Những bất hợp lý trong việc quản lý nguồn vốn, tại các PMU trong đó có PMU 18… đang được Bộ GTVT chỉ ra. Tuy nhiên, việc lựa chọn “ông chủ” thực sự có đủ năng lực quản lý số tiền khổng lồ mà các PMU đang quản là chuyện không dễ.
Các PMU- siêu quyền lực!
Một trong những bất hợp lý được chỉ ra là việc thiếu rõ ràng khi phân định các “vai”: Cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn và nhà thầu.
Trong đó, chủ đầu tư, đơn vị có vai trò quan trọng nhất lại được định “vai” rất mập mờ.
Cụ thể, trong tất cả các quyết định đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đều giao: Bộ GTVT là chủ đầu tư các dự án nhóm A (cả vốn ODA và vốn trong nước).
Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, một trong những công trình thất thoát lớn |
Nghị định (NĐ) 52 /CP/1999 nêu trách nhiệm và quyền hạn của chủ đầu tư: Tổ chức lập dự án đầu tư, tổ chức thực hiện đầu tư, quản lý, sử dụng các nguồn vốn từ khi chuẩn bị đầu tư đến lúc đưa công trình vào khai thác, hoàn vốn…
Nhưng thực tế, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước nên không thể đứng ra thực hiện chức năng chủ đầu tư như: Ký hợp đồng, thanh toán v.v…
Thay thế vai trò này của Bộ, các PMU được thực hiện chức năng của chủ đầu tư và khoác tấm áo “đại diện chủ đầu tư”. Các PMU này được hoạt động theo hình thức chủ nhiệm điều hành dự án.
Tại NĐ 17/CP/2001 quy định các PMU được toàn quyền thay mặt chủ dự án thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được giao từ khi bắt đầu thực hiện cho đến khi kết thúc dự án, kể cả việc quyết toán, nghiệm thu...
Như vậy, từ vai trò “ông chủ”, Bộ GTVT trên thực tế chỉ còn có vai trò quản lý nhà nước. Trái lại, các PMU từ người “làm thuê”, đại diện cho Bộ GTVT lại trở thành “ông chủ” thực sự với đầy đủ quyền lực thậm chí siêu quyền lực về tài chính.
PMU 18 là một ví dụ. Khoản vốn mà PMU 18 quản lý lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng càng làm cho quyền lực “ông chủ” của PMU thêm lớn. Tuy nhiên, hậu quả của sự thiếu rõ ràng cũng rất lớn: PMU 18 tự tung, tự tác trong thời gian dài.
Khi xảy ra sự việc, trách nhiệm lại được “đẩy” lên Bộ GTVT-ông chủ hờ. Về phần mình, Bộ GTVT không thể quản được các PMU ngoài việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Vai trò “ông chủ” hờ của Bộ GTVT đã lỗi thời.
Giao Cục ĐBVN làm chủ đầu tư có hợp lý?
Theo đề án đang được Bộ GTVT nghiên cứu thì tất cả các dự án đường bộ sẽ được chuyển về Cục ĐBVN làm chủ đầu tư. Việc này sẽ khẳng định vai trò thực sự của ông chủ đầu tư. Hơn nữa, sẽ nâng cao trách nhiệm cũng như hiệu quả đầu tư vì Cục ĐBVN là đơn vị sở hữu những công trình được đầu tư khi đưa vào sử dụng, khai thác.
Cuối cùng phải kể đến, việc chuyển chủ đầu tư này sẽ định lại “vai” của các PMU. Khi đó, PMU trở lại đúng bổn phận là “người làm thuê” tham gia quản lý dự án thông qua các hợp đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia tại Bộ GTVT thì năng lực của Cục ĐBVN đang là một vấn đề. Trong một thời gian dài, Cục ĐBVN đứng ngoài các dự án đầu tư và chẳng có vai trò gì trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư như quy hoạch, quản lý dự án...
Vậy nên, việc chuyển chủ đầu tư các dự án lớn từ Bộ GTVT sang Cục ĐBVN, ngay khi năng lực quản lý dự án của Cục chưa được tăng cường, xem ra khó khả thi.
Một vấn đề nữa đặt ra là vậy thì 25 dự án nhóm A đang thực hiện dở dang với mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng (riêng PMU 18 có khoảng 10 dự án với hàng chục ngàn tỷ đồng) hiện Bộ GTVT làm chủ đầu tư có được chuyển giao sang Cục ĐBVN?
Nếu chuyển giao thì hàng loạt các thủ tục pháp lý sẽ phải được xử lý ra sao? Và nếu tiếp tục để Bộ GTVT quản lý cho đến khi thực hiện xong dự án, trong khi Cục ĐBVN cũng đóng vai trò chủ đầu tư thì riêng lĩnh vực đường bộ lại cùng lúc có hai chủ đầu tư hay sao?
Được biết Bộ GTVT đang khẩn trương nghiên cứu để sớm đưa ra câu trả lời: Ai sẽ quản lý hàng chục ngàn tỷ đồng vốn dự án đường bộ? Xem ra lời giải cho vấn đề này vẫn còn khá mù mờ.
(Theo Tiền Phong)