Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/1/2007, kinh tế Việt Nam đã có những phát triển về mọi mặt. Trong thành công đó, ngành ngân hàng được xem là một trong những ngành có nhiều đóng góp quan trọng nhất.
Ngân hàng ngoại - chất xúc tác của kinh tế Việt Nam
Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm thấp, thời gian tích lũy của doanh nghiệp chưa lâu nên nguồn vốn vẫn còn hạn chế. Chính vì thế, những năm qua, Chính phủ luôn cố gắng giữ ổn định cho khu vực tài chính - tiền tệ, xem đó là nguồn máu quan trọng bậc nhất để nuôi sống và giúp cơ thể kinh tế quốc gia tăng trưởng đúng quỹ đạo. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong nước phát triển, Chính phủ còn xây dựng hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh giúp các ngân hàng nước ngoài vào mở văn phòng đại diện, chi nhánh cũng như thành lập ngân hàng con ở Việt Nam một cách dễ dàng.
Nhìn chung, các ngân hàng nước ngoài đang có một môi trường hoạt động đầy triển vọng, hứa hẹn sẽ đầu tư và tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua các sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại với những thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần xây dựng một nền tài chính - ngân hàng phát triển toàn diện, vững mạnh tại Việt Nam.
Trên thực tế, các ngân hàng nước ngoài hiện đang tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn năng lượng cho đến việc cung cấp tín dụng cho các dự án viễn thông, công nghiệp, đầu tư công nghệ sản xuất… Chẳng hạn mới đây, Ngân hàng UOB chi nhánh TP.HCM đã ký hợp đồng tài trợ khoản tín dụng trị giá 40 triệu USD cho Nhà máy dầu khí điện lực Nhơn Trạch II (PV Power Nhơn Trạch II) trong thời gian một năm. Chính nhờ nguồn vốn này mà dự án không phải ngừng tiến độ thi công trong thời gian đáo hạn vốn.
Ông Ho Sze Ming - TGĐ Ngân hàng UOB
(chi nhánh TP.HCM) ký kết hợp đồng tín dụng cho vay bắc cầu với ông Hoàng Xuân Quốc - TGĐ Công ty cổ phần điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2.
Theo ông Thng Tien Tat, Giám đốc khu vực Việt Nam và Myanmar của UOB chi nhánh TPHCM, trong 15 năm hoạt động tại Việt Nam, UOB đã tài trợ hàng trăm triệu đô la Mỹ cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, doanh nghiệp Singapore và cả các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Từ “điểm tựa” UOB, các doanh nghiệp trong nước đã có thêm điều kiện mở rộng đầu tư, mua sắm dây chuyền công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tính chuyện phát triển lâu dài
UOB là ngân hàng hàng đầu tại Singapore với mạng lưới gồm hơn 500 văn phòng tại 19 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, Tây Âu và Bắc Mỹ. Do đó, không chỉ mạnh về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm để hoạt động có lợi nhuận cao, UOB còn là một làn gió mới thúc đẩy các ngân hàng trong nước đầu tư đổi mới công nghệ, hoàn thiện khả năng cung cấp dịch vụ, đào tạo đội ngũ nhân sự của chính mình theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế để bắt kịp đà phát triển của ngành ngân hàng thế giới.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng hệ thống kinh doanh và tạo đà phát triển bền vững, UOB còn là ngân hàng nước ngoài đầu tiên tham gia hệ thống Thẻ ngân hàng Việt Nam (VNBC) - một hệ thống nội địa cho phép chúng tôi sử dụng khoảng 1.500 máy ATM trên toàn lãnh thổ Việt Nam một khi ngân hàng phát hành thẻ ATM.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, UOB cũng không quên các hoạt động xã hội mà nổi bật nhất là việc thành lập Quỹ Hỗ trợ sinh viên Việt Nam nhằm giúp sinh viên các trường đại học hoàn tất chương trình học bằng cách cho vay không lãi suất. UOB đã phối hợp với trường Đại học Quốc gia để thu nhận, đánh giá hồ sơ xin vay và đến nay đã cho vay được 69 sinh viên, chuẩn bị phê duyệt thêm 150 hồ sơ xin vay trong năm nay. Chương trình dự kiến sẽ giải ngân khoảng 300.000 USD ba năm để hỗ trợ khoảng 700 sinh viên.
“Dù hoạt động ở bất cứ nơi đâu, bên cạnh kinh doanh, UOB cũng luôn có những đóng góp cho cộng đồng dựa trên ba mảng chính là Trẻ em, Giáo dục và Nghệ thuật. Đó chính là nét đặc trưng trong văn hóa kinh doanh của UOB: phục vụ sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia”, ông Thng Tien Tat nói.
-
Vũ Linh