(VietNamNet) - Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam ít chú ý đến những điều đơn giản nhưng lại thiết thực trong thu hút đầu tư nước ngoài vào TTCK.
Các cơ quan chức năng và giới tài chính đã nhiều lần thảo luận về quy mô thị trường, hàng hoá chứng khoán, hoặc vấn đề hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài... và gần đây đã có hội thảo về việc nghiên cứu nâng mức nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với những ngành Nhà nước cần và không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư, những người có vị trí quan trọng nhất với thị trường chứng khoán (TTCK), thì Việt Nam đang ít chú ý đến những điều đơn giản nhưng lại thiết thực hơn, đó là làm sao để nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện mục đích đầu tư của họ là chuyển tiền vào Việt Nam, đầu tư sinh lãi, sau đó chuyển ra nước ngoài một cách thuận lợi. Nhu cầu chính đáng này cần được xem xét, điều chỉnh thành một quy trình rõ ràng và ổn định mới có thể thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2005, ông Hồ Minh Trí - đại diện Ngân hàng lưu ký HSBC (Ngân hàng HongKong và Thượng Hải) đã cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang cần tính an toàn về chính sách khi đổ tiền vào đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cần có một chính sách pháp lý rõ ràng, minh bạch và hiệu quả cho việc đầu tư, cụ thể, đó là những chính sách pháp lý hiệu quả hơn với tính chất có thể áp dụng được ngay, không cần chờ phải có hướng dẫn, giải thích.
Chính sách còn là chướng ngại vật với dòng vốn
Tuy nhiên, hiện một số quy định mới ban hành của các cơ quan chức năng đã cản trở những bước tiến của nhà đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam.
Ông Hồ Minh Trí cho rằng, Thông tư 100/2004/TT-BTC về các loại thuế trên TTCK gần đây đã giải quyết được rất tốt gần như đầy đủ tất cả các khúc mắc về thuế cho nhà đầu tư trên TTCK, đặc biệt là thuế thu nhập trong hoạt động giao dịch chứng khoán. Đây là một bước tiến được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thông tư 100 này lại bỏ ngỏ không đề cập đến thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài. Trước đây, loại thuế này được cơ quan thuế xác định là 5%. "Chúng tôi đã có hỏi ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM về loại thuế này, đã nhận được hai công văn trả lời với hai nội dung trái ngược nhau. Hiện chúng tôi vẫn còn đang xin làm rõ lại vấn đề này với hai cơ quan để áp dụng cho chính xác, đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài", ông Trí nói.
Còn về quản lý ngoại hối, mới đây nhất, Quyết định 1550/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ đầu năm 2005) đã đã bãi bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải nắm giữ khoản tiền vốn đầu tư trong một năm trước khi chuyển vốn về nước. Đây cũng là một bước phát triển được đánh giá cao về khung pháp lý của Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định 1550 đồng thời bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản tiền VND tại các công ty chứng khoán để mọi hoạt động thanh toán giao dịch đều phải thông qua tài khoản này. Quyết định 1550 đã không đề cập đến quyền được lựa chọn thành viên lưu ký làm nơi giữ tiền của nhà đầu tư. Xét về mặt quản lý thị trường, việc quy định chặt chẽ như vậy để kiểm soát nguồn vốn là tốt, nhưng vì chặt chẽ quá, mà vô tình gây ra nhiều lúng túng cho người áp dụng. Cho tới nay, Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM (TTGDCK) vẫn chưa kịp điều chỉnh quy trình thanh toán cho phù hợp với quyết định 1550 trên dù nó đã có hiệu lực từ đầu tháng 1/2005.
Trong quy trình thanh toán bù trừ tại TTGDCK, tiền, chứng khoán được thanh toán bù trừ cùng lúc vào ngày thanh toán và khái niệm về thanh toán đối với tập quán quốc tế là sau khi giao chứng khoán để bán, nhà đầu tư phải nhận được tiền ngay vào ngày thanh toán. Nếu áp dụng theo quyết định 1550 này, tiền giao dịch bán chứng khoán sẽ được ghi "có" vào tài khoản đứng tên của công ty chứng khoán, sau đó, công ty chứng khoán mới ghi có vào tài khoản khách hàng trong sổ sách nội bộ của mình.
Tuy nhiên, việc này chỉ có thể chấp nhận được đối với các nhà đầu tư cá nhân đơn lẻ vì họ không quan tâm nhiều đến hệ thống tài khoản, còn đối với các nhà đầu tư tổ chức hoạt động thông qua Ngân hàng lưu ký toàn cầu, họ chỉ tin chắc rằng tiền thuộc về mình khi đã nằm trong tài khoản ngân hàng đứng tên của chính họ. Họ sẽ không nghĩ rằng việc ghi có trong sổ sách nội bộ của công ty chứng khoán có thể thay thế hệ thống báo "có" và kê sao tài khoản của ngân hàng thông qua hệ thống điện SWIFT và họ cũng không chắc các công ty chứng khoán có đủ trang thiết bị kỹ thuật của một ngân hàng thương mại để cung cấp kịp thời và chính xác các chứng từ báo có cho các khách hàng của họ ở nhiều múi giờ khách nhau.
Công ty chứng khoán không thể đóng vai trò là một ngân hàng thương mại. Và với tư cách là ngân hàng lưu ký của các nhà lưu ký toàn cầu lớn, nếu công ty chứng khoán không thể xác nhận tình trạng số dư cuối ngày của nhà đầu tư vì không trực tiếp theo dõi các khoản tiền thanh toán chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài được, thì các khách hàng sẽ không còn tiếp tục quan tâm đến kế hoạch đầu tư của họ tại thị trường Việt Nam nữa.
Ngoài ra, quyết định 1550 còn quy định là nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển ngoại tệ của họ vào tài khoản ngoại tệ chuyên dùng của công ty chứng khoán trước khi chuyển đổi sang VND để giao dịch chứng khoán. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài không được phép tự mình thương lượng giao dịch ngoại hối trực tiếp với ngân hàng thương mại và chắc chắn sẽ không có lợi cho họ, nhất là nhà đầu tư tổ chức, vì họ có khả năng giao dịch được với tỷ giá hối đoái tốt hơn các công ty chứng khoán.
Chưa kể đến việc thanh toán các giao dịch chứng khoán, việc thanh toán thực hiện các quyền như cổ tức, lãi trái phiếu chưa biết sẽ được thực hiện ra sao. Vì ngân hàng lưu ký vẫn lưu giữ chứng khoán cho nhà đầu tư, nên danh sách cổ đông có thể vẫn do ngân hàng lưu ký quản lý. Như vậy, làm thế nào để ngân hàng thanh toán chỉ định biết phân bổ những khoản tiền cổ tức đó vào tài khoản của công ty chứng khoán nào, nếu phân bổ vào tài khoản của chính ngân hàng lưu ký thì không phù hợp với quyết định 1550 trên.
TTCK Việt Nam cũng cần quảng bá
Một điều đơn giản nhưng không kém phần quan trọng đó là việc quảng bá hình ảnh về thị trường chứng khoán Việt Nam ra thế giới. Hiện UBCKNN vẫn đang tiếp tục kế hoạch phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân TP.HCM để đẩy mạnh sự phát triển của thị trường hơn nữa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, dường như chúng ta cũng chỉ có kế hoạch quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam cho các công ty cổ phần và nhà đầu tư trong nước chứ chưa quảng bá ra khỏi phạm vi trong nước, chưa tiếp thị một cách đúng mức với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đầu tư lớn trên thế giới.
Hiện hầu hết các công ty niêm yết khi tổ chức đại hội cổ đông, ít có công ty nào chịu chuẩn bị tài liệu bằng tiếng Anh, mặc dù công ty đó có cổ đông là người nước ngoài. Hoặc đối với các công ty chứng khoán cũng vậy, cho tới nay không phải tất cả các công ty chứng khoán đều đã có trang thông tin bằng tiếng Anh trên trang web của mình, hoặc nếu có, cũng chưa được đầy đủ thông tin cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thậm chí, trang web của Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM nhiều năm nay vẫn chưa được cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, các văn bản pháp luật cũng không có bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài được tham khảo. Bên cạnh đó, Bản tin thị trường của TTGDCK TP.HCM, một trong những kênh thông tin chính thức nhất của thị trường, cũng chỉ tập trung phát hành cho nhà đầu tư trong nước và không có bản tiếng Anh.
Các tổ chức đầu tư nước ngoài chính là những tổ chức tài chính quốc tế có kinh nghiệm và sẽ là nhân tố tạo sự ổn định cần thiết cho thị trường kể cả tâm lý cho các nhà đầu tư trong nước. Có thể trong giai đoạn này, lưu lượng vốn đầu tư từ các tổ chức này chưa lớn, nhưng một khi thị trường đi vào ổn định hơn, họ sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển của thị trường. Họ thường tổ chức các hình thức tham quan nghiên cứu thị trường một cách trực tiếp. Các cơ quan quản lý, các công ty niêm yết cũng như các công ty chứng khoán nên tận dụng những cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những tổ chức đầu tư nước ngoài để tiếp thị mình, và tiếp thị cho thị trường.
Ngoài ra, Ngân hàng lưu ký HSBC cũng đề xuất, Trung tâm giao dịch chứng khoán là nên đăng ký một mã số BIC (Bank Identifier Code) để các định chế tài chính trên toàn thể giới biết đến mình, cũng như là một hình thức giới thiệu thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tất cả các ngân hàng lưu ký trên toàn thế giới đều hoạt động kinh doanh chứng khoán thông qua một hệ thống thông tin liên lạc bằng điện SWIFT mang tính an ninh rất cao. Hệ thống thông tin này rất phổ biến trong giới ngân hàng, mà hiện nay các ngân hàng thương mại của nước ta vẫn đang là thành viên sử dụng. Gần đây, yêu cầu của tổ chức SWIFT là trong tất cả các bức điện SWIFT các ngân hàng lưu ký toàn cầu phải cung cấp mã số BIC của Trung tâm lưu ký bù trừ của các nước để bức điện thanh toán được chạy tự động hoá đến các ngân hàng lưu ký từ tài khoản khách hàng ở nước ngoài, nhằm xác định tính an toàn trong giao dịch. Việc sở hữu một mã số BIC này sẽ không tốn một khoản chi phí nào, nhưng lại giúp tất cả các thị trường khác trên thế giới biết đến thị trường chứng khoán của Việt Nam đang tồn tại trên hệ thống quốc tế.
"Có thể chúng ta chưa hình dung ra việc đăng ký một mã số BIC cho TTGDCK là cần thiết vào lúc này, nhưng việc này có một lợi ích vô hình, vì nó giúp làm tăng uy tín của chúng ta đối với các tổ chức đầu tư trên thế giới. Ngân hàng HSBC sẵn sàng tư vấn về mặt thủ tục cần thiết để thực hiện việc này", ông Trí nói.
-
Hồng Phúc