Chính sách tỷ giá cần biện pháp dài hạn

Cập nhật lúc 21:52, 07/11/2010 (GMT+7)
“Tỷ giá chính thức sẽ ở mức khoảng 20.500 đồng/USD trong năm 2011”, nhận định từ trung tuần tháng 10 vừa qua của ông Dariusz Kowalczyk (chuyên gia ngân hàng Credit Agricole) tuy chưa trở thành hiện thực, nhưng tỷ giá trên thị trường tự do đã vượt xa dự đoán này ngay trong đầu tháng 11.

1
Điều chỉnh tỷ giá thì nợ nước ngoài, chỉ số giá của Việt Nam tăng, doanh nghiệp gặp khó, mất lòng tin chính sách…

“Lực bất tòng tâm”


Đầu tháng 5.2010, khi kênh Bloomberg dẫn lời một lãnh đạo công ty chứng khoán của Việt Nam về khả năng điều chỉnh tỉ giá để thúc đẩy xuất khẩu, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phản ứng khá mạnh mẽ và liên tục khẳng định sẽ cố gắng ổn định tỷ giá.

Ba tháng sau, NHNN điều chỉnh tỷ giá để VND giảm 2,09% giá trị so với USD khi chênh lệch tỷ giá do ngân hàng thương mại niêm yết và thị trường tự do vào khoảng 1%. Cuối tuần qua, khi chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường đã lên khoảng gần 8%, thông tin từ chính phủ rằng NHNN sẽ can thiệp bơm USD ra thị trường để ổn định tỷ giá.

Đã quá nhiều phân tích nguyên nhân vì sao sang nửa cuối năm 2010 này tỷ giá của Việt Nam luôn bất ổn. Những nguyên nhân chính đã được chỉ ra là: thâm hụt cán cân thương mại; chi tiêu công lớn (từ đầu năm NHNN đã phải ứng trước cho ngân sách Nhà nước một số tiền lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng); nợ vay nước ngoài lớn; tình trạng đầu tư kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước khi sử dụng vốn vay nước ngoài,...

Ngoài ra, cho đến nay, có vẻ như Việt Nam chưa đo lường, chưa lượng hóa hết quy mô nợ nước ngoài. Nợ của Chính phủ được thống kê khá rõ, nhưng có lẽ chưa ai biết nợ vay nước ngoài của các doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả hiện là bao nhiêu? Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra những vấn đề về tái cấu trúc nền kinh tế, về cơ chế quản lý, giám sát của các đơn vị chức năng đối với thị trường ngoại hối và kinh tế đối ngoại. Chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được căn bản các vấn đề này thì tỷ giá vẫn luôn là vấn đề đau đầu.

Áp dụng biện pháp ổn định hay điều chỉnh tỷ giá đều không tránh khỏi tác động phụ. Điều chỉnh tỷ giá thì nợ nước ngoài, chỉ số giá của Việt Nam tăng, doanh nghiệp gặp khó, mất lòng tin chính sách… Không điều chỉnh tỷ giá thì khó cải thiện cán cân thương mại, căng thẳng thị trường tài chính, gây sức ép tăng lãi suất VND, kéo dài tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ chờ giá lên.

Một bài toán cực kỳ khó khăn nữa là không thể giải quyết vấn đề tỷ giá tách rời với lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đang có dấu hiệu tăng cao (lượng tiền đồng trong lưu thông lớn). Muốn ngừng việc giảm giá đồng nội tệ thì cùng một lúc phải thắt chặt tiền tệ (rút bớt nội tệ trong lưu thông). Việc đột ngột thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh hiện nay cũng có thể gây thêm những hỗn loạn, đó là chưa kể thắt chặt tiền tệ vào thời điểm này cũng không rút nhanh tiền từ lưu thông về được (độ trễ chính sách sớm nhất cũng phải từ 3-6 tháng).

Đó là chưa kể tiền từ kênh tín dụng ngân hàng ra thì còn có kỳ hạn quay về (trả nợ), nhưng tiền từ chi tiêu công thì không. Tỷ giá không chỉ thay đổi theo mức lạm phát hiện thời mà còn phản ánh cả dự đoán lạm phát trong tương lai. Tỷ giá đang tăng mạnh cho thấy lo ngại sâu sắc của người dân, doanh nghiệp và các thành viên tham gia thị trường về viễn cảnh lạm phát cao của Việt Nam trong năm 2010 và 2011.

Cần đến giải pháp cả gói

Khi Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia thông báo Chính phủ đồng ý bơm mạnh ngoại tệ để cứu tỷ giá, đồng thời cơ quan này cũng thông báo giải pháp cả gói nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ đang lên cơn sốt vừa được thường trực Chính phủ chấp thuận, trong đó kiên quyết không tăng tỷ giá, không kết hối, nghiêm cấm tăng lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ.

Cùng với việc bơm ngoại tệ, Chính phủ chủ trương để lãi suất tiền đồng vận hành theo cơ chế thị trường, thay vì yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp như trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận lãi suất VND trên thị trường tăng lên.

Như vậy, về cơ bản Chính phủ đã sử dụng các biện pháp có tính thị trường để bình ổn thị trường ngoại hối. Vì sao Chính phủ không chọn biện pháp điều chỉnh tỷ giá, có thể vì e ngại lạm phát bùng lên do giá nhập khẩu tăng (gọi là nhập khẩu lạm phát hay lạm phát do chi phí đẩy); nợ công gia tăng. Bên cạnh đó có hai tác dụng phụ chưa tính hết được là: tác động điều chỉnh tỷ giá tới các thị trường khác ra sao và thời điểm điều chỉnh đã thích hợp chưa?

(Theo SGTT)

Các tin khác