(VietNamNet) - Dù dự báo có thể thiếu 1.000 MW/ngày trong đợt ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn, song liên tục từ 9/7 đến nay, lượng điện cung ứng trên toàn hệ thống trung bình mỗi ngày chỉ thiếu khoảng 400MW.
Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (Ảnh: Nguỵ Hoàng Sơn). |
Trao đổi với VietNamNet sáng 13/7/2007, ông Đặng Huy Cường - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến lúc này đã có thể yên tâm việc ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn để bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống không ảnh hưởng quá lớn đến khả năng cung ứng điện toàn quốc. Tuy vẫn phải tiết giảm 1, 2 tiếng đồng hồ vào ban ngày (khoảng 10-11h sáng) do hụt trung bình 400 MW/ngày trên toàn hệ thống, song "hầu như mọi người đều không cảm nhận được sự thiếu hụt này" - ông Cường nói.
Đặc biệt, đợt ngưng khí (kể trên) lại rơi đúng vào những ngày thí sinh khắp đất nước dự thi ĐH, CĐ, tại Thủ đô và một số tỉnh, thành phố đang diễn ra các kỳ họp quan trọng của Trung ương, địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc cắt điện luân phiên đã ít xảy ra. Điện ở đôi chỗ có thể yếu hơn bình thường, chập chờn song không có tình trạng cắt điện kéo dài cả ngày hoặc một buổi (chiều hoặc sáng).
Theo ông Cường, vì không có khí, việc chạy dầu không những làm tăng thêm chi phí (khoảng 2.500 đồng/kWh) mà còn đe dọa xảy ra sự cố khi chuyển các tổ máy đang "quen" vận hành bằng nhiên liệu khí sang khởi động và chạy bằng dầu (xưa nay chỉ 50% thành công). Song, đến hôm nay, khi chỉ còn vài ngày nữa hệ thống Nam Côn Sơn hứa hẹn sẽ cung cấp khí trở lại, hầu như chưa có sự cố nào xảy ra, lưới điện hoạt động ổn định và tiết giảm hợp lý.
Nhà máy điện Cà Mau (Ảnh: Nguỵ Hoàng Sơn). |
Để đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn những ngày này, A0 nhận định có nhiều nguyên do: Thứ nhất, đây là thời điểm thuận lợi để cắt khí vì đúng mùa nước về, mực nước hồ dâng cao; Thứ hai, các nhà máy điện lớn Uông Bí, Cà Mau đồng loạt đi vào vận hành ổn định, cung cấp lượng điện năng đáng kể cho hệ thống (cả hai nhà máy là 800MW); Thứ ba, vận hành an toàn các tổ máy chạy bằng nhiên liệu dầu; Thứ tư, hạn chế tối đa việc sửa chữa các nhà máy để huy động cao nhất năng lực phát điện...
Phối hợp chặt chẽ trong đợt này, Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau cũng đang vận hành tối đa công suất 2 tổ máy 500MW của Nhà máy khí điện Cà Mau (vừa nhận bàn giao từ Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam Lilama). Theo ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Dự án điện Cà Mau, sự cung cấp điện ổn định của 2 tổ máy này đảm bảo đóng góp với EVN không chỉ trong đợt cắt khí này mà cả những đợt ngừng cung cấp khí tiếp theo (dự kiến vào tháng 9 tới).
Tại công trường Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, ông Nguyễn Đình Hải - Phó Tổng giám đốc Lilama cho biết: "Dù đang trong giai đoạn tiếp tục hiệu chỉnh, tối ưu hóa thiết bị, nhà máy vẫn cố gắng duy trì ổn định ở mức tải 90-100% công suất (từ 250-300MW) bù đắp thiếu hụt cho lưới điện. Kể từ ngày ngắt dầu thành công, lúc cao điểm nhất nhà máy đã phát điện lên đến 312MW (vượt 12MW so với công suất thiết kế)".
Dự kiến, hệ thống Nam Côn Sơn sẽ cấp khí trở lại vào ngày 15-16/7 tới.
-
Hoàng Huy