221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
921756
Cần một tầm nhìn mới về môi trường biển
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Cần một tầm nhìn mới về môi trường biển
,

(VietNamNet) - Nghị quyết về chiến lược biển đến năm 2020 do Hội nghị lần 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đầu năm 2007 đã đề ra “Phấn đấu đưa kinh tế biển đóng góp khoảng 53% - 55% GDP và 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước”. Trong khi đó, những vấn đề về môi trường biển của Việt Nam đang nổi lên ngày càng gay gắt. VietNamNet xin giới thiệu loạt bài của ông Ngô Lực Tải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật biển.

xxx
Sự tiến hóa của loài người được gắn kết với biển

Biển và đại dương chiếm 71% bề mặt của hành tinh xanh. Lịch sử tiến hóa của loài người luôn được gắn kết với biển. Văn minh nhân loại càng phát triển thì giá trị của biển càng được tôn vinh. Ngành hàng hải ra đời, biển và đại dương chẳng những là cầu nối giữa các châu lục, các quốc gia, mà còn là tài sản vô giá của trái đất.

Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về luật biển, một văn kiện lịch sử có tầm vóc thời đại, đã được áp dụng trên toàn thế giới để điều tiết các quan hệ trên biển giữa các quốc gia. Trong Công ước có ghi rõ: "Biển và đại dương là di sản chung của nhân loại”. Đương nhiên, buộc chúng ta phải có một cách nhìn nghiêm túc trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Biển và vị trí địa kinh tế của Việt Nam

Biển Đông với diện tích 3.447.000km vuông, một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, nối hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có 9 quốc gia bao bọc: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Đây là con đường chiến lược của giao thương quốc tế, có 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất của hành tinh đi qua. Hàng năm, vận chuyển qua biển Đông là khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% hàng xuất của Nhật, và 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Vùng biển Việt Nam rộng khoảng 1 triệu km vuông, án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Bờ biển Việt Nam dài 3.260km, bao bọc lãnh thổ Việt Nam ở cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, trung bình 100km vuông đất liền có 1km bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới). Dọc bờ biển có một số trung tâm đô thị lớn, 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng (kể cả cảng ở qui mô trung chuyển thế giới), 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển. Ven bờ biển có nhiều loại khoáng sản và vật liệu xây dựng quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp và hơn 6 vạn héc ta ruộng muối biển.

Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều vịnh đẹp (Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang…) và 2.779 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.636km vuông. Tuy phân bổ các đảo không đều, nhưng tất cả các vùng biển ven bờ Việt Nam đều có các đảo che chắn ở mức độ khác nhau. Dân số vùng duyên hải chiếm khoảng 39% dân số cả nước.

Với vị trí địa kinh tế rất thuận lợi và tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm qua, biển Việt Nam đang góp phần xứng đáng để đưa đất nước trở thành vị thế một trong những quốc gia biển có nền công nghiệp hàng hải mạnh ở khu vực và trên thế giới vào những năm tới.

Đánh giá đúng tiềm năng để hoạch định chiến lược

Tiềm năng và nguồn lợi biển của Việt Nam là yếu tố và tác nhân cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai.

Dầu khí: Tổng trữ lượng dự báo địa chất của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác 4 – 5 tỷ tấn. Trữ lượng khí đồng hành 250 – 300 tỷ m3. Dầu khí đang có triển vọng lớn với điều kiện khai thác thuận lợi.

Hải sản: trữ lượng đánh bắt khoảng 3 – 3,5 triệu tấn, cơ cấu hải sản rất phong phú, có giá trị kinh tế cao, chưa được khai thác đúng mức, chỉ mới đạt 60% mức có thể khai thác được hàng năm.

Vận tải biển: Ngành vận tải biển của Việt Nam mới chỉ chiếm 16% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc gia.

Cảng biển và kết cấu hạ tầng: Nói chung còn yếu, hoạt động hiệu quả chưa cao, trong số 90 cảng biển chỉ có 10 cảng có công suất thông qua trên 1 triệu tấn/năm.

Công nghiệp tàu biển: Vừa khởi sắc trong 3 năm gần đây, đã đóng nhiều chủng loại tàu có trọng tải lớn đến 10 vạn tấn để xuất khẩu, là ngành mũi nhọn của kinh tế biển, hứa hẹn nhiều triển vọng tốt.

Du lịch biển và các ngành dịch vụ biển khác: Đang mới ở giai đoạn xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, bước đầu đã đóng góp khiêm tốn tăng trưởng GDP, tiềm năng vẫn còn lớn nếu biết phát huy thế mạnh của quốc gia biển.

Định hướng kinh tế biển

Kinh tế biển Việt Nam những năm đổi mới đã tăng trưởng đáng kể về qui mô và thay đổi rõ rệt về ngành nghề, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP của quốc gia, biến đổi nhanh chóng diện mạo đất nước. Tuy nhiên nếu so sánh với một số nước có biển trong khu vực thì giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản. Với hiện trạng trên, đòi hỏi có một sự bức phá và nhảy vọt đáng kể trong thập niên tới để có thể đuổi kịp các nước phát triển ASEAN.

Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X từ ngày 15 – 24/1/2007 tại Hà Nội đã ra “Nghị quyết về chiến lược biển đến năm 2020”. “Phấn đấu đưa kinh tế biển đóng góp khoảng 53% - 55% GDP và 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước”.

Những tiêu chí trên thể hiện rõ tầm quan trọng của biển Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bảo vệ môi trường biển để nâng cao hiệu quả khai thác biển

Muốn khai thác có hiệu quả biển Việt Nam theo những mục tiêu của Nghị quyết về chiến lược biển đến năm 2020 của Trung ương, một mặt chúng ta cần tập trung đầu tư vật chất, nhân lực và công nghệ hiện đại cho các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc kinh tế biển, đồng thời cần phải nâng cao và tăng cường quản lý, bảo vệ gìn giữ môi trường biển tốt hơn, bền vững hơn. Sử dụng hiệu quả tiềm năng phải đi cùng với tái tạo, bởi vì trong quá trình sử dụng, khai thác không thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường cũng như sự cố thiên nhiên.

Sự kiện dầu tràn vào bờ biển của 12 tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam hồi đầu tháng 1/2007 cho đến nay vẫn còn tiếp diễn và cũng chưa xác định được nguyên nhân, đủ để cảnh tỉnh chúng ta về bảo vệ môi trường biển trong thời gian tới.

  • Ngô Lực Tải

Bài tiếp theo: Có luật nhưng thiếu các tổ chức để thực thi

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,