221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1277308
Hết hồn du lịch dịp lễ 30/4-1/5
1
Article
null
Hết hồn du lịch dịp lễ 30/4-1/5
,

- Đổ xô đến các điểm du lịch ở miền Bắc, nhiều hành khách ăn "quả đắng" khi phải móc túi trả tiền với giá phòng gấp đôi, gấp ba ngày thường mà không khác gì... nhà trọ, ăn uống như bị nghẹn vì giá cao, cân "điêu"...

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ luôn kẹt xe trong những ngày lễ, tết (ảnh VNN)


Phát cáu vì bị hành xác

Một nhóm bạn gồm ba gia đình ở Thạch Cầu, Tư Đình và Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) đến sáng 30/4 mới quyết định đi du hý nhân kỳ nghỉ 4 ngày. Cân nhắc, so đo, cuối cùng cả nhóm quyết tâm về Đồ Sơn (Hải Phòng), mục đích chính là hít thở không khí biển.

Để được những phút giây quý hiếm đó, họ đã phải trả qua gần tiếng đồng hồ hít thở khói bụi, nóng nực khi giao thông tắc nghẽn trên đường 5 (đoạn chuẩn bị rẽ sang quốc lộ 1). Đến Đồ Sơn, phòng ốc chẳng còn, ba gia đình đành thuê tạm một nhà khách ở bãi 3 giá lên tới 2 triệu đồng/3 phòng/1 đêm.

"Nhà khách không khác gì nhà trọ. Phòng có điều hoà nhưng không chạy. Không có cả bàn uống nước, không tủ lạnh. Nhà tắm không có bồn, vòi hoa sen hỏng. Thiết bị hoen gỉ, cũ kỹ. Cả nhà chúng tôi tắm bằng cách múc từng gáo nước trong lavabo rửa mặt", chị Hương, một thành viên trong đoàn, ngao ngán.

Đến lúc đi ăn bữa tối ở nhà hàng G.N, cả đoàn gọi món cua biển. Giá cua đã đắt, lên tới 500.000 đồng/kg. Khi cân, khách đặt thử chai nước khoáng lên thấy thiếu so với chuẩn, biết ngay là điêu, chỉ 8 lạng mà tính những 1 kg. Với 1,4kg cua hôm đó, khách mất thêm hơn 200.000 đồng mà không thể cãi lại được với nhà hàng.

Trên đường về, một ông chồng phát cáu bởi rõ ràng cả đoàn đã biết sẽ gặp tình huống này nhưng vẫn "đâm đầu" vào, và lên tiếng trách cứ các bà vợ lúc lên xe chỉ biết nghĩ đến hai chữ "phải đi nghỉ" để bị hành xác.

Gia đình chị Thu đi Cát Bà mặc dù đã đặt phòng khách sạn từ cách đây nửa tháng nhưng không có nên liên tục phải check (kiểm tra) xem có ai huỷ để chen vào. Xe đã đông, các hãng đều bắt thêm khách, buộc người mua vé trước cũng phải ngồi ghế nhựa, với giá vé đắt đỏ 130.000-140.000 đồng/người/chiều. Tình cảnh này tái diễn cả chiều về.

Thậm chí, anh Lâm, một hành khách ở Hải Phòng quá cáu tiết đã to tiếng với nhà tàu, bởi dù anh đã chi hơn 1 triệu để mua thêm 4 vé trống cho trẻ con được ngồi thoải mái, song cả đoàn do xuống tàu muộn vẫn không còn chỗ. Nhà tàu còn bán thêm 30 vé ngoài khiến khách phải ngồi chen chúc, ngả ngốn rất nguy hiểm.

Chị Thu cho biết, giá khách sạn tại Cát Bà đắt gấp đôi ngày thường, chỉ đến ngày 3/5 thì mới hạ nhiệt. Bãi biển chật chội, đông nghẹt khách. Bất lợi nữa là năm nay thời tiết chưa nóng nên chị Thu cho hay nhảy xuống biển tắm mà như nhảy vào chậu nước đá, lúc xuống tắm hồng hào lên bờ xám ngoét, trẻ con đi về ốm cả.

Căng thẳng hơn nữa phải kể đến khách du lịch đi Quảng Ninh để tham dự Carnaval Hạ Long hay vào miền Trung (Sầm Sơn, Cửa Lò... ) nên tình trạng tắc đường kéo dài trên đường 5, quốc lộ 1 đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Xe to, xe nhỏ phải nhích từng tý một và tranh nhau làn đường trống.

Để được xem lễ hội du lịch Hạ Long, khách phải đi bộ hàng kilômet rồi lại lũ lượt rồng rắn trở về khách sạn, dẫn tới ùn tắc nghiêm trọng.

Ngược lại với tình trạng chen lấn này, tại các bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng... vợ chồng chị Ngân vừa đi Nha Trang về cho hay không gặp cảnh chen lấn xô bồ. Anh chị hài lòng nhờ tìm trước trên mạng các điểm ăn uống đạt đủ tiêu chí ngon, rẻ, bổ mà giá cả vẫn hợp lý.

Đi chơi về cũng thoả thuê là gia đình chị Hoa ở đường Nguyễn Trọng Tấn. Nhờ đặt được phòng ở resort Đà Nẵng trước cả tháng nên giá phòng đúng như niêm yết, bãi biển không hề đông đúc.

Tại sao khách mãi bị hành xác?

Lý giải tình trạng bóp chẹt, chặt chém du lịch dịp lễ du lịch 30/4-1/5, nhiều hành khách "tặc lưỡi" cho rằng đó là các vùng biển ở ngoài Bắc như Sầm Sơn, Cửa Lò, Quảng Ninh, Cát Bà, Đồ Sơn... do đặc thù khí hậu chỉ có 3-4 tháng hè là đông khách, trong khi mất nhiều tiền đầu tư nên các khách sạn, nhà hàng tranh thủ tận thu, bù chi.

Mô tả ảnh.
Carnaval Hạ Long nên diễn ra vào dịp khác, thay vì 30/4-1/5? (ảnh herevn)

Trong khi đó, miền Trung và miền Nam thời tiết ủng hộ nên có khách quanh năm, tình hình kinh doanh cũng đỡ hơn và khách tránh được tình trạng này.

Tuy nhiên, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, nói rằng đó chỉ là cách lý giải bao biện. Điều quan trọng ở đây là các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch địa phương lâu nay tỏ ra bất lực trước hiện tượng chặt chém với du khách.

"Họ có quyền tăng thu để bù chi, nhưng không phải quá đáng đến mức như bóc lột tiền của khách", ông nói.

Hơn nữa, vị phó giám đốc này cũng góp ý, tại sao các sự kiện du lịch như tổ chức lễ hội biển, carnaval Hạ Long không diễn ra vào những thời điểm vắng khách, mùa thấp điểm mà cứ nhằm vào đúng dịp 30/4-1/5 - vốn đã đông khách - khiến tình trạng quá tải luôn xảy ra, và khi cầu lớn hơn cung thì tình trạng chặt chém diễn ra là điều tất yếu.

Trước đây, Nha Trang cũng vấp phải tình huống này khi tổ chức Festiaval biển đúng vào dịp 30/4-1/5, nhưng giờ họ đã biết cách né và kéo khách khi tổ chức lễ hội vào dịp khác.

Một lãnh đạo công ty du lịch phía Nam cũng bức xúc khi tình trạng kẹt xe luôn xảy ra vào những ngày lễ mà vắng bóng cảnh sát giao thông (CSGT).

Vị này cho hay đoàn khách buổi sáng từ TP.HCM đi Phan Thiết, mặc dù đã đặt điểm ăn trưa gần hơn, nhưng phải đến 2-3h chiều mới được dùng bữa, chỉ khổ tụi trẻ khóc hoài vì đói. Ông thắc mắc hay vì là ngày nghỉ nên CSGT cũng nghỉ luôn nên cả trục đường đi miền Tây kẹt xe 4-5 tiếng liền, mà lẽ ra tại những điểm nóng, điểm "chết", họ phải túc trực ở đó và nghỉ bù vào những hôm khác?.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,