- Vẫn lỗ 500- 1.000 đồng/lít, nhiều đơn vị “tuyên bố chống lệnh”, không trích Quĩ bình ổn giá nữa và việc xả quĩ thì giống như chuyện con rắn đang ăn cái đuôi của mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tính đến ngày 14/5, so sánh giữa giá bán lẻ và giá cơ sở xăng dầu, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa lỗ nặng nhất.
Dầu diesel đang “âm” tới 1.430đồng/lít so với giá cơ sở, tỷ lệ chênh lệch là 9,8% giữa giá cơ sở và giá bán lẻ. Dầu hỏa “âm” 1.435 đồng/lít với tỷ lệ trên là 9,6%.
Mặt hàng xăng cũng đang "âm" 1.019 đồng/lít, tỷ lệ chênh lệch với giá cơ sở là 6%. Dầu madut lỗ nhẹ nhất là 587 đồng/kg, tương ứng tỷ lệ 4,5%.
Một lít xăng dầu vẫn phải gánh 300 đồng để trích Quĩ (ảnh: P.H) |
Nếu trừ 500 đồng/lít xăng và 400 đồng/lít dầu diesel và dầu hỏa được bù từ Quĩ bình ổn, doanh nghiệp vẫn còn lỗ khoảng 519 đồng/lít xăng, lỗ 970 đồng/lít và dầu hỏa còn lỗ khoảng 964 đồng/lít.
Đang lỗ, trích lập Quĩ bằng gì?
Nói chuyện xăng dầu thời điểm này, một vị chuyên viên kinh doanh của một công ty xăng dầu lớn nhất khu vực miền Nam “úp úp mở mở”: “Tôi biết, nhiều doanh nghiệp khác đã ngừng trích Quĩ từ đầu tháng 4 rồi. Đơn giản là vì lỗ quá!”
Theo Thông tư số 234 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá nếu không tuân thủ mức trích, thời gian ngừng trích, hoặc thời gian bắt đầu khôi phục lại mức trích. |
Ông cũng cho rằng, vì vẫn tiếp tục phải trích Quĩ, theo phép tính “cơ học”, thực tế, doanh nghiệp chỉ được “bù” 100- 200 đồng/lít để giảm lỗ thôi. Do đó, cách thức sử dụng Quĩ bình ổn hiện nay do Bộ Tài chính ban hành là nặng tính hình thức.
“Ba tháng qua, có thời điểm doanh nghiệp đã “ăn” cả vào vốn. Chuyện trích Quĩ chẳng qua là lấy tiền ở túi phải, lại bỏ qua túi trái. Cách này giống như chuyện con rắn ăn chính cái đuôi mình”, ông nói.
Không cứ là doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất hiện nay – Petrolimex cũng lúng túng, mù mờ với “lệnh” vừa cho xả, vừa cho trích lập Quĩ bình ổn của Bộ Tài chính.
“Không trích Quĩ bình ổn nữa là đúng!”, một lãnh đạo của Petrolimex khẳng định.
Vị này than thở: “Lãi gộp còn không đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thì làm sao mà có tiền trích lập Quĩ? Thường thì, chỉ khi nào có lãi, trừ chi phí kinh doanh ra, còn “vênh” ra một khoản lợi nhuận thì mới có thể có cái để trích Quĩ được!”.
Quĩ bình ổn xăng dầu cần được minh bạch, công khai (ảnh: Phạm Huyền) |
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục trích Quĩ bình ổn trong khi, giá thế giới xăng dầu vẫn cao ngất ngưởng, xăng dầu vẫn đang lỗ chỏng gọng thì thật vô lý và không có ý nghĩa! Petrolimex đã gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính xin hướng dẫn cụ thể về sử dụng Quĩ bình ổn nhưng đến nay chưa có hồi âm. Cần công khai tình hình sử dụng Quĩ bình ổn Trong gần 3 tháng qua, giá xăng dầu được ghi nhận cao nhất là ngày 4/5 với mức giá dầu diesel lên tới 99,5 USD/thùng và xăng A92 là 95 USD/thùng. Ngày 14/5, xăng A92 còn 85,40 USD/thùng, giảm khoảng 10USD/lít và dầu diesel là 91,14 USD/thùng, giảm tới 8,36USD/thùng so với 10 ngày trước. Tuy nhiên, bình quân 30 ngày, các mặt hàng này vẫn cao từ 90,5 USD- 95,07USD/thùng, còn cách khá xa so với mức 80-83 USD/thùng ở thời điểm ngày 21/2, xác lập giá bán lẻ hiện này. Vì vậy, cơ hội giảm giá bán lẻ xăng dầu hãy còn xa.
Khi nhắc đến tình hình chi tiêu Quĩ, các lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đều mở lời: “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ để báo cáo. Quan trọng không phải là việc chi ra bao nhiêu, thu bao nhiêu mà là vấn đề nguyên tắc sử dụng Quĩ như thế nào? Tôi khẳng định, quĩ này không phải là thu cho ngân sách và để bù lỗ cho doanh nghiệp mà là bù giá cho người tiêu dùng…”
Trong khi đó, một vị chuyên gia xăng dầu phía Nam bật mí: “Để ước tính về tình hình Quĩ thì không khó.”
Ví dụ, năm nay, trung bình mỗi tháng, tiêu thụ 1,3 tỷ lít xăng dầu các loại. Trong đó, 60% là xăng, 30% là dầu diesel và 2% dầu hỏa và 8% dầu madut và các loại khác.
Với mức 300 đồng/lít, kg trích Quĩ thì một tháng, Quĩ bình ổn có thêm 390 tỷ đồng. 5 tháng qua, tính từ ngày 15/12/2009 thì số dư Quĩ bình ổn phải là 1.950 tỷ đồng.
Chưa kể, Quĩ bình ổn đã được trích lập từ trước đó với số dư được Bộ Tài chính “áng chừng” trên 120 tỷ đồng.
Tính từ ngày ¼, Bộ Tài chính phát lệnh xả quĩ. Theo đó, trong 1,5 tháng qua, mặt hàng xăng có thể đã được được bù tới 585 tỷ đồng từ Quĩ. Mặt hàng dầu diesel có thể bù tới 234 tỷ đồng và dầu hỏa chỉ khoảng 15,6 tỷ đồng.
Vị chuyên gia này cho rằng, như vậy, mức xả Quĩ bình ổn hiện mới chỉ là khoảng 834,6 tỷ đồng và số dư của Quĩ vẫn còn ít nhất 1.115 tỷ đồng (chưa tính số dư Quĩ hình thành trước 15/12/2009).
Rõ ràng, với các con số trên thì dường như, vài thông tin nhỏ giọt, không chính thức, về mức chi tới 2.000 tỷ đồng tiền Quĩ bình ổn vừa qua của Cục trưởng Cục quản lý giá là khó hiểu!
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, những tính toán trên chỉ là lý thuyết, còn thực tế, các doanh nghiệp có trích Quĩ bình ổn như vậy không thì không ai biết! Chỉ khi Bộ Tài chính kiểm tra thì may ra mới sáng tỏ.
Thực chất, Quĩ bình ổn giá xăng là “móc” trực tiếp từ túi người tiêu dùng. Nhiều điều mà người tiêu dùng cần được biết như số dư Quĩ hiện là bao nhiêu? Từng doanh nghiệp đã chi dùng như thế nào và sau khi xả Quĩ thì Quĩ còn bao nhiêu tiền?
Đáng tiếc là, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp vẫn im lặng hòan toàn trước dư luận về tình hình sử dụng Quĩ này.
-
Phạm Huyền