Nghị định 110/CP ban hành ngày 24/8/2005 đã thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp. Mặc dù theo quy định, để hội đủ điều kiện bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải bảo đảm hàng loạt điều kiện “ngặt nghèo” nhưng đến nay cũng đã có 8 đơn vị được cấp phép. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là kiểu bán hàng đa cấp lừa vẫn đang ngang nhiên tồn tại.
Dù đã bị rút giấy phép nhưng tại trụ sở Công ty Sinh Lợi vẫn còn rất nhiều người đến để nghe ngóng tình hình (ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 27-6). Ảnh: N. Mai |
Bỏ ra một số tiền nhất định để mua sản phẩm rồi sau đó chỉ cần dùng nước bọt “dụ” nhiều người khác tham gia vào đường dây của mình là đã có thể thu nhập hàng ngàn USD mỗi tháng. Bất cứ kiểu kinh doanh truyền tiêu đa cấp nào cũng bắt đầu dụ “con mồi” bằng những chiêu thức nghe hấp dẫn như vậy.
Quá khứ bán hàng lừa
Hiện tượng bán hàng đa cấp đã xuất hiện ở TPHCM từ năm 1998 do một nhóm người từ Đài Loan sang liên doanh với Công ty Incomex. Sản phẩm mà họ đem đến đơn giản chỉ là chiếc nệm mút bình thường, nhưng qua các buổi tập huấn bán hàng, chiếc nệm này được biết đến như một sản phẩm thần kỳ có tác dụng chữa bá bệnh. Vì thế giá bán sản phẩm này không còn là giá trị thật của món hàng mà lên đến vài chục triệu đồng/tấm. Khi bị dư luận vạch mặt, bọn người kinh doanh kia vội vã tháo chạy, để lại cả trăm khách hàng rơi vào cảnh dở khóc dở cười bởi thời điểm hứa hẹn chia hoa hồng theo doanh số đã cận kề thì bỗng nhiên mất sạch!
Tháng 12-2000, Công ty Sinh Lợi thuê mặt bằng trên đường 3 Tháng 2 (Q.10) và rao tuyển nhân viên ì xèo với những lời hứa hẹn hoa mỹ: “Làm chức càng cao sẽ được cấp nhà, xe và sẽ có trong tay 5 tỉ đồng chỉ sau 1 năm làm hội viên”. Chịu hết nổi vì những trò lừa, đơn vị cho Sinh Lợi thuê nhà quyết định lấy lại mặt bằng, khiến Sinh Lợi lại phải tìm đến một địa điểm mới trên đường Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận.
Tại đây, lợi dụng khu vực ít ai để ý, Sinh Lợi ra quân rầm rộ hơn với dòng sản phẩm “đa dạng” hơn. Sản phẩm mà Sinh Lợi kinh doanh chính là những hàng hóa điện tử do các tổ hợp nhỏ ở TPHCM sản xuất, được “lên đời” bởi nhãn mác ngoại mang cái tên cũng chẳng ai biết tới: Peehuang. Chẳng hạn, mặt hàng đầu đĩa Peehuang thực chất là đầu đĩa của Công ty TNHH Q. giá 2 triệu đồng nhưng đem về dán mác bán lại thành 4,5 triệu đồng (chỉ riêng sản phẩm này Sinh Lợi đã bán được 957 cái, thu về hơn 4 tỉ đồng); mua một chiếc áo ngực giá chỉ 3 USD nhưng bán ra từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/cái...
Sau này khi dời về đường Nguyễn Tất Thành, P.13, Q.4, hoạt động của Sinh Lợi càng rầm rộ hơn. Nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc, Đài Loan được khẳng định là độc quyền như: đèn pin Trung Quốc mua giá 0,5 USD, bán tới 60.000 đồng, máy may mini Trung Quốc mua 2 USD bán 420.000 đồng, máy tạo khí ozon Đài Loan mua 80 USD bán 3 triệu đồng... Giá những sản phẩm này, ngay cả những phân phối viên (tên gọi cho những người trong mạng lưới của Sinh Lợi) cũng lắc đầu ngao ngán vì “trên trời”, nhưng họ vẫn phải mua để dụ nhiều người khác mua theo nhằm hưởng hoa hồng.
Thấy Sinh Lợi ngon ăn, nhiều công ty khác cũng nhảy bổ vào kinh doanh đa cấp như: Lô Hội, NONI, Vision... Mỗi nơi bán một loại hàng hóa nhưng cùng chung một phương thức kinh doanh. Chỉ với 30 loại viên bổ sung dinh dưỡng và nước uống dinh dưỡng hiệu Aloe và Forever, mà theo Lô Hội là “có thể hỗ trợ điều trị tất cả các bệnh” nên giá bán cao hơn giá trị thực từ 43 đến 55 lần. NONI bán nước trái nhàu nhưng thổi phồng lên là có công hiệu đặc trị như “thuốc tiên”. Vision lại được một nhóm người đến từ Nga rao giảng sản phẩm của họ mới là “trường tồn bất tử” nên được “hét” giá lên cao ngất.
Nay cũng bán giá “trên trời”
Sau những “đàn anh” nổi đình nổi đám nói trên, hàng loạt “đàn em” khác cùng vào cuộc như Tân Hy Vọng, Tân Thành Phát, Thường Xuân, Lợi Ích, Phan Hưng Long, Toplife, Khang Hồng Thịnh, Vivalife, Harvet, AMWAY, Khải Việt, Khang Hồng Thịnh, Trùng Thảo Vương, Thế giới Hoàn Mỹ, Sáng Thế Kỷ Mới... Và ma mãnh hơn còn có công ty bán hàng đa cấp trên mạng như Công ty Questnet mà đối tượng nhắm đến là giới tiểu thương, các bà nội trợ. Họ kinh doanh những món hàng chẳng giống ai nhưng tự cho là vô giá (như đồ cổ- giá trị của món hàng sẽ tăng theo thời gian). Công ty Sáng Thế Kỷ Mới còn tập hợp cả trăm người rao giảng “nghệ thuật” kinh doanh đa cấp chui (Báo Người Lao Động vừa có bài phanh phui trên số ra ngày 26-6). Những chiếc áo lót bình thường nhưng khi rao giảng có công dụng massage, nâng ngực, ngừa ung thư, tạo hưng phấn... nên giá bán lên đến 1,8 triệu đồng/chiếc; máy lọc nước “khử mùi hôi lọc nước phèn, nước sông thành nước uống”, giá 3.650.000 đồng...
Và việc gì phải đến đã đến, ngày 23-6, Sinh Lợi, con bạch tuộc to nhất trong các con bạch tuộc đang vươn vòi ra hoạt động khắp nơi, đã bị Đoàn Thanh tra của Sở Thương mại TPHCM tạm giữ giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp do có nhiều hành vi gian dối trong kinh doanh, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Hàng ngàn phân phối viên của Sinh Lợi đang trong tình trạng dở khóc dở cười vì vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh lừa đảo.
Những quy định về kinh doanh đa cấp Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp quy định DN muốn được cấp phép kinh doanh đa cấp phải thực hiện đủ 5 điều kiện: 1. Phải ký quỹ ít nhất 1 tỉ đồng tại ngân hàng thương mại hoạt động tại VN. 2. Hàng hóa kinh doanh phải phù hợp với ngành nghề ghi trong giấy phép chứng nhận đăng ký. 3. Phải có đủ điều kiện hoặc được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong trường hợp kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện. 4. Phải có chương trình bán hàng minh bạch và không trái pháp luật. 5. Phải có chương trình đào tạo người tham gia rõ ràng. Ngoài ra, các DN bán hàng đa cấp phải trả tiền thưởng, tiền hoa hồng và (hoặc) lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng của mình. Phải mua lại hàng hóa khi người bán hàng không muốn tiếp tục tham gia bán hàng. Nghiêm cấm ép buộc người bán hàng mua hàng lần đầu phải đặt cọc và nghiêm cấm cung cấp các thông tin gian dối về sản phẩm. |
(Theo Người Lao động)