Ngày 20/9/2005, Công an (CA) tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt thực hiện lệnh khám xét nơi ở, bắt khẩn cấp Hồ Tùng Đức, một trong hai đối tượng liên quan đến đường dây trộm cắp cước viễn thông quốc tế tại khu vực biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) và Đông Hưng (Trung Quốc).
Dấu hiệu bất thường từ mạng điện thoại di động 091 và 090
Danh sách mã số thẻ được chuyển qua biên giới |
Cuối tháng 6/2005, các trinh sát thuộc Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế (BVANKT), CA tỉnh Quảng Ninh phát hiện, tại thị xã Móng Cái, số lượng thuê bao và số cuộc gọi thuộc mạng điện thoại di động, nhất là của mạng VinaPhone tăng đột biến. Đi sâu tìm hiểu, các trinh sát biết thêm, hầu hết số thuê bao trên chỉ có cuộc gọi đi mà không có cuộc gọi đến. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, nghi ngờ nhiều khả năng đang có một đường dây trộm cắp cước viễn thông quốc tế ở khu vực biên giới.
CA tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty Điện thoại VinaPhone kiểm tra, xác minh và được biết thêm, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2005, Trung tâm Chăm sóc khách hàng (Công ty VinaPhone) liên tục nhận được phản ánh từ khách hàng có thư báo điện thoại việc khi người thân của họ ở nước ngoài gọi điện về nước lại hiện số máy của 2 mạng điện thoại di động trong nước là 091 và 090.
Từ những dấu hiệu bất thường trên, tiến hành kiểm tra, Công ty VinaPhone phát hiện trong gần 30 số máy khách hàng thông báo có một số máy hoạt động tại cột phát sóng Móng Cái 2 (Quảng Ninh). Cục BVANKT -
Qua kiểm tra, bộ phận kỹ thuật của Công ty VinaPhone phát hiện từ năm 2004 đến tháng 8/2005, đã có nhiều thuê bao điện thoại di động trả trước được đưa vào hệ thống trộm cước viễn thông quốc tế tại các cột phát sóng khu vực biên giới Móng Cái, số thuê bao còn hoạt động là hơn 100. Kiểm tra xác suất 10 trong tổng số thuê bao trên cho thấy, kết nối cuộc gọi từ các nước Mỹ, Australia, Canada, Nga đến hầu hết các tỉnh, thành của cả nước (trong đó tập trung chủ yếu là các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên), mỗi tháng số tiền nạp vào các thuê bao trên là từ 35 đến 50 triệu đồng, với lưu lượng cuộc gọi là rất lớn (có máy tới 1.600 cuộc/tháng). Như vậy, để duy trì hoạt động của số sim trên, hàng tháng phải có một lượng lớn thẻ nạp được vận chuyển trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tiến hành điều tra, xác minh, các trinh sát thuộc Phòng 5, Cục BVANKT và các đơn vị chức năng thuộc CA Quảng Ninh phát hiện đang có nhóm đối tượng trộm cắp cước viễn thông quốc tế hoạt động với những phương thức mới hết sức tinh vi, có sự câu kết giữa một số đối tượng trong nước và người Trung Quốc. Thủ đoạn của chúng là dùng thiết bị tại thị xã Đông Hưng kết nối các cuộc gọi từ nước ngoài với mạng 091 để biến cuộc gọi từ nước ngoài thành cuộc gọi trong nước.
Có hai đối tượng người Việt Nam mua, chuyển mã số nạp điện thoại di động trả trước của VinaPhone qua mạng Internet để các đối tượng bên Trung Quốc đưa vào các sim nằm trong hệ thống trộm cước gồm: Đỗ Thị Thu Hương (SN 1974, ở F618, N69, khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) và Hồ Tùng Đức (SN 1944).
Thu Hương là nhân viên Tổ Khai thác dịch vụ, Trung tâm giải đáp thông tin 1080, Công ty Viễn thông, Bưu điện Hà Nội. Nhiệm vụ của Hương là thu gom, cào thẻ, đánh mã số rồi gửi qua thư điện tử hoặc fax cho Hồ Tùng Đức.
Đức là người Việt gốc Hoa, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 94/5, đường Phạm Văn Hân, phường 17, quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Năm 2004, từ TPp.HCM ra Móng Cái, Đức thuê nhà số 25, Đông Chợ 3, phường Trần Phú để làm đại diện cho Chi nhánh Công ty Sản xuất và Thương mại Sáng Thế Kỷ, trụ sở chính đặt tại phường 8, quận 11, Tp. HCM. Cũng tại ngôi nhà đi thuê này, “bồ” của Hồ Tùng Đức thường trú tại phường 11, quận 5, TP HCM, thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Tín Thành. Theo giấy phép, ngành nghề kinh doanh chính của 2 công ty này là môi giới, giới thiệu sản phẩm máy móc thiết bị nông nghiệp, điện tử, điện lạnh...
Để “qua mặt" các cơ quan chức năng, từ đầu tháng 9/2005, Đức thuê kiốt số 07, Siêu thị Tống Hằng, thị xã Đông Hưng (cách Cửa khẩu quốc tế Bắc Luân khoảng 150m) để liên lạc với Hương và các đối tượng Trung Quốc. Hàng ngày, sau khi tiếp nhận mã số thẻ nạp tiền qua thư điện tử hoặc bản fax của Hương, Đức dùng giấy thông qua biên giới đến kiốt số 07 cùng 2 đối tượng là người Trung Quốc sử dụng máy tính ghi chép, đối chiếu danh sách mã số thẻ do Hương gửi trước khi chuyển để các đối tượng Trung Quốc nạp tiền vào các sim nằm trong hệ thống trộm cước. Đến chiều, Đức trở về Việt
Tường trình của những kẻ... “khờ khạo”
Trước Cơ quan CA, cả Đức và Hương đều một hai quả quyết không ý thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, rằng do thiếu hiểu biết, do vô tình (?!). Tóm lại, họ là những kẻ... “khờ khạo”. Theo lời khai ban đầu, do thường xuyên sang Trung Quốc buôn bán, Đức quen một người ở Tp. Nam Ninh, Trung Quốc, tên là Châu Huệ Cường. Đầu năm 2005, Cường đề nghị Đức mua giúp thẻ điện thoại di động trả trước của mạng VinaPhone, “số lượng không hạn chế, càng nhiều càng tốt”. Tỉ lệ ăn chia theo thỏa thuận như sau: Mỗi thẻ loại 500.000đ, Cường “bồi dưỡng” cho Đức 500đ, còn loại 300.000 là... 200đ.
Tháng 7/2005, thông qua dịch vụ 1080, Hồ Tùng Đức quen Đỗ Thị Thu Hương. Đức lên nhà Hương và đề nghị Hương giúp mua gom thẻ nạp điện thoại loại mệnh giá 300.000đ và 500.000đ để chuyển xuống Móng Cái cho Đức. Mức thù lao tương tự như thỏa thuận giữa Đức với Cường. Thời gian đầu, do số lượng thẻ ít, Hương trực tiếp cào và đọc mã số thẻ nạp tiền cho Đức ghi lại qua điện thoại. Về sau, số lượng thẻ lớn và đọc dễ sai nên Hương sử dụng máy tính lập danh sách các mã thẻ, số thẻ sau đó gửi qua thư điện tử xuống Móng Cái cho Đức. Đức in, lưu danh sách trên vào máy và gửi thư điện tử hoặc fax cho Châu Huệ Cường. Đức không hề biết Cường chuyển thẻ cho ai. Đức và Cường thanh toán với nhau thông qua một người Việt Nam làm nghề đổi tiền tại Đông Hưng tên là Nguyệt, sau đó Đức nhờ một người tên Như ở Móng Cái chuyển cho Hương qua 2 địa chỉ ở phố Hàng Cá và Hàng Bạc (Hà Nội) để Hương trực tiếp đến lấy.
Từ tháng 7 đến ngày 15/9/2005, Hương gửi cho Đức 26 thư điện tử gồm danh sách mã số thẻ của khoảng gần 6.000 thẻ để nạp tiền vào các sim trong hệ thống. Khi các đối tượng ở Trung Quốc nạp tiền nếu phát hiện sai mã số sẽ thông báo qua Đức để Đức gửi thư cho Hương đối chiếu, kiểm tra. Vì có nhiều thẻ cào sai, các đối tượng phía Trung Quốc quy định, Hương phải giữ lại rác thẻ đã cào sau 2 tháng mới được hủy.
Sau khi thực hiện lệnh khám xét nơi ở, bắt Hồ Tùng Đức, CA Quảng Ninh đã cử đoàn công tác sang Trung Quốc trực tiếp làm việc, cung cấp tài liệu và đề nghị Cục CA thị xã Đông Hưng phối hợp truy bắt số đối tượng liên quan ở Đông Hưng. Cục CA Đông Hưng hứa sẽ hết sức giúp đỡ, khi nào có kết quả sẽ thông báo cụ thể.
Những năm qua, tại thị xã Móng Cái, CA tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm là các đối tượng hai bên biên giới lợi dụng vùng chồng lấn sóng giữa Đông Hưng và Móng Cái để câu kết với nhau tổ chức đăng ký thuê bao hoặc mua sim trả trước của các mạng điện thoại di động của Việt Nam để nạp tiền, kết nối với hệ thống thiết bị kỹ thuật đặt tại Đông Hưng, biến cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước nhằm trộm cắp cước đàm thoại quốc tế, trong đó điển hình là vụ Nguyễn Thị Vân và Trần Thị Ánh Tuyết ở thị xã Móng Cái và 3 đối tượng là người Trung Quốc sử dụng hơn 40 thuê bao di động, trong gần một năm chúng đã trộm cắp khoảng 12 tỉ đồng.
Dù chưa có kết luận chính thức, song với số lượng gần 6.000 thẻ sim loại mệnh giá 300.000đ và 500.000đ đã sử dụng, theo ước tính ban đầu, đường dây trộm cắp cước viễn thông quốc tế với sự bắt tay của Hồ Tùng Đức và Đỗ Thị Thu Hương gây thiệt hại cho ngành Bưu điện còn lớn hơn rất nhiều so với ổ nhóm của Nguyễn Thị Vân và Trần Thị Ánh Tuyết. Nội vụ hiện đang được Cơ quan ANĐT CA Quảng Ninh tiếp tục làm rõ.
(Theo Công an Nhân dân)