Mù thông tin, tiểu thương bị ép mua chỗ tại "chợ tạm"?

Cập nhật lúc 08:25, 05/11/2010 (GMT+7)

- Trong hợp đồng có quy định mức giá, không có mức giá nào lên tới mấy chục triệu như bà con phản ánh. Nội dung hợp đồng nêu rõ khi Nhà nước thu hồi đất thì HTX sẽ báo trước cho bà con 30 ngày. Hợp đồng chỉ ký năm một. Vậy căn cứ vào đó, bên nào làm sao các điều khoản thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật- ông Lại Mạnh Tiến, Chủ tịch Phường Trung Hoà.

Bỏ hàng trăm triệu mua ky-ốt “khống”?

Mô tả ảnh.
Chợ sắp giải toả, mỗi ky-ốt bất chợt được rao giá bán dao động từ 150-180 triệu đồng

Trung Kính vốn là chợ dân sinh có hạ tầng tốt, tổng diện tích đạt khoảng 2.800m2 thuộc tổ 9, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là khu chợ gần như duy nhất cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày cho khoảng 4 vạn dân thuộc phường sở tại. Nhưng mọi thứ đảo lộn khi chính quyền mới đây bất ngờ khẳng định khu chợ chỉ là chợ tạm, đang chờ giải toả để xây chung cư 27 tầng, khi mà nhiều tiểu thương đã phải bỏ cả trăm triệu đồng mua ky-ốt từ ban quản lý chợ cách đó chưa tròn 1 tháng.
Chủ quầy thịt ô 61 chợ Trung Kính, chị Nguyễn Thị Luyến là người kinh doanh lâu năm cho biết, chợ bắt đầu được xây dựng khang trang và đi vào hoạt động ổn định gần 5 năm nay. Trong thời gian này Ban quản lý chợ đã còn có kế hoạch cải tạo xây mới lên 3 tầng, thậm chí đã động thổ xây dựng khiến bà con tiểu thương rất an tâm và gắn bó.

Từ tháng 6-7/2009, rộ lên đồn thổi giải toả chợ để xây dựng chung cư 27 tầng, các tiểu thương đã nhiều lần đến hỏi UBND phường Trung Hoà. Cách đây vài tháng, câu trả lời của một cán bộ vẫn là: “chưa có quyết định gì, không làm sao hết, bà con cứ yên tâm kinh doanh”.

Khoảng một tháng trở lại đây, một số thành viên Ban quản lý chợ đưa ra thông báo bán một số ô với giá phổ biến là 150 triệu đồng, cao là 170-180 triệu đồng/ô. Tiểu thương mua phải trả tiền ngay trong vòng 1 tuần, nếu không họ sẽ bán cho người khác.

Vốn trước chỉ là thuê chỗ theo năm một (mức lệ phí gần 3 triệu đồng/tháng cho mỗi ô diện tích 4-5m2), nay với thông tin này, nhiều hộ kinh doanh muốn gắn bó lâu dài đều cố gắng xoay xở để mua chỗ. Vậy mà xuống tiền được vài ba tuần thì chính thức nghe thông tin “mất chợ”.

Anh Nguyễn Hoàng Long, chủ quầy gia dụng vừa vay mượn cả trăm triệu để mua chỗ tại đây bức xúc: chủ trương xây dựng của chính quyền cấp trên thì bà con phải nhất trí, chấp hành. Nhưng tại sao đã có quyết định giải toả chợ để xây chung cư, chính quyền không thông tin cho bà con biết?; tại sao vẫn bán ô và hứa hẹn với chúng tôi là được lâu dài?

Chị Phùng Thị Lan – chủ quầy hàng ăn trần tình, nhà chị vốn là dân thổ cư trong làng, ruộng nương không còn, chỉ trông vào việc bán hàng tại chợ Trung Kính. Vì muốn làm ăn ổn định, vừa qua chị cố kiết vay mượn được 100 triệu, tính cả lãi suất là 120 triệu đồng để mua chỗ kinh doanh từ ban quản lý. Nay vẫn còn nợ 80 triệu, xảy ra cơ sự này, chị cảm thấy không khác gì bị... lừa.

Ngoài ra xuất phát từ thực tế mua sắm tiêu dùng hàng ngày ở khu vực này hiện chỉ còn trông vào mỗi chợ Trung Kính (khi từ năm ngoái chợ Trung Hoà trên đường Trần Duy Hưng đóng cửa để làm dự án xây dựng), nay chợ này bị dẹp nốt, không chỉ giới kinh doanh lo ngại đời sống khó khăn vì mất kế sinh nhai mà người dân cũng rất hoang mang về sự bất tiện.

Bác Võ Minh – sống tại khu đô thị mới Nam Trung Yên hằng ngày vẫn đi chợ Trung Kính nói: “Xung quanh khu vực này nhà cao tầng, chung cư mọc lên san sát mà chỉ có mỗi một khu chợ tử tế. Giờ lại cắt chợ xây nhà thì chúng tôi biết đi đâu. Không thể lúc nào cần quả ớt, lạng thịt cũng ra siêu thị được”.

Phường cũng “ngỡ ngàng” dự án cao ốc 27 tầng

Trước những trăn trở khúc mắc của tiểu thương, làm việc với báo chí ngày 4/11, ông Lại Mạnh Tiến – Chủ tịch Phường Trung Hoà cho biết, khu đất trên 2.800m2 mà chợ Trung Kính đang toạ lạc hiện nay là đất công mà trước đây phường tạm giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Kinh doanh Tổng hợp Trung Hoà (HTX) quản lý, làm chợ tạm trong khi chờ dự án.

Mô tả ảnh.
Chợ được đầu tư xây dựng khá khang trang chứ không hề "nhấp nhổm" với nghĩa "chợ tạm"

Sau khi Công ty CP Đầu tư Khu đô thị và Công nghiệp Sông Đà 7 có công văn số 45, ngày 20/2/2009 về việc xin thuê đất lập dự án đầu tư toà nhà 27 tầng ở khu đất này thì ngày 16/4/2009, UBND phường Trung Hoà đã có văn bản đồng ý chấp thuận. Nhưng tiếp thu ý kiến các hộ dân và cán bộ cơ sở, UBND phường ngay lập tức đã có công văn liên tịch số 01 bao gồm 94 chữ ký gửi Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Quy hoạch Đô thị nghiên cứu dừng lại dự án. Song không nhận được công văn phúc đáp của các sở ngành về vấn đề này.

Việc đồng ý cho Sông Đà 7 vào lập dự án được thể hiện trong văn bản ngày 14/12/2009 của UBND thành phố Hà Nội và công văn số 641, ngày 7/9/2010 của quận Cầu Giấy. Ông Tiến cho biết, khi nhận được các văn bản nêu trên, bản thân lãnh đạo phường Trung Hoà cũng “rất ngỡ ngàng”, nhưng không thể đi ngược lại chủ trương, chính sách.

Về việc nhiều tiểu thương vừa mất hàng trăm triệu mỗi suất mua ô chỗ tại chợ Trung Kính trong khi chợ đang trong diện giải toả, ông Tiến khẳng định chính quyền không nắm được thông tin. Nếu có, đó là trái phép vì hợp đồng ký giữa HTX và các tiểu thương chỉ nêu rõ là cho thuê chứ không được phép bán, sang nhượng.

“Trong hợp đồng có quy định mức giá, không có mức giá nào lên tới mấy chục triệu như bà con phản ánh. Nội dung hợp đồng nêu rõ khi Nhà nước thu hồi đất thì HTX sẽ báo trước cho bà con 30 ngày. Hợp đồng chỉ ký năm một. Vậy căn cứ vào đó, bên nào làm sao các điều khoản thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – ông Tiến nói.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thanh – Chủ nhiệm HTX lúc đầu cũng khẳng định không nắm bắt và chưa nhận được đơn phản ánh nào của bà con liên quan đến việc mua, chuyển nhượng lại ô chỗ. Tuy nhiên, khi một số tiểu thương chỉ ra tên của những người trong ban quản lý chợ đã bán và gần như thúc ép họ mua chỗ thì ông Thanh xác nhận có tên và chức danh của những người như vậy.

Khi được hỏi tại sao UBND phường chưa công khai thông tin về việc xây dựng toà nhà 27 tầng trên lô đất của chợ Trung Kính để bà con nắm rõ chủ trương và tiến độ, ông Nguyễn Hải Đăng – Phó Chủ tịch phường Trung Hoà cho biết, do hiện tại mới chỉ có văn bản chấp thuận để Sông Đà 7 vào điều tra, nghiên cứu triển khai, chưa có quyết định thu hồi đất nên phường chưa thể công khai thông tin.

  • Nguyễn Nga

Ý kiến của bạn

Các tin khác