221
5102
Kinh doanh
kinhdoanh
/kinhte/kinhdoanh/
898680
Xúc tiến du lịch không mất tiền
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Xúc tiến du lịch không mất tiền
,

(VietNamNet) - Chuyện Sở Du lịch Hà Nội xúc tiến, quảng bá du lịch không những không mất tiền, mà còn lãi vài trăm triệu đồng xôn xao tại Hội nghị tổng kết ngành. Một kinh nghiệm hay cho, ngành cũng như các địa phương luôn kêu ca về kinh phí cho công tác này.

Soạn: HA 1032945 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Khách quốc tế đến Tây Nguyên (Ảnh downtheroad.org).

Bỏ thói quen ỷ lại, trông chờ

Ông Trần Hữu Bình - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thừa nhận, lâu nay, lãnh đạo Sở vẫn loay hoay tìm nguồn kinh phí để xúc tiến du lịch. Ngân sách chỉ hỗ trợ 1.000 đồng cho mỗi khách quốc tế. Số tiền quá ít ỏi khiến công tác xúc tiến vô cùng khó khăn. Ông "so bì", trong khi xúc tiến thương mại năm ngoái được khoảng 160 tỷ đồng thì ngành du lịch được hỗ trợ có 24 tỷ đồng. 

"Việc này buộc chúng tôi phải xã hội hoá công tác xúc tiến du lịch", ông Bình nói. Trung tâm Xúc tiến của Sở Du lịch Hà Nội có 31 người, trong đó có 10 sinh viên. Ông Bình nói rằng, đó là do họ tự nguyện tham gia, tự chi trả cho mình mà Sở không mất đồng lương nào. 

Điều quan trọng là Sở đã "lôi kéo" được những cá nhân, DN tham gia vào hoạt động xúc tiến của mình. 

"Năm qua, Sở Du lịch cần chi 200 triệu đồng để in bản đồ phát miễn phí cho du khách. Thay vì phải xin UBND TP, chúng tôi đã huy động được các DN tham gia bằng cách cho quảng cáo hợp lý trên đó. Như vậy, cả du lịch và các DN đều có lời. Từ kinh nghiệm này, đến khi in sách, tờ gấp du lịch, Sở Du lịch Hà Nội cũng không đụng đến tiền ngân sách", ông Bình phấn khởi. 

Từ 2006, TP.Hà Nội cũng triển khai xây dựng 200 kios du lịch (trạm thông tin du lịch tự động) và hoàn thành trong vòng 7 năm. Nhờ cách làm trên, đến nay, 70 kios đầu tiên đã đi vào hoạt động mà Sở Du lịch TP. Hà Nội không mất một đồng. Thậm chí, du lịch TP còn thu lãi được vài trăm triệu đồng từ tiền kêu gọi quảng cáo của các DN trên kios. Kinh phí lắp dặt mỗi trạm khoảng 10.000 USD.

Ông Bình nói thêm, kế hoạch năm nay, TP. Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh miền Trung tham gia chương trình Con đường di sản. Đồng thời, Sở Du lịch TP cũng đã ký hợp đồng với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) về chương trình quảng bá đến 2010. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ 100% vé máy bay cho cán bộ đi làm công tác này và 50% giá vé cho các DN tham gia. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam, cũng chia sẻ, tỉnh cũng luôn kêu gọi các DN tham gia các chương trình quảng bá. Họ cùng đi, cùng chia sẻ kinh nghiệm và tài chính. Kinh phí xúc tiến của tỉnh được 1 tỷ đồng/năm, không đủ để nuôi cả bộ máy. Do vậy, Sở Du lịch đã có đề án xin thành lập Quỹ Phát triển du lịch hoạt động nhờ sự đóng góp của các DN.

Khó ló cái khôn

Ông Phạm Hữu Minh, Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng, kinh phí xúc tiến ít ỏi nên ngành luôn phải "liệu cơm gắp mắm". Đồng thời, phải huy động trí tuệ của anh em làm công tác xúc tiến, sự hỗ trợ của các DN. 

"Ngành du lịch phải cố gắng lựa chọn các thị trường trọng điểm và tổ chức quảng bá, xúc tiến sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất", ông nói. 

Năm nay, kinh phí để xúc tiến chỉ được phân bổ khoảng 20 tỷ đồng. Ông Minh và các chuyên viên xúc tiến đang đau đầu để nghĩ cách chi tiêu số tiền này sao cho hợp lý. Dự kiến, những ấn phẩm, bản đồ sẽ được đổi mới cả về hình thức, nội dung. Ấn tượng hơn, thông tin cô đọng hơn. Phim quảng bá 10 phút mới hoàn toàn. Rồi tiền chi cho các chiến dịch quảng bá điểm đến Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp tổ chức ngày Việt Nam ở các nước... Việc gì cũng tốn kém. 

Ông Minh cho biết thêm, ngay cả mỗi chuyến đi, cơ quan này đang tính cần phải tổ chức nhiều sự kiện hơn như họp báo ngay tại gian hàng, đỡ tốn tiền đăng báo. Năm ngoái, trong một hội chợ du lịch ở Berlin (Đức), Tổng cục Du lịch đã tổ chức được cuộc gặp với hơn 80 phóng viên báo chí. Bình thường, chi phí để mời số phóng viên này sang Việt Nam rất đắt đỏ, nhưng hôm đó ngành chỉ mất có 6.000 euro. 

"May mà vừa qua, United Airlines đã đồng ý phát miễn phí phim quảng bá Việt Nam trên các chuyến bay của họ. Tây Ban Nha cũng cho biết, sẽ tài trợ 140.000 euro cho ngành du lịch. Các chuyên gia Nhật Bản, tổ chức tài chính VISA nói rằng, họ cũng sẽ cung cấp thông tin, định hướng, tư vấn cho Việt Nam cách xúc tiến... ", ông thở phào. 

Không thể so sánh kinh phí xúc tiến của Việt Nam với các nước có ngành du lịch phát triển. Mỗi năm, Singapore chi khoảng 200 triệu USD cho công tác này, ở Malaysia là 92 triệu USD; Thái Lan có 350 văn phòng đại diện du lịch ở 44 quốc gia...  Ông Minh cũng có trong tay danh mục 30 nước có chi phí quảng bá du lịch lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Cục Xúc tiến du lịch của Việt Nam chỉ vẻn vẹn 20 chục người, chưa phải là cơ quan có pháp nhân độc lập, còn thiếu thốn. 

Nhưng trong cái khó ló cái khôn. Cách làm của Sở Du lịch Hà Nội, theo ông Minh, chính là một kinh nghiệm hay trong việc phối hợp tổng hợp các nguồn lực, mà ngành sẽ triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,