Giá leo thang, đi chợ cứ như bị mất cắp
- Vài tuần nay giá cả nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng đều đồng loạt tăng mạnh, phổ biến mức 10-20%, thậm chí có loại tăng giá đến 100% so với thời gian trước. Trong khi thu nhập thực tế không tăng, việc chi tiêu vì thế trở thành bài toán phải cân nhắc kỹ, đặc biệt là với người nội trợ.
Thực phẩm tươi sống tiếp tục tăng giá mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn của người dân - Ảnh: N.N |
Cầm khoảng 150-200.000 đồng đi chợ Ngọc Thuỵ, Long Biên mua thức ăn hai bữa cho gia đình 5 người những ngày này, chị Nguyễn Thị Thêu nhà ở tổ 17, phường Ngọc Thuỵ không khỏi tần ngần như bị mất trộm.
Ngày trước nguyên tiền thức ăn nhà chị chỉ tiêu khoảng hơn 100.000 đồng/ngày mà nay, cũng những thứ như vậy, số tiền phải mất thêm trung bình 30% nữa. Chưa kể mắm muối, dầu ăn, đường, bột ngọt đều tăng, cộng với ít hoa quả, bánh trái, vài trăm nghìn trong tay tiêu vèo cái đã hết.
Chị Thêu kể, có những hôm đi chợ về, chị cứ bần thần tính mãi xem mình có trả nhầm tiền hay không, sao tiêu nhanh chóng mặt? – nhưng hoá ra không phải. “Thu nhập không tăng, mà trẻ con thì không thể cắt khẩu phần nên hai vợ chồng đợt này chỉ biết cày cuốc sớm khuya để bù đắp chi tiêu” – chị cho hay.
Mặt bằng giá cả tăng chung, có vẻ như chi phí cho cái ăn của người dân sống tại các quận nội đô của Hà Nội lại càng tốn kém hơn gấp bội. Bác Kim Oanh, 60 tuổi, nhà ở khu Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm cho biết, vài tuần nay hầu như ngày nào đi chợ cũng thấy giá cả tăng “ác liệt”.
Bình thường, bác hay đi chợ ở con hẻm gần nhà, nơi quy tụ một vài quầy rau, thịt. Đây chủ yếu là những quầy sạch nên giá cả vốn đắt hơn bình thường, nhưng mấy hôm rồi giá rau vọt lên đến 50.000 đồng/kg súp lơ xanh, hơn 10.000 đồng/mớ rau muống nhỏ thì bác nhất quyết đạp xe lên chợ Ngô Sỹ Liên để được mức giá dễ thở hơn
“Mỗi tháng con dâu góp thêm 3 triệu đồng để mua thức ăn, cộng với gạo ở quê đem lên, vậy mà gần đây không đủ chi tiêu. Thấy giá cả tăng cao, vợ chồng nó bảo nhau đưa thêm ít tiền cho bà đi chợ” – bác Oanh tâm sự.
Ghi nhận tại các chợ đầu mối và bán lẻ Hà Nội tuần đầu tháng 11 cho thấy, giá cả hầu hết thực phẩm, nhất là hàng tươi sống đều tăng mạnh so với cùng kỳ tháng 10. Nếu như rau củ tăng phổ biến 20-50%, thậm chí có loại tăng 100% do trái mùa, thời tiết rét cộng sương muối và giá phân bón tăng thì thịt cá tăng từ 5-10 giá do nguồn cung dịp cuối năm căng thẳng, dịch bệnh bùng phát tại nhiều tỉnh miền Trung.
Thông tin từ các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Intimex cho biết, tháng 11 cũng là thời điểm áp dụng giá mới của khá nhiều mặt hàng nội địa như bánh kẹo, gia vị, hoá phẩm, quần áo, đồ gia dụng... dựa trên các đề xuất tăng giá từ 5-10% của các nhà sản xuất, cung ứng hồi tháng 10.
Trong khi đó, theo phản ánh của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng hoá phẩm lớn tại khu vực Hàng Mã, Khâm Thiên, Nguyễn Thái Học đầu tháng 11 đã làm “công tác tư tưởng” trước với khách mua hàng về mức tăng giá đến 20-30% nhiều mặt hàng tới đây.
Nhà kinh doanh “ngồi trên lửa”
Đáng ngại hơn, theo giới kinh doanh, hàng loạt mặt hàng và nguyên phụ liệu sản xuất nhập từ nước ngoài đã và đang bị tác động về giá rõ rệt khi tỷ giá ngoại tệ và giá vàng liên tục lập kỷ lục hiện nay.
Diễn biến giá cả từ nay đến cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc can thiệp, điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ - Ảnh: N.N |
Giám đốc Công ty Minh Anh – một nhà nhập khẩu và phân phối các sản phẩm đồ uống, bánh kẹo lớn từ châu Âu cho biết, do đồng Euro trên thị trường đã đạt trên 28.000 đồng (cách hơn 1 tháng, chỉ khoảng 25.000 đồng/Euro), nên giá bán các sản phẩm của đơn vị này đã phải tăng thêm trung bình 10-20%.
“Hàng nhập từ châu Âu đang tăng cao khủng khiếp một phần từ phía các nhà sản xuất, mặt khác do tác động tỷ giá trong nước. Có đối tác của Bỉ vừa qua báo giá đầu vào cho chúng tôi tăng 28%, trong khi doanh nghiệp chỉ điều chỉnh ở mức 10-20%, đó là nỗ lực “cầm cự, bớt lãi” hết sức để tránh “sốc” cho người tiêu dùng” – vị giám đốc cho hay.
Nếu như sức mua một số mặt hàng thực phẩm cao cấp, nhập ngoại được nhận định khó giảm sút do nhu cầu quà cáp, biếu xén gia tăng dịp cuối năm thì nhiều nhà kinh doanh các mặt hàng phi thực phẩm khác hiện như đang ngồi trên đống lửa vì sự trầm lắng của thị trường do giá cả tăng cao.
Quản lý cửa hàng DigiWorld tại phố Hàng Bài chuyên doanh hàng công nghệ nhập khẩu cho biết, ngay khi giá đôla trên thị trường vượt mốc 20.000 đồng, cửa hàng đã chịu bớt lãi, có chính sách bảo trợ một phần giá thì sức mua vẫn giảm 50%. Chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, thay vì nhập, dự trữ hàng thì hiện tại hệ thống chỉ đặt hàng cầm chừng để dễ bề ứng phó với các diễn biến bất thường.
Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Giấy Anh Phú, nhà sản xuất đồng thời phân phối các mặt hàng giấy vệ sinh An An, Puppy tại miền Bắc, anh Lê Thành Sơn cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành giấy cũng chứng kiến 4-5 lần điều chỉnh giá bán do giá nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá ngoại tệ và chi phí nhân công tăng...
Mới đây nhất cuối quý 3, nhiều sản phẩm tiếp tục điều chỉnh giá khoảng 10%, đơn cử giấy cuộn nhãn hiệu Pulppy từ 46.000 tăng lên 56.000 đồng; giấy loại cao cấp hơn cũng từ 66.000 lên 76.000 đồng. Đây là mức rất cao so với sức chịu đựng của thị trường.
Diễn biến giá cả từ nay đến cuối năm theo anh Sơn sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc can thiệp, điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
“Doanh nghiệp đang ở trong bối cảnh giá đầu vào và giá thành phẩm quá cao. Doanh số của một số đơn vị lớn hiện đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2010. Nhiều đơn vị cần nguyên liệu để sản xuất quá phải chấp nhận mua đô với giá cao ở thị trường tự do, bởi đã đầu tư tiền tỷ hệ thống máy móc, nếu không có nguyên liệu sản xuất, nhà xưởng đắp chiếu, công nhân nghỉ làm là chết.
Nếu không có sự can thiệp tốt về tỷ giá đôla của nhà nước, doanh nghiệp chỉ dám mua nguyên liệu và sản xuất cầm chừng thì giá cả cuối quý 4/2010 hoặc quý 1/2011 nhiều khả năng phải tăng tiếp từ 7-10%” – anh Sơn nhận định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 bất ngờ tăng mạnh 1,05% đã khiến các chuyên gia kinh tế phải liên tục điều chỉnh dự báo về tốc độ tăng CPI trong cả năm 2010. Với tình hình hiện tại, tháng 11 vẫn còn rất nhiều yếu tố bất lợi gây thêm áp lực tăng giá. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng nếu không kiềm giữ được CPI 2 tháng cuối năm, thì CPI cả năm 2010 sẽ ở mức hai con số, từ 11-12%.
-
Nguyễn Nga