37,3 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 8 tháng đầu năm, chỉ bằng già nửa chỉ tiêu 64,68 tỷ USD (đã điều chỉnh hạ) của cả 2009, nhưng thực tế, ngay cả nhiệm vụ này cũng gần như bất khả thi.
Bởi những tiếng nói lạc quan nhất tại cuộc họp bàn đẩy mạnh xuất khẩu 4 tháng cuối năm ngày 27/8 đều đồng tình, để giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu ở mốc 0% cũng đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn từ bộ, ngành, doanh nghiệp.
Âm đều ở các thị trường xuất khẩu
"Đầu tàu" xuất khẩu dệt may khó tăng trưởng dương. (Ảnh: Phan Hùng) |
Bức tranh xuất khẩu 8 tháng đầu năm không tươi sáng. Chỉ số âm có mặt ở hầu hết thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường Nhật Bản âm 34,8%, Hoa Kỳ âm 5,8%; Anh âm trên 20%, Pháp: âm 22,6%, Đức: âm 10,4%, ASEAN âm 21,7%, Australia âm 45,8%, Trung Quốc âm 9,8%.....
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, một số mặt hàng Việt Nam xuất sang thị trường châu Á chiếm tỷ trọng lớn như dầu thô, than đá, cao su… cũng giảm giá giảm mạnh kéo kim ngạch giảm theo.
Xét theo nhóm hàng, nhiên liệu, khoáng sản là nhóm có kim ngạch giảm mạnh nhất, âm 42,3%, chỉ đạt 5,57 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, dầu thô có mức giảm tới 53% nên tuy có tăng 8% về lượng, nhưng tính chung xuất khẩu vẫn giảm tới 48%.
Tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản - chiếm 22% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
Dù 8 tháng qua ghi nhận sự tăng mạnh về lượng nông sản xuất khẩu như gạo tăng 43%, hạt tiêu tăng gần 47%...nhưng do giảm giá xuất khẩu nên rút cục, kim ngạch chỉ đạt khoảng 8,25 tỷ USD, âm 9,4%.
Niềm hy vọng lớn nhất của xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến do có tỷ trọng lớn: 63% và tập trung nhiều ngành hàng mũi nhọn như dệt may, da giày, gỗ…cũng không thoát khỏi con số âm, giảm 4,3%.
Trong khi xuất khẩu khá bi quan thì những tháng gần đây, nhập khẩu đã lấy lại ”đà tăng trưởng”.
8 tháng, nhập siêu bằng 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và đang có xu hướng tăng mạnh do nhập khẩu bông, sợi dệt, vải, ôtô, máy móc, thiết bị, phụ tùng... tăng trở lại. Bằng chứng là tháng 8 vừa qua, nhập siêu đã lên đến 1,5 tỷ USD, cao nhất trong 5 tháng gần đây.
Khó “gồng” 6,75 tỷ USD/tháng
Sẽ siết nhập khẩu các mặt hàng trong nước sản xuất được để kiềm chế nhập siêu. (Ảnh: Phan Hùng)
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, để kim ngạch xuất khẩu đạt bằng năm 2008, trung bình mỗi tháng còn lại, phải đạt 6,75 tỷ USD. Nhưng đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đều cho rằng đó là mức “gồng” quá sức.
Ông Lê Văn Đạo - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 8 tháng qua, ngành dệt may mới đạt 5,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong khi mục tiêu là 9,5 tỷ USD.
Như vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, 4 tháng cuối năm phải phấn đấu xuất khẩu 3,6 tỷ USD nữa, trung bình mỗi tháng phải đạt khoảng 800 triệu USD.
“Tôi cho là rất khó vì những tháng cao điểm về giá và lượng của ngành may đã qua rồi, mà ngay cả tháng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cũng chỉ khoảng 900 triệu USD. Với quy luật là càng về cuối năm kim ngạch xuất khẩu càng giảm dần do chuyển sang làm mùa hè đơn giá thấp thì “gồng mình” lắm may ra mới đạt 9,1 - 9,2 tỷ USD là cùng”, ông Đạo cho biết.
Trao đối với Vietnamnet, ông Hoàng Minh Khang, Phó TGĐ May 10 còn lo ngại với tình hình thực tế hiện nay, e rằng mốc 9 tỷ USD cũng khó đạt.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Huỳnh Minh Huệ, cũng nhận định, mục tiêu chính là giữ giá xuất khẩu chứ không chạy theo số lượng. Lý do là tuy thắng lớn về lượng xuất khẩu, nhưng năm nay cũng là năm giá gạo Việt Nam đã bị ép “thê thảm” nhất từ trước đến nay.
Kết quả là dù 8 tháng, lượng gạo xuất khẩu tăng 43% so với cùng kỳ, mục tiêu 6 triệu tấn gạo năm 2009 thừa sức đạt nhưng nếu cứ để các đối tác nước ngoài ép giá xuất bằng giá bán trong nước như hiện giờ thì coi như… thua.
Tình hình cũng không sáng sủa hơn ở các mặt hàng khác.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao, cho biết dù vẫn tăng lượng xuất khẩu nhưng cà phê đã giảm 14% về giá. Vụ cà phê mới đây các nước khác đều được mùa nên khả năng kéo giá lên gần như không có.
Như vậy, sức ép trong 4 tháng cuối năm là rất lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, để tăng trưởng bằng mức xuất khẩu của năm 2008- tức 0% đã là “kết quả rất đáng khích lệ”.
“Chưa thể nói được con số tuyệt đối là bao nhiêu nhưng giờ phút này so với 2008 là không giảm. Nghĩa là tăng trưởng rất lớn so với 2007 trong bối cảnh sức mua TG giảm và khó khăn”, ông Biên nhận định.
Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã yêu cầu các bộ, hiệp hội rà soát lại khả năng xuất khẩu của từng mặt hàng cụ thể để tìm ra lợi thế tăng trưởng xuất khẩu, để từ đó, các vụ chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, ngân hàng, hải quan… nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, nhóm còn hy vọng nhất là lúa gạo, cà phê, tiêu, điều… vì đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế chi phối và thời gian qua vẫn chưa biết cách tận dụng hết lợi thế này. Còn với hầu hết các mặt hàng còn lại khả năng âm là khó tránh.
-
Phan Hùng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên: Phải điều hành chuyên nghiệp hơn
Trước hết, đánh giá hiệu quả xuất khẩu năm 2009 cần bóc tách những yếu tố tăng giá đột biến mang tính quy luật trong năm 2008, cũng như phải đánh giá trong chu kỳ dài từ 2006- 2007 đến nay thay vì chỉ nhìn thuần túy vào giá trị xuất khẩu giảm. Về 4 tháng còn lại của năm 2009, với những thị trường, mặt hàng suy giảm do khủng hoảng kinh tế thì tác động của chúng ta cũng rất hạn chế,. Tuy nhiên, những mặt hàng và thị trường ta tham gia có tác động chi phối, thậm chí quyết định được giá cả thì phải có cách điều tiết linh hoạt và hiệu quả hơn như tiêu, điều, cà phê, gạo… Ngoài 4 mặt hàng đó, cao su cũng rất có triển vọng trong xu hướng kinh tế châu Á đang phục hồi sớm, đặc biệt Trung Quốc đang nhập khẩu mạnh cao su từ Việt Nam. - Nhưng thực tế 8 tháng qua cho thấy, công tác điều hành xuất khẩu còn nhiều vấn đề, khiến lợi thế đó không phát huy được mà cà phê là một điển hình? Đúng là tình hình xuất khẩu cà phê thể hiện bức tranh chung của các mặt hàng nông sản. Cá tra, basa cũng thường bị tranh bán, tranh mua nên dù tăng trưởng về lượng nhưng giá cá liên tục giảm. Tôm, tiêu, điều, gạo…đều thế cả. Nguyên nhân là hiệp hội quy tụ doanh nghiêp, nhưng hạn chế trong việc đưa ra các yêu cầu buộc họ tuân thủ thành ra khó giữ giá có lợi. Sắp tới Bộ Công Thương sẽ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng và địa phương liên quan để có giải pháp chấn chỉnh, đảm bảo tăng giá trị xuất khẩu chung. Ví dụ sắp tới sẽ thành lập hiệp hội xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Nga và lập ban điều hành xuất khẩu cá tra, basa để giữ cho thị trường ổn định. Rõ ràng chúng ta cần có cách tiếp cận chuyên nghiệp bài bản hơn đối với từng ngành hàng mà vẫn đảm bảo tuân thủ quy định kinh tế thị trường và các cam kết mà VN đang tham gia. - Tháng 8 vừa rồi, nhập siêu đã tăng rất mạnh, xu hướng này dự báo còn mạnh hơn nữa về cuối năm, Bộ Công Thương có giải pháp nào hạn chế nhập siêu không, thưa ông? Nhập khẩu đang gia tăng do nhiều nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị đang được các doanh nghiệp nhập về do gói kích cầu ít nhiều thể hiện qua cán cân thương mại 8 tháng vừa qua. Chúng tôi đang rà soát với các cơ quan chức năng và các bộ ngành để đánh giá lại công tác điều tiết lại họat động nhập khẩu. Bộ sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong nước đã sản xuất được hoặc không khuyến khích nhập khẩu để cân bằng cán cân thanh toán 2009 và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”. - Xin cảm ơn ông! Phan Hùng (ghi) |