- Thép ngoại tràn ngập thị trường trong nước do giá thép nội tăng cao, phạt tới 20 triệu đồng nếu tăng giá sữa trái quy định... là những tin đáng chú ý tuần qua.
Phạt từ 10-20 triệu đồng khi tăng giá sữa trái quy định. Mức giá bán tối đa với sản phẩm sữa bột sẽ là giá bán lẻ của các DN kinh doanh sữa (chưa bao gồm chi phí bao bì). Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ cân nhắc trường hợp DN lách luật bằng cách tăng chi phí bao bì để nâng giá bán.
Quản lý chặt việc tăng giá sữa. (Ảnh minh họa: nbcuni) |
Nếu DN kinh doanh sữa bán sản phẩm thuộc thẩm quyền của mình cao hơn giá bán tối đa quy định sẽ bị xử phạt hành chính (theo Nghị định số 169/2004/NĐ-CP) từ 10-20 triệu đồng; đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch giá thu được do bán sữa vượt quá giá quy định.
Số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính sẽ thực hiện theo Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn.
Thép ngoại tràn ngập thị trường. Hiện tại, giá thép trong nước bán giao tại các nhà máy đã khá cao (thép cây khoảng 11,6 triệu đồng/tấn, thép cuộn 11,3 triệu đồng/tấn- chưa tính thuế GTGT). Giá bán lẻ trên thị trường TPHCM đã lên đến 12,4 triệu đồng và 12,1 triệu đồng/tấn (tăng hơn 300.000 đồng/tấn so với đầu tháng).
Giá thép trong nước đã tăng nhiều lần từ đầu năm tới nay. (Ảnh: Businessweek) |
Giới kinh doanh thép xây dựng cho biết, do giá thép trong nước tăng cao nên lượng thép nhập khẩu về khá nhiều (chủ yếu từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc...), trong đó phần lớn là thép cuộn. Còn theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép nhập đã lên đến 40.000-50.000 tấn/tháng.
Tăng thuế nhập khẩu ôtô lên 91%. Bộ Công Thương đang dự kiến đề xuất tới Chính phủ việc nâng thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 15 chỗ ngồi từ 83% lên 91% để kiềm chế nhập siêu.
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, 8 tháng đầu năm, đã có 40.500 chiếc ôtô nhập về Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc là 639 triệu USD. Xu hướng nhập khẩu ôtô có chiều hướng gia tăng.
Tỷ lệ đặt phòng ở nhiều khách sạn 4-5 sao ở Việt Nam đã giảm đáng kể. (Ảnh: Nextdestinationvietnam) |
Giá phòng khách sạn 5 sao đã giảm 13%. Theo báo cáo mới nhất của các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực khách sạn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Công ty CB Richard Ellis (CBRE), mặc dù đứng thứ hai về doanh số trên tỷ lệ phòng có sẵn, song tỷ lệ đặt phòng ở nhiều khách sạn 4-5 sao của Việt Nam bắt đầu giảm một cách đáng kể.
CBRE cho biết, giá phòng trung bình tại các khách sạn cao cấp ở TP.HCM cũng như cả nước hiện ở mức 118 USD/đêm, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, còn các khách sạn 4 sao ở mức 80 USD/phòng/đêm, giảm 4%.
Theo TS. Robert McIntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels châu Á – Thái Bình Dương, đến cuối quý II/2009, có khoảng 1.500 khách sạn lớn nhỏ đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP. HCM, cung cấp 29.200 phòng, trong số này có 50 khách sạn 5 sao với 7.903 phòng. Năm 2010 sẽ có thêm 776 phòng từ những dự án khách sạn 5 sao chuẩn bị khánh thành và đưa vào khai thác.
Giá mía, đường trong nước gần đây tăng mạnh. (Ảnh: Princeton) |
Giá mía nguyên liệu đang ở mức cao kỷ lục. Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, tuỳ theo chữ đường của mía nguyên liệu, giá thu mua có thể dao động thêm 50.000 đồng/tấn. Cộng chi phí vận chuyển từ 50.000-110.000 đồng/tấn khi về tới nhà máy, mía nguyên liệu đang được thu mua với giá khoảng 800.000 đồng/tấn, mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Nguyên nhân chính khiến giá thu mua nguyên liệu tăng là do thời gian qua, trên thế giới, giá đường kính trắng đã tăng lên mức 591USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với tháng 8/2008. Điều này cũng đã khiến cho giá đường trong nước gần đây tăng khá mạnh.
Hiện sản lượng sản xuất của toàn ngành mía đường đạt khoảng 1 triệu tấn đường/năm. Trong khi nhu cầu tiêu dùng của cả nước giai đoạn 2009-2010 được dự báo ở mức 1,3-1,4 triệu tấn/năm.
Xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam năm nay dự kiến đạt 400-450 triệu USD. (Ảnh: Mit) |
Trái cây có múi được giá. Hiện nay, bưởi và nhãn tại các tỉnh ĐBSCL trong tình trạng "cầu vượt quá cung". Giá nhãn tại Bạc Liêu, Sóc Trăng... 16.000-17.000 đ/kg (nhãn xuồng cơm vàng) tăng vọt lên 27.000-28.000 đ/kg; nhãn da bò cũng tăng bình quân 3.000 đ/kg. Nhóm trái cây có múi (bưởi, cam, chanh) được giá vì ít chịu sức ép của sản phẩm nhập ngoại.
Theo dự báo của Hiệp hội rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam năm 2009 sẽ đạt 400-450 triệu USD. Riêng với quả bưởi, các doanh nghiệp hiện xuất khẩu trung bình khoảng 300-400 tấn mỗi tháng.
-
Đ.T (Theo VNN, TTXVN, NLĐ, Vinanet)