"Hiện tượng Nam Cường" tái xuất trên thị trường BĐS Hà Nội?

Cập nhật lúc 08:28, 19/10/2010 (GMT+7)
Trong khi những tín hiệu phục hồi trên hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản vẫn chưa rõ nét, thì dường như, một xu hướng đầu tư vào căn hộ chung cư đang dần trở lại vào những tháng cuối năm.

1
Số người đến đăng ký mua căn hộ CTD7 chung cư Lê Văn Lương Residentials hôm 15/10 vừa qua đã vượt ngoài sự mong đợi của chủ đầu tư.

Rậm rịch “lướt sóng”?


Những ai quan tâm đến thị trường bất động sản hẳn chưa thể quên được “hiện tượng Nam Cường” vào quãng thời gian cuối năm 2009. Khi đó, hàng nghìn người dân đã chen lấn, xô đẩy nhau chỉ mong giành mua được phiếu quyền bốc thăm mua căn hộ chung cư ở  dự án Dương Nội của doanh nghiệp này.

Gần một năm sau, vào ngày 15/10 vừa qua, “hiện tượng Nam Cường” một lần nữa được lặp lại, khi cũng có đến ngót nghìn người xếp hàng từ rất sớm để đăng ký mua căn hộ chung cư CT7D tại dự án Lê Văn Lương Residentials thuộc khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội.

Với lượng người chen mua vượt ngoài sự mong đợi của chủ đầu tư, nên cũng không quá ngạc nhiên khi đại diện Nam Cường, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Nam Cường, cho biết chỉ sau hơn 3 giờ mở bán, toàn bộ 209 căn hộ chung cư của khu CT7D đã được bán hết.

Lý do được bà Hà đưa ra cho thành công trên, ngoài vị trí, địa điểm, hạ tầng... thì đây là dự án đầu tiên được chào bán tại Hà Nội sau khi Nghị định 71 chính thức có hiệu lực, nghĩa là khách hàng có thể trực tiếp làm việc và ký hợp đồng với chủ đầu tư, mà không phải lo lắng về sự thiếu minh bạch hay rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Trong khi đó, theo những khách hàng có mặt tại buổi chào bán, do có đến hơn 70% căn hộ chào bán có diện tích từ 55 - 80 m2, với mức giá vừa phải (21,5 triệu đồng/m2) nên dù là để ở hay đầu tư thì nhìn chung đó là mức giá phù hợp với khả năng tài chính của họ.

Hơn nữa, doanh nghiệp này đã khá khéo “lấy lòng” khách hàng bằng việc quy định giá bán bằng VND và cho theo dõi trực tiếp trạng thái các căn hộ (đã đặt cọc và số căn hộ còn lại) trên bảng điện tử và trên các bảng niêm yết nên ít nhiều cũng đã tạo được lòng tin nới khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà cho hay, ngoài việc bán hết 100% số căn hộ trong đợt bán đầu tiên, hiện Nam Cường đã nhận được hơn 700 phiếu đăng ký mua căn hộ cho lần mở bán kế tiếp dự kiến trong tháng 11 tới.

Theo tìm hiểu của người viết, việc người dân (trong đó có cả giới đầu tư) bắt đầu tìm kiếm các căn hộ, nhà dự án có mức giá vừa phải không chỉ diễn ra ở dự án của Nam Cường. Hiện số người tìm kiếm đăng tin tìm mua hoặc trực tiếp săn lùng chung cư dự án tại các sàn cũng đang có xu hướng tăng trở lại.

Ông Nguyễn Đăng Nam (Sàn giao dịch bất động sản Gia Nam) cho biết, cả 3 căn hộ chung cư tại khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) đã được sàn này giao dịch thành công ngay trong 2 tuần đầu của tháng 10, sau khi hồ sơ nằm im trên kệ ngót 1 năm trời.

“Cả mấy tháng trước thì không ai hỏi mua, hồ sơ gửi bán chất đống. Thế nhưng, không hiểu sao từ đầu tháng 9 đến nay, số căn hộ gửi bán thưa dần, trong khi số người hỏi mua có xu hướng tăng. Thậm chí một số hồ sơ có vị trí đẹp, giá phù hợp dù chưa bán được nhưng cũng được người gửi rút về không rõ lý do”, ông Nam cho hay.

Ngoài ra, theo ông Nam, cũng như một số hàng hóa khác, với bất động sản khi có nhiều căn hộ được chào bán thì không mấy ai hỏi, còn khi bán được hàng thì lại không tìm ra nguồn.

Hiện nay, với những sàn không phải quy mô lớn và “yếu quan hệ” thì việc có nguồn hàng là điều không tưởng bởi phần lớn các căn hộ đều được các sàn lớn mua đứt cả block hoặc được chủ đầu tư bán trực tiếp tại sàn của mình.

Động lực từ Nghị định 71

Ông Đặng Hồng Nhật (Sàn giao dịch bất động sản N&T) cho hay, tại sàn của ông có đến hơn nửa hàng hóa là nhà chung cư dự án, số còn lại là nhà đất đơn lẻ. Thế nhưng, trong mấy tháng qua, số giao dịch thành công nhà đơn lẻ hầu như không có, trong khi nhà chung cư chung cư vẫn được không ít người tìm hiểu, mua bán.

Theo ông Nhật, lý do nhà đơn lẻ không có giao dịch thành công là bởi giá cả thường quá cao so với khả năng tài chính của người mua. Phần lớn những nhà đơn lẻ rao bán đều nằm tại các quận nội thành nên giá thường từ 3 - 5 tỷ đồng/căn, với diện tích không quá 50 m2.

Trong khi đó, với số tiền trên, khách hàng có thể sở hữu một căn hộ chung cư khoảng 100 m2 ngay tại nội thành, thậm chí 150 m2 nếu ở các vùng lân cận. Còn với những hộ gia đình tài chính có hạn hơn một chút thì những căn hộ 60 - 80 m2 là điều mà họ hoàn toàn có thể với tới.

Cũng theo ông Nhật, sở dĩ phân khúc căn hộ chung cư trong quãng thời gian đầu năm nay rơi vào trầm lắng là do khách hàng bị tác động tâm lý từ một số vụ “làm giá” của giới đầu cơ trên thị trường. Điều này đã khiến giá căn hộ của một số dự án tại thời điểm đó cao hơn giá của chủ đầu tư công bố cả tỷ đồng.

Do đó, phần lớn trong số có nhu cầu mua nhà để ở đều cùng chung tư tưởng là “khó mua nhà giá gốc”, và kết cục là không ít người đã phải quay lưng với nhà chung cư.

Giấc mơ "mua nhà giá gốc" thành hiện thực?

Theo ông Nhật, hiện nay người dân đang có xu hướng quay trở lại mua nhà chung cư là do Nghị định 71 đã chính thức có hiệu lực, nghĩa là chỉ cho phép chủ đầu tư cấp 1 được ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng, thay vì cho phép cả nhà đầu tư thứ cấp được làm việc này như trước đây. Chính điều này đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với “nhà giá gốc” nhiều hơn, thông qua việc ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư dự án.

Với người dân, đặc biệt là những người đang tìm một chốn an cư thực sự, thì nhà đơn lẻ hay căn hộ chung cư không phải là điều quá quan trọng nếu như căn nhà đó phù hợp với túi tiền của họ. Chỉ có điều, trong số hàng trăm người chen lấn đăng ký mua nhà của Nam Cường nói trên hay đang săn lùng nhà tại các dự án khác, thì không ai dám chắc trong đó có bao nhiêu mua nhà để ở và bao nhiêu là để đầu cơ, lướt sóng?

Và nếu như đối tượng thứ hai chiếm phần lớn trong số đó, thì giấc mơ “mua nhà giá gốc” của hàng nghìn người dân rồi có thể vẫn là một điều gì đó quá xa xỉ.

(Theo VnEconomy)

Các tin khác