221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
695247
Người Việt Nam nghĩ chứng khoán là trò cờ bạc!
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Người Việt Nam nghĩ chứng khoán là trò cờ bạc!
,

(VietNamNet) - "Cẩn thận đấy con ạ, dây vào trò cờ bạc ấy phá sản như chơi!" là câu nói mà mẹ một nhân viên môi giới chứng khoán chuyên nghiệp (chuyên giúp khách hàng mua bán chứng khoán) tại Hà Nội thỉnh thoảng lại nhắc vì bà sợ con quên.

Chính vì vậy Thị trường chứng khoán (TTCK) khai sinh đã  hơn 5 năm, nhưng nó vẫn còn như chuyện đẩu đâu với người Việt Nam.

Sau 5 năm ra đời thị trường sơ cấp, Sàn giao dịch chứng khoán thứ cấp (OTC) cũng vừa vận hành. Nhưng trao đổi với VietNamNet sau một tháng OTC giao dịch, bà Nguyễn Thị Liên Hoa - Trưởng ban Phát triển Thị trường của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước - không mấy hào hứng bởi bà lo ngại OTC đang lặp lại những bước đi lần hồi như Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

"Đến thời điểm này, ý nghĩa lớn nhất của OTC là mở ra được một phương thức giao dịch mới - giao dịch thoả thuận - và nó đã vận hành được. Tuy nhiên, Thị trường Thứ cấp hoạt động èo uột do mọi thứ của mình còn rất hạn chế. Sự yếu của nó đều do những lý do cố hữu, không phát triển được ở tất cả các cấu thành của thị trường vốn", bà nói.

Soạn: AM 518065 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Theo dõi giao dịch chứng khoán ngoài sàn OTC Hà Nội. (Ảnh: H.Phúc)

Bà Liên Hoa cho rằng ngành Chứng khoán khi mở ra 1 thị trường không sôi động cũng không phải vui vẻ gì. Chứng khoán của ta chưa bứt phá được là do cả nền kinh tế yếu kém chứ không phải "tội" riêng TTCK. TTCK chỉ đại diện cho nền kinh tế khi có những DN lớn nhất nền kinh tế đó hiện diện trên sàn. Việt Nam chưa làm được điều ấy.

Chỉ có 0,02% dân số Việt Nam biết về chứng khoán!

"Cẩn thận đấy con ạ, dây vào trò cờ bạc ấy phá sản như chơi!" là câu nói mà mẹ một nhân viên môi giới chứng khoán chuyên nghiệp (chuyên giúp khách hàng mua bán chứng khoán) tại Hà Nội thỉnh thoảng lại nhắc vì bà sợ con quên. Phần lớn người Việt Nam đang có suy nghĩ như vậy: Chứng khoán trong mắt họ đúng là một "con ngáo ộp", chỉ đem đến chuyện phá sản, chuyện tan cửa nát nhà, chuyện đổ bể kinh doanh...

Một cuộc khảo sát sơ bộ được các sinh viên Học viện Ngân hàng Hà Nội thực hiện cho thấy, trong số 100 sinh viên bất kỳ được hỏi thì 95 bạn thừa nhận "không biết gì về chứng khoán". Phần lớn cho hay họ biết sơ sơ về chứng khoán qua báo chí và phim, nhưng đều nghĩ rằng chơi chứng khoán thật kinh khủng bởi toàn mất tiền chứ không thấy được bao giờ. Và tệ hại thay, đa số người dân (kể cả những công chức trong ngành giáo dục, ngành xây dựng...) đều đồng tình với quan điểm cho rằng chứng khoán là một trò cờ bạc.

Tỷ lệ người Việt Nam gọi là "có quen biết" với chứng khoán có lẽ có thể ước chừng khoảng 0,02% dân số (hiện có trên 15.000 tài khoản cá nhân mở tại Trung tâm GDCK HCM). Con số này theo ông Đinh Lê Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - "quá ít ỏi so với các khu vực, nơi tỷ lệ công chúng tham gia TTCK thường chiếm từ 5% - 50% dân số".

Các công ty chứng khoán tại Việt Nam đều cho biết, hầu hết những người dân có nhận thức rất mơ hồ về lĩnh vực này. Với một người Việt Nam, họ có thể nắm rất vững giá vàng, giá USD, thị trường bất động sản... nhưng riêng TTCK thì không. 

Người biết thì lại không hiểu

Một nhân viên môi giới chứng khoán đã 3 năm tại Hà Nội cho biết, một ngày anh gặp vài chục người đến tìm hiểu, đăng ký chơi chứng khoán và thực hiện giao dịch với công ty. Con số này gần như không hề tăng so với cách đây hơn 1 năm dù có người rút lui và có người gia nhập TTCK.

"80% người chơi chứng khoán đến đây chưa hiểu gì về TTCK. Một số khác có hiểu chút ít là giới trí thức, các doanh nghiệp, sinh viên ngành tài chính. Khoảng 10% là nhà đầu tư chuyên nghiệp", anh cho biết.

Các nhân viên môi giới chứng khoán đều nhận xét rằng khách chơi chứng khoán Việt Nam thông minh, nhanh hiểu, nhưng nhiều khi thận trọng quá mức cần thiết. Ngay cả những người chơi chứng khoán một thời gian nhưng vẫn "ngố". Có người đặt lệnh mua (bán) chứng khoán tại phiên I, nếu giao dịch không thành lệnh sẽ tự động chuyển sang phiên II (trong ngày). Nhưng vẫn gọi điện đòi huỷ môi giới huỷ lệnh đã đặt mặc dù quy định trên TTCK không cho phép.

Có không ít người mở tài khoản chơi chứng khoán và giao thẳng cho môi giới: "Anh làm thế nào cho tôi có lời thì làm". "Có nhiều người mặc dù không biết, nhưng khi mình giải thích cũng không chịu nghe. Tâm lý ăn chắc mặc bền khiến người Việt không quyết nhanh được trên TTCK. Họ sợ mạo hiểm và chính điều đó cũng không đẩy thị trường đi nhanh được", nữ nhân viên môi giới đang làm việc tại một công ty chứng khoán thuộc ngân hàng chia sẻ.

Còn theo thống kê sơ bộ tại các quầy môi giới chứng khoán, trong 100 khách tìm đến với chứng khoán có 50 chưa biết gì về lĩnh vực này, biết sơ sơ khoảng 40 người, 10 người thuộc lĩnh vực tài chính tín dụng thì biết hơn và chỉ có 1 khách hiểu biết rất rõ đến mức không cần hướng dẫn.

Thậm chí, tại hầu hết các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, người lao động vẫn còn xa lạ với chứng khoán. Họ chưa có điều kiện được tiếp cận với các lớp học phổ biến kiến thức chung về chứng khoán cũng như cách sử dụng những cổ phần, cổ phiếu mà họ có.

Nhiều DN cổ phần hoá đã nhận được đề nghị từ các công ty chứng khoán như tư vấn miễn phí, nói chuyện miễn phí với cán bộ công ty về cổ phần hoá và TTCK (với mục đích phổ biến kiến thức chứng khoán) nhưng vì nhiều lý do đã từ chối. Có đơn vị sợ mất thời gian, có nơi thấy chỉ có nhu cầu phổ biến kiến thức với lãnh đạo là đủ. Thậm chí, theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, có doanh nghiệp còn không muốn cho nhân viên biết nhiều về cổ phần hoá vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi và êkíp của mình.

Không phải trò cờ bạc

"Vì thị trường mới mở, chúng ta mới thoát cảnh xóa đói giảm nghèo. Vì xem trên truyền hình chỉ thấy có người thua lỗ bởi mua chứng khoán... ai mà chẳng sợ", bà Liên Hoa lý giải như vậy. Nhưng bà khẳng định, TTCK không phải là chuyện chơi cờ bạc mà là chuyện đầu tư nghiêm túc, có cơ sở tính toán.

Một nhân viên môi giới chứng khoán cho rằng, "Chơi đỏ đen không có căn cứ, còn chơi chứng khoán thì phải có căn cứ. Mình đặt lệnh trên cơ sở hiểu biết về công ty đó, có cơ sở để tính toán lỗ lãi, được thông báo và gợi ý về công ty... Mọi lỗ lãi phần lớn là từ quyết định của người chơi chứ không phải tù mù".

Tại Việt Nam, đã có những trường hợp có người mất tới hơn 200 triệu khi chơi chứng khoán, nhưng lại có những người được tới vài trăm triệu là chuyện bình thường. "Lỗ nhiều nhất khoảng vài trăm triệu, nhưng tỷ lệ người chơi chứng khoán lãi khá nhiều, có không ít trường hợp lãi đến hàng tỷ đồng. Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn và kinh doanh trên TTCK là một việc như vậy", H - nhân viên môi giới một công ty chứng khoán hàng đầu cho biết.

Soạn: AM 518069 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các nhân viên môi giới trên sàn chứng khoán TP.HCM. (Ảnh: Ng. Vũ)

Một lý do nữa để người dân yên tâm bởi chứng khoán đang giao dịch trên TTCK Việt Nam là cổ phiếu phổ thông. Người mua chứng khoán nếu không có lợi nhuận do cổ phiếu lên giá vẫn được chia cổ tức hàng quý (có thể thấp hơn hoặc thường là cao hơn lãi suất ngân hàng). Nếu DN phát hành cổ phiếu đó phá sản cũng không bị mất tiền do các chính sách bảo vệ nhà đầu tư của Chính phủ.

Liệu có mấy ai biết được như vậy và đến bao giờ Chứng khoán mới như "cơm bình dân"?

  • Hồng Phúc          

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,