221
5102
Kinh doanh
kinhdoanh
/kinhte/kinhdoanh/
1226904
Doanh nghiệp Việt Nam mạnh tay đầu tư vào Campuchia
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Doanh nghiệp Việt Nam mạnh tay đầu tư vào Campuchia
,

 - Đón đoàn cán bộ, doanh nghiệp và nhà báo từ Việt Nam đến đất nước chùa Vàng là cái nắng vàng tươi ở sân bay Phnom Penh. Thủ đô của Campuchia trở nên bận rộn khi tiếp đón hàng trăm vị quan khách. Sau doanh nghiệp (DN) viễn thông, khai khoáng, thuỷ điện... rót vốn vào Campuchia, lần này là làn sóng đầu tư về ngân hàng, hàng không.  

Mô tả ảnh.
Mỗi năm Campuchia đón hàng triệu du khách quốc tế (ảnh H.Y)


Cảm giác thân thuộc

Nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, Campuchia giáp Thái Lan ở phía Tây và Tây Bắc, kế bên Việt Nam ở phía Đông và Lào phía Đông Bắc, còn biển ở phía Nam.

Mặc dù số người Việt có hộ khẩu tại nước này chỉ vào khoảng 100.000, song, trên thực tế lại chiếm tới 1/3 trong tổng số 14 triệu dân Campuchia. Do vậy, có cảm giác thật thân thuộc khi bất chợt nghe thấy tiếng Việt hay có thể mua hàng bằng tiền VND ở nước bạn.

Anh Đàm Quang Châu, hướng dẫn viên du lịch cho Công ty Viet - Cam tại Phnom Penh, đùa vui rằng, chỗ nào có đất, có nước là người Việt Nam có thể sinh sống. Người Việt có mặt trên khắp 24 tỉnh, thành tại đây.

Thế nên chẳng có gì là lạ khi đi dạo ở chợ Mới, hay còn gọi là chợ trung tâm (Central Maket) thấy người bán măng cụt nói tiếng Việt rất sõi, ngỡ là phe ta nhưng hoá ra lại là người bản địa.

Còn khi mua sầu riêng, cô bé bán gỏi đu đủ kế bên sẵn sàng phiên dịch giúp, bởi cô từ một tỉnh ĐBSCL sang đây đã dăm năm nay. Bươn chải làm ăn, cô nói cũng đủ sống thay vì 5 anh chị em chỉ ở nhà cấy hái.

Người dân Campuchia buôn bán ở chợ Mới (ảnh H.Y)
Người dân Campuchia buôn bán ở chợ Mới (ảnh H.Y)

Náo nhiệt nhất là khu phố ven sông (River Side), chẳng khác nào phố Tây Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn. Lướt net, bar, cà phê, casino, karaoke, chợ đêm... thôi thì đủ cả, khách tha hồ tận hưởng.

Do thả nổi tỷ giá nên ở đây, đồng USD được chuộng hơn cả đồng bản địa (1USD tương đương 4.200 Riel). Mặt hàng gì cũng có thể quy ra đôla, thế nên mới có lời khuyên đi Campuchia nhớ chuẩn bị sẵn nhiều đô lẻ. Chẳng hạn, 1 USD cho hai trái dừa, 1 USD một chai nước lọc, 1 USD cho một tấm khăn kẻ caro khoác hờ khi dạo phố về đêm hay để làm quà...

Hầu hết du khách Việt sang đây đều có chung nhận xét, người dân Campuchia sống đôn hậu, thật thà, chất phác.

"Thời cơ vàng" để làm ăn

Ở Phnom Penh, chỉ cần mua một sim điện thoại 8-10 USD của Viettel là có thể gọi thoải mái về nhà. Mạng điện thoại di động 097 này rất được ưa chuộng tại thủ đô của Campuchia. Đến nay, nó đã chiếm tới 20-30% thị phần tại thị trường này và đang có tham vọng vươn về tận những vùng giáp ranh giữa Campuchia với Thái Lan.

Điều đó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của các DN Việt Nam khi quyết định lựa chọn đầu tư tại đây.

Chỉ đứng thứ 6 sau Lào, Malaysia, Angieria... 20 năm qua, đã có 28 dự án đầu tư Việt Nam vào Campuchia với số vốn đăng ký 228 triệu USD. Tuy gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, song, dự báo đầu tư vào đây sẽ tiếp tục tăng trong năm 2009.

Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thủy điện, khai khoáng và viễn thông. Mới đây nhất là sự tham gia của các DN ngân hàng, hàng không.

Thông qua việc thành lập Công ty Đầu tư và phát triển IDCC, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) không dấu tham vọng là sau khi mua lại Ngân hàng đầu tư Thịnh vượng Campuchia, ngân hàng mới sẽ được tái cấu trúc và đáp ứng được nhu cầu tín dụng của tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam sang Campuchia trong tương lai.

Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho thấy, tính đến tháng 3/2009, số DN có vốn đầu tư Việt Nam tại Campuchia đã lên tới hơn 400, điển hình như Viettel, Công ty Vận tải biển Gemadept, Mai Linh, T&T, TOSERCO, Vinamilk, ACECOOK, Phân bón Bình Điền, Công ty Bút bi Thiên Long, Ngân hàng Sacombank...

Hơn nữa, Công ty CP Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI), được IDCC thành lập cùng một cá thể Campuchia, cũng nỗ lực phấn đấu sau 5 năm xây dựng  trở thành công ty bảo hiểm uy tín, lớn trên thị trường bảo hiểm Campuchia với thị phần tối thiểu 20%.

Trước mắt, CVI thực hiện bảo hiểm toàn bộ cho hoạt động của Hãng hàng không quốc gia Campuchia (Cambodia Angkor Air -CAA) về máy bay, trang thiết bị, phi hành đoàn, khách hàng...

Ông Hà khẳng định, từ nay, các DN Việt Nam đầu tư sang Campuchia có thể hoàn toàn yên tâm làm ăn một cách chắc chắn, an toàn và hiệu quả.

Đối với Vietnam Airlines, lần đầu tiên hãng rót vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua CAA. Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh đánh giá, đây là cơ hội lớn của hãng khi từng bước tận dụng thế mạnh để khai thác tại thị trường chiến lược sống còn là Campuchia.

Ban đầu, CAA chỉ hoạt động trên các chuyến bay nội địa. Từ tháng 11/2009, hãng bắt đầu có các đường bay quốc tế đến Việt Nam và sau đó là một số nước trong khu vực châu Á. Cơ hội mở ra cho Vietnam Airlines là rất lớn khi hiện nay, 40% khách quốc tế trước khi vào Campuchia trung chuyển tại Việt Nam.

Trong khi đó, từ Bắc Á, các hãng hàng không mạnh như Cathay Pacific, Korean Air... đều có các chuyến bay thẳng đến quốc gia này. Cạnh tranh vào cửa ngõ khu vực Đông Dương của Vietnam Airlines có nguy cơ bị đe dọa.

Hợp tác với CAA, hãng có lợi thế hơn hẳn vì khách có thể chọn cách bay thẳng đến Campuchia hoặc đến Việt Nam rồi nối chuyến. Hiện tần suất bay của Vietnam Airlines đến Campuchia khá lớn, gồm 10 chuyến đến Siem Reap và 3 chuyến đến Phnom Penh mỗi ngày. 

Cạnh tranh khốc liệt

Thủ tướng Hunsen cam kết rằng Chính phủ Campuchia sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các DN Việt Nam sang đầu tư, đặc biệt  trên các lĩnh vực thuỷ điện, khai khoáng, công nghệ thông tin, trồng cao su... Ông đánh giá việc BIDV và Vietnam Airlines rót vốn làm ăn tại Campuchia là sự kiện kinh tế - chính trị lớn trong quan hệ hai nước. 

Mô tả ảnh.
Chuẩn bị cất cánh chuyến bay đầu tiên của CAA ngày 27/7 (ảnh H.Y)

Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là mì ăn liền, sản phẩm nhựa và các sản phẩm truyền thống như thuốc lá, bánh kẹo, ngô giống, hàng gia dụng, rau quả... và nhập về gỗ, cao su, nguyên liệu phục vụ ngành may, phụ tùng ôtô... Kim ngạch buôn bán hai chiều hàng năm tăng trưởng khoảng 40%: năm 2002 là 240 triệu USD, đến năm 2007 là 1,1 tỷ USD và năm 2008 là 1,7 tỷ USD.

Dự báo đến năm 2010, con số này là 2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng đều ở mức gấp 5 lần so với kim ngạch nhập khẩu và Việt Nam là nước xuất siêu.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại chủ yếu vẫn là theo con đường trao đổi biên mậu, mang tính tự phát, chưa có định hướng về thị trường và cơ cấu ngành hàng, chưa tưng xứng với tiềm năng của thị trường Campuchia và mối quan hệ giữa hai nước.

Điều bất lợi lớn mà các DN Việt Nam hết sức lưu ý là sự cạnh tranh khốc liệt từ các DN Trung Quốc và Thái Lan. Các mặt hàng buôn bán giữa Việt Nam - Campchia đều nằm trong danh mục hàng hoá buôn bán với các nước này.

Chẳng hạn, năm 2005, Trung Quốc đã trở thành nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Campuchia. Từ năm 1994-12/2006, có hơn 230 xí nghiệp của Trung Quốc đầu tư ở Campuchia, trong các lĩnh vực như may mặc, khoáng sản, khách sạn và hàng nông sản. 

Điều các DN Việt Nam mong muốn hiện nay là sớm có trung tâm thương mại, khu phi thuế quan tại các cửa khẩu biên giới hai nước. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các DN xuất khẩu hàng theo đường chính ngạch. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường bộ nối liền biên giới, xây mới các khu kinh tế cửa khẩu, chợ đường biên, chợ cửa khẩu... để các DN và cư dân các tỉnh biên giới hai nước qua lại làm ăn.

  • Hà Yên - Phước Hà

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,