221
5103
Thị trường
thitruong
/kinhte/thitruong/
916932
Nhà đất TP.HCM: Sốt ảo?
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Nhà đất TP.HCM: Sốt ảo?
,

Trong những ngày gần đây, giá đất tăng nhanh tại một số khu vực thuộc quận 2, 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh (TP.HCM) khiến giới kinh doanh địa ốc bất ngờ. Có nơi giá tăng đến 100% so với cách đây non tháng. Những ngày qua, người đầu tư cũng “nhốn nháo” theo giá đất. Do đâu giá đất tăng nhanh như vậy?

Căn hộ, nền đất đều “đắt như tôm tươi”

Phố Mỹ Khang thuộc khu Nam Viên trong khu đô thị mới Nam Sài Gòn - Ảnh: T.T.D. (Tuổi Trẻ)
Phố Mỹ Khang thuộc khu Nam Viên trong khu đô thị mới Nam Sài Gòn - Ảnh: T.T.D. (Tuổi Trẻ)
Ngay khi Công ty Phú Mỹ Hưng công bố dự án 150 căn hộ chung cư mới tại khu Nam Sài Gòn, khá nhiều khách hàng đã tỏ ra quan tâm. Nhưng Công ty Phú Mỹ Hưng chỉ thông báo bán ra hơn 40 căn hộ. Hơn 1.000 khách hàng rồng rắn xếp hàng chờ đợi trong những ngày cuối tháng ba phải “giành quyền ưu tiên” bằng cách bốc thăm.

Giá mỗi căn hộ của Công ty Phú Mỹ Hưng trên dưới 3 tỉ đồng, tức mỗi mét vuông khoảng 30 triệu đồng, chưa tính thuế giá trị gia tăng. “So với vài tháng trước, mức giá lần này tăng khoảng 50%” - một khách hàng nói.

Tại dự án của Công ty TS (quận 8), đất nền đã tăng 19 triệu đồng, so với cách đó hai tuần là 11 triệu đồng/m2; giá biệt thự tăng lên 27 triệu, so với mười ngày trước đó giá 20 triệu đồng/m2. “Khủng khiếp” hơn, khu căn hộ chung cư của Công ty HA tại huyện Nhà Bè với hơn 1.000 căn hộ cũng được thông báo: khách hàng đã đặt hết chỗ.

Giám đốc một công ty địa ốc có dự án tại khu Nam Sài Gòn cho biết 300 căn hộ của công ty này đến giữa tháng tư mới chính thức bán nhưng chỉ trong gần hai ngày đã có khách hàng đăng ký giành quyền mua, dù mức giá khởi điểm trên 15 triệu đồng/m2.

Giá đất biệt thự ven sông ở phường An Khánh (quận 2) đã tăng lên 10 triệu đồng/m2, tức là khoảng 45-50 triệu đồng/m2. Ngay cả những khu vực xa hơn như huyện Bình Chánh cũng được nhiều người săn lùng. Ông Hoàng Anh Dũng, giám đốc Công ty Lĩnh Phong - Conic, cho biết dự án 29ha của công ty tại xã Phong Phú bán từ cuối năm 2006 đến nay nhưng hiện không còn đất nền, đất biệt thự.

Giá đất tăng đến “chóng mặt”. Ngay cả các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực địa ốc cũng thốt lên: không biết đâu là thật đâu là giả, giá tăng hằng ngày. Sau một thời gian “săn” đất biệt thự tại quận 2, quận 7 không thành, có nhà đầu tư lắc đầu bỏ cuộc: thị trường quá hỗn loạn, sẽ tìm hướng kinh doanh khác hoặc chờ một thời gian đến khi thị trường “lắng” lại mới đầu tư vào địa ốc.

Theo các công ty địa ốc, giá chuyển nhượng nền đất dự án thuộc khu nam (các dự án có vị trí liền kề với Phú Mỹ Hưng) gần đây đã tăng với mức chóng mặt. Nhiều người tìm mua đất dự án các công ty Thái Sơn, Sadeco (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) nhưng rất hiếm.

So với hơn một tháng trước, giá chuyển nhượng đất nền biệt thự của nhiều dự án đã tăng lên 1,5 lần, nền nhà phố còn tăng cao hơn (tới 200%). Giá căn hộ cao cấp tại một số khu vực liên tục tăng lên. Không ít dự án thuộc khu vực quận 2, quận 9, Thủ Đức đã vào đợt tăng giá từ hơn một tháng nay. Các dự án khu đô thị mới An Phú - An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi, Công ty Thế Kỷ 21... đều có mức tăng đáng kể.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dương - phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Vạn Phát Hưng: “Hầu hết những khách hàng mua đất dự án là người đầu tư địa ốc, mua đi bán lại để kiếm lời, số người mua do nhu cầu để ở thật sự rất ít”.

Cũng theo ông Dương, từ đầu tháng 3-2007 đến nay giá đất tăng mạnh nhất, nhiều người đặt hàng nhưng các công ty không có để bán. Tuy nhiên, hiện tượng khan hiếm này là “khan hiếm ảo”. Đúng là có một số dự án đang vào giai đoạn hoàn tất hạ tầng nên giá chuyển nhượng có tăng lên nhưng không loại trừ khả năng có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng găm hàng để “làm giá”, sau này khi giá bị đẩy lên sẽ bung ra bán thu lợi nhuận nhiều hơn.

Ông Dương Công Thuyên, giám đốc điều hành Công ty TNHH TM Him Lam, nói lượng khách hàng mua bán sang tên hợp đồng dự án của công ty tại quận 7 (gần kênh Tẻ) gần đây cũng tăng lên rất nhiều. Khoảng 6-7 tháng trước, công ty bán ra với giá trên 10 triệu đồng/m2 nhưng hiện nay, khách hàng mua đi bán lại nền đất của dự án này với giá trên 20 triệu đồng/m2.

Các chợ địa ốc: mua bán cũng gia tăng

Tại một số “chợ” địa ốc trên địa bàn TP, lượng khách hàng đến giao dịch, tìm hiểu thị trường đang tăng. Ngày 2-4, có khoảng 200 lượt khách đến “chợ” bất động sản của Công ty cổ phần địa ốc ACB để tìm hiểu thị trường và thực hiện các giao dịch. Lượng khách hàng này tăng khoảng 30% so với một tuần trước đó.

Ông Võ Đình Quốc - phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB - cho biết lượng khách hàng giao dịch qua dịch vụ môi giới của công ty đang tăng lên nhiều hơn so với trước. Cụ thể, trong hai tuần đầu tháng 3-2007, công ty thực hiện thành công 13 giao dịch thì hai tuần tiếp theo đã có đến 28 giao dịch thực hiện thành công. Hiện đất nhà ở thuộc các dự án trên “chợ” của công ty đã hết.

Ông Quốc nhận định: “Bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng bỗng đột ngột “nóng” lên là có gì đó không bình thường”.

Một cán bộ của “chợ” địa ốc thuộc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết thêm thị trường bất động sản chủ yếu “nóng” tại một số khu vực thuộc phía nam của TP như khu vực quận 2, quận 7, Nhà Bè... bởi các khu vực này đã có định hướng phát triển rõ ràng, cơ sở hạ tầng tốt. Còn tại các khu vực khác như quận 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi thì ít “nóng” hơn.

Hơn 50% khách hàng là nhà đầu tư

“Hạ nhiệt” rất nhanh!

Theo một số chuyên gia, khoảng thời gian 2-3 tháng nay thị trường địa ốc có dấu hiện “ấm dần lên” là có thật. Tuy nhiên, mức giá đất tăng cao quá đột ngột như hiện nay là bất thường vì thực tế không phải thiếu hàng hay có chủ trương, chính sách gì đặc biệt.

Ông Nguyễn Ngọc Dương (phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Vạn Phát Hưng) phỏng đoán rằng: việc tăng giá, sốt đất nền một số dự án hiện nay sẽ không kéo dài lâu, bắt nguồn chủ yếu từ hiện tượng một số người thu lợi nhuận khổng lồ từ đầu tư chứng khoán và rút tiền ra để đầu tư nhà đất chứ không phải vì nhu cầu nhà ở hay thiếu hụt giữa cung - cầu.

Chính vì vậy, “cơn sốt” này sẽ không kéo dài lâu mà hạ nhiệt rất nhanh, giá cũng chỉ tăng đến một ngưỡng nhất định vì phải phù hợp với giá cả của các khu vực khác.

Hơn nữa, chỉ trong 1-2 tháng nữa thôi thị trường địa ốc sẽ được cung cấp thêm hàng hóa do nhiều dự án đã được phê duyệt xong, các chủ đầu tư đang xúc tiến triển khai.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh cho biết trên 50% khách hàng mua căn hộ, nền đất khu vực đang “nóng” đều là nhà đầu tư địa ốc. 

Giải thích về lượng vốn lớn đổ vào thị trường địa ốc hơn hai tháng qua, ông Hoàng Anh Dũng cho rằng ảnh hưởng từ “hiệu ứng” của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, một số người dân cũng rút tiền gửi ngân hàng mua nhà đất sau khi thấy thị trường có dấu hiệu ấm dần...

Một chuyên gia địa ốc phân tích với tình trạng phát triển gần đây chưa thể gọi là thị trường “nóng” mà chỉ mới “ấm” ở một số khu vực. Thị trường chỉ diễn ra cục bộ, không như giai đoạn 2000-2003. Ông nói rằng giá đất ở một số khu vực đã bị đẩy lên quá cao, vượt giá trị thật do các nhà đầu tư, môi giới làm giá với nhau. Để đánh giá, cần xem lại có bao nhiêu trường hợp giao dịch thành công?

Thực tế không ít trường hợp sau một thời gian bị lỗ vì “đóng băng” nay tranh thủ hét giá. Cũng có trường hợp giá hét lên nhưng không có hàng bán ra, khiến các nhà đầu tư có cảm giác bị “khát” hàng.

Hàng ngàn tỉ đồng đổ vào thị trường địa ốc trong thời gian ngắn, diễn ra ở khu vực cục bộ đã khiến giá đất tăng nhanh. Với mức giá tăng như vừa qua là quá cao và người dân có nhu cầu ở thật sự khó chấp nhận. Vì vậy, việc mua bán gần như chỉ diễn ra giữa các nhà đầu tư với nhau. Điều này không bền vững!

Có chuyên gia cho rằng chưa thể khẳng định khi nào giá đất ở các khu vực trên sẽ dừng lại. Nhưng với mức giá quá cao như vậy thì đến một lúc nào đó thị trường sẽ tự điều chỉnh.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,