Pháp vì thế rất thích cãi nhau với lũ con tây. Nhiều khi tranh nhau xích đu trong công viên, nhà này đông hơn, bênh nhau làm cho mấy đứa tây con phải chịu thua. Chúng nó chửi "sans annamite" tụi này chửi lại "sans francais". Chúng nó nhổ nước bọt, mình nhổ còn khoẻ hơn".
Tôi ngồi nghe mà thầm phục trí nhớ minh mẫn của bà. Nhắc đến chuyện này, bà bỗng nhớ lại hình ảnh của cụ thân sinh là cụ Hồ Đắc Điềm, một nhân sĩ trí thức dòng dõi trâm anh thế phiệt đã từ bỏ giàu sang, từ bỏ quyền cao chức trọng đi theo Cụ Hồ Chí Minh đến cuối đời.
"Ông nội tôi là cụ Hồ Đắc Trung, là Khánh Mỹ quận công, tể tướng viện cơ mật, một trong tứ trụ của triều đình Khải Định. Ông có người em gái tên Hồ Thị Chỉ là vợ chính thất của Khải Định. Ông ngoại tôi là cụ Hoàng Trọng Phu là tổng đốc Hà Đông có ngôi nhà mà bây giờ là sứ quán Trung Quốc. Bố tôi đỗ cử nhân ở Pháp về thì bị đưa vào triều làm ngự tiền văn phòng. Ông chỉ thích tự do cho nên đã học cả kịch nghệ định mở gánh hát, và đã cùng với ông Khái Lợi ở phố Đông Ba lập ra nhà chiếu bóng Tân Tân ở Huế, mua bao nhiêu là phim châu Âu về chiếu. Rồi cụ còn đi dạy ở trường Hồ Đắc Hàm, một kiểu trường bổ túc văn hoá cho người nghèo. Suốt đời cụ tha thiết với việc nâng cao dân trí, cụ là người luôn đi đầu trong phong trào xoá nạn mù chữ, bình dân học vụ từ 1945 cho đến khi nhắm mắt.
Ông bố tôi vì ghét quan trường, ghét bà Từ Cung mà bỏ sang Pháp học tiến sĩ luật.
Mẹ tôi cũng sang theo để cơm nước nuôi bốn anh em nhà chồng học hành đỗ đạt. Đang làm luật sư bên ấy cùng ông Trịnh Đình Thảo thì bị gọi về nước, lúc đầu làm chánh án toà thượng thẩm rồi bị bố vợ là cụ Hoàng Trọng Phu bắt đi làm tổng đốc Hà Đông để duy trì các nghề thủ công mỹ nghệ của vùng này. Trước kia cụ Hoàng đã dày công chấn hưng thủ công mỹ nghệ dân tộc, chọn các nghệ nhân đưa sang Tàu học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật học sơn mài, rồi cả nghề mộc nghề bạc... Cụ mở cả bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân La Cả La Khê. Đến khi Cách mạng, bố tôi trao ấn kiếm cho ông Đặng Kiên Giang chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Hà Đông. Rồi đi theo cụ Hồ lên chiến khu. Ngày hoà bình cụ làm Phó chủ tịch UBND Hà Nội dưới thời ông Trần Duy Hưng, toàn là dân tây học về với cách mạng".
Góc vườn hoa nơi xưa kia có những chiếc xích đu. Ảnh: Hoàng Đại Dương |
Chuyện của bà cứ thế trôi tràn như được trào ra từ một kho tàng vô tận của ký ức. Nào là chuyện đi kiệu vào rừng, chuyện nấu canh rau diếp cá hái ở ven suối, chuyện bướm rừng dày như mây bay, chuyện trẻ con xen lẫn chuyện gia tộc gia phong. Rồi lại còn chuyện bà vô tình mua được mãi bên Paris ảnh bố mẹ bà mặc triều phục trong một bộ bưu ảnh cổ của nhà Albert Kahn, lại quay sang chuyện Cụ Hồ nhờ cụ Điềm tiếp Hoàng thân Xuphana Phuma, rồi tiếp cả vợ chồng luật sư Loseby, vân vân và vân vân...
Những mẩu chuyện trên khi kể ra đây, tôi định sẽ mang lại cho "cô Tần" xem và sửa lại nhưng tiếc thay bà đã đi ra nước ngoài thăm con cháu còn lâu mới về. Vì thế xin coi đây chỉ là chuyện tôi nghe rồi kể lại. Và đây chỉ là ký ức đã được người khác ghi lại một cách vội vã chứ không phải là sử liệu chính thống.
Tôi kể lại các chuyện mới nghe được về Tam Đảo này với cụ Bảy, thân mẫu nhà sử học Dương Trung Quốc, cụ cười rất tươi rồi hứa sẽ kể chuyện ông bố của cụ đã làm thầu khoán ở Tam Đảo ra sao. Mấy hôm nữa cụ sẽ tìm cho xem văn tự gốc từ 1940 của hai ngôi biệt thự nhà cụ trên đó ngày xưa. Là con gái rượu của gia đình, khi ấy cụ bà đã từng cầm vô lăng xe tải của nhà chạy loanh quanh các con đường dốc núi. Chắc hẳn các câu chuyện ký ức Tam Đảo của cụ sẽ rất là lý thú.
Thế nhưng cụ Bảy và bà Tần chỉ còn là trong số rất ít những người đã được sống trong các căn biệt thự cũ, đã được nhìn thấy những cảnh đời và người ở thị trấn Tam Đảo trước khi nó bị triệt phá đến tận gốc. Và đến nay đã có bao người đã lần lượt theo nhau đi lên Thiên Đàng mà chẳng để lại gì cho hậu thế các ký ức và kỷ niệm về Tam Đảo khi xưa cả.
Rõ ràng là với những ai hiện nay và sau này, muốn dựng lại các cuốn phim, các bộ tiểu thuyết có liên quan đến những thế hệ sống ngay vào các thời kỳ rất gần chúng ta như các người đã sống vào thời kỳ hoàng kim của Tam Đảo, sẽ có thể bị bất lực khi muốn kiếm tìm các tư liệu theo đúng nghĩa của nó chứ không phải là các tư liệu được sáng tác ra dưới ngòi bút của những người chưa bao giờ một lần được sống và chứng kiến.
-
Hoàng Đại Dương
Kỳ 1: Tam Đảo nhìn từ xa và nhìn thật gần
Kỳ 2: Ngàn mây Tam Đảo