(VietNamNet) - Ông Alain Cany, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, trong buổi họp báo hôm qua (12/8) tại Hà Nội nói rằng ông đã rất ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam thích xài tiền mặt và ưa chuộng USD đến vậy.
Ông Alain nói: "Tôi đã từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng hơn 20 năm tại châu Á. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam rất thích giữ tiền mặt. Nhiều người vừa được trả lương qua tài khoản ATM ngay trong ngày đã đến rút hết tiền tại ATM. Chỉ để lại số dư ngân hàng bắt buộc". Điều này, theo ông, khác hẳn với các nước khác bởi bao giờ tiền của họ cũng để trong ngân hàng. Chỉ rút ra một ít để tiêu. "Hình như người Việt Nam chưa tin vào hệ thống ngân hàng lắm", ông nhận xét.
Ông Alain cũng cho rằng khách hàng Việt Nam còn nhiều tiềm năng mà các ngân hàng chưa khai thác hết. "Tôi đánh giá cao thái độ trả nợ của người tiêu dùng Việt Nam. Nói chung là rất tốt, trừ một vài người quên trả tiền đúng hạn", ông nói có phần vui vẻ.
Tuy nhiên, cũng như các ngân hàng nước ngoài khác, HSBC vẫn băn khoăn bởi vấn đề thi hành án tại Việt Nam khó khăn và nhiêu khê so với các nước trong khu vực. Ngân hàng cho vay mua xe hơi, người đi vay không trả được nợ và nếu ngân hàng muốn lấy lại xe để đi bán thì thủ tục rất lâu, ông cho biết.
Trao đổi với các phóng viên, ông Alain Cany cũng cho biết HSBC đang muốn cải thiện danh sách khách hàng cá nhân Việt Nam của mình bởi các ngân hàng nước ngoài lâu nay vẫn được coi là ngân hàng dành cho các tập đoàn lớn và người nước ngoài.
Biết rằng người Việt Nam tiêu xài chặt chẽ, ít dám vay ngân hàng để tiêu dùng nhưng ông Alain cho rằng thế hệ tương lai sẽ khác. Hiện, khách hàng người Việt Nam đang chiếm 35% trên tổng số khách hàng của HSBC nhưng tỷ lệ này sẽ tăng thời gian tới. "Chúng tôi rất mong tính cách tiêu dùng của người Việt Nam thay đổi".
Đối với ngân hàng nước ngoài, những thử thách lớn nhất mà ông Alain e ngại là giới hạn về lượng tiền gửi nội địa được phép huy động; chưa được nhận tiền gửi ngoại tệ của cá nhân người Việt Nam; chưa được phát triển hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) ở những vị trí ngoài trụ sở của ngân hàng; yêu cầu về vốn đầu tư quá cao khi mở thêm chi nhánh mới.
"Chúng tôi hi vọng sự kiện Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) sẽ mở rộng thị trường và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành viên tham gia trong thị trường tài chính", ông nói với các phóng viên.
-
Hồng Phúc