221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
493624
Sẽ sốt phân bón nếu không sớm bình ổn giá
1
Article
null
Sẽ sốt phân bón nếu không sớm bình ổn giá
,

(VietNamNet) - Vụ mùa 2004, nhu cầu phân urê và DAP trong cả nước là 750.000-850.000 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê, con số phân tồn kho còn lại chỉ khoảng trên 183.000 tấn các loại. Còn sản xuất trong nước quá yếu. Liệu có sốt phân bón trong thời gian tới?

Giá phân tăng... vùn vụt

Phân bón về cảng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, do giá thị trường thế giới tăng từng ngày và hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã đẩy mức giá phân trong nước tăng theo. Nếu giá bình quân trong nước 3 năm từ 1990 đến 1992 của phân urê là 1.855 đ/kg thì đến 3 năm 2002 -2004 giá bình quân đã tăng lên 3.300 đ/kg. Riêng tháng 7/2004 giá bán sỉ đã lên tới 3.600 -3.700 đ/kg và khi đến tay người nông dân  giá lại bị "đội" lên thêm 200-300 đ/kg, có nghĩa khi phân được rải ra ruộng thì giá chính thức từ 3.900-4000 đ/kg.

Cũng vậy, phân DAP bình quân bán sỉ trong tháng 7/2004 có giá khoảng 4.700đ/kg, lúc người nông dân "với tới" thì giá đã tăng lên 4.900-5000đ/kg, như vậy con số này cũng tăng hơn gấp đôi so với vài năm về trước.

Hiện cả nước chỉ có hai nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Hà Bắc đang sản xuất phân urê nhưng mỗi năm chỉ cho khoảng 400.000 tấn; nên phải nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, phân DAP ta vẫn phải nhập của Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc. Nhu cầu về loại phân bón này trong nước khoảng 550.000–600.000 tấn/năm, chủ yếu tập trung vào vụ đông -xuân, riêng ĐBSCL cần khoảng 400.000 tấn. Nhưng hiện tại do giá bán loại phân này trong nước thời gian qua thấp hơn giá trên thế giới, dẫn đến các DN nhập khẩu bị thua lỗ, nên không đơn vị nào muốn nhập DAP. Lượng tồn kho DAP trong nước đã xuống mức rất thấp, chỉ còn khoảng 50.000 tấn, không đáp ứng đủ nhu cầu. DAP có nhu cầu nhưng vì giá cao nên các DN không dám nhập nhiều. Điều này dẫn tới  mặt hàng DAP sẽ khan hiếm và các dự báo cho rằng, giá DAP sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Thương mại, Tổ trưởng Tổ điều hành thị trường trong nước của Chính phủ, ông Phan Thế Ruệ cho biết, hiện tại phần lớn hệ thống phân phối mặt hàng phân này đều do các đại lý tư nhân đảm trách, các Công ty vật tư Nông nghiệp của Nhà nước thì chỉ  nhập về rồi bán cho các đại lý chứ chưa trực tiếp tìm đến người nông dân. Ông Ruệ cho rằng, khâu lưu thông quá yếu, làm giá phân bón tăng cao. Cũng chính lý do này mà một số đơn vị đã lợi dụng "đục nước béo cò", đầu cơ hàng, chờ tăng giá...

Với tình hình trên, theo dự đoán, giá phân bón trong nước sẽ còn tăng đến quý III/2004 và thời gian tăng sẽ kéo dài, bởi giá phân của các nước xuất khẩu sang nước ta hiện chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Phải cấp bách bình ổn giá phân bón

Tại Hội nghị bàn giải pháp bình ổn thị trường phân bón, tổ chức tại TP.HCM vào sáng 28/7, Đại diện các DN đề nghị Chính phủ trước mắt giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuống 0% và lâu dài giảm thuế VAT từ 5% hiện nay xuống còn 0% vì đây là mặt hàng trọng yếu trong sản xuất nông nghiệp và thời gian thu hồi vốn đầu tư lâu. Đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép các DN có đủ điều kiện mua tạm trữ phân bón dưới hình thức chỉ định hoặc đấu thầu, đảm bảo nguồn cung ứng phân bón cho nông dân trong thời gian tới. Chính phủ cũng nên có chính sách ưu tiên hỗ trợ về vốn, về lãi suất cho các DN sản xuất phân bón theo thời vụ, bởi ngành này mang tính đặc trưng là sản xuất riêng cho nông dân và khi bán hàng thì đến vụ thu hoạch lúa mới lấy được tiền. Vả lại, muốn mặt hàng này có giá ổn định ở trong nước thì các yếu tố cho sản xuất như điện, than, nguyên liệu... cũng phải bình ổn. Hiện tại, đầu vào đều đồng loạt lên giá, trong khi lại muốn kìm giá phân.

Chăm sóc cho lúa.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công nghiệp đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân urê, để đến năm 2010, nước ta không phải nhập loại phân này. 

Nhà nước cần phải giữ nghiêm kỷ cương đối với các đơn vị, DN trong việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Phải có những chính sách bảo vệ những nhà sản xuất chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Cần có biện pháp giải thể ngay những đơn vị phân bón có năng lực yếu kém, có dây chuyền sản xuất, thiết bị lạc hậu...

Cần thiết lập, củng cố lại hệ thống phân phối nhất là mạng lưới bán lẻ, bớt qua các khâu trung gian nhằm giảm giá tối đa cho người nông dân.

Một việc cũng hết sức cần thiết đó là khuyến cáo các "lão nông" sử dụng phân bón từ nhiều nguồn nhất là phân hữu cơ để không quá phụ thuộc vào các loại phân nhập khẩu, đây là điều tốt nhất để giữ lại độ phì của đất, không làm đất bị bạc màu.

Nhiều người vẫn lo ngại rằng nếu không bình ổn giá kịp thời, việc giá phân bón tăng cao sẽ tác động đến giá thành nông sản và sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trước xu hướng hội nhập.

  • Cửu Long
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,