(VietNamNet) - Ngay sau khi FED tăng lãi suất hôm qua, sáng nay (2/7), VCB đã thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi USD kỳ hạn 2 năm, lãi suất là 3%/năm.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ hôm nay phát hành chứng chỉ tiền gửi USD kỳ hạn 2 năm. Chứng chỉ tiền gửi lần này có mệnh giá tối thiểu 100 USD, có hai loại vô danh và đích danh; Lãi suất 3%/năm, cố định trong 2 năm và được trả sau hằng năm. Như vậy, so với lãi suất tiết kiệm USD hiện hành kỳ hạn 12 tháng của VCB (1,9%/năm), mức lãi suất mới đã cao hơn mức cũ tới 1,1%/ năm.
Tuy nhiên, bà Hoàng Hồng Hạnh - Trưởng phòng Vốn của VCB lại cho rằng, đây ''không hẳn'' là một động thái tăng lãi suất, bởi kế hoạch phát hành chứng chỉ tiền gửi của VCB đã có từ cách đây 2 tháng.
Người mua chứng chỉ tiền gửi lần này của VCB được thanh toán gốc khi đến hạn, thanh toán lãi hằng năm (không thanh toán trước hạn). Đến hạn thanh toán lãi, nếu khách hàng chưa đến lĩnh thì số tiền lãi sẽ được VCB giữ hộ và không được hưởng lãi. Khi chứng chỉ tiền gửi đáo hạn, nếu khách hàng chưa đến lĩnh, toàn bộ giá trị Chứng chỉ tiền gửi (gốc và lãi) sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn (đối với cá nhân) và tiền gửi thanh toán (đối với tổ chức) cho số ngày sau hạn.
Khi có nhu cầu thanh toán, chuyển nhượng, chuyển đổi từ chứng chỉ tiền gửi vô danh thành đích danh, cầm cố vay vốn, khách hàng có thể đến giao dịch tại các cơ sở của nhà băng này trên toàn quốc.
Lý giải về việc tăng lãi suất USD, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, nếu coi sức ép từ FED là nguyên nhân chính làm tăng lãi suất USD trong nước thì chưa đúng bởi theo quy luật, nhu cầu USD vào cuối năm thường tăng mạnh khi các DN phải nhập khẩu hàng hoá nhiều (chuẩn bị cho lễ tết), phải thanh toán nhiều với nước ngoài bằng USD. ''Cầu'' USD vào cuối năm bao giờ cũng tăng cao nên ngân hàng cũng phải tăng lãi suất huy động để chuẩn bị nguồn vốn cho dịp này.
Tuy nhiên, ông này vẫn khẳng định rằng việc tăng lãi suất của FED ảnh hưởng không nhiều tới thị trường tiền tệ của Việt Nam bởi nhu cầu USD trong nước cũng không nhiều, thường tập trung ở số ít các DN xuất nhập khẩu lớn. Có chăng, lãi suất USD tăng đã tác động thêm sức ép lên lãi suất tiền đồng, vốn đã chịu nhiều sức ép từ nguy cơ lạm phát và giá cả tăng cao từ dầu năm đến nay.
-
Hồng Phúc