(VietNamNet) - Ngay khi VietNamNet đưa tin BankNet sắp khai trương, rất nhiều khách hàng đã tỏ ý thất vọng về việc VCB không tham gia liên minh thẻ này khiến quyền lợi của họ bị hạn chế.
BankNet sắp chính thức chào đời, mừng vì hệ thống ATM của Việt Nam đã gần chấm dứt cảnh mạnh ai nấy tiến, nhưng gần 300 ngàn khách hàng của VCB lại buồn, bởi thẻ ATM của họ vẫn chưa thể kết nối với ngân hàng khác. VCB chưa gia nhập BankNet trong khi ngân hàng này hiện đang chiếm 53-55% thị phần thẻ ATM của Việt Nam, với 200 máy ATM lắp đặt trên toàn quốc.
Ngay khi VietNamNet đưa tin BankNet sắp khai trương, rất nhiều khách hàng đã tỏ ý thất vọng về việc VCB không tham gia liên minh thẻ này khiến quyền lợi của họ vẫn bị hạn chế, và không ít người tuyên bố sẽ "tẩy chay" VCB để chuyển sang dùng thẻ của các ngân hàng đã liên kết.
VietNamNet đã liên lạc với bà Nguyễn Tú Anh - Trưởng phòng thẻ của VCB về việc này.
Tối đa là 3 năm nữa...
Bà Tú Anh cho biết, BankNet ra đời với mục đích kết nối mạng lưới ATM giữa các ngân hàng, nhưng công ty này còn kinh doanh nhiều thứ khác mà VCB đã, sẽ có hoặc không có ý định tiến hành (BankNet dự định sẽ cung cấp các dịch vụ như chuyển mạch tài chính, bảo trì hàng tháng ATM, sản xuất và gia công thẻ trắng, in thẻ thanh toán, phát hành thẻ Smart, cung cấp dịch vụ kết nối thẻ quốc tế... - PV). Định hướng kinh doanh của VCB không phù hợp với BankNet là một lý do để VCB không tham gia vào liên minh này. Thứ hai, theo bà Tú Anh: ''Vấn đề ở đây không đơn thuần chỉ là việc kết nối ATM mà còn bao gồm các yếu tố về kỹ thuật, về CNTT để cho phép hệ thống ATM của các ngân hàng tương thích với nhau. Khi nào hệ thống của BankNet đảm bảo kết nối được với VCB thì chúng tôi luôn sẵn sàng''.
Thứ ba, không phải dễ dàng mà trong cùng một lúc, tất cả các ngân hàng có thể kết nối với nhau; thay vào đó phải triển khai dần dần do việc hạn chế về nguồn lực cũng như về hạ tầng cơ sở công nghệ đều khác nhau. VCB đã làm theo cách riêng bằng việc ký kết hợp tác về mạng lưới ATM với Techcombank - một trong những ngân hàng đại lý đầu tiên của VCB. Có nghĩa, khách hàng sử dụng ATM của VCB có thể sử dụng cả với hệ thống của Techcombank và ngược lại. Hiện, VCB đang chạy thử nghiệm về dịch vụ ngân hàng đại lý (trong đó có cả việc hợp tác về mạng lưới ATM) với Ngân hàng Quân đội và Ngân hàng Nhà Hà Nội. Ngoài kết nối ATM, các ngân hàng này cũng có thể phát hành thẻ nội địa và thẻ quốc tế của mình, cũng như phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ (POS). Sắp tới, VCB sẽ tiến hành mở rộng mạng lưới tiếp tục với ChohungBank và Eximbank.
Bà Tú Anh cho biết thêm, VCB không chỉ mong muốn hợp tác với BankNet, mà còn với các ngân hàng khác để cùng tạo thêm tiện ích cho khách hàng. Bằng chứng là VCB và 11 ngân hàng khác cũng đã thành lập liên minh thẻ mà tương lai gần, 11 đơn vị này sẽ hoà mạng ATM với nhau. Trước mắt, VCB sẽ lựa chọn những ngân hàng có mô hình hạ tầng cơ sở tương đối như nhau để kết nối ATM.
Theo bà Tú Anh, bất cứ ngân hàng nào VCB cũng có thể kết nối ATM và xu hướng tất yếu là các ngân hàng phải kết nối với nhau. ''Vấn đề chỉ còn là thời gian, chúng tôi đã tham gia kết nối được với hệ thống thẻ quốc tế thì việc kết nối trong nước không phải là khó khăn. Tôi cho rằng tối đa là 3 năm nữa, tất cả các ngân hàng Việt Nam sẽ nối mạng ATM với nhau''.
Thị trường Việt Nam: vẫn là những tổ hợp thẻ
Một lần trả lời báo chí, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, mô hình BankNet mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (VBARD) đưa ra nặng về việc kết nối hệ thống, ít tính thương mại. Hơn nữa, bản thân VCB cũng đã đưa ra một đề án tương tự và được nhiều ngân hàng khác đánh giá cao. Vì vậy, VCB sẽ tiếp tục đi theo cách của riêng mình.
Đầu tháng 1 năm nay, VCB đã bảo trợ cho 11 ngân hàng thương mại làm thành viên phụ của MasterCard phát hành các loại thẻ thanh toán. Trước mắt, VCB sẽ bảo lãnh các ngân hàng thương mại làm thành viên phụ của MasterCard, giúp họ phát hành và thanh toán thẻ mang thương hiệu này. Các ngân hàng này gồm: Techcombank, VP Bank, Quân đội (MB), Nhà Hà Nội (Habubank), Hàng hải (MSB), Nhà HCM (Housing bank), Quốc tế, Bắc Á, Tân Á, Việt Á, Liên doanh Chohung Vina.
Như vậy là tính cả BankNet, thị trường thẻ Việt Nam đang tồn tại những tổ hợp thẻ khác nhau: BankNet với 7 ngân hàng, tổng số trên dưới 100 máy ATM. VCB và Techcombank với mạng lưới 203 máy; Xuất nhập khẩu Việt Nam (10 máy); Sài Gòn Công thương ngân hàng (14 máy) kết nối vào ngân hàng Đông Á (43 máy) tạo ra mạng lưới 57 máy. Hiện tại, các ngân hàng đã trang bị khoảng 400 máy ATM trên toàn quốc.
Thanh toán thẻ hiện là mảng thị trường còn rất nhiều tiềm năng nên đều là đích ngắm của hầu hết các ngân hàng. Chi phí đầu vào cho mảng dịch vụ này rất thấp, nguồn vốn tuy nhỏ lẻ song ổn định và lãi suất thấp (không kỳ hạn). Bên cạnh đó, phí phát hành thẻ, sử dụng dịch vụ cũng là nguồn thu không nhỏ giúp doanh thu từ thẻ thanh toán chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động của mỗi ngân hàng. Đa số các chuyên gia đều cho rằng, thị trường thẻ Việt Nam còn non trẻ, song thời gian tới sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Tất cả các ngân hàng đều đang quan tâm và đầu tư lớn tới mảng này, nhưng cũng mới chỉ khai phá được một phần rất nhỏ.
Còn có một thực tế là phạm vi sử dụng thẻ ATM hiện còn hẹp, chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, trong các tầng lớp dân cư từ trung lưu trở lên hoặc người nước ngoài công tác, du lịch tại Việt Nam. Các ngân hàng đa số vẫn mạnh ai nấy làm, vẫn chưa muốn chia sẻ cơ sở hạ tầng (máy móc, thiết bị cho nhau) và chưa kết nối mạng với nhau nên không thể làm đại lý thanh toán cho nhau.
Sự ra đời của BankNet và những nỗ lực từ phía VCB với mạng lưới của họ cho thấy, các ngân hàng đang tìm cách bắt tay nhau, song những hợp tác đó mới giới hạn ở quan hệ song phương và mang tính cục bộ. Và kết quả là các đơn vị vẫn đua nhau bỏ tiền lắp đặt thêm máy ATM, trong khi mạng lưới chấp nhận thẻ ATM của khách hàng chẳng mở rộng được là bao.
-
Hồng Phúc