(VietNamNet) - Cơ quan chức năng của Hàn Quốc vừa phê chuẩn danh sách 320 DN Việt Nam được phép xuất khẩu thuỷ sản sang nước này. Trong đó, có 24 DN được công nhận mới và 2 DN rút khỏi danh sách do tạm ngừng sản xuất.
Theo đề nghị của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (Bộ Thủy sản), ngày 18/01, Cục Thanh tra Chất lượng Thực phẩm (NFPQIS) thuộc Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Hàn Quốc đã bổ sung thêm 24 DN thuỷ sản Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này, nâng tổng số lên 320 doanh nghiệp. 9 DN khác đề nghị thay đổi thông tin đã được sửa và cập nhật trong danh sách.
Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định ở mức cao (Ảnh H.Y). |
Theo Bộ Thuỷ sản, trong tháng một, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đạt 192 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, mực vẫn ổn định ở mức cao.
Trên thị trường thế giới, giá tôm tại một số nước tiêu thụ chính ổn định. Giá tôm cỡ 16/20 của Việt Nam tại thị trường Mỹ đứng ở mức 5,8 USD/pound (455g). Trong nước, giá tôm từ trung tuần tháng 12 có xu hướng giảm nhẹ, hiện tôm loại 20 con/kg tại Sóc Trăng được chào bán ở mức 155.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg so với trung tuần tháng 12/2006; loại 40 con/kg còn 98.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng cá tra, basa từ cuối 12/2006 đến nay giá có xu hướng tăng. Mức giá tại An Giang từ 15.500-16.000 đồng/kg do lượng cung không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các nhà máy.
Bộ Thuỷ sản cho rằng, nguyên nhân là do phần lớn sản lượng cá tra, basa đã được tiêu thụ vào dịp Noel và Tết Dương lịch. Hơn nữa, các hộ nuôi e ngại giá cá giảm vào tháng 1 như mọi năm nên chuyển qua nuôi các loại cá tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Trong tháng đầu năm 2007, số lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật Bản tiếp tục bị phát hiện có vấn đề về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của hàng thuỷ sản Việt Nam, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này và các thị trường khác.
Do vậy, Bộ Thuỷ sản chỉ đạo tiếp tục 100% lô hàng của các DN đã bị phía Nhật cảnh báo. Đồng thời, gấp rút điều tra nguyên nhân nhiễm kháng sinh cấm trong các lô hàng này, đặc biệt là thẩm tra lại hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm soát xuất xứ nguyên liệu lô hàng. Trên cơ sở đó, DN thiết lập hành động khắc phục phù hợp.
-
Hà Yên