(VietNamNet) - Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam hiện được xem là đang tụt hậu so với mặt bằng khu vực nhưng với tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua, Việt Nam đang rất hy vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này trong trong thời gian tới. Và một chiến lược xuất khẩu dịch vụ đang được khởi động xây dựng.
Nhiều dịch vụ chất lượng cao chưa được doanh nghiệp Việt Nam chú ý phát triển.
|
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại cho thấy, trong giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực dịch vụ đạt mức trung bình 15,7%/năm so với mức 15% đề ra trước đó. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng từ khoảng 3,32 tỷ USD năm 2001 lên 5,65 tỷ USD năm 2005, vượt 1,65 tỷ USD so với chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược là 4 tỷ USD.
Trên đà này, Bộ Thương mại đang kỳ vọng, trong giai đoạn 5 năm tới, xuất khẩu dịch vụ sẽ có phát triển mạnh về cả về qui mô và tốc độ tăng trưởng. Mục tiêu kỳ vọng được đề ra cho xuất khẩu của khu vực dịch vụ trong giai đoạn 2006-2010 đạt tốc độ bình quân 16,3%/năm và kim ngạch đạt 12 tỷ USD vào năm 2010.
Trong đó, các chuyên gia dự báo, một số lĩnh vực có tốc độ tăng khá cao như: bảo hiểm tăng 29,3%/năm, bưu chính viễn thông tăng 24,5%/năm, tài chính tăng 22,4%/năm, vận tải biển tăng 21,5%/năm.
Những thế mạnh cần đầu tư
Theo nhận định, du lịch vẫn là lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế nổi trội với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, nét đẹp trong văn hoá, lịch sử và sự an toàn ổn định về an ninh, chính trị. Trong những năm qua, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không ngừng gia tăng với tốc độ cao trên 10%/năm. Riêng năm 2005, Việt Nam đã đón được khoảng 3,4 triệu khách du lịch quốc tế và thu về hơn 1,7 tỷ USD.
Mục tiêu của ngành du lịch trong giai đoạn 2006-2010 là thu hút được lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng bình quân 10%/năm, đạt trên 6 triệu lượt người vào năm 2010.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu lao động trong những năm gần đây có bước phát triển mạnh và đem về nguồn ngoại tệ cho đất nước hàng năm lên tới gần 2 tỷ USD cũng đã đưa lại cái nhìn mới về sự đóng góp của lĩnh vực dịch vụ này.
Hiện nay, có khoảng gần 70 nghìn lao động Việt Nam được đưa sang làm việc ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Theo Kế hoạch của Bộ Lao động và Thương binh xã hội, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam sẽ mở rộng việc tuyển dụng và có thể duy trì số lượng lao động làm việc ở nước ngoài lên 70 - 80 nghìn người/năm. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và mở rộng nhiều thị trường mới, hấp dẫn như Hoa Kỳ, Canađa, Italia, Australia, Trung Đông, Bắc Phi... để mở rộng xuất khẩu, gia tăng tăng nguồn thu ngoại tệ cũng như giải quyết các vấn đề xã hội khác.
Dịch vụ gia công phầm mềm vốn được đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian qua nhưng thực tế lại đạt kết quả khá thấp. Ngành gia công phần mềm đã phải từ giã mục tiêu xuất khẩu 500 triệu vào 2005
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương thì Việt Nam hiện đang là một trong số 25 quốc gia hấp dẫn nhất về lĩnh vực gia công phần mềm trên thế giới. Tại các thị trường như Hoa Kỳ, Hungary và đặc biệt là Nhật Bản, uy tín của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam ngày càng được nâng cao, chỉ đứng sau các doanh nghiệp của Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Ở Việt Nam, có đến 80 - 90% doanh thu của các doanh nghiệp phần mềm trong nước là dựa vào xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng hơn 600 doanh nghiệp với khoảng 15 nghìn kỹ sư và kỹ thuật viên. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp chứng chỉ quốc tế về phát triển phần mềm (CMM)
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thì lĩnh vực gia công phần mềm ở Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến rất đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 30 - 45% trong 3 năm qua. Và dự kiến trong giai đoạn tới, gia công phần mềm sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao và có thể xuất khẩu đạt mức 300 - 400 triệu USD vào năm 2010.
Hướng đi khác: xuất khẩu tại chỗ
Việc phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch không chỉ mang lại những lợi ích từ các dịch vụ như dịch vụ lữ hành, dịch vụ tour du lịch, dịch vụ khách sạn, dịch vụ giao thông, thông tin liên lạc, bảo hiểm... Mà một nguồn thu quan trong là tiêu dùng của khách du lịch quốc tế thông qua hoạt động mua sắm hàng hoá cũng sẽ là nguồn thu ngoại tệ lớn về cho đất nước. Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa đối với những loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao như thủ công mỹ nghệ.
Đây chính là các hoạt động xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch. Tuy nhiên, hiện tại, khả năng các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hướng này còn thấp mà nguyên nhân chính là sản phẩm du lịch hiện còn rất kém đa dạng và phong phú.
Năm 2010 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt trên 6 triệu người, nếu nâng mức chi tiêu bình quân lên 100 USD/người/ngày và thời gian lưu trú trung bình 6 ngày thì khả năng đạt doanh thu từ hoạt động xuất khẩu hàng hoá tại chỗ của Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế sẽ đạt trên 1,2 tỷ USD.
Một hướng xuất khẩu tại chỗ được nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều cơ hội để phát triển và các doanh nghiệp cần tập trung khai thác là tân dụng sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cung cấp các dịch vụ liên quan như dịch vụ tư vấn, dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp, khu chế xuất...
Theo đánh giá của những nhà đầu tư nước ngoài thì hiện nay, hoạt động cung ứng các loại hình dịch vụ này của Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà đầu tư. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do khả năng cung ứng của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước còn hạn chế, một phần do các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng vào phát triển kinh doanh các loại hình dịch vụ này. Nếu được định hướng và tập trung phát triển tốt thì đây sẽ là những lĩnh vực dịch vụ có khả năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bộ Thương mại rất hy vọng, nếu làm tốt công tác đầu tư, phát triển thì tổng doanh thu xuất khẩu hàng hoá tại chỗ của Việt Nam đến năm 2010 sẽ có thể đạt khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD.
-
Đông Hiếu