221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
682698
Giá xăng dầu và CPI
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Giá xăng dầu và CPI
,

Lần thứ hai trong năm, giá xăng dầu trong nước tăng. Việc tăng giá này đang tác động dây chuyền đến nhiều ngành sản xuất. Các doanh nghiệp đang cố gắng giải bài toán giá thành sao cho vẫn duy trì được sức cạnh tranh trong khi Chính phủ vẫn đang tìm mọi cách để kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

 

Soạn: AM -109176 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xăng dầu tăng với biên độ lớn nhất từ trước đến nay.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát càng khó thêm

 

Sáu tháng đầu năm, CPI đã tăng 5,2% so với chi tiêu cả năm là dưới 6,5%. Như vậy, để đạt mục tiêu kế hoạch, sáu tháng cuối năm, lạm phát phải được kiềm chế ở mức 1,3% - một nhiệm vụ, theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường-giá cả, Bộ Tài chính, “vô cùng khó khăn” trong bối cảnh xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế.

 

“Chưa kể ba ngành quan trọng (điện, than, xi măng) đã được lệnh không tăng giá, chỉ riêng các ngành vận tải, nông nghiệp... bị tác động bởi việc tăng giá xăng dầu đã làm cho tỷ lệ lạm phát trong sáu tháng cuối năm sẽ rất khó dự đoán và kiềm chế tăng giá là một công việc cực kỳ khó khăn”, ông Long nói với TBKTSG.

 

Với riêng ba ngành than, điện, xi măng, theo ông Long, việc khống chế giá đầu ra trong khi chi phí đầu vào tăng vọt sẽ làm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải chịu sức ép rất lớn.  Điều đó cũng sẽ làm cho các doanh nghiệp này hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung.

 

“Có lẽ chúng ta nên nhìn nhận lại quan điểm về tăng trưởng và lạm phát. Không nên quá coi trọng kiềm chế lạm phát để hạn chế tăng trưởng, nhưng cũng không nên quá chú trọng mục tiêu tăng trưởng để lạm phát tăng cao”, ông Long nói thêm.

 

“Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay, hai mục tiêu này đang mâu thuẫn với nhau và những người điều hành nền kinh tế phải biết “hy sinh” mục tiêu nào đó để đạt được kết quả mong muốn”, ông nói thêm.

 

Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), rõ ràng với quyết định tăng giá xăng dầu với biên độ lớn nhất từ trước đến nay, Chính phủ đang ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng.

 

Theo ông Ngô Trí Long, điều quan trọng hiện nay là phải đưa ra được những dự báo về khả năng phản ứng dây chuyền do tác động của việc tăng giá, kể cả những phản ứng về tâm lý.

 

Thích nghi với biến động giá

 

Với doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với chi phí tăng, lợi nhuận giảm, nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành điện, than, xi măng không được tăng giá bán. Tổng công ty Điện lực Việt Nam cho biết đợt tăng giá xăng dầu lần này sẽ làm chi phí sản xuất điện trong sáu tháng cuối năm tăng thêm 209,5 tỉ đồng. Theo Tổng công ty Than Việt Nam, qua lần tăng giá xăng dầu này, dự kiến sáu tháng cuối năm chi phí toàn tổng công ty sẽ tăng thêm 103 tỉ đồng. Ngành xi măng cũng cho biết chi phí đầu vào sẽ tăng khoảng 10%.

 

Với các doanh nghiệp khác, ngay khi Việt Nam chưa tăng giá xăng dầu, họ cũng đã bị tác động mạnh bởi giá xăng dầu thế giới tăng vọt, kéo theo chi phí nguyên liệu nhập khẩu, chi phí vận chuyển tăng mạnh. Nay, đến lượt giá xăng dầu trong nước tăng sẽ càng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến chi phí đầu vào của họ. 

 

Trong các giải pháp đối phó, việc tăng giá bán được đa số doanh nghiệp nhìn nhận không phải là một giải pháp tốt và chỉ được tính đến sau cùng. Bởi tăng giá bán sẽ làm doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh, đặc biệt ở lĩnh vực xuất khẩu. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết trước mắt họ đang tìm các biện pháp cắt giảm thêm nữa chi phí, còn về lâu dài phải có chiến lược chủ động trước những biến động của giá xăng dầu, cũng như những biến động khác tác động đến giá thành.

 

Ông Phạm Phúc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty Khải Vy, cho biết hiện đang đàm phán với các nhà cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ chi phí tăng lên do biến động giá xăng dầu. Ông Quỳnh tin tưởng các đối tác sẽ đồng tình vì quan hệ làm ăn lâu dài.

Đối với ông Nguyễn Văn Sung, Giám đốc Công ty Ngô Han, giải pháp trước mắt là tìm cách triệt để tiết kiệm. Đơn cử chi phí vận tải, ông Sung cho biết hiện đã bố trí lại lịch trình vận chuyển giao hàng, nhận hàng, kết hợp vận chuyển hàng hai chiều để tránh lãng phí. Đối với sản xuất, công ty rà soát, bố trí lại thời gian hoạt động của máy móc, giảm định mức tiêu hao năng lượng (điện, nước, nhiên liệu…), định mức lại nguyên vật liệu sao cho tiết kiệm thêm được chi phí.

 

Với Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), hiện ban giám đốc cũng đang cân nhắc liệu có nên tăng giá bán sản phẩm hay không. Ở công ty này, nhiên liệu chiếm tỷ trọng 5% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, vật tư đã biến động liên tục từ đầu năm đến nay. Ông Lê Văn Trí, Phó giám đốc Casumina, nhận định rằng phản ứng tăng giá khi giá cả thị trường biến động là điều khó tránh được một khi doanh nghiệp đã tìm mọi cách giảm đến mức thấp nhất chi phí, giá thành sản phẩm.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,