- Nhìn vào nhiều chương trình khuyến mãi để kỳ vọng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền khi mua sắm đồ dùng học tập cho con em hiện là điều khó tưởng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sức mua đồ dùng học tập hai tháng nay đã tăng 30-40% so với trước đó - Ảnh: N.N |
Từ giữa tháng 7, BigC Thăng Long đã đưa ra chương trình giảm giá từ 5-40% đối với trên 900 sản phẩm quần áo, giày dép, cặp sách, bút vở, USB, laptop, bánh kẹo.
Trùng thời điểm này, siêu thị Sài Gòn Co.op Mart (tại Hà Đông) cũng tập hợp hơn 800 mặt hàng dụng cụ học tập, đồng phục đến trường, thực phẩm dinh dưỡng có mức giảm giá đến 50% trong chương trình khuyến mãi đón năm học mới.
Không chỉ vậy, các nhà sách như chuỗi Tiền Phong VDC, Fahasa cũng thực hiện chương trình tặng kèm cho khách khi mua một số mã vở viết hiệu Campus, Hồng Hà với giá trị từ 10-20%.
Ở mặt hàng đồng phục học sinh, từ ngày 1-15/8, siêu thị dệt may Vinatex áp dụng mức giảm giá từ 10-20%. Ngoài ra, mặt hàng đồng phục học sinh nhãn hiệu Việt Tiến và vài áo dài của Thái Tuấn cũng bật mý sẽ có nhiều chương trình ưu đãi về giá, tặng quà giá trị cho khách hàng.
Có thể thấy, các chương trình được nhà kinh doanh đưa ra nhằm thu hút khách khá rầm rộ. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là các bậc phụ huynh sẽ tiết kiệm được một khoản tiền dù ít ỏi trong mùa mua sắm trước năm học mới.
Bởi thứ nhất mặt bằng giá cả năm nay so với năm ngoái từ hàng quần áo đến dụng cụ học tập đều được nhà sản xuất điều chỉnh tăng phổ biến từ 10-15%, thậm chí có mặt hàng còn tăng 20% với lý do nguyên phụ liệu và lương nhân viên tăng.
Quan trọng hơn, mặt hàng phục vụ năm học mới được giới kinh doanh bán lẻ đưa vào diện giảm giá mới nhìn qua thấy có vẻ khá rộng tới hàng trăm mặt hàng nhưng thực chất những hàng thiết yếu như vở viết, bút thước, cặp sách... lại chiếm số lượng không nhiều, ước chừng chỉ vài chục mặt hàng trong danh sách khuyến mại.
Đáng nói là mức giảm giá các mặt hàng thiết yếu kể trên được nhà bán lẻ đưa ra khá hấp dẫn, phổ biến từ 20 – 40% nhưng sự xuất hiện của những thương hiệu lớn, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trong chương trình chỉ đếm được trên đầu ngón tay, với một lượng hàng hạn chế, được bày bán trong thời gian ngắn, còn lại phần lớn là những nhãn hiệu mới lạ, giá trị món hàng nhỏ.
Điều này khiến nhiều khách hàng lâm vào tình cảnh muốn mua sắm cũng khó chọn lựa, nhất là khi mà đối tượng khách hàng Hà Nội đi siêu thị, nhà sách mua sắm hiện nay thường có thu nhập ở mức trung bình khá trở lên, tiêu chí về giá thành bị xếp sau các đòi hỏi, yêu cầu về vấn đề chất lượng, thương hiệu.
Khuyến mãi mới thu hút chứ chưa thú vị như kỳ vọng của người tiêu dùng - Ảnh: N.N |
Tuy vậy, nhà sản xuất, cung ứng – đối tượng có vai trò quyết định đến mức độ giảm giá của các chương trình khuyến mãi tại siêu thị cũng có lý lẽ của mình.
Giải thích sự “vắng mặt” hoặc tham gia khá dè dặt trong cách chương trình khuyến mãi kể trên, đại diện nhiều hãng sản xuất đồ dùng học tập lớn từ giấy vở, bút thước đến cặp sách cho rằng cái chính là hiệu quả doanh thu không cao. Bởi khi đóng góp một lượng hàng nhất định vào chương trình khuyến mãi của nhà bán lẻ, các hãng phải chịu giảm lợi nhuận, tăng thêm chiết khấu cho siêu thị trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận của hàng tiêu dùng vốn không cao.
Lượng hàng được tiêu thụ thông qua kênh phân phối hiện đại là siêu thị hiện vẫn khá nhỏ bé, ước chừng một 2, một 8 so với thị trường tự do. Đó là chưa kể những “phiền phức” về mặt thị trường khi vô tình tạo ra chế độ hai giá trên cùng một mặt hàng giữa một bên là siêu thị (được ưu đãi về giá) với một bên là các đại lý, cửa hàng bán lẻ bên ngoài (không được hỗ trợ). Và trên hết là tâm lý thoải mái, chủ động, có ngay “tiền tươi thóc thật” khi cung ứng hàng ngoài siêu thị.
-
Nguyễn Nga