(VietNamNet) - Bộ Giao thông Vận Tải vừa thống nhất đề xuất của tư vấn: sẽ phân kỳ dự án đường sắt trên cao Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên) làm 2 giai đoạn đầu tư.
>>Hà Nội: ''Nâng'' đường sắt qua khu vực đô thị lên cao
Giai đoạn 1 sẽ tập trung xây dựng tuyến đường sắt trên cao này từ Giáp Bát đến Gia Lâm (Hà Nội) và giai đoạn 2 từ Ngọc Hồi - Giáp Bát và Gia Lâm - Yên Viên. Tuyến này cần được ưu tiên số 1 (như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô Hà Nội), nên cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo Bộ GTVT, dự án này đang được Vụ KH-ĐT khẩn trương làm các thủ tục để đưa vào ''danh sách ngắn'' các dự án dự kiến sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản tài khoá năm 2007.
Về trắc dọc và mặt bằng, tuyến đường sắt trên cao đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên này sẽ kết nối hài hoà với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và phía nam sẽ tiếp đất trước ga Ngọc Hồi, phía bắc tiếp đất trước ga Yên Viên. Đoạn Gia Lâm - Yên Viên sẽ thống nhất chọn phương án 2: tim tuyến đường sắt trên cao đi trùng tim tuyến đường sắt hiện tại (không dịch tuyến về bên trái).
Mục tiêu lâu dài của tuyến này, theo Tư vấn lập nghiên cứu khả thi dự án - sẽ không sử dụng khổ đường lồng (1.000mm và 1.435mm), chỉ sử dụng khổ tiêu chuẩn 1.435mm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, để tàu khách Bắc - Nam có thể vào tới ga trung tâm Hà Nội và khi chưa triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án cần thiết phải sử dụng khổ đường lồng. Đường lồng này sẽ được dỡ bỏ khi đường sắt cao tốc Bắc - Nam hình thành.
Nhiều người nước ngoài đến Hà Nội ngạc nhiên bảo nhau: ''Chỉ ở đây mới có chuyện tàu hỏa chạy trên vỉa hè!''... Từ trong nhà bước chân ra là sát đường tàu, rồi mới xuống lòng đường! Nghịch cảnh này đang được từng bước xóa bỏ...(Ảnh: H.H) |
Cũng theo Bộ GTVT, ga Hà Nội với vai trò là trung tâm trung chuyển hành khách kết nối giữa các tuyến và các loại hình giao thông công cộng của Thủ đô, đồng thời được định hướng phát triển như một trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng - cần được nghiên cứu kỹ. Thời gian tới, Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sẽ tìm nhà tài trợ để có một hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu chi tiết khu ga này, cũng như một số vấn đề kỹ thuật phức tạp khác mà tư vấn trong nước chưa có kinh nghiệm.
Như Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi đã được Chính phủ phê duyệt, cầu Long Biên mới sẽ được xây dựng cách cầu cũ khoảng 30 - 50m về phía thượng lưu để phục vụ cho đường sắt trên cao chạy tàu quốc gia và tàu đô thị. Song, tiến tới trong Nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT yêu cầu tư vấn tính toán thêm phương án xây cầu Long Biên mới tại vị trí cầu Long Biên hiện hữu, có công năng phục vụ cho cả giao thông đô thị và đường sắt trên cao, nhằm giảm kinh phí giải phóng mặt bằng khu vực phố cổ Hà Nội.
Ngoài ra, một tuyến đường sắt vành đai phía đông đồng bộ với dự án đường sắt trên cao Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên) này cũng đang được coi là cần thiết phải xây dựng. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng: Nếu đưa tuyến vành đai phía đông thêm vào dự án này thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn. Nhưng, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vẫn được giao tiến hành thủ tục xin phép chuẩn bị đầu tư đường sắt vành đai phía đông để triển khai đồng bộ với dự án này.
Được biết, một số hạng mục của dự án này có thể kêu gọi đầu tư bằng vốn nước ngoài. Một số hạng mục đầu tư bằng vốn trong nước có khả năng sẽ huy động từ việc khai thác quỹ đất tại ga Hà Nội và Giáp Bát.
Theo nhận định của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, đường sắt chạy trên mặt đất đầu mối khu vực Hà Nội hình thành ngót 1 thế kỷ nay nên lúc này bộc lộ nhiều hạn chế. Dự án kể trên sẽ nâng cao năng lực khai thác đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm, phục vụ chạy tàu khách thống nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và cả tàu đô thị... Đây là giai đoạn đầu tiên trong hệ thống các tuyến giao thông đô thị bánh sắt của Thủ đô được phát triển, giảm thiểu ùn tắc nhờ đưa đường sắt lên cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đảm bảo đúng giờ, an toàn và nhanh chóng. Tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên sẽ là đường sắt đôi, dài khoảng 25km, cơ bản bám theo tuyến hiện có để hạn chế giải phóng mặt bằng. Đoạn từ ga Hà Nội đến ga Văn Điển, đường sắt này sẽ được mở rộng về bên trái; đoạn từ ga Hà Nội đến cầu Long Biên ưu tiên mở về phía đường Phùng Hưng. Toàn tuyến có 5 ga dùng chung giữa đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, trong đó: ga Ngọc Hồi là ga đầu mối trên mặt đất; ga Giáp Bát và ga Hà Nội là ga trên cao; ga Gia Lâm, Yên Viên là ga mặt đất. Cùng với đó, có 11 ga chỉ để vận tải hành khách đô thị là Vĩnh Quỳnh, Văn Điển, Hoàng Liệt, Phương Liệt, Bạch Mai, Công viên Lê-nin, Phùng Hưng, Long Biên nam, Long Biên bắc, Đức Giang và Cầu Đuống. 11 ga này sẽ được xây hoàn toàn trên cao. |
-
Tràng An Nguyễn