- Đến cuối tháng 9, xuất khẩu vẫn bị sụt giảm tới hơn 14%, mức kỷ lục trong suốt giai đoạn đổi mới của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng trở lại để cứu vãn cho cả 2009.
Xu hướng tăng
Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhiều, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam có nhiều khả năng sẽ được cải thiện tích cực vào những tháng cuối năm do tác động của yếu tố mùa vụ và chu kỳ kinh tế.
Xuất khẩu có nhiều dấu hiệu tăng trở lại. (Ảnh: agro)
Tuy nhiên, xuất khẩu dù có tăng trở lại cùng khó bù đắp mức độ sụt giảm của những tháng đầu năm. Mức tốt nhất có thể đạt là từ 6,2 - 6,4 tỷ USD/tháng. Nhưng như thế thì vẫn khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 3% như đã kỳ vọng.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Tuấn, Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, cho biết, đã có nhiều yếu tố cho thấy xuất khẩu có khả năng diễn biến tích cực vào những tháng cuối năm.
Trước hết, giá hàng hóa bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ tháng 5/2009 và đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm.
Trong những tháng gần đây, lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng khá mạnh trở lại, cho nên dù xuất khẩu sụt giảm nhưng cũng không đến nỗi quá bi quan trong tình hình hiện nay.
Thông thường, giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đều tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Kinh tế thế giới đang có những bước chuyển biến tích cực. Giá các hàng hóa cơ bản có khả năng tăng cao hơn.
Đó là những cơ sở để chúng ta tin rằng, xuất khẩu sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm. Một số mặt hàng có thể khởi sắc như thủy sản, dệt may, giày da, cao su, dầu thô... ông Tuấn nhận định.
Cân đong doanh số từng mặt hàng
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, với tình hình hiện nay, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu nhóm hàng nông sản dự kiến đạt 4,16 tỷ USD, đưa nhóm hàng này đạt 12,4 tỷ USD cho cả 2009.
Trong khi đó, nhóm hàng khoáng sản và nhiên liệu có khả năng chỉ đạt 3,13 tỷ USD trong các tháng cuối cùng năm 2009. Kim ngạch cả năm chỉ đạt 8,7 tỷ USD, giảm tới 32,6% so với 2008.
Dù tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm nhưng xuất khẩu khó thoát xu hướng sụt giảm. (Ảnh: Thươngmaivn)
Hy vọng nhiều nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, dự kiến đạt khoảng 15,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt khoảng 38,9 tỷ USD, tăng 6% so với 2008. Trong đó, nhiều nhóm sản phẩm như da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử... đang có nhu cầu tăng và giá cả tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể hơn, trong tính toán mới đây của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm, hy vọng một số mặt hàng chủ lực sẽ có diễn biến tích cực. Cụ thể dệt may có khả năng đóng góp thêm khoáng 3,6 tỷ USD.
Con số đóng góp của da giày sẽ khoảng 2 tỷ USD, thủy sản 1,75 tỷ USD, đồ gỗ góp thêm 1,14 tỷ USD. Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác như cà phê, cao su... mỗi mặt hàng đều có thể mang lại thêm 500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chung...
Dù vậy, theo tính toán, mức 75 tỷ USD cho cả năm 2009 là rất khó thành hiện thực. Sụt giảm xuất khẩu lần đầu tiên sau 20 năm tăng trưởng liên tục là gần như đã lộ rõ, xu hướng tăng trở lại cuối năm 2009 cũng chỉ giúp xuất khẩu thoát khỏi mức sụt giảm 2 con số trong năm 2009.
-
Phước Hà