- Năm 2011, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức hoạt động. Các hoạt động điện lực phải minh bạch, đảm bảo giá điện hợp lý tới người tiêu dùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Các hoạt động điện lực phải được minh bạch (anh) |
Thị trường phát điện cạnh tranh phải được hình thành trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, thu hút được các nguồn đầu tư vào phát triển điện.
Năm 2010, Bộ Công Thương phải hoàn thiện các văn bản, quy định cần thiết cho hoạt động của thị trường này để tới năm 2011, thị trường phát điện cạnh tranh có thể vận hành.
Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Cấp độ 1: Thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 - 2014). Cấp độ 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015 - 2022). Cấp độ 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022). |
Bên cạnh đó, EVN cần phải sớm hoàn thành việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát hoạt động của thị trường điện.
Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, thị trường phát điện cạnh tranh đã phải “lùi” tiến độ 2 năm, từ năm 2009 lùi đến năm 2011. Trước đó, thị trường này đã vận hành thí điểm với 9 nhà máy phát điện thuộc EVN, hoạt động từ năm 2005 đến nay.
Thị trường phát điện cạnh tranh là cấp độ 1 của quá trình hình thành thị trường điện Việt Nam trong tương lai.
Theo Thông tư 18/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương vừa ban hành, tất cả các nhà máy công suất đặt lớn hơn 30 MW bắt buộc phải tham gia thị trường.
Khi thị trường này vận hành, các nhà máy phát điện sẽ phải cạnh tranh với nhau, chào giá tới đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong khung từ giá sàn tới giá trần. Nhà máy nào có mức giá chào thấp nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn để huy động.
Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chịu trách nhiệm xác định và công bố giá sàn, giá trần phát điện của từng loại nhà máy điện và dự báo phụ tải.
Với nguyên tắc trên: cạnh tranh ở khâu phát điện, vị thế độc quyền của EVN trong việc cung ứng điện hiện nay sẽ bị phá bỏ, là một bước ngoặt lớn trong cải tổ ngành điện Việt Nam.
Tới nay, các nhà máy của EVN vẫn đang chiếm hơn 60% tổng cơ cấu nguồn điện cả nước. Trong tương lai gần, tỷ trọng này của EVN sẽ càng ngày bị thu hẹp, với sự ra đời của nhiều nhà máy điện ngoài EVN, thuộc các Tập đoàn khác hoặc nhà máy điện BOT.
-
Phạm Huyền