221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
1240133
Ngành ôtô "chạy" ì ạch vì chính sách thiếu ổn định
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Ngành ôtô 'chạy' ì ạch vì chính sách thiếu ổn định
,

 - Ngành ôtô ì ạch một phần do chính sách thay đổi nhiều quá, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang trao đổi với VietNamNet.

- Thưa ông, cho đến nay, tỷ lệ nội địa hoá trong ôtô sản xuất tại Việt Nam vẫn rất thấp. Quá trình này bị vướng ở điểm gì?

Dung lượng thị trường của ta không những chưa đủ lớn mà lại còn bị chia sẻ ra quá nhiều các loại xe. Với việc ta sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu nhiều loại xe như vậy thì rất khó để làm nội địa hoá.

Mô tả ảnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang. (Ảnh: Phạm Huyền)

Kiểm điểm lại thì còn do chính sách của Nhà nước ta cũng thay đổi nhiều. Nhất là thuế, trong một thời gian ngắn mà thay đổi tới 5-6 lần.

Khi nào xác định được dòng xe chiến lược thì chúng ta sẽ có điều kiện tập trung hơn để phát triển nội địa hoá cho dòng xe đó. Chắc chắn, chính sách ổn định hơn, cho nhà đầu tư yên tâm.

- Tuy nhiên, rõ ràng là các nhà sản xuất đã được bảo hộ quá lâu mà rốt cục, họ vẫn chủ yếu là lắp ráp. Ông đánh giá gì về điều này?

Thẳng thắn mà nói, không thể nào một chiến lược, một quy hoạch mà bắt buộc được nhà đầu tư phải theo. Chiến lược, quy hoạch chỉ là định hướng, còn đầu tư dự án cụ thể là do nhà đầu tư phải bỏ tiền ra làm, ta không bắt buộc họ được. Và họ có làm theo chiến lược của ta hay không thì phải xem xét.

Tôi cũng nhìn thấy rằng, số nhà đầu tư làm việc ổn định lâu dài không nhiều, cũng có nhà đầu tư làm ôtô nhưng là ăn xổi. Chuyện đó không phải lỗi của Nhà nước.

- Như ông nói, dung lượng thị trường của ta quá nhỏ nên dường như làm nội địa hoá là khó khả thi?

Tôi cho là không nên quan niệm về nội địa hoá một cách máy móc rằng, trong một cái xe, chúng ta phải đạt bao nhiêu % là sản xuất trong nước.

Mô tả ảnh.
Việc chọn dòng xe chiến lược quốc gia sẽ sớm công bố trong năm nay. (Ảnh: Phạm Huyền)

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập và đang muốn tham gia vào phân công lao động quốc tế. Vì thế, cái quan trọng hơn là chúng ta sẽ phải xác định được một số chủng loại, phụ tùng, linh kiện, bộ phận mà tập trung đầu tư, phát triển cung cấp cho các nhà sản xuất trong khu vực và trên thế giới.

Và cái đó phải được tính vào nội địa hoá và chỉ như thế mới có thể đạt được mục tiêu về nội địa hoá ôtô.

- Chúng ta có thể  học hỏi được gì ở các nước lân cận, thưa ông?

Các quốc gia lân cận đều có ngành công nghiệp ôtô và họ đều xác định được dòng xe chủ lực của họ. Ví dụ Thái Lan xác định được pick-up là dòng xe chiến lược rất đúng đắn.

Theo cam kết WTO, xe ôtô nguyên chiếc phải cắt giảm mức thuế nhập khẩu xuống 70%  vào năm 2014.

Vào năm 2017, các loại xe chở người có cùng mức thuế suất nhập khẩu là 47%.

Riêng xe chở người dung tích từ 2.5 trở lên sẽ giảm về thuế suất 52% vào năm 2019.

Trong cam kết với ASEAN, xe chở người 9 chỗ ngồi chở xuống phải cắt giảm xuống mức thuế 0% vào năm 2018.

Khi đã có chiến lược rõ ràng, thì chính sách phải khuyến khích theo, có sự ổn định minh bạch thì mới phục vụ cho mục tiêu đó.

Một bài học cho chuyện này, là việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trước đây, chúng ta nôn nóng thu hút vốn FDI nên cho phép nhiều nhà đầu tư vào, chưa có điều kiện lựa chọn.

Trong khi ở Trung Quốc, họ qui định, chỉ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào 10-15 năm thôi, sau đó, buộc phải chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Mấy năm gần đây, công nghiệp ôtô của họ đã phát triển rất nhanh. Họ xây dựng một chiến lược phát triển rõ ràng và họ kiên trì bám theo chiến lược đó.

Chắc chắn có nhiều điều mà chúng ta cần học hỏi được ở các nước lân cận.

- Thưa ông, doanh nghiệp nào cũng cho là dòng xe mà mình đang làm mới là dòng xe chiến lược. Bộ sẽ xử lý thế nào?

Về dòng xe chiến lược thì mỗi doanh nghiệp phải tự xác định trước đã, như việc sẽ định hướng vào phân khúc nào. Ví dụ, họ hướng tới nông thôn, sau này, sẽ có hàng vạn xe công nông cần thay thế, đường sá chưa phát triển, sản xuất còn mang tính gia đình thì dòng xe tải nhỏ, đa dụng có thể là chiến lược.

Còn với xe du lịch, xe con, họ sẽ phải tính đến nhằm đối tượng nào, phổ biến hay thu nhập cao. Đó là việc của từng doanh nghiệp.

Với dòng xe chiến lược của quốc gia, việc chọn lựa là khó hơn. Dòng xe này sẽ phải hướng tới lợi ích số đông. Trong qui hoạch, chúng ta đã xác định xe tải, xe khách, xe chuyên dụng chứ chưa nhằm vào xe du lịch, xe con, xe cao cấp. Có thể trong thời gian tới, ta sẽ điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển kinh tế.

- Bản thân ông có lo ngại gì khi thời gian để thực hiện dự định trên còn rất ngắn?

Thời gian còn rất ngắn nên ta phải tranh thủ thôi. Chúng ta là nước đi sau, cạnh tranh rất là nhiều, lớn. Sự hỗ trợ của Chính phủ là không có nữa rồi.

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để xác định lộ trình thích hợp nhất về giảm thuế, để làm sao, vừa đảm bảo không vi phạm cam kết quốc tế, vừa tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để khuyến khích hỗ trợ cho phát triển công nghiệp ôtô.

Chắc chắn, việc chọn dòng xe nào sẽ phải làm trong năm nay.

- Là nhà quản lý, ông nghĩ sao khi có doanh nghiệp nói rằng, nếu không có quyết sách đúng thì họ sẽ chuyển sang đi nhập khẩu?

Đó chỉ là bức xúc của doanh nghiệp đó thôi. Tôi cho là, người ta đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào sản xuất ôtô thì không dễ gì lại bỏ đi được.

  • Phạm Huyền (thực hiện) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,