221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
681398
Sàn chứng khoán thứ cấp mở cửa: những tâm trạng trái ngược!
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Sàn chứng khoán thứ cấp mở cửa: những tâm trạng trái ngược!
,

(VietNamNet) - Sàn chứng khoán thứ cấp dành cho những cổ phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết (OTC) sáng nay (14/7) chính thức mở cửa với gần 1.420 tỷ đồng được đem bán.

Sàn chứng khoán thứ cấp sau khi chính thức khai trương sẽ diễn ra giao dịch cổ phiếu của 6 doanh nghiệp tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (TTGDCK Hà Nội). Tổng số lượng cổ phiếu được đem bán là gần 1420 tỷ. Giá đăng ký giao dịch là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo ông Trần Văn Dũng - Giám đốc TTGDCK Hà Nội, để mua chứng khoán trên sàn Hà Nội, nhà đầu tư có thể sử dụng ngay tài khoản đã mở tại công ty chứng khoán thay vì phải mở một tài khoản mới. Phí môi giới áp dụng đối với các giao dịch cổ phiếu tại sàn Hà Nội cũng chịu khống chế trần là 0,5% giá trị giao dịch. Người sở hữu chứng khoán đăng ký giao dịch đã lưu ký tại TTGDCK Hà Nội được thực hiện các quyền tương tự như đối với các chứng khoán niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM (TTGDCK TP.HCM).

Biên độ dao động giá đối với cổ phiếu tại sàn Hà Nội là (+/-) 10% và không áp dụng biên độ dao động giá đối với giao dịch trái phiếu.

Trong thời gian đầu, giao dịch cổ phiếu và trái phiếu tại sàn thứ cấp Hà Nội được thực hiện theo phương thức thoả thuận. Các công ty chứng khoán được thoả thuận mua, bán với các khách hàng, hoặc giữa các khách hàng với nhau. Kết quả giao dịch được chuyển vào TTGDCK Hà Nội để tạo thành kết quả giao dịch chung.

Soạn: AM 481609 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Mọi thủ tục đã sẵn sàng để 1.420 tỷ đồng lên sàn OTC.

Trong tương lai, giao dịch báo giá cũng sẽ được áp dụng. Lệnh giao dịch của nhà đầu tư sẽ được công ty chứng khoán nhập vào hệ thống giao dịch của TTGDCK Hà Nội để khớp với các lệnh đối ứng thoả mãn các điều kiện giao dịch.

Ông Dũng cho rằng, hai phương thức giao dịch trên thực sự phù hợp với tính chất giao dịch của thị trường OTC bởi nó đều mang tính thoả thuận cao và sự thuận tiện, linh hoạt cho người đầu tư, nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán được giao dịch qua sàn Hà Nội.

Trước mắt, do số lượng doanh nghiệp chưa nhiều, sự tham gia của các nhà đầu tư chưa lớn nên sàn thứ cấp Hà Nội chỉ mở 3 phiên giao dịch trong tuần. Sau phiên giao dịch đầu tiên vào sáng thứ 5 (ngày 14/7/2005), các phiên giao dịch tiếp theo sẽ được tổ chức định kỳ vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 trong tuần. Trong tương lai, khi nhu cầu tăng và hàng hoá cũng dồi dào hơn, phiên giao dịch sẽ được mở thường xuyên hơn.

Ý tưởng thành lập TTGDCK Hà Nội chính thức ra đời trong Quyết định 127/1998/QĐ-TTg ngày 11/7/1998 của Chính phủ. Đến nay, đã 7 năm chủ trương một sàn OTC qua bao "sóng gió" mới thành hiện thực. Tuy nhiên, giới kinh doanh vẫn cho rằng, đó là một cố gắng không nhỏ của những người thực hiện.

Từ khi chính thức ra mắt hôm 8/3/2005, TTGDCK Hà Nội đã thực hiện 5 đợt đấu giá với hơn 530 tỷ đồng giá trị cổ phần trúng giá.

Doanh nghiệp hào hứng

Để thúc đẩy một nền kinh tế cổ phần như mong đợi, Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích mạnh tay hơn với Thị trường chứng khoán Hà Nội. Các doanh nghiệp cho biết, thay vì e ngại như ban đầu, họ cũng đã cảm thấy hào hứng hơn với sàn chứng khoán bởi đã thấy những cái lợi khi đăng ký giao dịch.

Điều kiện, thủ tục đăng ký lên sàn Hà Nội đơn giản hơn nhiều so với TTGDCK TP.HCM. Bất cứ doanh nghiệp nào với số vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, có 50 cổ đông trở lên (không kể cổ đông trong hay ngoài doanh nghiệp); có tình hình tài chính minh bạch (báo cáo tài chính phải dược kiểm toán), một năm cuối trước khi tham gia giao dịch làm ăn có lãi... đều có thể tham gia giao dịch tại TTGDCK Hà Nội. Hơn nữa, doanh nghiệp còn được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 2 năm đầu, kể từ khi đăng ký giao dịch...

Thậm chí, để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội, ông Dũng cũng cho biết sẽ kiến nghị Ủy ban chứng khoán, Bộ Tài chính sửa đổi quy định về đăng ký giao dịch theo hướng mở rộng thêm 2 nhóm đối tượng là các doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc nhưng chưa có báo cáo kiểm toán (tức là chưa xác định được 1 năm có lãi) được và các doanh nghiệp đang cổ phần hóa,  mới ở giai đoạn hồ sơ đã được sự tư vấn của Công ty chứng khoán mà chưa được kiểm toán.

Nhà đầu tư băn khoăn

Với các chính sách mở, thậm chí lãnh đạo sàn Hà Nội còn gửi cả thư kêu gọi các DN "để ý" đến mình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Miên Tuấn, đại diện của Sacombank - nhà đầu tư cho rằng, dường như tất cả những ưu đãi trên của TTGDCK Hà Nội mới chỉ "nghiêng" về phía doanh nghiệp đăng ký giao dịch, còn lợi ích của nhà đầu tư tham gia đến đâu, lại chưa "cân đong đo đếm" được. Dù rằng, việc xây dựng "5 bước đấu giá" có tạo điều kiện cho bên mua và bên bán "gặp" nhau nhiều hơn, nhưng theo ông Miên, vẫn chưa đủ lực hấp dẫn.

"Hàng giao dịch tại TTGDCK Hà Nội chưa phải là hàng Việt Nam chất lượng cao" như tại TTGDCK TP.HCM do việc nới lỏng các quy định về chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp. Thế nhưng, đây lại chính là cốt lõi của việc đưa đến quyết định, có bỏ tiền hay không của nhà đầu tư", ông Miên lập luận. Thêm vào đó, đối tượng của TTGDCK Hà Nội lại là các doanh nghiệp nhỏ (vốn điều lệ khoảng 5-10 tỷ đồng), nên cũng chưa phải là mối quan tâm của những nhà đầu tư lớn.

Theo một số nhà đầu tư, nếu giá giao dịch đạt khoảng từ 12.000-13.000 đồng/cổ phiếu mới phản ánh đúng thị trường.

Còn chờ phản ứng

Ông Trần Văn Dũng tin rằng sàn OTC Hà Nội chắc chắn sẽ có giao dịch, nhưng sôi động hay không thì phải chờ phản ứng của thị trường.

Ông cho biết nguồn hàng tiềm năng cho thị trường Hà Nội không ít, vấn đề chỉ còn là việc "kích hoạt" được chúng trong tương lai gần. Hiện có trên 2.000 doanh nghiệp đã cổ phần hoá, trong đó mới có chưa đầy 30 doanh nghiệp niêm yết tại TTGDCK TP.HCM, phần còn lại cổ phiếu đang được giao dịch ở phía bên ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa phê duyệt danh sách 700 doanh nghiệp sẽ cổ phần hoá.

Nhiều nhà đầu tư cũng nhận định, với một thị trường không niêm yết (thị trường OTC) dồi dào đến hàng ngàn cổ phiếu như hiện nay, mức độ sôi động của TTGDCK Hà Nội sẽ lớn hơn cả TTGDCK TP.HCM.

Soạn: AM 481617 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ông Trần Văn Dũng hy vọng sàn chứng khoán Hà Nội sẽ sôi động. (Ảnh: H.Phúc)



Thứ trưởng Tài chính Lê Thị Băng Tâm tại Hội nghị ngành tài chính vừa diễn ra cũng thông báo, sắp tới Chính phủ sẽ cho tiếp tục phát hành và niêm yết 9.130 tỷ đồng trái phiếu tại hai Trung tâm giao dịch chứng khoán lớn là TP.HCM và Hà Nội. Chính phủ cũng đã chỉ đích danh 253 DN phải thực hiện bán cổ phần qua TTCK, đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên TTCK.

Trong kế hoạch của mình, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương phối hợp với các Bộ và địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, cố gắng phát hành thêm trên 400 tỷ đồng cổ phiếu để huy động vốn qua TTGDCK Hà Nội. Đồng thời, lập Ban chỉ đạo phát triển thị trường chứng khoán, mở rộng quyền mua cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, giảm bớt các thủ tục hành chính và bổ sung các ưu đãi... nhằm khuyến khích nhà đầu tư và đẩy TTCK phát triển.

Giải pháp để tìm nguồn hàng cho TTCK Việt Nam, theo ông Dũng, là bỏ bớt bao cấp không cần thiết đối với một số doanh nghiệp nhà nước, ban hành các quy định để doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết đều phải tuân theo các điều kiện quản trị doanh nghiệp tốt. Khi ấy các công ty sẽ thấy được quyền lợi hấp dẫn khi niêm yết và đua nhau tham gia thị trường. 

TTGDCK Hà Nội cũng cho biết, Công ty Vận tải thuỷ số 4 ngày 20/7 tới cũng sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài. Số lượng cổ phần bán đấu giá 725.863 cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Năng lực của 6 doanh nghiệp đầu tiên lên sàn OTC:

Công ty cổ phần Thăng Long (mã chứng khoán VTL) đăng ký tổng số 1.800.000 cổ phiếu. Trong đó, số lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng là 829.180 cổ phiếu.

Vốn điều lệ hiện nay:
18 tỷ đồng. Nhà nước nắm giữ 40% giá trị cổ phần.

Lĩnh vực kinh doanh: sản xuất nước uống có cồn và không có cồn, các loại bao bì; Kinh doanh khách sạn, các sản phẩm hàng hoá ăn uống; Sản xuất, buôn bán các mặt hàng công nghệ phẩm, tạp phẩm, thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng nhựa, may mặc đồ da, giả da và sản phẩm in các loại; Buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, vật liệu và thiết bị xây dựng; Kinh doanh bất động sản, dịch vụ cho thuê nhà ở, văn phòng, cửa hàng, phòng trưng bày; Kinh doanh lữ hành nội địa, lữ hành quốc tế, các dịch vụ phục vụ khách du lịch; Kinh doanh xuất nhập khẩu, đồ uống có cồn, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng công nghệ phẩm, thủ công mỹ nghệ, hàng nhựa, hàng may mặc, hàng tiêu dùng; Tư vấn, lắp đặt, chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất nước giải khát có gas; Đầu tư, kinh doanh nhà ở. Sản phẩm truyền thống là rượu Vang Thăng Long.

Năm 2004, Tổng giá trị tài sản69.188.147.253 đồng. Lợi nhuận sau thuế 5.475.238.128 đồng. Tỷ lệ trả cổ tức 22%.

Công ty cổ phần Hacinco có mã chứng khoán HSC với số đăng ký giao dịch 580.000 cổ phần. Vốn điều lệ 5,8 tỷ.

Lĩnh vực
kinh doanh: khách sạn, ăn uống giải khát; Du lịch lữ hành; Dịch vụ văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí, vũ trường, vật lý trị liệu; Buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng; Xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp; Kinh doanh rượu và thuốc lá; Dịch vụ cho thuê nhà ở, văn phòng làm việc.

Năm 2004, Tổng giá trị tài sản đạt 7.533.373.008 đồng. Lợi nhuận sau thuế 943.406.167 đồng. Tỷ lệ trả cổ tức15%.

Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh có mã chứng khoán VSH, đăng ký 125 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng. Cổ đông là  Nhà nước (EVN) chiếm 60%.

Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất và kinh doanh điện năng; Dịch vụ quản lý, vận hành, bảo dưỡng các nhà máy thuỷ điện; Tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công các dự án nhà máy thuỷ điện; Thí nghiệm điện; Kinh doanh vật tư, thiết bị trong lĩnh vực thuỷ điện.

Kế hoạch 2005: lợi nhuận sau thuế84.531 triệu đồng; Cổ tức (%/mệnh giá) 7%.

Công ty cổ phần Giấy Hải Âumã chứng khoán GHA. Tổng số chứng khoán đăng ký 1.289.480 cổ phiếu. Vốn điều lệ 12,894.800.000 đồng. Công ty cổ phần giấy Hải Phòng nắm giữ 52,54%.

Giấy Hải Âu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và gia công các sản phẩm giấy, sản phẩm chế biến từ lâm sản, sản phẩm bao bì, gỗ, vải giả da, hòm hộp, khung cửa nhôm kính, kính trắng, kính màu; kinh doanh thiết bị, vật tư, máy móc, nguyên liệu, hoá chất thông thường. Sản phẩm chính của công ty là các loại giấy đế dập nhũ xuất khẩu, giấy vệ sinh, khăn giấy, trong đó, chủ yếu sản xuất và xuất khẩu giấy đế sang Đài Loan.

Tổng giá trị tài sản năm 2004 là 21.252.615.008 đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.460.530.283 đồng. Tỷ lệ trả cổ tức15%.

Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng: Tổng số chứng khoán đăng ký: 541.000 cổ phiếu (mã chứng khoán CID). Vốn điều lệ  5.410.000.000 đồng, cổ đông trong Công ty 73,91%.

Sản phẩm dịch vụ chính của Công ty hiện nay là xây dựng các công trình công nghiệp, công cộng, dân dụng, giao thông thủy lợi, cơ sở kỹ thuật hạ tầng. Lắp dựng nhà máy thép dạng khung Zamil, các khung nhà tiền chế.
Sản xuất ống thép Công nghiệp, sản xuất và lắp dựng các kết cấu dàn không gian khẩu độ lớn... Tổng giá trị tài sản26.665.555.454 đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2004 là
710.528.282 đồng. Tỷ lệ trả cổ tức12%.

Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hoà có mã KHP với số đăng ký giao dịch 15.252.260 cổ phiếu.

Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất kinh doanh điện năng; xây dựng lắp đặt quản lý vận hành và sửa chữa nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện nhỏ, các nhà máy điện Diesel, máy phát điện Diesel; Quản lý, vận hành lưới điện phân phối điện áp đến 110 KV; Tư vấn lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát nhà máy điện công suất nhỏ, đường dây và trạm biến áp cấp điện áp đến 110 KV và các công trình viễn thông; Xây lắp công trình điện;  Kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư thiết bị điện; Kinh doanh thiết bị viễn thông, đại lý các dịch vụ viễn thông công cộng; Kinh doanh thương mại, dịch vụ khách sạn, thiết bị và phần mềm máy tính, bất động sản, vận chuyển hàng hoá.

Năm 2004, tổng giá trị tài sản: 258.896.552.401 đồng. Lợi nhuận sau thuế là 3.701.760.687 đồng.


Hàng hoá đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội:
Cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, Trái phiếu địa phương.

Cơ chế giao dịch: Tất cả các giao dịch chứng khoán được thực hiện qua công ty chứng khoán thành viên. Thông tin về giao dịch được báo qua hệ thống giao dịch của TTGDCK Hà Nội để tổng hợp và đưa ra kết quả.

Phương thức giao dịch: Giao dịch thoả thuận các công ty chứng khoán được thoả thuận mua/bán với các khách hàng, hoặc giữa các khách hàng với nhau. Kết quả giao dịch được chuyển vào TTGDCK Hà Nội để tạo thành kết quả giao dịch chung.

Giao dịch báo giá (hiện tại chưa áp dụng): Lệnh giao dịch của nhà đầu tư sẽ được công ty chứng khoán nhập vào hệ thống giao dịch của TTGDCK Hà Nội để khớp với các lệnh đối ứng thoả mãn các điều kiện giao dịch.

Lưu ký chứng khoán: Người sở hữu chứng khoán đăng ký giao dịch khi muốn giao dịch chứng khoán của mình trên TTGDCK Hà Nội phải lưu ký chứng khoán tập trung tại TTGDCKHN thông qua các thành viên lưu ký là các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký.

Người sở hữu chứng khoán đăng ký giao dịch đã lưu ký tại TTGDCK  Hà Nội được thực hiện các quyền tương tự như đối với các chứng khoán niêm yết tại TTGDCK TP.HCM như: quyền giao dịch thông qua hệ thống giao dịch của TTGDCK Hà Nội; quyền chuyển nhượng sở hữu, cầm cố, rút chứng khoán, quyền nhận cổ tức bằng tiền, cổ phiếu thưởng... phù hợp với các quy định hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cũng như quy trình nghiệp vụ của TTGDCK Hà Nội.

(Nguồn: Phòng Thông tin thị trường - TTGDCK Hà Nội)

  • Hồng Phúc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,