Bất động sản tỉnh Bình Dương “vào mùa” cao điểm
BĐS Bình Dương đang hút khách nhờ cơ sở hạ tầng tốt và mức giá hấp dẫn nhất là trong “mùa cao điểm” tháng 10 khi người dân bắt đầu tìm các cơ hội đầu tư để cất giữ thành quả sau một năm lao động.
Nhộn nhịp người mua
Theo thống kê từ Savills Việt Nam, tính đến tháng 7/2010 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng cộng 50 dự án nhà ở được đưa ra thị trường. Trong đó 30 dự án đã được bán hết và hiện chỉ có thể giao dịch trên thị trường thứ cấp. 20 dự án còn lại cũng chỉ còn một phần nhỏ và vẫn tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn đối với người mua. Cụ thể giai đoạn 1 của Dự án Ecolakes Mỹ Phước nằm trên địa bàn huyện Bến Cát hiện đã hết hàng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ sớm được đưa ra thị trường vào quý 4 năm nay.
95% dự án khu đô thị Tân Vũ Minh tại huyện Thuận An đã có chủ. Dự án khu biệt thự Hoàng Gia tại huyện Dĩ An cũng đã được đặt mua tới 74%. Thị trường đang sôi động trên tất cả các phân khúc đất nền, căn hộ, biệt thự và nhà phố. Tuy nhiên, nếu như trước đây đất nền là phân khúc hấp dẫn hơn cả bởi giá tương đối thấp và khả năng bán lại cao thì hiện nay phân khúc này đang kém hấp dẫn hơn dưới tác động của Nghị định 71.
Thủy Đình: hình ảnh thực tế được chụp từ EcoLakes Show Village.
Sôi động quanh các khu phát triển mới
Thị trường đang sôi động với nguồn cung dồi dào chủ yếu tại 3 huyện Dĩ An, Bến Cát và Thuận An. Theo Savills Việt Nam, trên thị trường sơ cấp, Dĩ An có nguồn cung lớn nhất với xấp xỉ 3.500 đơn vị nhà ở (chiếm 60% tổng nguồn cung). Xếp thứ hai là huyện Bến Cát, nơi tập trung các khu công nghiệp kết hợp dân cư Mỹ Phước 1,2,3,4 chiếm 19% tổng nguồn cung. Trên thị trường thứ cấp, huyện Bến Cát có nguồn cung lớn nhất với xấp xỉ 5.600 đơn vị nhà ở, chiếm 53% toàn thị trường. Thuận An và Dĩ An lần lượt chiếm 26% và 13% thị trường. Các huyện còn lại chỉ chiếm 4% thị phần.
Một trong những nguyên nhân khiến BĐS tại các khu vực này sôi động hơn cả là do sự kỳ vọng của người dân vào việc hình thành Thành phố mới Bình Dương trong tương lai trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát và huyện Tân Uyên. Thành phố mới Bình Dương sau khi hoàn thành dự kiến sẽ trở thành trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương. Để đón đầu xu hướng phát triển này, người dân tại Bình Dương cũng như các nhà đầu tư từ Tp. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đang ráo riết đổ vốn vào đây để đầu tư sinh lợi. Thêm vào đó, việc huyện Dĩ An chính thức chuyển thành thị xã vào quý II/2009 cũng khiến cung và cầu BĐS tại đây tăng đột biến.
Giai đoạn I dự án EcoLakes: hình ảnh thực tế khu nhà phố dự kiến bàn giao tháng 12/2010.
Thị trường dành cho nhà đầu tư dài hạn
Thực tế trong một vài năm trở lại đây cho thấy, khi bước vào mùa cao điểm, BĐS Bình Dương vẫn luôn chiếm ưu thế. Giá BĐS Bình Dương vẫn ở mức khá hấp dẫn so với BĐS Hà Nội và Tp. HCM. Giá căn hộ để bán trên thị trường sơ cấp dao động từ 7 triệu đồng/m2 đến 19 triệu đồng/m2. Giá biệt thự và liền kề trên thị trường sơ cấp dao động từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/căn. Đất nền là loại hình phổ biến nhất trên thị trường nhà ở Bình Dương có mức giá trung bình trên thị trường sơ cấp dao động từ 1,9 triệu đồng/m2 đến 8,5 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc Kinh doanh, Savills Việt Nam: “Trong thời gian tới, BĐS Bình Dương sẽ tiếp tục hút khách nhờ cơ sở hạ tầng tốt và mức giá hấp dẫn. Xu hướng giá sẽ tiếp tục tăng trên cả 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp do Bình Dương vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các hạ tầng kết nối trung tâm Bình Dương với Tp. Hồ Chí Minh, sân bay và các cảng biển. Một khi những hạ tầng này được đưa vào sử dụng thì Bình Dương sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư.”
-
Thu Trang