221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
589582
Bán cổ phần Vinaphone, Mobiphone để "kéo" công chúng lên sàn
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Bán cổ phần Vinaphone, Mobiphone để 'kéo' công chúng lên sàn
,

(VietNamNet) - Các nhà đầu tư vừa đề xuất rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá 2 DN thông tin di động lớn là Vinaphone và Mobiphone, qua đó tìm cách ''lôi'' dân chúng lên sàn chứng khoán.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi công văn đề nghị đến Bộ Tài chính; Bộ Bưu chính Viễn thông. Đơn vị này đề xuất rằng nên có chương trình tạo sự kiện chứng khoán nhằm thu hút sự chú ý của công chúng tới thị trường chứng khoán trong năm 2005. Và cụ thể, các nhà đầu tư tài chính cho rằng, cần đẩy nhanh việc cổ phần hoá gắn với niêm yết 2 công ty thông tin di động lớn Vinaphone và Mobiphone.

Các nhà đầu tư tại Lễ khai trương sàn chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: H.Phúc)

Dân Việt Nam: lạ lẫm với chứng khoán

Đại đa số người dân Việt Nam còn rất xa lạ với chứng khoán. Việc họ vẫn quen làm là có tiền đi gửi vào ngân hàng hoặc mua vàng tích trữ. Khoảng gần chục năm trở lại đây thì có thêm một kênh nữa là mua đất, để một thời gian, được giá thì bán. Trong khi tỷ lệ người dân tham gia đầu tư chứng khoán tại các quốc gia hàng xóm đang chiếm từ 5-50% dân số thì tỷ lệ này ở Việt Nam theo các chuyên gia ước tính, chỉ trên dưới 1%. Bên cạnh đó còn có lý do là thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn nhỏ bé và quá ít các nhà đầu tư với trên 20.000 tài khoản.

Đại đa số người dân Việt Nam còn xa lạ, thờ ơ với thị trường chứng khoán trong khi đây là một kênh đầu tư rất hiệu quả, năng động. Các nhà đầu tư cho rằng, để thu hút ngày càng đông đảo người dân đến với TTCK thì việc tuyên truyền đào tạo không thôi là chưa đủ mà phải cần nhiều giải pháp, cần kỹ thuật xúc tiến, cần tạo sự kiện để thu hút đám đông.

Tiến độ CPH Vina và Mobiphone quá chậm

Một trong những chiến lược thu hút và lôi kéo công chúng để mắt tới TTCK của các nhà đầu tư trong VAFI là cách xúc tiến việc cổ phần hoá 2 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam, những DN đã rất quen thuộc với người Việt Nam. Việc cổ phần hoá 2 DN này là cơ hội để lôi kéo công chúng lên sàn chứng khoán bởi đây là 2 DN rất lớn, có vốn nhà nước tới vài trăm triệu USD, đang kinh doanh hiệu quả và có chiều hướng phát triển tốt. Việc quảng bá chương trình bán cổ phần của 2 DN này sẽ thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Chính phủ đã có quyết định cổ phần hoá 2 DN này từ năm 2004. Tuy nhiên, việc triển khai việc này đã quá chậm chạp, từ chỉ đạo của Bộ Bưu chính Viễn thông đến Tổng công ty và doanh nghiệp. Hiện, Ban chỉ đạo cổ phần hoá tại 2 doanh nghiệp này cũng chưa được thực hiện.

Theo VAFI, Vinaphone & Mobiphone là hai DN đang kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh nên sẽ không gặp khó khăn gì trong vấn đề xử lý tài chính, công nợ, lao động dôi dư... Việc xác định giá trị DN của 2 công ty này cũng không quá khó khăn vì Nghị định 187 & các văn bản hướng dẫn đã qui định chi tiết các hình thức xác định giá trị doanh nghiệp, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp chỉ tạo lập nên giá sàn để đấu giá cổ phần cho mọi đối tuợng cho nên không phải e ngại và mất thời gian nhiều về việc xác định giá trị cũng như về thất thoát tài sản nhà nước như cơ chế cũ.

Bán cổ phần, cần kỹ thuật

Bên cạnh đó, để thu hút dân chúng tham gia cổ phần hoá, các nhà đầu tư cho rằng cần có "kỹ thuật bán đấu giá cổ phần". "Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 đưa ra phương thức cạnh tranh về giá mua cổ phần, người trả giá cao nhất sẽ mua được cổ phần. Cơ chế này tạo được sự công bằng cho các nhà đầu tư, tuy nhiên cơ chế này chỉ thích ứng với những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có kinh nghiệm (số này hiện nay chưa nhiều). Những nhà đầu tư mới hiện chiếm đa số trong công chúng còn chưa hiểu nhiều về chứng khoán sẽ rất sợ sệt nếu tham gia đấu giá vì họ khó có thể biết đặt giá nào là hợp lý. Có nhiều trường hợp trúng thầu nhưng lỗ vì đã đặt giá mua quá cao", công văn của VAFI nêu rõ.

Các nhà đầu tư cho rằng, Bộ Tài chính nên có phương thức bán cổ phiếu dành cho những nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Cụ thể, cần lựa chọn những doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả và ổn định như Vinaphone, Mobiphone, các nhà máy điện, ximăng… để dành tỷ lệ cổ phần hợp lý bán cho đông đảo công chúng đầu tư.

Cơ chế đấu giá có sự cạnh tranh về giá sẽ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp (tổ chức và cá nhân). Kết quả của phiên đấu giá này cần được phổ biến cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp biết các nội dung như: Số lượng nhà đầu tư tổ chức, cá nhân tham gia; các mức đặt giá kèm theo số lượng tương ứng; Xác định giá bình quân gia quyền.

Việt Nam cũng nên sử dụng giá bình quân gia quyền làm giá bán cố định cho công chúng. Đây là phương pháp được áp dụng rất nhiều nước châu Âu trong thập kỷ 70, 80 khi cổ phần hoá các lĩnh vực điện, bưu chính viễn thông, xăng dầu...). Giá bình quân gia quyền là giá hợp lý cho nhà đầu tư mới vì đã được các tổ chức đầu tư thẩm định kỹ càng, như vậy nhà đầu tư mới được tư vấn giá mua thông qua việc nghiên cứu cách thức mua của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nếu các nhà đầu tư mới được mua theo giá bình quân gia quyền thì họ sẽ rất yên tâm và sẽ tham gia tích cực vào tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Chỉ cần mỗi nhà đầu tư mới mua được vài chục triệu thì qua việc bán đấu giá Vinaphone và Mobilphone sẽ thu hút được trên 100.000 nhà đầu tư mới. Và con số 1 triệu nhà đầu tư là có thể đạt được cho tới năm 2010 thông qua chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn.

  • Hồng Phúc

Mời quý độc giả góp ý kiến về vấn đề này

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,