Hà Nội dừng nhiều dự án xây dựng "tiền tỷ"

Cập nhật lúc 07:10, 09/11/2010 (GMT+7)

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Chính phủ kết quả đợt rà soát các dự án xây dựng trên địa bàn thánh phố. Có 196 trên tổng số 398 dự án sẽ phải tạm dừng để xem xét. Đáng chú ý, trong số đó có 16 dự án bất động sản “tiền tỷ” sẽ phải tạm thời “đắp chiếu” dù đã được giao dịch tài chính trên thị trường.

Mô tả ảnh.

Công văn 164/BC-UBND của UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát đợt 2 có ghi rõ, trong 398 đồ án, dự án được rà soát, có 220 đồ án quy hoạch và 178 dự án đầu tư với tổng quy mô diện tích gần 42.000 ha.

UBND TP. Hà Nội đề xuất cho tiếp tục triển khai 202 dự án, đồ án, trong đó, có 176 dự án, đồ án, phù hợp quy hoạch chung và 26 đồ án chưa phù hợp nhưng đáp ứng được những tiêu chí đặc thù khi xét duyệt. Còn lại 196 dự án sẽ tạm dừng để xem xét.

Theo ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, những nguyên nhân chính để quyết định tạm dừng các dự án, đồ án là nhiều dự án xây dựng đã thay đổi mục đích sử dụng và không phù hợp với định hướng quy hoạch chung.

Thậm chí, nhiều dự án còn phá vỡ cấu trúc vành đai xanh, không khớp nối với hạ tầng chung của tổng thể dự án khu đô thị hay gọt bớt các công trình xây dựng công cộng.

Có thể kể đến rất nhiều dự án như thế, như dự án tổ hợp chung cư cao tầng Nam Xa La, Phúc La, khu đô thị mới Tân Tây Đô, khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng, dự án khu nhà ở Tân Lập của CIENCO5...

“Những dự án này cần được chỉnh sửa cho phù hợp với định hướng phát triển xây dựng cho từng khu vực để tạo điều kiện cho thành phố tiến hành điều chỉnh, khớp nối và đẩy nhanh tiến độ các dự án, lập quy hoạch phân khu theo quy định. Nếu chủ đầu tư không thực hiện, sẽ kiên quyết cắt bỏ cho dù dự án đã được rao bán hay có những giao dịch về tài chính”, ông Bình nhấn mạnh.

Thực tế, khi Hà Nội “mạnh tay” với các dự án xây dựng, đồng nghĩa với việc các chủ đầu tư sẽ phải “chùn tay” đối với các dự án của mình khi đã bị “biến hình” liên tục để sinh lời bù đắp chi phí. Nói cách khác, tạm dừng, tức là sẽ dừng các giao dịch tài chính (bán và mua), khi đó chỉ riêng với lãi suất vay ngân hàng, chủ đầu tư đã đủ “méo mặt” và không còn cách nào khác phải tự điều chỉnh để dự án tiếp tục.

Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư bức xúc khi TP tạm dừng những dự án trong đợt rà soát vừa qua, trong đó có 16 dự án đáng chú ý khi một phần đã được bán ra thị trường, như các dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (diện tích 138,17 ha), khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh (141,8 ha), khu nhà ở để bán thị trấn Cầu Diễn (2,9 ha), khu đô thị Gofl Vinashin (217,65 ha), khu đô thị thương mại dịch vụ nhà ở Habeco Hạ Hồi - Quất Động (50,72 ha)...

Theo UBND TP. Hà Nội, những dự án trên bắt buộc phải chờ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Chính phủ phê duyệt (dự kiến cuối tháng 11-2010). Sau khi Quy hoạch chung được duyệt, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội sẽ lập quy hoạch phân khu, mới có cơ sở xem xét cho các dự án này có được tiếp tục triển khai hay không.

Đến lúc này, người lo lắng nhất chính là những người đầu cơ bất động sản, những người đôi khi chưa hẳn vì nhu cầu nhà ở đã tham gia vào dự án. Thị trường bất động sản đã nóng và sẽ còn nóng hơn trong những ngày tới.

UBND TP Hà Nội đã có công văn đề xuất về Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án Quy hoạch cơ bản (QHCB) phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Theo đó, Quy hoạch cơ bản sông Hồng sẽ theo hướng: Lồng ghép QHCB sông Hồng với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Chính phủ phê duyệt cũng là phê duyệt các định hướng chính sách QHCB của sông Hồng, làm cơ sở triển khai quy hoạch tiếp theo. Bên cạnh đó, TP sẽ chỉnh sửa từ QHCB sông Hồng (phần nội dung quy hoạch xây dựng) theo sơ đồ quy hoạch phân khu để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Nội dung quy hoạch sẽ phải phù hợp với Quy hoạch Phòng chống lũ chi tiết các sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội đã được HĐND TP phê duyệt.
  • Theo Đại đoàn kết

Ý kiến của bạn

Các tin khác