Làm gì để 3/4 dân số nước ta (hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) hội nhập và vươn lên? Tiền phong phỏng vấn ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng NN&PTNT.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Gia nhập WTO, nhiều chuyên gia cho rằng, nông sản Việt Nam và đời sống nông dân dễ bị tổn thương nhất. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?
Những lo ngại đó là có cơ sở. Tuy nhiên, tham gia “cuộc chơi” thương mại toàn cầu thì chúng ta phải chấp nhận những quy định của “cuộc chơi” đó. Chúng ta đã cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu nông sản từ thời điểm gia nhập.
Tuy nhiên, chúng ta đã bảo lưu quyền được hưởng một số quy định riêng của WTO dành cho nước đang phát triển trong lĩnh vực này.
Thực tế, mức cắt giảm thuế quan đối với đa số mặt hàng nông sản không lớn. Vào WTO, nước ta sẽ có cơ hội tốt hơn cho các mặt hàng này.
Tuy nhiên, vấn đề lớn là phải nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh của những mặt hàng ta còn yếu (như rau quả, mía đường, chăn nuôi) để giữ vững thị trường, việc làm và thu nhập cho nông dân trong nước; đồng thời hỗ trợ nông dân ổn định cuộc sống khi thị trường có biến động xấu.
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những chính sách hỗ trợ mới đối với nông nghiệp, nông thôn? Bao giờ những chính sách đó sẽ được thực thi?
Những chính sách về hỗ trợ nông nghiệp, nông sản sẽ phải sửa đổi, điều chỉnh, loại bỏ các trợ cấp không phù hợp, chuyển sang các hình thức trợ cấp mà WTO cho phép áp dụng (như: hỗ trợ tiếp thị, thông tin, tư vấn thị trường, ưu đãi cước phí vận tải...).
Nước ta có thể sẽ xây dựng chương trình thu mua nông sản, can thiệp thị trường khi cần thiết; có thể tăng cường đầu tư, hỗ trợ nông nghiệp thông qua tăng cường nghiên cứu KHKT, đào tạo, khuyến nông, xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, chương trình công nghệ sinh học, hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai; xây dựng chính sách phát triển ngành hàng phù hợp.
Bên cạnh đó, cần phân tích kỹ hơn khả năng cạnh tranh của từng ngành hàng. Theo đó, những ngành hàng ít có lợi thế cạnh tranh sẽ kiên quyết chỉ phát triển ở những nơi có lợi thế và hỗ trợ theo các nhóm chính sách, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng là chính.
Bộ trưởng có dự cảm gì về năm Đinh Hợi đối với nông nghiệp, nông dân Việt Nam khi đã “chơi” ở “sân chơi” WTO?
Thực tế những năm qua cho thấy, trong điều kiện rất khó khăn, chúng ta đã vươn lên từ một nước thiếu lương thực, thực phẩm triền miên thành một quốc gia xuất khẩu nhiều loại nông sản có vị trí vững vàng trên thị trường thế giới, như hạt tiêu, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, chè, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…
Nay, sức ép của hội nhập đối với DN, bà con nông dân và cả ngành NN&PTNT tuy có nặng nề, nhưng tôi tin: Từ những kinh nghiệm đã có, với chương trình hành động cụ thể của Chính phủ và những bước đi phù hợp, công cuộc cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đem lại thế và lực mới cho nông nghiệp nước ta.
(Theo Tiền Phong)