"Sống chậm" cùng thị trường niêm yết
Cập nhật lúc 07:37, 05/11/2010 (GMT+7)
Thị trường niêm yết ảm đạm đang gây khó khăn cho kế hoạch chào sàn của các doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phần tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết, thoái vốn cũng như IPO.
Đến hẹn không lên
Việc lên sàn không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin mà còn tạo thanh khoản cho cổ phiếu, nhưng doanh nghiệp luôn lo sợ thị trường đánh giá rẻ cổ phiếu của công ty họ nếu chọn sai thời điểm. Có trường hợp dù Nghị quyết ĐHCĐ đã quyết, dù hoàn tất việc nộp hồ sơ, được chấp thuận nguyên tắc niêm yết, nhưng các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết vẫn tạm dừng việc lên sàn do lo ngại điều kiện thị trường không thuận lợi.
Cổ phiếu Sacomreal từng một thời kỳ “làm mưa làm gió” trên thị trường OTC phải trì hoãn đến lần thứ hai việc lưu ký chứng khoán để niêm yết. Từ mức giá 45.000đ/cp, cổ phiếu này liên tục rớt giá xuống mức 30.000đ/cp do kế hoạch niêm yết bị lùi lại ngày. CTCK Sacombank cũng giảm mức cầm cố (repo) cổ phiếu này từ 30.000đ/cp xuống 23.000 đ/cp. Sau hồi “khóc dở mếu dở” vì kế hoạch lên sàn bị trễ hẹn, nhà đầu tư trót mua cổ phiếu này cũng phấn chấn hơn khi doanh nghiệp này chính thức công bố ngày chốt danh sách cổ đông để lưu ký (12/10). Cảnh đóng băng của chợ OTC trái ngược hẳn với bức tranh sôi động đầu tư cổ phiếu OTC thời kì đầu năm: “cứ mua là thắng”.
Không chỉ vậy, đi kèm với sự sụt giảm của TTNY, giá cổ phiếu OTC biến động cùng chiều, khiến cho nhà đầu tư xoay sở nộp thêm tiền do CTCK giảm hạn mức cho vay repo. Hàng loạt công ty trì hoãn niêm yết cổ phiếu như PVFCL (Bất động sản Tài chính Dầu khí) hoặc rút hồ sơ niêm yết như PVCL (Dầu khí Cửu Long) do thị trường xấu. Hiện tượng “bình thông nhau” giữa TTNY và OTC là điều dễ hiểu và buộc nhà đầu tư miễn cưỡng nắm giữ khoản đầu tư OTC chờ ngày lên sàn.
Chào sàn không thành công
Chỉ số VN-Index thời gian vừa qua không phản ánh chính xác diễn biến tổng quan thị trường do lực cầu của khối ngoại chỉ tập trung vào các bluechip vốn hóa lớn như BVH, DPM, HAG... Phần lớn các mã chứng khoán khác đều giảm mạnh với khối lượng giao dịch thấp do tâm lý chán nản của nhà đầu tư. Hơn nữa, tâm lý đám đông tỏ ra lo ngại việc cổ phiếu mới chào sàn, cho dù nguồn cung đó không hút vốn như IPO hay phát hành thêm, giới đầu tư vẫn muốn thu tiền gốc về bằng mọi cách. Sự thoái trào của làn sóng đón đầu mua hàng mới - cổ phiếu OTC lên niêm yết, đánh dấu thời kỳ khó khăn về đầu tư khi nguyên tắc vàng của tài chính được áp dụng “Tiền mặt là vua!”.
Điểm mặt những cổ phiếu chào sàn vào cuối tháng 9, giá đều giảm mạnh (30% - 40%) so với giá tham chiếu ngày đầu tiên như Petroland (PTL), Khoáng sản A Lưới (ALV), Khoáng sản Tây Bắc (KTB), Dược Vimedimex (VMD). Xét một cách công bằng, việc thị trường “ngán hàng hóa mới” đang tạo ra cơ hội mới về đầu tư giá trị cho các nhà đầu tư dài hạn khi tâm lý sợ hãi đang áp đảo!
Giá tham chiếu nào phù hợp
Quy định về giá tham chiếu giao dịch ngày đầu tiên khác biệt giữa sàn HNX và HOSE cũng gây kỳ vọng trái ngược nhau. Do sàn HNX không áp dụng giá tham chiếu, nên khi thị trường thuận lợi, các cổ phiếu mới lên sàn này rất được ưa chuộng vì có thể bị thao túng đẩy giá lên mức cao để khi giảm sàn liên tiếp nhiều phiên, nhiều nhà đầu tư vẫn có thể chốt lãi do giá mua thấp hơn nhiều trên OTC. Khi thị trường ảm đạm như hiện nay, câu chuyện trở nên hoàn toàn khác biệt.
Giá cổ phiếu chào sàn HNX rất sát giá với thị trường OTC, thậm chí còn thấp hơn như trường hợp của IDJ chào sàn giá 17.000 đ/cp, liên tiếp giảm xuống giá 11.000 đ/cp, thấp hơn giao dịch trên OTC từ 18.000 - 19.000 đ/cp. Cơ hội kiếm lãi do chênh lệch giá giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp đang dần biến mất trong hoàn cảnh ngặt nghèo như hiện nay. Trên sàn HOSE, mức giá chào sàn được xác định có biên độ +/-20% trong ngày giao dịch đầu tiên. Tại thời điểm hiện nay, hiện tượng giảm sàn mức tối đa là điều rất dễ hiểu khi giá tham chiếu được xác định chênh lệch lớn với giá giao dịch trên OTC gần nhất của cổ phiếu đó. Cần lưu ý là mức giá chào sàn do CTCK & DNNY đánh giá một cách chủ quan, đôi khi không phù hợp với mặt bằng giá chung của thị trường vì lợi ích riêng cho chính hai tổ chức đó.
Tăng vốn trước hay sau lên sàn?
Việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán đang tích cực được đẩy mạnh thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, đấu giá hoặc trái phiếu chuyển đổi trong điều kiện tín dụng co hẹp, lãi suất ngân hàng khá cao như hiện nay.
Theo UBCKNN, tính đến hết tháng 9, tổng khối lượng chứng khoán đăng ký phát hành của các doanh nghiệp được UBCKNN phê duyệt khoảng 34.622 tỉ đồng, trong khi năm 2009 chỉ là 19.341 tỉ đồng. Cung cổ phiếu vượt xa cầu nên tâm lý của phần lớn nhà đầu tư e ngại, không muốn nộp thêm tiền mua cổ phần, do vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi phương án phát hành. Tại thời điểm thị trường “sốt” đầu tháng 4, cổ đông chỉ nóng lòng mong DNNY sẽ phát hành tăng vốn sau khi cổ phiếu lên niêm yết do kỳ vọng cổ phiếu tăng giá.
Giờ đây, mọi chuyện hoàn toàn khác biệt, cổ phiếu phát hành thêm với giá “ưu đãi” trở thành “ngược đãi” do cách thức gần như ép buộc cổ đông phải thực hiện quyền mua (khi các DNNY thường chốt danh sách ngay sau khi lên sàn). Phát hành cổ phiếu khó khăn, các công ty đại chúng chuyển sang bài toán trái phiếu (thường hoặc chuyển đổi) như một làn sóng mới thu hút các tổ chức lớn như CTCK VNDirect phát hành 500 tỷ đồng, CTCK Thăng long - 500 tỷ đồng, Ocean Hospitality (OCH) - 2.000 tỷ đồng. Bức tranh đìu hiu của TTCK đã gây trở ngại kênh huy động vốn của doanh nghiệp cũng như kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh và cổ đông hiện hữu phải gánh chịu nhiều rủi ro.
Kế hoạch thoái vốn có đáng lo ngại
Với nguồn cung tăng vọt, kế hoạch thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty lớn có tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư khi hàng loạt doanh nghiệp dầu khí lên sàn trong năm 2010 sẽ được cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu. Lộ trình thoái vốn của PetroVietnam tại các công ty con như giảm tỷ lệ sở hữu tại PVS, PVD xuống 51%, tại PVX xuống 36%, nhưng bán qua sàn tập trung không phải là cách thực hiện duy nhất mà PVN thực hiện.
Đại diện của PetroVietnam khẳng định: “Nếu cổ phiếu trên sàn rớt sâu, PetroVietnam sẽ không bán cổ phiếu qua sàn”. Trên thực tế, Tập đoàn này áp dụng phương thức khác để thoái vốn thay vì việc bán trực tiếp trên sàn niêm yết. Cách thức phổ biến là việc bán lô lớn với giá thỏa thuận cho nhà đầu tư tổ chức, cụ thể là chuyển nhượng cho CTCK Thăng Long 20 triệu cổ phần PVX trong tháng 7 năm nay. Ngoài ra, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là một giải pháp hiệu qủa khi Huyndai đang đàm phán mua 10% cổ phần của PVN tại PVX. Việc cơ cấu lại vốn đầu tư của các tập đoàn gây khó khăn cho cả đôi bên (thị trường và bên thoái vốn), song với giao dịch trên thị trường bó hẹp như hiện nay, tìm kiếm đối tác mua thỏa thuận mà không thông qua sàn là giải pháp tối ưu hơn cả.
IPO liệu có thành?
Do thị trường trầm lắng, “đại gia” ngành khí PV Gas buộc phải trì hoãn kế hoạch phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) đến ngày 17/11. Với vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng, bán bớt 10% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm 30.000 đ/cp dự kiến thu về tối thiểu 5.700 tỷ đồng cho cơ quan quản lý nhà nước. Kinh nghiệm xương máu của vụ IPO Vietcombank năm 2007 đã từng khiến TTCK chịu sức ép về mức giá khởi điểm và nhà đầu tư phải đau đầu với khoản tiền nộp trúng đấu giá. Sự tương quan mật thiết giữa thị trường niêm yết và những vụ IPO lớn khiến sự kiện rầm rộ này phải lùi lại. Lượng tiền bị hút qua kênh huy động vốn của DNNY trên sàn khá nhiều, cộng thêm nguồn tiền do IPO “khủng” sẽ khiến thị trường niêm yết đi về đâu? Xét cho cùng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách đúng đắn phát triển quy mô thị trường, đặc biệt là tín dụng, bởi mọi hoạt động huy động vốn hay IPO đều gắn chặt với thị trường niêm yết.
(DĐDN)
Đến hẹn không lên
Việc lên sàn không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin mà còn tạo thanh khoản cho cổ phiếu, nhưng doanh nghiệp luôn lo sợ thị trường đánh giá rẻ cổ phiếu của công ty họ nếu chọn sai thời điểm. Có trường hợp dù Nghị quyết ĐHCĐ đã quyết, dù hoàn tất việc nộp hồ sơ, được chấp thuận nguyên tắc niêm yết, nhưng các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết vẫn tạm dừng việc lên sàn do lo ngại điều kiện thị trường không thuận lợi.
Cổ phiếu Sacomreal từng một thời kỳ “làm mưa làm gió” trên thị trường OTC phải trì hoãn đến lần thứ hai việc lưu ký chứng khoán để niêm yết. Từ mức giá 45.000đ/cp, cổ phiếu này liên tục rớt giá xuống mức 30.000đ/cp do kế hoạch niêm yết bị lùi lại ngày. CTCK Sacombank cũng giảm mức cầm cố (repo) cổ phiếu này từ 30.000đ/cp xuống 23.000 đ/cp. Sau hồi “khóc dở mếu dở” vì kế hoạch lên sàn bị trễ hẹn, nhà đầu tư trót mua cổ phiếu này cũng phấn chấn hơn khi doanh nghiệp này chính thức công bố ngày chốt danh sách cổ đông để lưu ký (12/10). Cảnh đóng băng của chợ OTC trái ngược hẳn với bức tranh sôi động đầu tư cổ phiếu OTC thời kì đầu năm: “cứ mua là thắng”.
Không chỉ vậy, đi kèm với sự sụt giảm của TTNY, giá cổ phiếu OTC biến động cùng chiều, khiến cho nhà đầu tư xoay sở nộp thêm tiền do CTCK giảm hạn mức cho vay repo. Hàng loạt công ty trì hoãn niêm yết cổ phiếu như PVFCL (Bất động sản Tài chính Dầu khí) hoặc rút hồ sơ niêm yết như PVCL (Dầu khí Cửu Long) do thị trường xấu. Hiện tượng “bình thông nhau” giữa TTNY và OTC là điều dễ hiểu và buộc nhà đầu tư miễn cưỡng nắm giữ khoản đầu tư OTC chờ ngày lên sàn.
Chào sàn không thành công
Chỉ số VN-Index thời gian vừa qua không phản ánh chính xác diễn biến tổng quan thị trường do lực cầu của khối ngoại chỉ tập trung vào các bluechip vốn hóa lớn như BVH, DPM, HAG... Phần lớn các mã chứng khoán khác đều giảm mạnh với khối lượng giao dịch thấp do tâm lý chán nản của nhà đầu tư. Hơn nữa, tâm lý đám đông tỏ ra lo ngại việc cổ phiếu mới chào sàn, cho dù nguồn cung đó không hút vốn như IPO hay phát hành thêm, giới đầu tư vẫn muốn thu tiền gốc về bằng mọi cách. Sự thoái trào của làn sóng đón đầu mua hàng mới - cổ phiếu OTC lên niêm yết, đánh dấu thời kỳ khó khăn về đầu tư khi nguyên tắc vàng của tài chính được áp dụng “Tiền mặt là vua!”.
Điểm mặt những cổ phiếu chào sàn vào cuối tháng 9, giá đều giảm mạnh (30% - 40%) so với giá tham chiếu ngày đầu tiên như Petroland (PTL), Khoáng sản A Lưới (ALV), Khoáng sản Tây Bắc (KTB), Dược Vimedimex (VMD). Xét một cách công bằng, việc thị trường “ngán hàng hóa mới” đang tạo ra cơ hội mới về đầu tư giá trị cho các nhà đầu tư dài hạn khi tâm lý sợ hãi đang áp đảo!
Giá tham chiếu nào phù hợp
Quy định về giá tham chiếu giao dịch ngày đầu tiên khác biệt giữa sàn HNX và HOSE cũng gây kỳ vọng trái ngược nhau. Do sàn HNX không áp dụng giá tham chiếu, nên khi thị trường thuận lợi, các cổ phiếu mới lên sàn này rất được ưa chuộng vì có thể bị thao túng đẩy giá lên mức cao để khi giảm sàn liên tiếp nhiều phiên, nhiều nhà đầu tư vẫn có thể chốt lãi do giá mua thấp hơn nhiều trên OTC. Khi thị trường ảm đạm như hiện nay, câu chuyện trở nên hoàn toàn khác biệt.
Giá cổ phiếu chào sàn HNX rất sát giá với thị trường OTC, thậm chí còn thấp hơn như trường hợp của IDJ chào sàn giá 17.000 đ/cp, liên tiếp giảm xuống giá 11.000 đ/cp, thấp hơn giao dịch trên OTC từ 18.000 - 19.000 đ/cp. Cơ hội kiếm lãi do chênh lệch giá giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp đang dần biến mất trong hoàn cảnh ngặt nghèo như hiện nay. Trên sàn HOSE, mức giá chào sàn được xác định có biên độ +/-20% trong ngày giao dịch đầu tiên. Tại thời điểm hiện nay, hiện tượng giảm sàn mức tối đa là điều rất dễ hiểu khi giá tham chiếu được xác định chênh lệch lớn với giá giao dịch trên OTC gần nhất của cổ phiếu đó. Cần lưu ý là mức giá chào sàn do CTCK & DNNY đánh giá một cách chủ quan, đôi khi không phù hợp với mặt bằng giá chung của thị trường vì lợi ích riêng cho chính hai tổ chức đó.
Tăng vốn trước hay sau lên sàn?
Việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán đang tích cực được đẩy mạnh thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, đấu giá hoặc trái phiếu chuyển đổi trong điều kiện tín dụng co hẹp, lãi suất ngân hàng khá cao như hiện nay.
Theo UBCKNN, tính đến hết tháng 9, tổng khối lượng chứng khoán đăng ký phát hành của các doanh nghiệp được UBCKNN phê duyệt khoảng 34.622 tỉ đồng, trong khi năm 2009 chỉ là 19.341 tỉ đồng. Cung cổ phiếu vượt xa cầu nên tâm lý của phần lớn nhà đầu tư e ngại, không muốn nộp thêm tiền mua cổ phần, do vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi phương án phát hành. Tại thời điểm thị trường “sốt” đầu tháng 4, cổ đông chỉ nóng lòng mong DNNY sẽ phát hành tăng vốn sau khi cổ phiếu lên niêm yết do kỳ vọng cổ phiếu tăng giá.
Giờ đây, mọi chuyện hoàn toàn khác biệt, cổ phiếu phát hành thêm với giá “ưu đãi” trở thành “ngược đãi” do cách thức gần như ép buộc cổ đông phải thực hiện quyền mua (khi các DNNY thường chốt danh sách ngay sau khi lên sàn). Phát hành cổ phiếu khó khăn, các công ty đại chúng chuyển sang bài toán trái phiếu (thường hoặc chuyển đổi) như một làn sóng mới thu hút các tổ chức lớn như CTCK VNDirect phát hành 500 tỷ đồng, CTCK Thăng long - 500 tỷ đồng, Ocean Hospitality (OCH) - 2.000 tỷ đồng. Bức tranh đìu hiu của TTCK đã gây trở ngại kênh huy động vốn của doanh nghiệp cũng như kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh và cổ đông hiện hữu phải gánh chịu nhiều rủi ro.
Kế hoạch thoái vốn có đáng lo ngại
Với nguồn cung tăng vọt, kế hoạch thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty lớn có tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư khi hàng loạt doanh nghiệp dầu khí lên sàn trong năm 2010 sẽ được cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu. Lộ trình thoái vốn của PetroVietnam tại các công ty con như giảm tỷ lệ sở hữu tại PVS, PVD xuống 51%, tại PVX xuống 36%, nhưng bán qua sàn tập trung không phải là cách thực hiện duy nhất mà PVN thực hiện.
Đại diện của PetroVietnam khẳng định: “Nếu cổ phiếu trên sàn rớt sâu, PetroVietnam sẽ không bán cổ phiếu qua sàn”. Trên thực tế, Tập đoàn này áp dụng phương thức khác để thoái vốn thay vì việc bán trực tiếp trên sàn niêm yết. Cách thức phổ biến là việc bán lô lớn với giá thỏa thuận cho nhà đầu tư tổ chức, cụ thể là chuyển nhượng cho CTCK Thăng Long 20 triệu cổ phần PVX trong tháng 7 năm nay. Ngoài ra, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là một giải pháp hiệu qủa khi Huyndai đang đàm phán mua 10% cổ phần của PVN tại PVX. Việc cơ cấu lại vốn đầu tư của các tập đoàn gây khó khăn cho cả đôi bên (thị trường và bên thoái vốn), song với giao dịch trên thị trường bó hẹp như hiện nay, tìm kiếm đối tác mua thỏa thuận mà không thông qua sàn là giải pháp tối ưu hơn cả.
IPO liệu có thành?
Do thị trường trầm lắng, “đại gia” ngành khí PV Gas buộc phải trì hoãn kế hoạch phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) đến ngày 17/11. Với vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng, bán bớt 10% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm 30.000 đ/cp dự kiến thu về tối thiểu 5.700 tỷ đồng cho cơ quan quản lý nhà nước. Kinh nghiệm xương máu của vụ IPO Vietcombank năm 2007 đã từng khiến TTCK chịu sức ép về mức giá khởi điểm và nhà đầu tư phải đau đầu với khoản tiền nộp trúng đấu giá. Sự tương quan mật thiết giữa thị trường niêm yết và những vụ IPO lớn khiến sự kiện rầm rộ này phải lùi lại. Lượng tiền bị hút qua kênh huy động vốn của DNNY trên sàn khá nhiều, cộng thêm nguồn tiền do IPO “khủng” sẽ khiến thị trường niêm yết đi về đâu? Xét cho cùng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách đúng đắn phát triển quy mô thị trường, đặc biệt là tín dụng, bởi mọi hoạt động huy động vốn hay IPO đều gắn chặt với thị trường niêm yết.
(DĐDN)