- Hàng cặp sách nội địa, từ vị thế thấp kém trên thị trường, vốn được người tiêu dùng nhớ đến bằng ưu thế giá cả phải chăng trước đây thì nay tình hình đã đổi khác.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chị Hương Giang, chủ cửa hàng cặp túi, ba lô số 168 Bạch Mai cho biết sức mua bắt đầu tăng lên thời gian gần đây, mỗi ngày có thể bán trung bình 30 chiếc thì cũng là lúc một số nhãn hiệu cặp sách nội địa tại cửa hàng chị rơi vào cảnh không đủ cung cấp.
“Lượng hàng nội bán ra thường chiếm tới 90%. Một số mẫu mã đẹp thuộc loại siêu bền, siêu nhẹ đang trong cảnh rất khan hàng. Nhiều trường hợp khách vào hỏi mua, mình phải chỉ đi nơi khác” – chị Giang cho biết.
Không chỉ riêng các cửa hàng nhỏ lẻ, mà tại các trung tâm văn phòng phẩm lớn như chuỗi cửa hàng Tiền phong VDC, nhà sách Nguyễn Văn Cừ… thị phần cặp sách nội địa năm nay cũng tăng thêm ước chừng 15% so với cùng kỳ năm trước với nhiều tên tuổi như Miti, Puna, Ladoda, Barbie đến những thương hiệu mới tham gia như Hồng Hà, Thiên Long…
![]() |
Không chỉ cải thiện dần về hình thức, thiết kế và khả năng chịu lực, nhiều doanh nghiệp sản xuất cặp sách nội địa đã và đang tiếp cận với người tiêu dùng thu nhập cao thông qua các kênh phân phối hiện đại - Ảnh: N.N |
Đáng nói là, giá cả các mặt hàng đều được nhà sản xuất tăng giá từ 10-20% do các nguyên liệu đầu vào như nhựa, nilon, vải và chi phí nhân công tăng.
Đơn cử năm ngoái giá cặp học sinh của Miti chỉ dao động từ 99.000-145.000 đồng/chiếc thì nay giá phổ biến ở mức 145-185.000 đồng. Cặp sách Ladoda hàng bình dân cũng không còn giá dưới 100.000 đồng, mà lên mức từ 100-130.000 đồng/chiếc, hàng cao cấp từ 165-180.000 đồng/chiếc.
Song không vì thế mà sức mua sụt giảm. Theo giới kinh doanh, nhìn nhận về hàng nội vài năm trở lại đây ở người tiêu dùng đang ngày càng tốt lên. Hàng nội được chính người tiêu dùng tìm mua tại cửa hàng bán lẻ, nhờ vậy, từ chỗ nhà sản xuất phải chào mời, chấp nhận thua thiệt để được có mặt trong các điểm bán lẻ lớn thì nay, chính các nhà bán lẻ phải tìm đến nhà sản xuất nội địa để thỏa thuận cung ứng hàng.
Tâm lý, đặc điểm mua sắm của người dân Thủ đô đối với mặt hàng cặp sách trẻ em cũng có nhiều điểm lạc quan. Thể hiện ở chỗ, người Hà Nội thường không đặt nặng yếu tố giá thành, mà coi trọng trước tiên là tính an toàn, tiện dụng và bền đẹp của sản phẩm.
Bằng chứng là tại cửa hàng chị Hương Giang, hầu hết khách đến chọn mua đều hỏi loại cặp “siêu nhẹ, siêu bền” – những đặc tính mà hàng nội vài năm trở lại đây tập trung cải tiến và hiện có ưu thế hơn hẳn hàng cùng loại của Trung Quốc.
Việc người tiêu dùng tỏ ra không quan tâm nhiều đến giá thành cũng được chị Nguyễn Thị Thu Hiền – trưởng cửa hàng, nhà sách Tiền Phong VDC trên đường Tây Sơn chia sẻ bằng quan sát: trước đây, cặp sách giá cực rẻ xuất xứ Trung Quốc được bàn bán tràn lan, thì vài năm nay Tiền Phong VDC tuyệt nhiên không còn nhập về kinh doanh các sản phẩm như vậy do chóng hỏng, không được ưa chuộng. Chỉ hàng nội và hàng ngoại thuộc phân khúc trung và cao cấp, có bảo hành là vẫn bán tốt.
Tuy nhiên, điểm yếu khiến hàng nội chỉ được xếp vào diện “có tiềm năng” chứ chưa vươn lên chiếm lĩnh áp đảo thị trường vẫn là do còn quá ít mẫu mã, lựa chọn. Hàng cặp sách nội địa mấy năm nay chỉ nổi lên vài ba tên tuổi nhà sản xuất nhưng số lượng mẫu mã đưa ra thị trường của các đơn vị này cũng chưa thấm tháp vào đâu.
Thông tin từ các nhà sản xuất cho thấy, đơn vị nhiều thì năm nay ra được 30 mẫu cặp sách mới, ít thì chỉ 5 mẫu, nâng tổng số mẫu đưa ra thị trường của mỗi hãng dao động trong khoảng 20-50 mẫu. Con số như vậy vẫn quá ít ỏi so với hàng chục nhãn hiệu cặp sách xuất xứ từ Trung Quốc, mà mỗi nhãn hiệu lại ra các thiết kế mới theo từng vụ chứ không phải theo từng năm như sản phẩm nội.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Trí Kiên – GĐ Công ty Miti cho rằng, năng lực về vốn hạn hẹn là nguyên nhân chính cản trở sức mở rộng của doanh nghiệp.
“Vẫn biết nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nhưng doanh nghiệp không thể nào sản xuất trước được. Thường phải gần đến mùa mới làm hàng, con số mỗi vụ lên tới cả trăm nghìn sản phẩm, nhất là thời gian vừa qua cắt điện liên miên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, nên không thể kịp” – ông Kiên nói.
-
Nguyễn Nga