221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
787022
Công ty hóa các PMU cũng khó tránh tiêu cực
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Công ty hóa các PMU cũng khó tránh tiêu cực
,

(VietNamNet) - Trước ý kiến cho rằng nên công ty hóa các ban quản lý dự án (PMU), GS TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng, kể cả khi công ty hóa các PMU thì cũng khó mà tránh được tiêu cực. Theo ông Giang, trước mắt chỉ nên làm thí điểm việc này.

Soạn: AM 756361 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phạm Hồng Giang: "Đừng có nghĩ công ty hóa các PMU là hết tiêu cực". Ảnh H.Y

Nguyên Thứ trưởng Phạm Hồng Giang được phân công theo dõi quản lý các công trình xây dựng cơ bản tại Bộ NN-PTNT, hiện là Phó Ban chỉ đạo các công trình trái phiếu chính phủ của Bộ. VietNamNet đã phỏng vấn ông xung quanh cơ chế hoạt động, việc giám sát các PMU cũng như tình hình sử dụng vốn ODA trong các dự án thủy lợi.

- Ông nhận xét gì về cơ chế quản lý tài chính đối với các công trình sử dụng vốn ODA hiện nay? Tại sao có tình trạng các ban quản lý dự án được quyền "tự tung tự tác" nhiều như vậy?

- Cách thức quản lý vốn ODA, ngoài việc thực hiện theo các quy định của Việt Nam, chúng ta còn phải tuân thủ một số điều kiện của nhà tài trợ. Về nguyên tắc, họ kiểm soát rất chặt chẽ. Không chỉ các công trình sử dụng vốn ODA mà trong cả các dự án hạ tầng hiện nay, công luận đều cho rằng có thất thoát, tiêu cực. Điều đó cũng đúng thôi. Ngay cả khi mình xây nhà ở, nếu mình quản không chặt họ cũng không xây theo ý mình, huống chi đây đều là những công trình lớn.

Tiêu cực cũng không chỉ xảy ra trong xây dựng cơ bản mà lĩnh vực nào cũng có, đó là do tổng thể cơ chế chúng ta có nhiều điểm chưa phù hợp: từ giao việc, bố trí người đến cơ chế kiểm tra, giám sát. Quan trọng nhất là phải chọn được người có tư cách để giao việc kiểm tra, giám sát. Song, một người tốt mà vào môi trường lỏng lẻo cũng dễ trở thành người xấu. Ngược lại, nếu họ ở trong một môi trường chặt chẽ thì vẫn là người tốt.

Một vấn đề nữa: Quốc hội đã ban hành Luật Xây dựng và hàng trăm văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, từ các bước lập dự án, chuẩn bị đấu thầu đến tư vấn, thiết kế... Những văn bản này liên tục thay đổi, nhất là khoảng 10 năm lại đây. Song, quy định cụ thể, thống nhất về hoạt động của bộ máy quản lý các dự án ODA thì chưa có. Ngân sách Nhà nước thì Chính phủ giao cho các Bộ, UBND các tỉnh. Bộ, tỉnh phải lập ra các tổ chức, các ban để hoạt động, vận hành đồng thời giao cho họ một số quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ đó. Chính vì không có quy định thống nhất nên mỗi nơi thực hiện nhiệm vụ một cách khác nhau, quản lý khác nhau, dễ xảy ra tiêu cực. Mà ở PMU 18, cơ chế hoạt động khép kín nên rất khó kiểm tra.

Trong Bộ Thủy lợi trước kia và nay là Bộ NN-PTNT cũng có các ban quản lý dự án (BQL). Chúng tôi xác định họ là đại diện chủ đầu tư, làm một số việc thôi nhưng nói chung là họ tự tung tự tác nhiều.

Gọi các BQL dự án là chủ đầu tư, nhưng rõ ràng anh không phải là chủ sở hữu nguồn vốn mà chỉ là người đại diện, người thay mặt để làm những việc mà chủ đầu tư (Chính phủ vay của toàn dân, của nước ngoài) giao cho. Thôi thì không có từ nào khác thì cứ gọi là chủ đầu tư đi. Nhưng tự nhiên trong tâm lý của những người làm ở BQL tự cho mình có quyền rất to là điều hành công việc, muốn làm gì thì làm. Đó là ngộ nhận. Hơn nữa, vốn của Nhà nước không phải tự anh quyết chi bao nhiêu cũng được mà phải do Chính phủ quyết định, được Quốc hội thông qua ngân sách hàng năm.

Chính do tên gọi chưa phản ảnh đúng nội dung hoạt động của các PMU nên gây ra nhiều tranh cãi, và hậu quả là vụ việc PMU 18 như chúng ta đã thấy.

- Có nhiều ý kiến cho rằng nên công ty hóa hoạt động của các PMU để dễ quản lý, giám sát. Theo kinh nghiệm thực tế làm quản lý của mình, ông nghĩ làm như vậy có tránh xảy ra tiêu cực như ở PMU 18 hay không?

- Tôi cũng nghe có ý kiến từ Bộ GTVT, các luật sư, nhà nghiên cứu cho rằng nên chuyển hoạt động của BQL sang dạng doanh nghiệp. Theo tôi thì việc này chỉ nên làm thí điểm. Nếu chuyển các BQL đó sang hoạt động như công ty thì nó sẽ đứng ra cai quản, điều phối các công ty khác (tư vấn, thiết kế, nhà thầu, giám sát... ), tức là một DN đứng ra cai quản nhiều DN khác, liệu đã ổn chưa? Các dự án thì muôn vẻ.

Đã là DN lại phải hoạt động theo Luật DN, hết việc thì như thế nào? Rồi đổi sang hoạt động như DN, liệu có đảm bảo không xảy ra tiêu cực không, vì anh vẫn phải dựa vào ngân sách, cầm và tiêu tiền của Nhà nước thì chưa thể khẳng định được. Hoặc khi các nhà tài trợ ODA muốn kiểm tra, họ cũng phải kiểm tra DN à, điều này có trái luật không trong khi vay vốn ODA là mối quan hệ giữa Chỉnh phủ với Chính phủ, giữa Chính phủ với các tổ chức tài chính.

- Sai phạm hiện nay ở Bộ GTVT một phần do lỗi của việc giám sát còn lỏng. Ở các công trình thủy lợi, việc giám sát thế nào, thưa ông? Liệu có đảm bảo rằng không có những PMU 18 khác trong lĩnh vực này?

- Sai phạm lớn trong các dự án thủy lợi có sử dụng vốn ODA đến giờ chưa thấy có. Tôi cũng tin là không có, nếu có thì cũng chỉ là các sai sót về thủ tục. Gọi là sai cũng đúng vì sai một ly cũng là sai, mà sai một dặm càng sai. Theo tôi chắc là có sai nhưng không ở mức lớn, không đáng để công luận phải bận tâm. Đợt vừa rồi có đoàn đi kiểm tra về báo cáo cũng kê ra nhiều khuyết điểm lắm, nhưng nói về tư lợi thì không có. Tất nhiên tôi không giám sát được tất cả mọi chuyện thường ngày dưới các ban, nhưng tôi luôn nhắc nhở phải kiểm tra thường xuyên, đặc biệt đối với các dự án lớn.

Những thiếu sót về thủ tục thường là do sự vênh nhau giữa các quy định trong nước và ngoài nước. Ví như, dự án thường kết thúc theo hiệp định, tức là có thời hạn. Do vậy, có những cái mình linh hoạt đi để có lợi cho công việc. Tất nhiên, xét theo nguyên tắc vẫn là sai vì đã vượt khung.

- Hiện tình trạng sử dụng vốn ODA trong các dự án thủy lợi như thế nào, thưa ông?

- Vốn ODA trong thủy lợi bắt đầu triển khai từ 1995. Từ 1995-2000, vốn ODA không nhiều, chủ yếu là vốn trong nước, cấp ổn định hàng năm; do vậy, vốn ODA chỉ chiếm 1/4-1/3 tổng số vốn cho các công trình thủy lợi. Giai đoạn 2001-2005, nhất là khoảng thời gian từ 2001 đến 2003, vốn trong nước cho thủy lợi giảm hẳn nên hoàn toàn trông chờ vào nguồn ODA, vì vậy nguồn vốn này chiếm tới 70%. Giai đoạn 2004-2005 lại đây, vốn trái phiếu Chính phủ đã dồi dào hơn nên tỷ lệ vốn ODA lại giảm, chỉ còn khoảng 30-40%.

Theo Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), năm 2005, Nhà nước giao tổng vốn đầu tư các dự án ODA cho ngành NN-PTNT gần 985,6 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng trong nước 282,6 tỷ đồng, 703 tỷ là vốn ngoài nước.

Ngành đã thực hiện giải ngân cả năm 1.284 tỷ đồng, đạt 130% so với kế hoạch. Trong đó, các dự án ODA nông nghiệp thực hiện tổng vốn đầu tư 143 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch; các dự án ODA lâm nghiệp thực hiện 511 tỷ đồng, đạt 256% kế hoạch và các dự án ODA thủy lợi thực hiện giải ngân gần 630 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch.

Trong số các dự án thủy lợi có sự dụng vốn ODA, một số dự án lớn đang triển khai và sắp hoàn thành, như dự án thủy lợi cho ĐBSCL vay vốn Ngân hàng Thế giới - WB (lẽ ra xong từ năm 2005 nhưng do gặp một số khó khăn nên đến nay vẫn chưa hoàn thành); dự án thủy lợi ĐBSH vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng chậm do phía cho vay đưa vào quá nhiều nội dung mà chúng ta không thực hiện được.

Một dự án khác cũng chậm do công tác đấu thầu phức tạp là dự án Phước Hòa ở Bình Dương (xây đập tăng thêm nguồn nước cho hồ Dầu Tiếng, cung cấp nước cho TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ).

3 dự án vay vốn ODA lớn khác là Quản lý rủi ro, giảm nhẹ thiên tai của WB và dự án thủy lợi cho miền Trung của ADB, dự án khu tưới Phan Rí - Phan Thiết (Bình Thuận) của Nhật Bản.

  • Hà Yên (thực hiện)

                                              Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,