Vàng tăng do lo ngại nợ tại EU, lạm phát Trung Quốc

Cập nhật lúc 08:19, 12/11/2010 (GMT+7)
Giá vàng thế giới trên sàn New York đêm qua tăng trở lại do sự lo ngại về vấn đề nợ quốc gia tại châu Âu đã thúc đẩy sức cầu đối với vàng và lạm phát cao tại Trung Quốc khiến nhu cầu đối với các loại hàng hóa tăng cao.

1
 

Trước đó, vàng đã lên mức cao kỷ lục mọi thời đại là 1.424,3 USD/ounce vào ngày 9/11 do giới đầu tư lo ngại chính phủ một số nước tại châu Âu có thể phải vật lộn để huy động vốn bù đắp thâm hụt ngân sách. Trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha giảm giá sau khi có thông tin cho rằng một số nước ngoại vi châu Âu sẽ buộc phải tái cấu các khoản nợ quốc gia.

Tất cả sáu mặt hàng kim loại công nghiệp chủ chốt trên Sở giao dịch kim loại London đều tăng giá sau khi lạm phát của Trung Quốc lên mức cao nhất trong hai năm qua.

“Sự tái hiện nguy cơ nợ quốc gia sẽ nâng đỡ giá vàng. Trong khi đó, lạm phát đang gia tăng là một yếu tố tác động rất lớn tới tâm lý muốn nắm giữ vàng tại Trung Quốc”, Edel Tully, một chuyên gia phân tích của UBS AG tại London, viết trong báo cáo cuối ngày 11/11.


Giá vàng giao tháng 12 trong phiên giao dịch 11/11 trên sàn New York tăng 8,7 USD (+0,6%) lên 1.408 USD. Giá giao ngay cũng tăng 0,3% lên 1.408,15 USD/ounce.


Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 28% và hướng tới năm tăng thứ 10 liên tiếp. Đây là chuỗi năm tăng dài nhất kể từ 1920. Chính phủ các nước đã chi hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế. Đây là một nguyên nhân quan trọng đang kéo vàng tiếp tục đi lên. Trong tuần trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ mua thêm 600 tỷ USD trái phiếu kho bạc trong khoảng thời gian từ giờ cho tới tháng 6/2011.

Hôm qua, Trung Quốc - nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, công bố lạm phát tháng 10 tăng ở mức cao nhất trong hai năm qua. Thông tin này đã khiến giới đầu tư nhanh chóng lao vào mua các loại hàng hóa để đón đầu một đợt tăng giá cũng như chống lại lạm phát.


“Một số người nói rằng giá vàng đã bong bóng do mua quá đà, nhưng đà tăng giá của mặt hàng này dường như chưa suy giảm. Các nhà đầu tư đang lao vào các tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán và các loại hàng hóa bởi tính thanh khoản hiện giờ là rất lớn”, Lee Joon, một chuyên viên kinh doanh cao cấp của Công ty chứng khoán Woori Futures Co. tại Seoul nói.
  • Hà Linh (Theo Kitco, BLB, Reuters)

Các tin khác