“Chăm sóc” đặc biệt
Lĩnh vực phân phối ĐTDĐ giờ đây đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi lớn. |
Mạng ĐTDĐ CDMA Hanoi Telecom (HT, đầu số 092) đang thử nghiệm ở 3 thành phố: Hà nội, Đà Nẵng, TPHCM. Sinh sau đẻ muộn, muốn tìm kiếm thị phần HT phải tung ra chương trình ưu đãi lớn: Miễn phí 92 phút gọi, 92 tin nhắn nội mạng/ngày và miễn phí 92 phút gọi ngoại mạng/tháng (hết tháng 12).
Tuy nhiên, S-Fone đã không để cho HT dễ dàng chiếm lĩnh thị trường bởi ngày 29/11 vừa qua, mạng này đã tung ra gói cước mới Smile với chế độ ưu đãi tương tự: Miễn phí 60 phút gọi nội mạng và giảm 50% cước gọi ngoại mạng trong khoảng thời gian 0 giờ - 16 giờ mỗi ngày.
Về định lượng, ưu đãi của S-Fone có phần “khiêm tốn” hơn. Nhưng với ưu thế đã có hơn 1 triệu thuê bao, rõ ràng giá trị gọi nội mạng miễn phí của S-Fone hơn HT gấp nhiều lần. Mặt khác, sự ưu đãi được đưa vào gói cước nên không bị khống chế về thời gian lưu hành.
Trong nội bộ 3 mạng CDMA tại Việt Nam đang diễn ra sự “chăm sóc” quyết liệt của S-Fone đối với HT. Thực ra, ngay khi HT chưa khai trương cũng đã được S-Fone đưa vào chế độ “chăm sóc” đặc biệt. S-Fone đã nỗ lực để kịp ra mắt dịch vụ VoD, MoD, Mobile Internet trước HT. Dù trên thực tế, hiện các dịch vụ trên chưa hẳn đã đem lại nguồn thu lớn.
Dư luận cho rằng, S-Fone quyết đấu trong nội bộ các mạng CDMA để giữ vị trí dẫn đầu là tính toán thực tế hơn là cố cạnh tranh với VinaPhone, MobiFone và Viettel Mobile (VM) vì đã bị những mạng này vượt qua với một khoảng cách quá xa.
Những thế lực mới
Sau khi xảy ra vụ án buôn lậu ĐTDĐ và trốn thuế của Công ty Đông Nam, FPT đã chớp thời cơ vươn lên và trở thành nhà phân phối sỉ ĐTDĐ hàng đầu ở Việt Nam.
Tuy nhiên vài tháng gần đây, thế tương quan trong phân phối ĐTDĐ đã có những diễn biến mới: VM chính thức tham gia vào lĩnh vực phân phối thiết bị đầu cuối vừa tạo ngạc nhiên trong dư luận.
Cách đây nhiều năm, sau khi ra đời được một thời gian, MobiFone đã từ bỏ việc phân phối thiết bị đầu cuối để tập trung vào hoạt động mạng.
Ông Hồ Hồng Sơn - Giám đốc điều hành S-Fone - cũng nhìn nhận rằng, phải làm thêm công việc phân phối thiết bị đầu cuối đang là gánh nặng đối với các mạng CDMA tại Việt Nam hiện nay. Thế nhưng bây giờ VM lại ôm thêm “gánh nặng” ấy.
Giới trong nghề phân tích rằng đây là một bước đi khai thác được nhiều lợi thế. VM có hệ thống cửa hàng trải từ Bắc vào Nam tạo ra mạng lưới phân phối rộng khắp. Đây là mô hình một điểm nhưng cung cấp nhiều dịch vụ, từ hoà mạng ĐTDĐ, bán thẻ cào, thiết bị đầu cuối, đến đăng ký dịch vụ ADSL…
Song lợi thế lớn nhất là nhà điều hành mạng, với hàng triệu thuê bao, VM có thể tạo ra ưu thế trong lĩnh vực phân phối, trở thành đối thủ đáng gờm của FPT.
Một đối thủ tiềm năng khác và cùng với FPT, VM tạo ra thế chân vạc, đó là chuỗi cửa hàng Nettra chuyên kinh doanh ĐTDĐ. Trong vài tháng qua Nettra đã hình thành cả trăm điểm phân phối, tập trung nhiều nhất tại Hà nội và TP.HCM.
Hai thế lực mới, với nhiều ưu thế và tiềm lực tài chính, đã ý thức làm thương hiệu phân phối ngay từ đầu, theo thời gian có thể trở thành những nhà phân phối lớn đủ vị thế để đàm phán với các tập đoàn nước ngoài.
(Theo Lao động)
Ý kiến của bạn?